LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Quảng Trị:
18 năm, một ông đò gàn!

Những người cố tình không hiểu thì gọi ông là gàn, nhưng tất cả họ đều nói về ông với một lòng tri ân. Đưa học sinh đến trường, người ốm đau đi bệnh viện. 18 năm, với con đò nhỏ, ông Nguyễn Tu ở thôn Hạ Đồng, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị miệt mài tích đức trên dòng Ô Lâu. Ông chỉ tâm niệm một điều: “Vất vả một chút nhưng giúp được nhiều người, đời thế là vui”!

Vào mùa mưa, thôn Hạ Đồng như một ốc đảo, lụt ngập cả tháng trời, hàng trăm nhân khẩu trong làng chỉ biết đưa mắt nhìn biển nước. Lo nhất là người sinh nở hay đau ốm, Trạm y tế ở xa, đường đi khó khăn, đã không ít người chết oan vì không kịp đưa đi cấp cứu. Còn học sinh phải đi học nhờ các trường ở xã Hải Thành, Hải Thiện xa xôi cả chục kilômét, nhiều em bỏ học vì không thể đến trường. Một người đi chợ, cả xóm gửi mua đồ. 14 hộ dân thôn Hạ Đồng sống trong cảnh nghèo nàn, nhếch nhác. Chúng tôi theo chuyến đò của ông sang thôn và được nghe câu chuyện cảm động về ông đò gàn. “Nhìn tụi nhỏ phải bỏ học không đành lòng, vợ chồng tui bàn nhau bán mấy tạ thóc mua chiếc thuyền tôn nhỏ để đi lại, ngày 3 bữa, tui chở chúng nó đi. Có đứa đã vào học cấp 3 trên huyện”. Từ khi có con đò, học sinh trong thôn không còn phải ngâm mình trong nước khi đến trường nữa. Ông đi từng nhà vận động cho các em tiếp tục theo học, “nếu bọn trẻ con không có kiến thức, trình độ thì thôn Hạ Đồng muôn đời không thoát được cái đói, cái nghèo”, ông tâm sự.

Hàng ngày, dậy lúc 5 giờ sáng, ông lọ mọ chống thuyền đi vòng quanh làng để gọi từng đứa trẻ một, trước khi con thuyền nhỏ rẽ sóng sang sông. Những trận lụt nước ngập cả tháng trời, ông phải bỏ việc gia đình để đưa đò. “Có chi mô, mình vất vả một chút nhưng lại được rất nhiều. Rồi mai đây mấy đứa nhỏ nó được học hành tử tế là vui à”. Khắp thôn Hạ Đồng ai cũng nhắc tên ông đầy kính trọng. Mang ơn ông, người dân nghèo ở đây thỉnh thoảng chỉ có nồi khoai, nồi sắn hay mớ cá bắt được từ sông tươi rói. Bác Võ Văn Thế ở thôn Hạ Đồng nói: “Cả thôn này không ai có điện thoại. Có gia đình con đi xa gọi điện về nhà phải nhờ người thôn kế bên đi kêu mất nửa buổi, nhìn con đường cũng đủ ngán rồi. Trước đây trẻ con thất học nhiều lắm, may mà nhờ có chú Tu sớm hôm đưa đò. Chừ thì không ai phải bỏ học, ốm đau cũng có phương tiện rồi. Bà con nơi đây ai cũng chịu ơn chú. Những ngày sóng yên gió lặng thì không sao chứ vào những ngày mưa bão thật hết khổ”. “Có lần, thuyền đi được nửa đường thì gặp gió lớn. Tui trụ không nổi với nước chảy xiết. Thuyền bị trôi dần theo con nước, lúc đó ai cũng hoảng loạn la hét. Tui phải bảo các cháu ngồi yên rồi lựa chiều nước cho thuyền trôi một đoạn rồi tấp vào bờ, khi đó mới hoàn hồn. Nước lớn, gió to mà đi ngược chiều là lật đò liền”. Nhờ có con đò, ông đã cứu bao người ở thôn Hạ Đồng này thoát khỏi cửa tử trong gang tấc. Còn nhớ một đêm giữa năm 2003, ba người ngộ độc thức ăn khá nguy kịch, nước lũ thì ngập đồng, ông huy động bà con chuyển nạn nhân xuống thuyền, đưa lên bệnh viện cấp cứu kịp thời trong đêm và thoát chết. Điều làm ông Tu trăn trở nhất là tuổi già sức yếu không cho phép ông đưa đò mãi được, nếu những chuyến đò từ thiện không còn, thì sự nghiệp học hành của trẻ em thôn Hạ Đồng trôi về đâu. Ông trăn trở: “Cả thôn vẫn chưa có đứa nào được làm sinh viên cả. Tui thì mỗi ngày một già, biết khi nào con em của xóm được đến trường bằng cây cầu chắc chắn, nhỏ thôi cũng được!”. Anh Lê Văn Lục, Chủ tịch xã Hải Tân cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất lên huyện về hiện trạng đời sống của người dân ở Hạ Đồng. Từ năm 1990, xã đã gửi kiến nghị lên cấp trên đề nghị cho xây một cây cầu, nhưng kẹt nỗi kinh phí chưa có nên đành chịu. Mỗi mùa mưa, chúng tôi phải chi 2 triệu đồng dựng tạm cầu treo, được ít bữa thì nước cuốn, lại phải nhờ đến bác Tu”. Mùa mưa lũ đã qua, nhưng nói đến mưa lũ, người ta vẫn phải nhớ đến cảnh chiếc thuyền tôn nhỏ bé của ông đò gàn giữa dòng nước mênh mông! Đã 18 năm nay, ông là người duy nhất chèo đò ở bến sông này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!