LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Công ty cao su Hương Khê (Hà Tĩnh): BẤT LỰC NHÌN ĐẤT RỪNG BỊ XÂM CHIẾM TRÁI PHÉP



Gần 200 héc ta đất rừng thuộc xã Hòa Hải- Hương Khê (Hà Tĩnh) của Cty cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) bị người dân, trong đó có người nhà cán bộ xã tự ý xâm chiếm trồng cây trong nhiều tháng trời. Vụ việc đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện xã cùng các ngành chức năng đã nhiều lần kiểm tra tình hình, ra các văn bản khẳng định việc hàng chục hộ dân lấn chiếm sẻ phát hơn 150 héc ta tại tiểu khu 192 là trái phép. Tuy vậy, sau 6 tháng, sự việc dường như không có tiến triển.

Ông Phạm Hữu Nhân - Chủ tịch UBND xã Hòa Hải thừa nhận sự chậm trễ, bất lực trong việc quản lý dẫn đến tình trạng 55 hộ dân liên tục xâm chiếm trái phép đất rừng của Cty.


Cũng theo ông Nhân, sự việc đi quá xa và đã vượt qua tầm kiểm soát của xã. Và ngay cả UBND huyện cùng cơ quan chức năng cũng nhiều lần vào cuộc nhưng sự việc chẳng tiến triển được hơn.
Lãnh đạo xã Hòa Hải cũng đã bày tỏ sự không đồng tình với cách làm của người đứng đầu tổ công tác do huyện cử về. Ông Nhân cho biết, trước tình hình ngày càng phức tạp, ngày 10/4 thường trực huyện ủy đã lập tổ công tác do ông Lê Trần Sáng đứng đầu để chỉ đạo giải quyết.
Tuy nhiên, mãi san gần 1 tháng (4/5) ông Sáng mới bắt đầu về làm việc với xã để bàn phương án giải quyết. Và sự việc cũng không có gì tiến triển.
“Giờ tuyên truyền không có tác dụng nữa mà lực lượng của xã thì quá yếu. Cán bộ xã nhiều lần vào kiểm tra đã bị người dân dọa chém rồi nên rất cần sự vào cuộc thực sự từ các cơ quan chức năng ở huyện. ”, ông Nhân nói.
Theo ông Trần Thanh Hà - Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Cao su Hương Khê (Cty), năm 2012 UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép Cty CS HK thuê hơn 300 héc ta đất tại xã Hòa Hải, Hương Khê để trồng cao su.
Sau khi làm xong các thủ tục đầy đủ, nộp ngân sách 3,4 tỷ đồng, cuối tháng 11/2012, Cty cho công nhân đưa máy tiến hành công việc thì phát hiện 4 người dân xóm 11 đã tự ý phát hơn 15 ha rừng để trồng keo và ngăn cản Cty tiến hành công việc.
Sự việc liên tục được báo cáo cho chính quyền và cơ quan chức năng. Tỉnh huyện cũng đã ra nhiều văn  bản chỉ đạo xử lý kiên quyết việc lấn chiếm.
Mặc dù được sự “quan tâm” của một số cơ quan quản lý tuy nhiên trong thời gian tiếp theo sự việc lại trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng chục hộ dân kéo nhau vào rừng chiếm đất của Cty. Và đến nay đã có hơn 150 ha bị chiếm trái phép.
Không những lấn chiếm, khi Cty cùng lực lượng chức năng vào kiểm tra thì một số hộ dân còn ngang nhiên cản trở, dọa nạt công nhân Cty. Trong số đó có nhiều hộ là người thân của cán bộ xã.
Cũng theo ông Hà, lý do chủ yếu mà người dân đưa ra là họ muốn được giao rừng. Tuy nhiên thực tế tại xã đang còn hơn 400 ha đất rừng, xã và huyện vẫn đang rà soát để giao đất rừng cho dân. Trước tình hình trên, ngày 18/1/2013, PCT UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã ký văn bản số 231, có nội dung: Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Hương Khê chỉ đạo sâu sát, đồng bộ các giải pháp. Tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng xung đột, tranh chấp làm ảnh hưởng đến ANTT, ổn định tại địa phương.
Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, việc lấn chiếm của người dân là trái phép, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Huyện đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt, một mặt giải thích cho dân hiểu, giải quyết nhu cầu của người dân. Còn mặt khác củng cố hồ sơ vi phạm cần thiết sẽ tổ chức lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn, trục xuất toàn bộ người dân vào lấn chiếm trái phép.
“Kể cả đất rừng chưa giao cho DN thì người dân cũng không được phép tự ý lấn chiếm sẻ phát trồng cây. Đằng này khu vực này đã được tỉnh giao cho Cty cao su Hương Khê”, ông Tân nói.
Ông Tân cũng cho biết, sẽ tập trung giải quyết sự việc xong trước tháng 6. Cần thiết sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế diện tích đã bị xâm chiếm. Sau đó sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ liên quan, kể cả ở huyện.

Thông tin tiếp về sai phạm ở Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh:1,3 TỶ ĐỒNG KHÔNG PHẢI MỘT NGƯỜI LÀM MẤT



Như báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin trước đó, về những sai phạm của bà Nguyễn Thị Tuyết Anh- Chủ tịch Hội nông dân Hà Tĩnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về công tác quản lý cán bộ, từ đó dẫn đến thiếu đoàn kết nội bộ trong cơ quan; buông lỏng quản lý trong sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên, các chương trình dự án , có việc cố ý làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước… Từ đó để sai phạm trong quản lý kinh tế với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng. Liên quan đến những sai phạm của bà Tuyết Anh, là trách nhiệm của nhiều cán bộ thuộc cấp.

Theo nguồn tin và tài liệu mà PV báo Bảo vệ pháp luật có được, có đến 16 cá nhân có liên quan đến sai phạm của bà Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có cả Bí thư Chi bộ, Phó chủ tịch Hội nông dân tỉnh là ông Trần Trung Thành. Theo đó, ông Thành còn là Giám đốc, chủ tài khoản Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, đã thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện hợp đồng liên kết xuất khẩu 02 lô hàng với công ty cổ phần thương mại và phát triển quốc tế TNT; không lập biên bản giao nhận, thanh lý hợp đồng mua bán, tạo sơ hở, bất lợi trong thanh toán, chấp nhận cho công ty TNT đơn phương trừ tiền hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách với số tiền 264,4 triệu đồng, không những thế, ông Thành còn liên quan đến sai phạm trong việc không đưa vào hệ thống sổ sách kế toán cơ quan để quản lý hoạt động dịch vụ sản phẩm mây tre đan…Mặc dầu trước, Ban thường vụ Hội nông dân tỉnh đã có kết luận về việc ông Thành thôi giữ chức Giám đốc Trung, bàn giao nhiệm vụ tại Trung tâm… nhưng sau 01 năm thôi giữ chức Giám đốc, ông Thành vẫn chưa thực hiện bàn giao tài chính, tài sản.
Ngoài Bí thư Chi bộ, Phó chủ tịch Hội có liên quan đến sai phạm của bà Nguyễn Thị Tuyết Anh như đã nêu trên, thì một số Trưởng ban của Hội cũng không tránh khỏi. Như Trưởng ban xã hội Lê Thanh Ngọc, chịu trách nhiệm trong việc lập hồ sơ thanh toán không đúng thực tế, với số tiền sai phạm là 128,5 triệu đồng; Trưởng ban kinh tế, bà Trần Thị Minh Thư chịu trách nhiệm liên quan trong việc lập hồ sơ, thanh toán khống chi phí Hội nghị liên tịch vay vốn hộ nghèo 25,5 triệu đồng; Chánh văn phòng Hội, ông Trần Hữu Đức chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, lập hồ sơ quyết toán khống nguồn kinh phí dự án Oxfam Bỉ, lấy tiền chi sai mục đích... khiến phía Oxfam Bỉ kiểm toán, thu hồi 320,9 triệu đồng và 133 triệu đồng nguồn tiền của dự án chưa sử dụng, chấm dứt dự án trước 4 tháng so với thời gian đã ký kết.
Riêng ông Nguyễn Tiến Anh, quyền Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân lại có những sai phạm nghiêm trọng trong việc ký thanh toán không đúng thực tế một số chương trình tập huấn với số tiền lên đến 242,5 triệu đồng; chịu trách nhiệm trong việc để ngoài sổ sách kế toán số tiền 125,7 triệu đồng...
Về việc trích lập quỹ trái phép, chi sai nguyên tắc số tiền 431,4 triệu đồng, có trách nhiệm của ông Lê Hồng Thái, kế toán của đơn vị. Ngoài ra, còn là những sai phạm của các cá nhân khác như bà Trần Thị Minh- thủ quỹ cơ quan, ông Phan Văn Hùng, Phó văn phòng cơ quan, bà Phan Thị Lệ Hằng, Phó ban tuyên huấn cơ quan…
Với những sai phạm đó của bà Nguyễn Thị Tuyết Anh và 16 cán bộ thuộc cấp như đã nêu trên, có thể thấy rằng là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổ chức nghề nghiệp do Nhà nước quản lý, làm mất lòng tin của không chỉ người dân vào tổ chức, chính quyền, mà còn cả đối tác nước ngoài khi hỗ trợ, đầu tư các dự án có lợi cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mà điển hình là dự án Oxfam Bỉ. Thiết nghĩ, việc đề nghị kỷ luật người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính là bà Nguyễn Thị Tuyết Anh ở mức “cảnh cáo” là chưa đủ sức răn đe. Hiện dư luận đang chờ những động thái xử lý của chính quyền và cấp hội liên quan đối với những sai phạm của 16 cá nhân như đã nêu trên.

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Viết tiếp bài “Giám đốc sở y tế Hà Tĩnh bị tố “ăn” tiền chạy chức”:LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CỐ Ý LÀM TRÁI?

Bà Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh những ngày gần đây liên tục bị nhiều cán bộ trong ngành y tế tố cáo là “ăn” tiền chạy chức, nhưng nhận tiền mà chỉ hứa hảo. Không những thế, PV BVPL còn nhận được những nguồn thông tin cho rằng bà Ninh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cố ý làm trái trong vấn đề tuyển dụng viên chức vào ngành này.

Liên tục những thông tin tố cáo được gửi về văn phòng báo BVPL tại Hà Tĩnh tố cáo bà Phan Thị Ninh. Theo đó, trong thời gian từ khi nhậm chức Giám đốc đến nay bà Ninh đã tự cho mình cái quyền được quyết cho ai vào ngạch viên chức thì quyết, mà không cần tiến hành theo đầy đủ quy trình tuyển dung đã được quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP và sau này là Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng. Theo phản ánh, đã có hàng chục trường hợp được bà ký quyết định tuyển dụng kiểu như trên, điển hình là ngày 01/9/2010 bà đã ký quyết định tuyển dụng cô Đào Thị Vân Anh sinh ngày 20/4/1985 vào làm kế toán cao đẳng tại Trung tâm giám định pháp y. Qua điều tra được biết, Đào Thị Vân Anh được nhận vào làm hợp đồng tại sở Y tế từ năm 2007, đến đầu năm 2010 Hà Tĩnh thành lập Trung tâm pháp y, nhân sự ban đầu của Trung tâm chỉ mới có một Giám đốc và một Kế toán nên sở đã quyết định điều cô Anh về làm việc tại Trung tâm này. Không hiểu vì lý do gì mà sau khi quyết định điều cô về đây, bà Ninh đã ra một quyết định tuyển dụng cô vào ngạch chuyên viên, thời gian tập sự là 12 tháng. Nhưng theo thông tin chúng tôi có, kể từ năm 2008 đến năm 2010 ngành y tế chỉ có duy nhất một lần tổ chức tuyển dụng vào năm 2008 nhưng do sai phạm nên kết quả này bị hủy. Theo nguyên tắc là phải tổ chức lại theo quy trình và được sự đồng ý phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, do vậy mặc dù khi thành lập Trung tâm giám định pháp y, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho 10 suất viên chức nhưng chưa có cơ cấu chính thức theo quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP. Bên cạnh đó, trước khi có quyết định này, sở Y tế không hề thông báo rộng rãi như quy định mà im lặng làm và chỉ có đề nghị của hội đồng lương (gồm Giám đốc, Trưởng phòng tổ chức và cán bộ làm lương, hội đồng này là cố định hàng năm) sở y tế chứ không hề thành lập hội đồng tuyển dụng (Hội đồng tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức hoặc do người đứng đầu đơn vị được giao quyền tuyển dụng ra quyết định thành lập có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan được giao quyền tuyển dụng viên chức; Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của cơ quan được giao quyền tuyển dụng viên chức; Các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các tổ chức, đơn vị chuyên ngành của cơ quan được giao quyền tuyển dụng viên chức; Uỷ viên kiêm Thư ký Hội đồng là viên chức phụ trách công tác tuyển dụng của cơ quan, đơn vị.. và hội đồng này sau khi hoàn thành nhiệm vụ tự giải thể)

 Điều đáng nói ở đây là khi bà Phan Thị Ninh đặt bút ký quyết định tuyển dụng này, cô Đào Thị Vân Anh vẫn đang nghỉ sinh tại nhà ở phường Tân Giang- Tp.Hà Tĩnh. Vậy nguồn cơn nào mà cô Anh được bà Ninh đặc cách đến mức khó hiểu như vậy?
Tương tự như trên, trường hợp của cô Lê Thị Thanh Thủy sinh ngày 21/10/1983 hiện đang là cán bộ dược sỹ trung cấp của bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cũng được ký quyết định theo cảm hứng. Ngày 12/7/2012, bà Phan Thị Ninh lại ký một quyết định tuyển dụng cho cô Thủy, mặc dù trước đó từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2012 Ngành Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức một đợt tuyển dụng thì cô này không hề có trong danh sách trúng tuyển. Và sở cũng không hề thành lập lại hội đồng xét tuyển mà chỉ căn cứ vào đề nghị của Trưởng phòng tổ chức cán bộ. Căn cứ theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì quy trình tuyển dụng còn chặt chẽ hơn trước vậy nhưng các quyết định không thuộc quy chế nào vẫn xuất hiện ào ào.
Dựa theo đơn tố cáo và thông tin điều tra của pv, bà Phan Thị Ninh đã tiến hành bổ nhiệm một số chức danh thần tốc đến ngoạn mục. Ngày 12/12/2012, bác sỹ Phùng Đình Văn, trưởng khoa xét nghiệm của trung tâm phòng chống HIV/AIDS được bổ nhiệm lên Phó giám đốc trung tâm này. Ngày 13/3/2013, bà Ninh đã làm cho cả ngành y tế Hà Tĩnh sững sờ khi bổ nhiệm tiếp ông này từ Phó giám đốc lên Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Đây là việc làm “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử ngành y. Như vậy, trong vòng chưa đầy 3 tháng mà ông Văn từ một trưởng khoa leo 2 bậc lên giám đốc không cần qua thời gian thử thách trình độ và năng lực quản lý khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao ông Văn lại được bổ nhiệm với tốc độ “chóng mặt” như vậy...(!?).

Cũng theo thông tin từ sở Y tế, năm 2012, văn phòng sở Y tế Hà Tĩnh chi hụt ngân sách hơn 400 triệu đồng. Vì thế hóa đơn thanh toán các khoản tại đơn vị này đến nay chưa thanh toán được. Chỉ tính trong năm 2012 tiền chi riêng cho xăng dầu gần 400 triệu đồng và cộng các khoản liên quan đến lái xe khoảng 300 triệu đồng. Nhiều lần Giám đốc đi công tác bằng máy bay, nhưng lái xe vẫn bị điều động đến Hà Nội, Đà Nẵng để đón bà thử trưởng tại sân bay.
Nếu thực sự bà Phan Thị Ninh có những sai phạm như trên đã có thể kết luận bà lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái hay chưa? Câu hỏi này cần sớm được trả lời!
Đề nghị UB Kiểm tra tỉnh ủy và các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc quyết liệt hơn để làm sáng tỏ liệu bà Phan Thị Ninh và các cán bộ dưới quyền của bà sai phạm đến đâu nhằm mang lại niềm tin trong nhân dân cũng như tập thể cán bộ ngành y Hà Tĩnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những bằng chứng sai phạm của ngành y tế Hà Tĩnh tới quý bạn đọc ở những số báo tiếp theo.

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

SỞ Y TẾ HÀ TĨNH:GIÁM ĐỐC BỊ TỐ “ĂN” TIỀN CHẠY CHỨC



Phóng viên báo BVPL nhận được đơn một cán bộ ngành y tế Hà Tĩnh tố cáo bà Phan Thị Ninh- Giám đốc Sở Y tế tỉnh này có nhiều dấu hiệu sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ do “ăn” tiền chạy việc.
Lần theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Trường Sinh, Phó giám đốc Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm về một số sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ tại sở Y tế Hà Tĩnh PV chúng tôi đã có nhiều cuộc làm việc với các chức danh trong ngành y tế Hà Tĩnh có liên quan để xác thực những thông tin này. Theo đó, trước năm 2012 bác sỹ Nguyễn Quốc Trị làm trạm trưởng trạm y tế xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh, thuộc quân số hợp đồng dài hạn theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng tháng 1 năm 2012 ông Trị được sở Y tế đưa lên làm việc tại Trung tâm y tế dự phòng huyện Kỳ Anh, rồi được bổ nhiệm thẳng lên làm phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Kỳ Anh không qua thi tuyển công chức nhà nước.
Như vậy, từ một cán bộ hợp đồng không phải là viên chức, công chức nhà nước trong đơn vị sự nghiệp y tế lại được bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng. Mà theo quy định chức danh này phải là cán bộ thuộc biên chế viên chức, công chức nhà nước). Ông Trị không qua thi, tuyển mà đương nhiên được công nhận công chức và giữ chức vụ lãnh đạo của một đơn vị sự nghiệp hành chính là sai phạm nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ nghiêm trọng.
Ngày 14/5, ông Lê Văn Xuân giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Kỳ Anh cho biết:  ông Nguyễn Quốc Trị là bác sỹ chuyên tu, trước đây làm trạm trưởng trạm y tế xã Kỳ Lợi, từ tháng 1/2012 được điều lên làm ở Trung tâm y tế dự phòng huyện, sau đó  thì được bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện.
Ông cũng khẳng định “cán bộ y tế xã là hợp đồng 58 cả, hợp đồng dài hạn chứ làm gì có công chức, bác sỹ Trị có Quyết định của sở Y tế chuyển từ hợp đồng sang công chức mà không cần thi tuyển”.
Trường hợp của ông Hà Thanh Sơn- giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân, theo như tố cáo của ông Sinh và một số cán bộ Y tế tại bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân thì quá trình bổ nhiệm chức danh này cũng đã xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Theo Quyết định 27 của Thủ tướng chính phủ quy định quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thì quy trình lấy phiếu giới thiệu tín nhiệm đối với cán bộ được bổ nhiệm phải được thực hiện tại đơn vị sau khi có kết quả, người nào được anh em trong đơn vị tín nhiệm cao thì sở Y tế làm văn bản sang Huyện ủy đề nghị thỏa thuận, hiệp y. Sau khi có văn bản thỏa thuận của huyện ủy thì sở Y tế ra quyết định bổ nhiệm. Tuy nhiên, tại đơn vị này khi tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại đơn vị với thành phần là đội ngũ cán bộ cốt cán (trưởng phó các khoa phòng, đoàn thể) và ban chấp hành Đảng ủy. Bác sỹ Võ Văn Phong có tỷ lệ phiếu tín nhiệm áp đảo hơn hẳn bác sỹ Hà Thanh Sơn (bác sỹ Phong được 65% còn bác sỹ Sơn chỉ đạt 35%). Nhưng không hiểu tại vì lý do gì sở Y tế không chấp nhận kết quả trên mà đưa sang huyện ủy Nghi Xuân tiến hành bỏ phiếu lại (việc làm này hoàn toàn sai nguyên tắc trong quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo). Kết quả người có số phiếu tín nhiệm cao không được bổ nhiệm làm giám đốc mà người không được tín nhiệm cao lại được làm giám đốc.
Đồng thời về mặt cá nhân, ông Nguyễn Trường Sinh cũng có đơn tố cáo bà Phan Thị Ninh, giám đốc sở Y tế Hà Tĩnh mượn 450 triệu đồng của gia đình ông nhưng không chịu trả nợ. Theo ông Sinh “bà Ninh mượn tiền rồi lấy cớ hợp thức việc lo công việc cho tôi để trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Trong khi đó, chức vụ công tác hoàn toàn là do quá trình phấn đấu lao động của bản thân tôi, được tập thể cơ quan và cấp trên ghi nhận. Tôi đã gửi đơn tố cáo sự việc này lên Ban kiểm tra Tỉnh ủy rồi”.
Sự việc sai phạm đến đâu phải chờ thêm kết quả thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng liên quan. Nhưng để xảy ra sự việc một Giám đốc sở bị cán bộ cấp dưới đồng loạt lên tiếng tố cáo đã làm suy giảm nghiêm trong uy tín của ngành này tại Hà Tĩnh, mất niềm tin trong nhân dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những sai phạm và diễn biến tiếp theo của sự vụ.
Bá Thanh