LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

CHUYỆN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở HUẾ:Kỳ 2: XE BỊ CẤM VẪN VÀO THÀNH PHỐ NHƯ NÊM!

Cũng như nhiều thành phố khác, Huế cấm các xe tải trên 8 tấn và xe khách không có hợp đồng tuyến nội thành vào thành phố mà phải đi qua đường tránh, thế nhưng trên thực tế lượng xe này vẫn vào được thành phố ngày càng nhiều. Và, với đặc điểm địa hình cũng như tình trạng tham gia giao thông ở nội thành của thành phố này, việc góp mặt của lượng xe trên đã gây ra không ít bất lợi và một số vụ tai nạn gt nghiêm trọng thời gian qua.

Xe bị cấm vẫn vẫn chạy trên cầu Phú Xuân

8g sáng 8-7, trên quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Hương An, thị xã Hương Trà (TP.Huế) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm một nữ thí sinh chết trên đường đi làm thủ tục dự thi đại học. Thí sinh xấu số được xác định là Nguyễn Thị Thúy An (18 tuổi, quê ở xã Gio Bình, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Thúy An đăng ký dự thi khối B vào ngành Nuôi trồng thủy sản Trường ĐH Nông lâm Huế. Những người chứng kiến vụ tai nạn cho biết, Thúy An được người chị gái chở xe máy từ nội thành Huế ra Trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà) để làm thủ tục dự thi vào ĐH Huế. Khi gần đến địa điểm thi, xe máy chị em Thúy An quẹt vào một xe đạp đi cùng chiều nên xe và người ngã ra đường. Lúc này, xe khách đi phía sau trờ tới, cán qua phần đầu làm Thúy An chết tại chỗ. Xe khách gây tai nạn là nhà xe Xuân Truyền chạy tuyến Bến xe Miền Đông- Quảng Bình, đã vi phạm lỗi đi vào đường cấm TP Huế.
Vấn đề đặt ra là tại sao xe này chạy tuyến ngoại tỉnh và không có hợp đồng vận tại nội thành Huế vẫn có thể đi qua nội thành, mặc dù hai đầu thành phố Huế có đặt hai chốt tuần tra cố định của phòng CSGT Thừa thiên Huế. Để khẳng định việc có thể "trốn" qua thành phố Huế bằng "chi phí cao" như báo Bảo Vệ Pháp Luật đã thông tin ở kỳ 1, PV báo BVPL quyết tâm đặt máy quay thâu đêm liên tục một tuần tại đoạn vào TP Huế gần bến xe phía Bắc (Bắc Huế) và trước cổng bến xe phía Nam (Nam Huế).
Đêm 25-7, chờ qua 0h nhóm chúng tôi lên đường 2 người đi phía Nam, 2 người đi phía Bắc. Thời điểm chúng tôi bắt đầu quay, đủ các loại xe tải bọc bạt 3,4 hàng bánh, xe khách Bắc-Nam, Container đua nhau rầm rầm qua thành phố, đặt máy quay tại điểm Nam Huế được chừng 10 phút một Container biển KS moọc 51R-406… tưởng chúng tôi bắn tốc độ dừng lại xin làm luật, đưa chúng tôi một tờ giấy gấp phía trong 2 trăm ngàn, quá bất ngờ không nhịn được chúng tôi bật cười xem xong trả lại bảo "thôi đi đi", cậu "lơ xe" trẻ tuổi mừng quýnh cảm ơn rối rít chạy đi.
Chiếc xe tải mang BKS 81M… bị chốt trực Nam cầu Phú Xuân
dừng kiểm tra giấy tờ
 Còn phía Bắc, sau khi đặt máy quay được chừng 20 phút, với đủ các loại xe bị cấm vẫn nối đuôi nhau chạy vào và ra, kể cả xe chở cây keo quá khổ cũng vào vô tư, bỗng thấy một lão xe ôm lượn đi lượn lại quanh chúng tôi mấy vòng rồi mất hút, sau khoảng 5 phút không còn thấy xuất hiện bóng một xe nào vào từ phía Bắc.
Biết mình đã bị lộ chúng tôi quyết định chuyển chỗ về trong nội thành, gã xe ôm lại xuất hiện bám theo, tưởng chúng tôi về nên sau đó một lúc lại thấy hàng chục xe vào, trong đó có đến cả chục chiếc Container 4 hàng bánh rầm rập đi qua. Quay đến 3h sáng chúng tôi quyết định rút quân, về phòng nằm lỳ trong phòng cả ngày hốm đó vì từ sáng sớm đã xuất hiện một người đóng giả xích lô nằm theo dõi trước cổng khách sạn.

Xe bị cấm vượt qua chốt giao thông Nam cầu Phú Xuân
 17h30 ngày 26-7, ra khỏi phòng chúng tôi cố tình đi qua gã xích lô nằm canh từ sáng sớm hỏi to "nhậu quán nào đó, đi trước dẫn đường không lạc thì gay…". Nghĩ chúng tôi đi nhậu sẽ về muộn, các chú CSGT hôm nay cho xe vào sớm hơn mọi ngày, 20h chúng tôi có mặt tại chân cầu Phú Xuân (nội thành Huế) chứng kiến cảnh hàng đoàn xe nối đuôi nhau vào ra qua cầu như nêm. Ngay chân cầu Phú Xuân có chốt đèn đỏ, toàn bộ những xe qua đây thuộc diện cấm, chúng tôi ghi lại được đều là xe ngoại tỉnh. Tại chốt đèn đỏ này có 2 đồng chí CSGT thuộc đội CSGT Thành phố Huế trực, thêm một điều bất thường cần suy nghĩ, lúc 21h30 sau khi 2 đồng chí này dừng một xe tải bọc bạt đường dài kiểm tra giấy tờ xong cho đi thì phát hiện ra chúng tôi đang đặt máy quay nên cả 2 cùng vội vàng lên xe máy bỏ chốt trực (theo quy định phải đến 22h mới hết ca) chạy luôn. Khoảng 15 phút sau sự việc trên, cả 2 đầu đều không còn thấy xe bị cấm nào xuất hiện nữa, chính điều này làm chúng tôi càng khẳng định hơn những điều mà cánh lái xe đường dài kể khi đi qua đây.
Chỉ mới 2 lần đặt máy, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm xe bị cấm đua nhau vào thành phố, đặc biệt là những xe này được vào khi nội thành người tham gia giao thông vẫn rất đông gây ra sự lo ngại về mối nguy mất an toàn.
Vấn đề đặt ra là 2 tổ công tác tuần tra của CSGT ở 2 đầu thành phố đã kiểm tra kiểu gì mà xe gặp chốt vẫn dừng và vẫn vào được nội thành? Và các đồng chí CSGT này không biết có nắm được nội dung quy định CSGT khi tuần tra kiểm soát giao thông hay không, vì qua quan sát chúng tôi thấy việc kiểm tra của họ bỏ qua hết mọi quy trình được quy định trong pháp lệnh công an nhân dân?
(Còn nữa)

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

CHUYỆN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở HUẾ:Kỳ 1: "TRỐN" QUA THÀNH PHỐ BẰNG…"CHI PHÍ CAO"!

Chỉ về phía đường tránh Huế, lái xe nhìn nhau ngao ngán, không ai bảo ai tất cả các xe tải hạng nặng, container về tới gần thành phố Huế lúc cuối buổi chiều đề dừng lại nằm chờ cơ hội để trốn qua nội thành. Chấp nhận "chi phí" cao hơn bình thường để bảo vệ xe và tiết kiệm thời gian, xe khách đường dài, xe tải, container đều chọn qua Huế vào ban đêm để mong thoát khỏi "cung đường bão táp".
2 giờ sáng, leo lên một chiếc container chở 40 tấn mủ cao su tuyến Tây Ninh - Lào Cai để thử vượt hơn 35km đường tránh Huế xem vì sao các xe lại "ngán" cung đường này, chúng tôi đã được "mục sở thị" đoạn đường "bão táp" này. Suốt chiều dài hơn 35km không có nổi một điểm bình yên, xe lắc lư liên tục, thỉnh thoảng lại lao lên rồi gằn xuống mặt đường như ai ném, chạy được khoảng 10km bỗng nghe rầm một tiếng, giật mình tưởng nổ lốp, vội phanh xe để kiểm tra nhưng phanh hơi mất tác dụng, hoá ra bầu hơi bung.
Gọi được thợ sửa chữa, loay hoay hơn một tiếng mọi việc mới xong, thấy ông thợ phủi tay cười bảo "5 củ anh ơi"(5 triệu), tôi tưởng mình nghe không rõ hỏi lại thì được giải thích là "3,5 triệu tiền bầu hơi là giá chung, còn đêm hôm khuya khoắt thế này tiền công em lấy rẻ anh 1,5 triệu là hữu nghị rồi". Miệng đánh chép một cái rút tiền ra trả, lão lái xe làu bàu: biết thế này chịu mất triệu bạc đi đường thành phố cho xong.
Băn khoăn vì câu nói như vô tình, sau khi lên xe đi tiếp được một lúc, vừa như cố giữ để ruột mình không vắt lên cổ, vừa dò hỏi lại câu nói cáu kỉnh kia, lão lái xe biết chúng tôi làm báo nên ngại ậm ừ định không nói nhưng rồi bảo: nếu không vấn đề gì thì đi đường này chỉ mất 2 lít (2 trăm ngàn), còn vào thành phố thì đầu trong 5 lít, đầu ngoài 3 lít, đi vào thì ngược lại, lần sau xin chừa cái đường này thôi. Tôi cười hỏi tiền gì mà mất 8 trăm với 2 trăm là sao, lão lái xe nhìn tôi trân trối rồi cười bảo: tiền luật chứ tiền gì, nhà báo thì lạ gì mà giả vờ hỏi em, rồi lão cười.
Chưa kịp tắt nụ cười bỗng lại rầm, rầm, rầm, mọi người như lao lên, hóa ra trong lúc nói chuyện lơ đễnh nên xe lao vào một ổ gà to như con voi nằm giữa đường. Xót xe, lão tài mặt lại xịu xuống, không ai giám hỏi gì thêm.
Sau 3 tiếng đi đường và hơn 1 tiếng sửa xe, cuối cùng thì chúng tôi cũng được dừng ăn sáng khi qua ngã ba Tứ Hạ, ăn xong chia tay, chúng tôi trở lại thành phố Huế để xem xét lại những điều mình băn khoăn mà chưa kịp hỏi.
Mượn một chiếc xe máy, chúng tôi quay trở lại đường tránh để lấy hình ảnh, quả thật ban ngày mới thấy hết nỗi thống khổ của lái xe đường dài khi đi qua đoạn này, bụi mù trời, liên tục ổ gà, ổ voi nối tiếp nhau, xe máy còn khổ nói gì ô tô.
Không hiểu cơ quan chức năng có liên quan ở thừa thiên Huế đã làm gì nhưng 5-6 năm nay chỉ có hơn 35km đường tránh này đã hành hạ không biết bao nhiêu lượt người tham gia giao thông qua đây. Liệu Huế đang bất lực hay "sống chết mặc bay…", thỉnh thoảng đi qua đây thấy một vài công nhân bưng từng rổ đá trộn nhựa trám trám, vá vá theo kiểu vá quần ăn mày. Có lẽ đây là "bài" của công ty quản lý đường bộ để đánh tiếng là vẫn đang sửa chăng?
Thiết nghĩ, để xây dựng con đường này, một lượng tiền khổng lồ của nhà nước đã đổ vào đây, và dù là vốn BOT của một tập đoàn nào đó bỏ vào xây dựng thì hằng ngày hàng nghìn chuyến xe qua đây vẫn bị thu phí. Vậy, xin hỏi kinh phí bảo trì được trích ra trong tổng kinh phí dự án và phí bảo trì có trong vé mỗi xe mua khi qua trạm thu phí để đâu mà đường hỏng không ai sửa?
Không những thế, bên cạnh câu chuyện về những con đường ở Huế, đã xuất hiện thêm một số vấn đề làm người ta phải đặt câu hỏi. Đó là việc phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh thừa thiên Huế đã cho thành lập 5-6 tổ tuần tra kiểm soát, thường xuyên túc trực trên đường có đem lại hiệu quả gì không?
Chúng tôi sẽ thông tin tới quý bạn đọc ở kỳ tiếp.

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Hà Tĩnh: Lợi dụng cơ chế ưu đãi, nhiều doanh nghiệp cố tình trốn thuế?

Công ty CP Khách sạn Ngân Hà đang lợi dụng vào những chính sách ưu đãi của tỉnh Hà Tĩnh và hợp đồng thuê đất sai quy định để cố tình chây ì, trốn nộp tiền thuê đất. Theo đó từ năm 2001 đến nay, công ty này mới chỉ đóng nộp có 19,3 triệu đồng tiền thuê đất. Rõ ràng, với khu đất “vàng” tại phường Trần Phú, tỉnh chỉ thu được hơn 19 triệu đồng là điều khó có thể chấp nhận.

Khách sạn Ngân Hà

Theo điều tra của phóng viên, trong quá trình quản lý thu tiền thuê đất của Công ty CP Khách sạn Ngân Hà (số 158 đường Trần Phú. TP Hà Tĩnh) việc ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất theo Giấy chứng nhận ưu đãi và hợp đồng thuê đất là không hợp với quy định, làm ảnh hưởng đế việc thu tiền thuê đất, ưu đãi, miễn giảm đối với công ty này. Việc này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra và kiến nghị với UBND tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2007 về việc ưu đãi đầu tư của Công ty CP khách sạn Ngân Hà là trái pháp luật, đồng thời hợp đồng thuê đất giữa công ty này và Sở Địa chính Hà Tĩnh (nay là Sở TN-MT) không đúng với quy định.
Cụ thể, tại hợp đồng số 03-HĐ/TĐ ngày 18/4/2001 được ký giữa Sở Địa chính Hà Tĩnh (Sở TNMT) và Xí nghiệp Dịch vụ - Du lịch Hùng Vương (nay là Công ty CP Khách sạn Ngân Hà) để xí nghiệp này thuê 2.300m2 ở phường Trần Phú – TP Hà Tĩnh. Trong hợp đồng có ghi: Giá tiền thuê đất tính bình quân cho 5 năm đầu là 3.383,3 đồng/m2/năm; giá thuê những năm còn lại của dự án là 5.600 đồng/m2/năm.
Như vậy, hợp đồng này đã có những điều khoản chưa đúng với quy đinh tại Thông tư số 35-2001/TTBTC ngày 25/5/2001 và khoản 2, điều 9 Nghị định số 142/2005/NDD-CP. Nghị định này quy định: “Dự án thuê đất trước ngày 1/6/2006 mà nộp tiền thuê đất hàng năm thì nay phải điều chỉnh lại đơn giá theo quy định tại điều 4, 5, 6 Nghị định này và áp dụng kể từ ngày 1/6/2006. Vả lại, bên thuê đất, tức Công ty CP Khách sạn Ngân Hà không thể được hưởng mức giá 5.600 đồng/m2/năm (một mức giá không phù hợp) cho hàng chục năm về sau. Theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, doanh nghiệp chỉ được hưởng mức giá ổn định trong 5 năm và phải điều chỉnh phù hợp cho 5 năm tiếp theo.

Văn bản đòi nợ thuế của chi cục thuế
TPHT gửi KS Ngân Hà

Còn nữa, khi đầu tư xây dựng Khách sạn Ngân Hà vào thời điểm đó, Công ty CP Khách sạn Ngân Hà được hưởng ưu đãi đầu tư của tỉnh theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 821 – GCN/UB-TM ngày 6/5/2005 trong đó ghi: Công ty được miễn tiền thuê đất trong 8 năm (3 năm theo Nghị định 51 và 5 năm theo Quyết định 844 của UBND tỉnh) và giảm 50% tiền thuê đất trên diện tích đường đi, khu thể thao, sân vườn, cây cảnh (cùng không ghi thời hạn được giảm trong bao lâu. Điều này cũng lặp lại với hợp đồng số 23/2006/HĐTĐ ngày 29/5/2006 đơn vị này tiếp tục thuê của tỉnh 2.880m2 ở cạnh vị trí trên để xây khách sạn. Theo đó, Công ty CP Khách sạn Ngân Hà tiếp tục được miễn tiền thuê đất trong 5 năm và giảm 50% cho 3 năm tiếp theo toàn bộ diện tích mở rộng. Ngoài ra công ty này còn giảm 50% tiền thuê đất trên diện tích đường đi, khu thể thao, sân vườn, cây cảnh (cùng không ghi thời hạn được giảm trong bao lâu.
Rõ ràng, những ưu đãi này là không đúng với quy định tại Thông tư số 35/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính. Bởi theo quy định Công ty CP Khách sạn Ngân Hà chỉ được hưởng một mức miễn hoặc giảm cao nhất chứ không được hưởng cả hai cùng một lúc như trong giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, Ngoài ra, công ty này không thể được giảm 50 tiền thuê đất trên diện tích đường đi, khu thể thao, sân vườn, cây cảnh trong thời gian dài mà phải ghi rõ thời hạn được giảm trong bao lâu.
Lợi dụng sự lỏng lẽo, thiếu tính pháp lý của những hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận ưu đãi trên mà từ năm 2001 đến nay, Công ty CP Khách sạn Ngân Hà mới chỉ nộp vỏn vẹn hơn 18 triệu đồng tiền thuê đất. Theo thông báo tiền nợ và tiền phạt nộp chậm ngày 10/7/2012 của Chi cục Thuế TP. Hà Tĩnh gửi Công ty CP Khách sạn Ngân Hà thì doanh nghiệp này đang nợ 811.181.900 đồng tiền thuê đất.
Làm viêc với ông Lê Quang Hiếu – Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Hà Tĩnh, ông này cho biết, sau khi nhận thấy những bất cập trên, đơn vị đã xác định phần đất cũ 2.300m2 của Công ty CP Khách sạn Ngân Hà chỉ được miễn tiền thuê đất 5 năm theo mức cao nhất. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh lại Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 821 – GCN/UB-TM ngày 6/5/2005 cho phù hợp. Chi cục Thuế TP. Hà Tĩnh đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng Hà Tĩnh và có văn bản đôn đốc, nhưng Công ty CP Khách sạn Ngân Hà luôn chây ì, chống đối, không chấp hành nghĩa vụ nộp tiền thuê đất. Hành vi này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện công tác thu ngân sách của nhà nước, làm mất công bằng giữa các doanh nghiệp dẫn đến sự bất bình, mất ổn định của các tổ chức thuê đất trên địa bàn.
Chi cục Thuế TP. Hà Tĩnh thừa nhận, Công ty CP Khách sạn Ngân Hà chống đối một phần do hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư còn có sự chồng chéo và trái với quy định của pháp luật. Khi cơ quan thuế phát hiện, đã nhiều lần kiến nghị điều chỉnh thì công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan thiếu đồng bộ và chưa dứt khoát.



Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Hà Tĩnh:Chủ trương phải thuận theo sở thích? Kỳ 1: THUÊ ĐẤT 10 NĂM CHỈ ĐỂ CHƠI

Ngày 13 tháng 5 năm 2004, U BND tỉnh Hà Tĩnh do ông Lê Văn Chất, phó chủ tịch thường trực ký quyết định số 810 QĐ/UB-LN3 thu hồi 92.600m2 đất nông nghiệp và đất hoang tại khu vực Ô Sả, xã Thạch Linh, thị xã Hà Tĩnh (nay TP Hà Tĩnh) cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Hà Tĩnh (CTCPXD&DLHT, số 1, đường Nguyễn Công Trứ, thị xã Hà Tĩnh) thuê đất trả tiền hàng năm sử dụng vào mục đích xây dựng Khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi cá nước ngọt.

10 năm nay cứ mỗi lần đến kỳ họp hội đồng nhân dân tỉnh khu đất này lại
xuất hiện vài cái máy ủi và một ít công nhân sửa chữa kiểu thế này và
nói rằng đang thi công

Có được quyết định này ngày 02 tháng 11 năm 2005, công ty này lại làm tờ trình số 26TT/CT xin chuyển toàn bộ lô đất này sang hình thức giao đất thì ngày 27 tháng 12 năm 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh có tờ trình số 925 CV/QH-STN.MT gửi lên UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh ra quyết định cho phép CTCPXD&DLHT chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất và cùng ngày 27 tháng 12 năm 2005,thay mặt UBND Tỉnh Hà Tĩnh ông Trần Minh Kỳ ra quyết định số 2620/ 2005/QĐ-UBND cho phép CTCPXD&DLHT được chuyển lô đất trên từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất (thời hạn 50 năm) với mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi cá nước ngọt…

Cổng vào khu sinh thai

Từ việc xây dựng đề án đến làm thủ tục xin cấp đất xây dựng khu du lịch sinh thái tại phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh của CTCPXD&DLHT được diễn ra trong thời gian chớp nhoáng như vậy khiến nhiều người dân không khỏi nghi ngờ, khen ngợi doanh nghiệp này chắc được sự “sủng ái” của các cấp lãnh đạo mới thực hiện thủ tục nhanh như vậy. Người dân tin tưởng khu sinh thái này sẽ sớm triển khai, đưa vào sử dụng để đáp ứng nhu cầu vui chơi, ăn nghỉ cho người dân trong và ngoài tỉnh. Công ty này hoạt động cũng sẽ đóng góp một khoản thuế không nhỏ cho địa phương nhằm xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển cho thành phố…
Vậy nhưng theo tìm hiểu của PV, Khu sinh thái Thạch Linh, TP Hà Tĩnh rộng gần chục hec ta đất triển khai gần 10 năm trôi qua nhưng chưa đưa lại điều gì,cũng không bị tỉnh Hà Tĩnh thu hồi, trong lúc đó người dân đang có nhu cầu đất ở, đất sản xuất thì không có.
Ông Trương Văn Tư, khối trưởng khối phố Hợp Tiến, phường Thạch Linh phản ánh, khu sinh thái này là đất hai lúa và đất khai hoang của người dân ba xóm (Bắc Tiến, Nam Tiến, Hợp Tiến) năm 2003 bị thu hồi làm khu du lịch sinh thái nhưng người dân chỉ được đền một vụ lúa theo giá trị hoa màu trên đất đang sản xuất còn không được đền bù tiền đất bị thu. “Hồi đó, chúng tôi đang canh tác trên phần đất được giao thì nghe nói xã (nay phường Thạch Linh- PV) đã cho doanh nghiệp thuê toàn bộ khu đất này 50 năm với giá chỉ 50 triệu đồng, số tiền này dùng vào đâu thì không ai hay còn chúng tôi thì bị thu trắng đất mà không được đền bù… “- ông Tư nhớ lại.

Cái gọi là hồ nuôi cá nước ngọt này không biết đã đem lại bao nhiêu hiệu quả? 
 Ông Võ Văn Chung, khối trưởng khối phố Bắc Tiến, phường Thạch Linh bức xúc: “Nói xây dựng dự án nhưng thực ra để giữ khu đất trị giá hàng trăm tỷ đồng giữa lòng thành phố này thì có. Gần 10 nay rồi mà dự án chỉ dựng được mấy chòi nhà với đào được mấy cái ao chứ có triển khai gì đâu. Chúng tôi muốn vào trong xem thế nào cũng không được vì doanh nghiệp cho xây tường cao kín mít, bố trí người canh mật nghiêm khắc… tại các cuộc tiếp xúc cử tri đến các cuộc họp chi bộ chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng mọi việc vẫn im lìm vậy…”.
Ông Phạm Hữu Thao, chủ tịch UBND phường Thạch Linh lo lắng: “CTCPXD&DLHT xây dựng khu sinh thái nhưng đến nay chưa phát huy được hiệu quả không chỉ làm nhà nước thất thu mỗi năm mà tình hình ANTT địa bàn cũng không kém phức tạp. Là một dự án triển khai trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương không được phép vào kiểm tra. Bên trong doanh nghiệp triển khai như thế nào hay làm gì trong đó cũng không hề hay biết….”.
Còn ông Trần Thế Dũng – CTUBND TP Hà Tĩnh cũng không khẳng định được dự án này có hiệu quả hay không (?). Ông Dũng cho rằng, gần 10 năm qua doanh nghiệp có triển khai xây dựng mấy nhà kho, trồng một số cây và đào một số ao hồ trong đó… còn hiệu quả hay không thì thẩm quyền thuộc về UBND tỉnh. Việc cấp đất, làm dự án thuộc về UBND tỉnh nên thành phố không đủ thẩm quyền để kiểm tra…

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

LÀM LẠI CUỘC ĐỜI BẰNG...MA TÚY

Khi chủ tọa phiên tòa tuyên Nguyễn Thị Hạnh (SN 1969) ở TP. Vinh (Nghệ An) tử hình, Nguyễn Cảnh Chiến, đứa con trai duy nhất của Hạnh nhận án chung thân, thị đỗ gục xuống, khuôn mặt nhợt nhạt chứ không lì lợm như lúc bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang vận chuyển 5,4kg ma tuý tổng hợp methamphetamin từ Lào về Việt Nam.Khi được nói lời sau cuối, thị Hạnh thều thào trong giọt nước mắt muộn mằn: “Tất cả chỉ vì người mẹ xấu xa này! Nó làm theo tôi xin các anh tha cho nó, đừng trừng phạt nó.” Những lời của Hạnh như van lơn, lời cầu khẩn, xin tha tội cho đứa con duy nhất của mình. Hạnh không muốn nó tiếp tục cuộc đời đau khổ của mình nữa.
Lớn lên không có bố, Hạnh sống với mẹ cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu ăn đói rét, không được học hành như những đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng rồi duyên phận đưa Hạnh gặp được người đàn ông yêu thương và cưới hỏi về làm vợ. Hai vợ chồng ở với nhau sinh ra được đứa con trai kháu khỉnh và có một gia thất ở tại khối 17, phường Hà Huy Tập, TP Vinh.
Thế nhưng niềm vui trong cuộc đời Hạnh ngắn chẳng tày gang, hạnh phúc bị đổ vỡ khi đứa con trai chưa tròn 5 tuổi. Một mình nuôi con, Hạnh phải bươn chãi kiếm sống, quyết tự đứng lên, nhưng cuộc sống không chiều lòng khi Hạnh cứ chật vật mãi mà vẫn không đủ ăn, nói gì đến chuyện nuôi đứa con trai khôn lớn.
Quyết chí đổi đời, Hạnh để lại đứa con của mình cho người thân tìm đường sang Thủ đô Viêng Chăn (Lào) mở quán nhậu. 10 năm trôi qua thật nhanh kể từ cái ngày Hạnh bước chân sang xứ người, nhưng cái nghề buôn bán vặt vãnh ấy chẳng giúp Hạnh góp nhặt được bao nhiêu. Ý nghĩ làm cách nào để kiếm tiền thật nhanh, thật nhiều cứ quay cuồng trong đầu Hạnh. Rồi bước ngoặt đắng cay cũng đến trong cuộc đời thị khi tại quán nhậu của mình, Hạnh làm quen với Lê Quang Hà (trú tại TP. Hồ Chí Minh) và Hà Thúc Cheng (trú tại Quảng Bình). Cả hai đều sang Lào tìm hiểu, bắt mối tạo dựng đường dây buôn bán ma túy về Việt Nam tiêu thụ.

Nguyễn Thị Hạnh bị bắt vào tháng 8/2011, bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên án tử hình về tội buôn bán chất ma túy trái phép

Tham tiền đến mức mù quáng, Hạnh đồng ý hợp tác và chịu trách nhiệm toàn bộ khâu mua hàng từ Lào. Khi tìm người cộng sự cho những thương vụ ma túy, Hạnh nghĩ ngay đến Nguyễn Cảnh Chiến (SN 1990), đứa con trai của mình đang vô công rồi nghề tại Việt Nam. Chiến, có tính ham chơi, bỏ học khi đang còn nhỏ, không nghề nghiệp, côn đồ lưu manh, ngay khi nghẹ mẹ mình hứa hẹn viễn cảnh giàu sang, Chiến đồng ý ngay và đường dây buôn bán chất ma trúy xuyên quốc gia được hình thành.
Những thương vụ liều lĩnh
Theo lời khai của Hạnh, khoảng tháng 4/2011, thị bắt mối làm ăn với Lê Quang Hà và Hà Thúc Cheng. Trong chuyến hàng đầu tay, Hà đã giao cho Hạnh 7.000 USD để mua ma túy, Hạnh tìm gặp “đối tác” người Lào tên là Nọi, mua 100g “hàng đá” về giao cho Hà tại quán của mình. Sau đó, Hà và Cheng cùng về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), đưa ma túy về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đường dây buôn bán ma túy của Hạnh và Hà Thúc Cheng cũng bắt đầu từ đấy.
Khoảng tháng 5/2011, Nguyễn Thị Hạnh vào TP Hồ Chí Minh gặp Hà, tại đây tên này giới thiệu làm quen với Nguyễn Thị Phương Thanh (25 tuổi) Sau đó, cả hai cùng sang Lào, Thanh giao cho Hạnh 10.500 USD để mua ma túy rồi bay về TP Hồ Chí Minh. Theo “đơn đặt hàng” của Thanh, Hạnh mua 300g hàng đá đóng gói vận chuyển về Việt Nam giao cho Thanh.
Tiếp đó, Hà Thúc Cheng giới thiệu Hạnh với Nguyễn Hiền Nam (39 tuổi) - đối tượng đã có tiền án 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy của Hạnh sau này. Thấy mối làm ăn hời, có khả năng tiêu thụ lượng lớn, Hạnh nhận của Nam 313 triệu đồng để mua ma túy. Sau khi nhận tiền, Hạnh khi thì trực tiếp, khi thì giao cho Cheng và Chiến vận chuyển về TP Hồ Chí Minh giao cho Nam tổng cộng 550g ma túy. Giao nhận xong, Nam và đường dây của mình đưa số ma túy trên tiêu thụ tại TP. HCM. Sau đó là một chuyến hàng khác với 400g “ma túy đá”, được Chiến và Cheng vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị và giao cho Nam tại nhà riêng ở chung cư Hồng Lĩnh thuộc xã Bình Hưng - huyện Bình Chánh - TP Hồ Chí Minh.
Tháng 7/2011, Hạnh nhận từ tay Nam 700 triệu đồng và Lê Văn Linh, một bạn hàng mới trú tại TP. Vinh số tiền 35.000 USD. Hạnh cùng con trai là Chiến sang Lào gom “hàng”. Cũng như lần trước, Hạnh gặp Nọi mua 2kg hàng “đá” đưa về nhà của Hạnh thuê tại Thủ đô Viêng Chăn và điện cho Hà Thúc Cheng sang Lào, cả 3 người đóng số ma túy trên vào thùng sơn rồi giao cho Chiến, Cheng vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo - Quảng Trị. Khi về đến nhà của bà ngoại Chiến ở TP Vinh, Chiến và Cheng mở thùng sơn lấy ma túy đưa vào phòng ngủ cất giấu. Đến tối, Chiến lấy 1kg ma túy giao cho Lê Văn Linh tại TP Vinh, còn 1kg, Chiến và Cheng vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh giao cho Nam.
Những chuyến hàng trót lọt càng làm cho nữ quái Nguyễn Thị Hạnh tin tưởng hơn vào những thủ đoạn tinh vi của mình hòng qua mắt cơ quan chức năng. Lần giao hàng sau cứ được đà lại táo bạo hơn lần trước, số lượng hàng từ vài trăm gram chuyển thành vài kg cứ thế bằng mọi cách thị cùng đồng bọn tuồn về nước. Sau thương vụ với Linh, Hạnh quyết định từ nay sẽ nhận giao lượng hàng lớn để vừa “bỏ công” vận chuyển vừa nhanh chóng có tiền thoải mái tiêu xài.
Đầu tháng 8/2011, Hạnh tiếp tục nhận từ Nam 35.000 USD, nhận của Linh 95.000 USD cho chuyến hàng tiếp theo. Ngay ngày hôm sau, Hạnh và Chiến cùng sang Lào mua 5,4kg “đá” đưa về nhà trọ đóng vào thùng sơn rồi vận chuyển về Việt Nam qua cửa khẩu Cầu Treo. Nhưng lần vận chuyển này cả hai mẹ con đã bị đón lõng, bị bắt ngay khi vừa vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Vào hồi 17h ngày 18/8/2011, hai mẹ con Hạnh bị bắt khi thị điều khiển chiếc xe ôtô mang biển kiểm soát 14P-4921 nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam. Khi qua trạm kiểm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Hà Tĩnh xe của Hạnh bị lực lượng ĐBP cửa khẩu Cầu Treo cùng các lực lượng chức năng khác chặn lại. Qua kiểm tra xe của Hạnh, cơ quan chức năng thu giữ 5,4kg ma túy dạng đá được bọc kỹ trong bao giấu trong thùng sơn. Ngay lập tức, Nguyễn Thị Hạnh được chuyển giao cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh để điều tra theo thẩm quyền. Qua quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã tiếp tục khởi tố 4 bị can khác gồm Nguyễn Cảnh Chiến, Hà Thúc Cheng, Nguyễn Hiền Nam và Nguyễn Thị Phương Thanh.
Giọt nước mắt muộn màng
Ngày 29/6, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Thị Hạnh cùng đồng bọn phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý. Xét tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, căn cứ vào các quy định pháp luật hình sự, TAND tỉnh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Hạnh mức án tử hình, Nguyễn Cảnh Chiến cùng Hà Thúc Cheng nhận án chung thân, Nguyễn Hiến Nam, 20 năm tù giam và Trần Thị Phương Thanh 14 năm tù giam.
Có tiếng gan lì là vậy nhưng lúc đứng trước vành móng ngựa, Nguyễn Thị Hạnh cũng mềm yếu, có khát khao hạnh phúc như bao người phụ nữ khác. Những giọt nước mắt của hạnh chảy dài qua đôi gò má khô sạm, ướt đấm chiếc áo màu nâu sẫm. Hạnh cũng từng ước ao có một gia đình nhỏ sống đầm ấm bằng một nghề chân chính, đủ tiền cho con ăn học.
Được nói lời nói cuối cùng, Hạnh nói trong nức nỡ tất cả do tôi, tôi làm tôi chịu, vì tôi mà cháu phải chịu tội, nó còn non dại, tôi bảo sao nó làm vậy chứ nó có biết gì đâu, xin tòa hãy thương lấy cháu.

CHỦ TỊCH HỘI NÔNG DÂN TỈNH HÀ TĨNH: CHO DỰNG HỒ SƠ KHỐNG, BỚT TIỀN DỰ ÁN!


Nông dân Hà Tĩnh nhiều năm nay được hưởng lợi từ dự án Oxfam (Bỉ) thông qua sự điều phối của Hội Nông dân Hà Tĩnh (HND). Tuy nhiên, theo điều tra, lợi dụng vào dự án này, cán bộ HND đã lập nhiều hồ sơ khống để nhận tiền hỗ trợ của dự án. Và thực tế, dự án đã không đến với người nông dân một cách trọn vẹn như nhà tài trợ đã từng kỳ vọng.
HND tỉnh bị cho công ty Đại Việt Mỹ thuê
Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã đến các địa phương nằm trong dự án để tìm hiểu thực hư sự việc. Theo đó, dự án nâng cao năng lực cho bà con nông dân trong việc trồng rau an toàn đã bộc lộ nhiều sai sót. Tại Đức Thọ, hai xã may mắn được chọn để nâng cao năng lực cho nông dân là Đức Yên và Bùi Xá. Tại đây, sau khi khảo sát, HND Hà Tĩnh đã chọn ra 20 hội viên thuộc xóm 6 xã Đức Yên và 28 hội viên thuộc xóm 5 xã Bùi Xá. Theo như kế hoạch mà các hội viên được phổ biến, các hội viên ở mỗi xã sẽ được huấn luyện trong 10 ngày tại xã mình. Ngoài ra, các hội một số hội viên ưu tú sẽ được chọn tập huấn thêm 2 ngày. Cũng theo đó, mỗi ngày tham gia huấn luyện, bên cạnh các giảng viên, cán bộ được mời tập huấn và tham dự được nhận tiền hỗ trợ thì các hội viên tham gia cũng nhận được số tiền hỗ trợ 40.000đồng/ngày/người. Tuy nhiên các hội viên đã không được tham gia đầy đủ số buổi như phổ biến ban đầu. Cũng theo quy định, tập huấn buổi nào thì hội viên sẽ được nhận hỗ trợ buổi ấy. Thế nhưng trên thực tế, dù không tổ chức đầy đủ các buổi tập huấn nhưng cán bộ HND tỉnh vẫn lập hồ sơ “nhận thay” hội viên số tiền hỗ trợ của các buổi không tổ chức.
Ông Phạm Ngọc Lân tổ trưởng và ông Chu Huy Hoàng thư ký kiêm thủ quỹ của tổ trồng rau sạch ở Đức Yên cho biết, các hội viên chỉ mới nhận 2 hoặc 3 lần tiền hỗ trợ, mặc dù đã tham gia 4 buổi. Và dù chỉ nhận tiền vài lần thôi nhưng họ đã phải ký vào rất nhiều danh sách nhận tiền, con số đó có thể là 10 hoặc hơn. Chị Nghiêm Thị Nga, hội viên tiêu biểu của tổ sản xuất rau sạch xóm 6 xã Đức Yên, cho biết: “Ban đầu chúng tôi nghe nói tập huấn 7- 10 ngày nhưng sau chỉ thấy tập huấn được có 4 ngày. Riêng rôi đi được 3 ngày vì một ngày có việc riêng nên xin nghỉ. Tôi chỉ nhận tiền có 3 ngày tương đương 120.000 đồng, nhưng phải ký vào khoảng 10 bản nhận tiền. Tôi thấy một số người không chịu ký, họ nhận lần nào thì ký lần đó và ký một bản thôi. Tuy nhiên, không hiểu sao trong bản quyết toán, vẫn thấy họ ký nhận đầy đủ”. Các hội viên khác tại tổ này khi được hỏi đều khẳng định như chị Nga và họ cũng cho biết là chỉ nhận từ 120 – 160 ngàn đồng tiền hỗ trợ.
Sai phạm còn được thể hiện ở chỗ, nhiều cán huyện không tham gia huấn luyện vẫn có tên trong danh sách nhận tiền của dự án. Để rõ thực hư, chúng tôi đã tìm gặp anh Võ Viết Hường, cán bộ HND huyện Đức Thọ. Tại buổi làm việc với phóng viên, anh này cho biết, anh không hề tham gia dự án huấn luyện cho bà con trồng rau an toàn tại Đức Yên và Bùi Xá và cũng không hề nhận tiền hỗ trợ tập huấn. Còn anh Phạm Đình Nghĩa, chuyên viên phòng Nội vụ huyện Đức Thọ (nguyên là cán bộ HND Đức Thọ thời điểm giai đoạn đầu của dự án trồng rau sạch) thì vô cùng ngạc nhiên khi nghe nói về việc mình có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại khi tham gia lớp huấn luyện tại xã Đức Yên. Anh Nghĩa khẳng định: “Tôi có được đi tập huấn trong tinh một số buổi, nhưng tại các xã thì tôi không hề tham gia và cũng không nhận một đồng hỗ trợ nào”. Theo như trong danh sách khống nhận tiền hỗ trợ các anh Hường, Nghĩa mỗi người đã nhận 200.000 đồng cho 2 ngày tham gia huấn luyện. Anh Nghĩa khẳng định rằng, chữ ký trong hồ sơ của HND tỉnh là do cán bộ hội tự làm khống!
Điều tra của phóng viên đối với dự án do Oxfam tài trợ tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh) cũng xảy ra những sai phạm nghiêm trọng tương tự. Phần lớn người dân không khỏi ngỡ ngàng và bức xúc khi thấy chữ ký nhận tiền của mình tại danh sách này do HND Hà Tĩnh lập ra.
Trong danh sách hỗ trợ tiền ăn cho lớp huấn luyện nông dân về kỹ thuật trồng rau an toàn tại thôn Hoa Đông, Kỳ Hoa ngày 13-9-2011, tất cả những hộ tham gia lớp tập huấn đều có chữ ký nhận tiền. Nhưng trên thực tế, những hộ nông dân này khẳng định với PV, họ không hề ký và nhận tiền trong danh sách, những chữ ký này hoàn toàn không phải của họ. Để chứng minh cho việc này, một số hộ dân đã ký lại chữ ký của mình để đối chiếu. Bà Nguyễn Thị Hương, một hộ nông dân không dấu nỗi bức xúc: “Họ lừa chúng tôi rồi! Chữ ký đó không phải là của chúng tôi, chúng tôi là nông dân thì làm sao có chữ ký đẹp thế, đề nghị các chú nhà báo làm rõ giúp chúng tôi.”
Cũng tương tự những sai phạm trên, ông Nguyễn Đình Nghi, cán bộ phụ trách dự án Oxfam tại Cẩm Xuyên khẳng định, một số trong hồ sơ không phải chử ký thực và anh Nghi cũng chỉ nhận một phần tiền hỗ trợ xăng xe, tiền ăn ở từ dự án.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo và một số cán bộ HND tỉnh Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch HND Hà Tĩnh thừa nhận các lớp huấn luyện cho nông dân trồng rau sạch còn có nhiều chỗ chưa nghiêm túc. Bà Tuyết Anh thừa nhận, cán bộ Hội đã tự ký và nhận tiền của các hội viên cũng như một số cán bộ mặc dù họ không tham gia huấn luyện. Giải thích cho việc làm sai này, bà cho biết Hội làm như vậy là để “tiết kiệm” nhằm cải thiện chế độ cho các anh em trong cơ quan. Theo bà thì anh em trong Hội đời sống khó khăn mà thu nhập lại thấp nên bà muốn dùng số tiền này hỗ trợ thêm cho cán bộ của Hội, những người tham gia dự án này, không hề có ý tư túi cá nhân! Hóa ra, bà Chủ tịch Hội Nông dân lại đi bớt của dân về cho cán bộ !? Chưa biết sẽ vào túi ai, đời sống của ai được nâng lên, nhưng người chịu thiệt thòi trước hết là các hội viên hội nông dân. Không chỉ không được nhận đủ số tiền hỗ trợ, các hội viên hội nông dân cũng không được tham gia đầy đủ các buổi nâng cao kỹ thuật trồng rau, điều mà mỗi người nông dân đang rất cần thiết để cải thiện cuộc sống của mình. Chỉ mới xem xét hồ sơ của một đợt tập huấn mà số tiền đã lên tới hàng chục triệu đồng, còn những dự án kéo dài từ năm 2007 đến nay chưa ai rõ sẽ thế nào.
Nhận rõ những sai phạm này, mới đây nhất, phía Oxfam đã tạm ngừng chuyển tiền tài trợ dự án cho HND Hà Tĩnh. Theo đó, Oxfam đã có cuộc điều tra sơ bộ và phía nhà tài trợ khẳng định có cơ sở để nghi ngờ có sự gian lận trong chương trình tài trợ nói trên mà HND Hà Tĩnh đang triển khai. Oxfam cũng yêu cầu ngừng toàn bộ chi tiêu thuộc chương trình dự án từ ngày 11/7/2012. Phía Oxfam sẻ tiến hành kiểm toán độc lập toàn bộ dự án nói trên về quản lý chương trình và tài chính. Oxfam khẳng định sẽ không khoan dung đối với bất kỳ sai phạm nào của dự án và nếu để xảy ra sai phạm, tổ chức này sẽ tiến hành làm các thủ tục pháp lý để yêu cầu bồi hoàn lại bất cứ khoản chi phí nào sử dụng sai mục đích. Điều làm chúng tôi băn khoăn là tỉnh Hà Tĩnh sẽ xử lý ra sao sau những sự việc tày trời này?

HỘI NÔNG DÂN HÀ TĨNH: NHỮNG KHOẢN THU CHI BẤT MINH

Năm 2011 và 2 quý đầu năm 2012 Hội Nông dân Hà Tĩnh được Dự án Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh (gọi tắt là IMPP) hỗ trợ toàn bộ tiền xuất bản Bản tin "Thị trường nông thôn". Nói đúng hơn là IMPP đã hợp đồng thuê Hội Nông dân tỉnh xuất bản cuốn "Thị trường nông thôn", mỗi quý xuất bản một số, số tiền là 26,5 triệu đồng/số. Số tiền mà IMPP đã thanh toán cho Hội năm 2011 là 106 triệu đồng (gồm 4 số), 2 quý đầu năm 2012 là 53 triệu đồng. Số bản tin trên được phát hành hơn 4000 bản/số để đưa về cho tất cả các chi hội, hội nông dân cấp cơ sở và cấp huyện.

Nhà để xe của tỉnh  hội thành quán phở

  Trước đây, khi chưa có sự phối hợp với IMPP thì số tiền dùng để xuất bản bản tin được lấy từ hai nguồn: nguồn ngân sách chi thường xuyên và nguồn thu từ việc bán bản tin cho các cấp Hội (mỗi cuốn Tỉnh hội thu 3000 đồng). Từ đầu năm 2011 đến nay, mặc dù đã được IMPP chi trả toàn bộ chi phí xuất bản, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh vẫn bắt các huyện thu mỗi cuốn 3000 đồng. Điều này đã gây bất bình đối với Hội Nông dân các huyện, thị, thành. Không biết khoản ngân sách thường xuyên chi cho việc xuất bản bản tin và khoản tiền thu ở các cấp Hội được lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh chi dùng cho việc gì?
Không chỉ riêng khoản tiền trên gây bất bình đối với cán bộ các cấp Hội, mà ngay tại cơ quan Hội nông dân tỉnh hai năm qua (2011-2012) lãnh đạo Hội nông dân tỉnh còn tự ý cho Công ty Đại Việt Mỹ thuê 3 phòng ở tầng hai để làm trụ sở. Việc làm này trái với quy định của ngành tài chính về việc quản lý và sử dụng tài sản công, đó là chưa nói đến số tiền cho thuê này được sử dụng như thế nào.
Hội Nông dân tỉnh có khá nhiều nguồn thu: Thu từ phí ủy thác phối hợp cho hội viên, nông dân vay vốn với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNT; thu phí từ Qũy hỗ trợ nông dân; thu trích phần trăm từ các dự án; thu hội phí; thu từ bán bản tin cho các cấp Hội; thu từ việc cung ứng dịch vụ (dịch vụ cung ứng máy nông nghiệp, phân bón) ... với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó thu nhập của anh em cơ quan ba năm qua hầu như không có gì ngoài tiền lương và 100 ngàn đồng/người tiền điện thoại. Thậm chí tiền xăng xe, tiền ăn anh em trong cơ quan bỏ ra đi công tác rất chậm được thanh toán, đến nỗi năm 2011, tại buổi làm việc giữa Thường vụ Hội Nông dân tỉnh với Đảng ủy Khối cơ quan cấp tỉnh, có đồng chí Thường vụ phải phản ánh vấn đề này, sau đó anh em mới được thanh toán giấy công tác. Tuy vậy hiện nay có một số cán bộ đã đi công tác hai năm nay cũng như từ đầu năm đến nay vẫn chưa được thanh toán tiền công tác phí.
Theo chúng tôi được biết, những dấu hiệu bất minh về việc sử dụng ngân sách tại Hội Nông dân tỉnh đã được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát hiện từ năm 2009. Tại văn bản kiểm tra UBKT Tỉnh ủy ký ngày 27/8/2009 phần kiến nghị có ghi: Qua việc kiểm tra chúng tôi thấy có dấu hiệu vi phạm, đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho tiến hành thanh tra, nhưng không hiểu sao phần kiến nghị này không được thực thi.
Chúng tôi sẽ thông tin tiếp tới bạn đọc ở kỳ tới về việc dựng hồ sơ không để tham nhũng.

Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): NGHỊ QUYẾT CỦA HUYỆN CŨNG BẤT LỰC

Mặc dù UBND huyện Kỳ Anh đã có Thông báo số 92/TB-UBND về việc đình chỉ và cấm khai thác sét, cát, đất san lấp trái phép nhưng hiện nay tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên trên địa bàn nhiều xã trong huyện. Đáng lo ngại hơn khi nạn trộm tài nguyên lại đang được sự tiếp tay của chính quyền một số xã...
Trộm ngày!
Cột đường dây  220 Kv tại xã Kỳ Trinh có nguy cơ
 bị đổ do nạn khai thác đất bùn
Cùng với sự phát triển với tốc độ nhanh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là việc xây dựng khu kinh tế Vũng Áng, tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) dẫn tới việc nhu cầu về vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp rất lớn nhưng mua của chủ mỏ theo quy hoạch thì đắt đã làm nảy sinh nạn khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn huyện này. Vài năm trở lại đây, hiện tượng này đã diễn ra một cách công khai và có xu hướng ngày càng gia tăng khiến người dân hết sức bất bình và không khỏi lo lắng.
Nổi cộm nhất là tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép đất bùn tại các xã thuộc khu kinh tế Vũng Áng như Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Lợi... Tại đây, một số cá nhân tự đứng ra lập bãi, định giá và bán đất bùn trên danh nghĩa cải tạo đầm nuôi tôm. Hàng loạt máy xúc được huy động, hàng nghìn mét khối tài nguyên bị lấy một cách ngang nhiên trước sự thờ ơ của chính quyền và trong nỗi xót xa, bất bình của người dân. Trong vai người đi mua đất, phóng viên Bảo vệ pháp luật đã tiếp cận được một chủ bãi bùn tại xã Kỳ Trinh. Khi chúng tôi vờ tỏ ý lo ngại về việc kiểm tra, xử phạt của các ngành chức năng, người này khoát tay trấn an: “Các chú yên tâm, việc này anh đã lo liệu xong rồi. Các chú có mua cả nghìn khối cũng cứ chạy vô tư, không ai kiểm tra đâu mà sợ...”.
Theo sự chỉ dẫn của người đàn ông này, chúng tôi đã được “mục sở thị” bãi khai thác đất bùn trái phép tại xóm 10 xã Kỳ Trinh. Tại đây, những gì chúng tôi quan sát được quả ngoài sức tưởng tượng: gần một chục hecta đầm tôm đã bị biến dạng dưới gàu máy múc. Hiện trường còn lại là những hố nham nhở, rộng và sâu đến xót lòng. Chiếc máy múc vẫn nằm chình ình như một sự thách thức đối với ai đang quan tâm. Nguy hiểm hơn, những hố sâu - hậu quả của việc khai thác đất bùn trái phép - đang “liếm” dần vào chân cột điện 220 Kv kéo vào Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng đang xây dựng. Hậu quả sẽ là khôn lường một khi những hố sâu đó sẽ khiến cột điện to lớn và cao đến hàng chục mét bị gãy đổ!
Có sự tiếp tay của chính quyền?
Ngày 12/6, phóng viên chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Trương Công Bình - Chủ tịch UBND xã Kỳ Trinh về vấn nạn khai thác đất bùn trái phép trên địa bàn xã. Trong cuộc trao đổi, vị Chủ tịch xã này đã bày tỏ sự bức xúc và bất lực: “Chúng tôi đã thành lập một tổ công tác, phối hợp với công an huyện Kỳ Anh liên tục canh giữ tại các điểm nóng. Vào đầu tháng 6 này, chúng tôi đã bắt quả tang, định lập biên bản và giữ phương tiện nhưng có vị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (ông Bình đề nghị giấu tên) gọi điện bảo “thả cho họ về” nên không thể làm khác... áp lực không thể chấp nhận được!”

Huy động cả máy móc hiện đại để... trộm tài nguyên

Tuy không rầm rộ như “bùn tặc” nhưng nạn khai thác đất san lấp trái phép ở huyện Kỳ Anh lại diễn ra với khối lượng lớn, thời gian dài và có dấu hiệu rõ ràng về sự tiếp tay của chính quyền xã. Tại xã Kỳ Hoa, ngày 26/8/2010, UBND xã đã “vượt mặt” các cơ quan có thẩm quyền, ký Hợp đồng kinh tế với ông Nguyễn Anh Tuấn (trú tại thị trấn Kỳ Anh) với nội dung: UBND xã Kỳ Hoa bán cho ông Tuấn vật liệu đất, sỏi tại khu vực đồi Rú Đất với khối lượng 15.000 m3 và thời gian khai thác là từ 28/8/2010 đến 31/12/2012. Hiện nay, mỏ đất trái phép này vẫn đang được khai thác một cách ồ ạt và khối lượng đất bị lấy thì đã vượt xa con số 15.000 m3.
Thông báo số 92/TB-UBND ngày 12/6/2012 của UBND huyện Kỳ Anh do Chủ tịch Nguyễn Văn Bổng ký có nội dung: “Nghiêm cấm các hành vi khai thác, vận chuyển sét, cát, đất san lấp trái phép, gây thất thoát tài nguyên, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng môi sinh môi trường trên phạm vi toàn huyện...” nhằm ngăn chặn hành vi khai thác trộm tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, cho đến nay, văn bản này xem ra vẫn còn vô tác dụng khi nạn khai thác tài nguyên trái phép vẫn đang hoành hành trên địa bàn huyện Kỳ Anh.