LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Viết tiếp bài “Giám đốc sở y tế Hà Tĩnh bị tố “ăn” tiền chạy chức”:LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CỐ Ý LÀM TRÁI?

Bà Phan Thị Ninh – Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh những ngày gần đây liên tục bị nhiều cán bộ trong ngành y tế tố cáo là “ăn” tiền chạy chức, nhưng nhận tiền mà chỉ hứa hảo. Không những thế, PV BVPL còn nhận được những nguồn thông tin cho rằng bà Ninh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cố ý làm trái trong vấn đề tuyển dụng viên chức vào ngành này.

Liên tục những thông tin tố cáo được gửi về văn phòng báo BVPL tại Hà Tĩnh tố cáo bà Phan Thị Ninh. Theo đó, trong thời gian từ khi nhậm chức Giám đốc đến nay bà Ninh đã tự cho mình cái quyền được quyết cho ai vào ngạch viên chức thì quyết, mà không cần tiến hành theo đầy đủ quy trình tuyển dung đã được quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP và sau này là Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng. Theo phản ánh, đã có hàng chục trường hợp được bà ký quyết định tuyển dụng kiểu như trên, điển hình là ngày 01/9/2010 bà đã ký quyết định tuyển dụng cô Đào Thị Vân Anh sinh ngày 20/4/1985 vào làm kế toán cao đẳng tại Trung tâm giám định pháp y. Qua điều tra được biết, Đào Thị Vân Anh được nhận vào làm hợp đồng tại sở Y tế từ năm 2007, đến đầu năm 2010 Hà Tĩnh thành lập Trung tâm pháp y, nhân sự ban đầu của Trung tâm chỉ mới có một Giám đốc và một Kế toán nên sở đã quyết định điều cô Anh về làm việc tại Trung tâm này. Không hiểu vì lý do gì mà sau khi quyết định điều cô về đây, bà Ninh đã ra một quyết định tuyển dụng cô vào ngạch chuyên viên, thời gian tập sự là 12 tháng. Nhưng theo thông tin chúng tôi có, kể từ năm 2008 đến năm 2010 ngành y tế chỉ có duy nhất một lần tổ chức tuyển dụng vào năm 2008 nhưng do sai phạm nên kết quả này bị hủy. Theo nguyên tắc là phải tổ chức lại theo quy trình và được sự đồng ý phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tĩnh, do vậy mặc dù khi thành lập Trung tâm giám định pháp y, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho 10 suất viên chức nhưng chưa có cơ cấu chính thức theo quy định tại Nghị định 116/2003/NĐ-CP. Bên cạnh đó, trước khi có quyết định này, sở Y tế không hề thông báo rộng rãi như quy định mà im lặng làm và chỉ có đề nghị của hội đồng lương (gồm Giám đốc, Trưởng phòng tổ chức và cán bộ làm lương, hội đồng này là cố định hàng năm) sở y tế chứ không hề thành lập hội đồng tuyển dụng (Hội đồng tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức hoặc do người đứng đầu đơn vị được giao quyền tuyển dụng ra quyết định thành lập có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan được giao quyền tuyển dụng viên chức; Phó Chủ tịch Hội đồng là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của cơ quan được giao quyền tuyển dụng viên chức; Các ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo các tổ chức, đơn vị chuyên ngành của cơ quan được giao quyền tuyển dụng viên chức; Uỷ viên kiêm Thư ký Hội đồng là viên chức phụ trách công tác tuyển dụng của cơ quan, đơn vị.. và hội đồng này sau khi hoàn thành nhiệm vụ tự giải thể)

 Điều đáng nói ở đây là khi bà Phan Thị Ninh đặt bút ký quyết định tuyển dụng này, cô Đào Thị Vân Anh vẫn đang nghỉ sinh tại nhà ở phường Tân Giang- Tp.Hà Tĩnh. Vậy nguồn cơn nào mà cô Anh được bà Ninh đặc cách đến mức khó hiểu như vậy?
Tương tự như trên, trường hợp của cô Lê Thị Thanh Thủy sinh ngày 21/10/1983 hiện đang là cán bộ dược sỹ trung cấp của bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cũng được ký quyết định theo cảm hứng. Ngày 12/7/2012, bà Phan Thị Ninh lại ký một quyết định tuyển dụng cho cô Thủy, mặc dù trước đó từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2012 Ngành Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức một đợt tuyển dụng thì cô này không hề có trong danh sách trúng tuyển. Và sở cũng không hề thành lập lại hội đồng xét tuyển mà chỉ căn cứ vào đề nghị của Trưởng phòng tổ chức cán bộ. Căn cứ theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP thì quy trình tuyển dụng còn chặt chẽ hơn trước vậy nhưng các quyết định không thuộc quy chế nào vẫn xuất hiện ào ào.
Dựa theo đơn tố cáo và thông tin điều tra của pv, bà Phan Thị Ninh đã tiến hành bổ nhiệm một số chức danh thần tốc đến ngoạn mục. Ngày 12/12/2012, bác sỹ Phùng Đình Văn, trưởng khoa xét nghiệm của trung tâm phòng chống HIV/AIDS được bổ nhiệm lên Phó giám đốc trung tâm này. Ngày 13/3/2013, bà Ninh đã làm cho cả ngành y tế Hà Tĩnh sững sờ khi bổ nhiệm tiếp ông này từ Phó giám đốc lên Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Đây là việc làm “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử ngành y. Như vậy, trong vòng chưa đầy 3 tháng mà ông Văn từ một trưởng khoa leo 2 bậc lên giám đốc không cần qua thời gian thử thách trình độ và năng lực quản lý khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao ông Văn lại được bổ nhiệm với tốc độ “chóng mặt” như vậy...(!?).

Cũng theo thông tin từ sở Y tế, năm 2012, văn phòng sở Y tế Hà Tĩnh chi hụt ngân sách hơn 400 triệu đồng. Vì thế hóa đơn thanh toán các khoản tại đơn vị này đến nay chưa thanh toán được. Chỉ tính trong năm 2012 tiền chi riêng cho xăng dầu gần 400 triệu đồng và cộng các khoản liên quan đến lái xe khoảng 300 triệu đồng. Nhiều lần Giám đốc đi công tác bằng máy bay, nhưng lái xe vẫn bị điều động đến Hà Nội, Đà Nẵng để đón bà thử trưởng tại sân bay.
Nếu thực sự bà Phan Thị Ninh có những sai phạm như trên đã có thể kết luận bà lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái hay chưa? Câu hỏi này cần sớm được trả lời!
Đề nghị UB Kiểm tra tỉnh ủy và các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc quyết liệt hơn để làm sáng tỏ liệu bà Phan Thị Ninh và các cán bộ dưới quyền của bà sai phạm đến đâu nhằm mang lại niềm tin trong nhân dân cũng như tập thể cán bộ ngành y Hà Tĩnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những bằng chứng sai phạm của ngành y tế Hà Tĩnh tới quý bạn đọc ở những số báo tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!