LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

CHUYỆN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở HUẾ:Kỳ 1: "TRỐN" QUA THÀNH PHỐ BẰNG…"CHI PHÍ CAO"!

Chỉ về phía đường tránh Huế, lái xe nhìn nhau ngao ngán, không ai bảo ai tất cả các xe tải hạng nặng, container về tới gần thành phố Huế lúc cuối buổi chiều đề dừng lại nằm chờ cơ hội để trốn qua nội thành. Chấp nhận "chi phí" cao hơn bình thường để bảo vệ xe và tiết kiệm thời gian, xe khách đường dài, xe tải, container đều chọn qua Huế vào ban đêm để mong thoát khỏi "cung đường bão táp".
2 giờ sáng, leo lên một chiếc container chở 40 tấn mủ cao su tuyến Tây Ninh - Lào Cai để thử vượt hơn 35km đường tránh Huế xem vì sao các xe lại "ngán" cung đường này, chúng tôi đã được "mục sở thị" đoạn đường "bão táp" này. Suốt chiều dài hơn 35km không có nổi một điểm bình yên, xe lắc lư liên tục, thỉnh thoảng lại lao lên rồi gằn xuống mặt đường như ai ném, chạy được khoảng 10km bỗng nghe rầm một tiếng, giật mình tưởng nổ lốp, vội phanh xe để kiểm tra nhưng phanh hơi mất tác dụng, hoá ra bầu hơi bung.
Gọi được thợ sửa chữa, loay hoay hơn một tiếng mọi việc mới xong, thấy ông thợ phủi tay cười bảo "5 củ anh ơi"(5 triệu), tôi tưởng mình nghe không rõ hỏi lại thì được giải thích là "3,5 triệu tiền bầu hơi là giá chung, còn đêm hôm khuya khoắt thế này tiền công em lấy rẻ anh 1,5 triệu là hữu nghị rồi". Miệng đánh chép một cái rút tiền ra trả, lão lái xe làu bàu: biết thế này chịu mất triệu bạc đi đường thành phố cho xong.
Băn khoăn vì câu nói như vô tình, sau khi lên xe đi tiếp được một lúc, vừa như cố giữ để ruột mình không vắt lên cổ, vừa dò hỏi lại câu nói cáu kỉnh kia, lão lái xe biết chúng tôi làm báo nên ngại ậm ừ định không nói nhưng rồi bảo: nếu không vấn đề gì thì đi đường này chỉ mất 2 lít (2 trăm ngàn), còn vào thành phố thì đầu trong 5 lít, đầu ngoài 3 lít, đi vào thì ngược lại, lần sau xin chừa cái đường này thôi. Tôi cười hỏi tiền gì mà mất 8 trăm với 2 trăm là sao, lão lái xe nhìn tôi trân trối rồi cười bảo: tiền luật chứ tiền gì, nhà báo thì lạ gì mà giả vờ hỏi em, rồi lão cười.
Chưa kịp tắt nụ cười bỗng lại rầm, rầm, rầm, mọi người như lao lên, hóa ra trong lúc nói chuyện lơ đễnh nên xe lao vào một ổ gà to như con voi nằm giữa đường. Xót xe, lão tài mặt lại xịu xuống, không ai giám hỏi gì thêm.
Sau 3 tiếng đi đường và hơn 1 tiếng sửa xe, cuối cùng thì chúng tôi cũng được dừng ăn sáng khi qua ngã ba Tứ Hạ, ăn xong chia tay, chúng tôi trở lại thành phố Huế để xem xét lại những điều mình băn khoăn mà chưa kịp hỏi.
Mượn một chiếc xe máy, chúng tôi quay trở lại đường tránh để lấy hình ảnh, quả thật ban ngày mới thấy hết nỗi thống khổ của lái xe đường dài khi đi qua đoạn này, bụi mù trời, liên tục ổ gà, ổ voi nối tiếp nhau, xe máy còn khổ nói gì ô tô.
Không hiểu cơ quan chức năng có liên quan ở thừa thiên Huế đã làm gì nhưng 5-6 năm nay chỉ có hơn 35km đường tránh này đã hành hạ không biết bao nhiêu lượt người tham gia giao thông qua đây. Liệu Huế đang bất lực hay "sống chết mặc bay…", thỉnh thoảng đi qua đây thấy một vài công nhân bưng từng rổ đá trộn nhựa trám trám, vá vá theo kiểu vá quần ăn mày. Có lẽ đây là "bài" của công ty quản lý đường bộ để đánh tiếng là vẫn đang sửa chăng?
Thiết nghĩ, để xây dựng con đường này, một lượng tiền khổng lồ của nhà nước đã đổ vào đây, và dù là vốn BOT của một tập đoàn nào đó bỏ vào xây dựng thì hằng ngày hàng nghìn chuyến xe qua đây vẫn bị thu phí. Vậy, xin hỏi kinh phí bảo trì được trích ra trong tổng kinh phí dự án và phí bảo trì có trong vé mỗi xe mua khi qua trạm thu phí để đâu mà đường hỏng không ai sửa?
Không những thế, bên cạnh câu chuyện về những con đường ở Huế, đã xuất hiện thêm một số vấn đề làm người ta phải đặt câu hỏi. Đó là việc phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh thừa thiên Huế đã cho thành lập 5-6 tổ tuần tra kiểm soát, thường xuyên túc trực trên đường có đem lại hiệu quả gì không?
Chúng tôi sẽ thông tin tới quý bạn đọc ở kỳ tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!