LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Nhật ký của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng: Kỳ II: TÌNH YÊU TRÊN MÂM PHÁO

“…Bằng dự đoán sẽ có chiến đấu. Căm thù sôi sục, Bằng không muốn bỏ lỡ thời cơ giết giặc. Mặc dù cán bộ nhắc Bằng lên đường đi dự đại hội. Bằng nài nỉ xin ở lại chiến đấu rồi sẽ đi. Quả nhiên trận đó, Bằng đã lập được sự tích anh hùng”.

Kết thúc năm 1965, Đỗ Lương Bằng nhận được giấy khen chiến sỹ giỏi, được đề nghị tặng Huân chương Chiến công hạng 3 và sau trận chiến ngày 1/6/1966, được đề bạt Trung đội phó và giấy khen của Trung đoàn 32 rồi tại trận chiến ngày 10/7/1966, anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ngày 10/7/1966 như một ngày định mệnh, Bằng đã nài nỉ xin ở lại chiến đấu, đi dự đại hội mừng công theo kế hoạch…
Viết về ngày hy sinh của Bằng, trong “Bản kê khai thành tích của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 có đoạn: “Sau trận đánh ngày 1/6/1966, Trung đoàn chọn Đỗ Lương Bằng báo cáo điển hình trong Đại hội mừng công 6 tháng đầu năm. Theo quy định, ngày 10/7, Bằng phải có mặt để thông qua báo cáo điển hình. Nhưng trước ngày đó, máy bay trinh sát của giặc Mỹ bay qua trận địa. Bằng dự đoán sẽ có chiến đấu. Căm thù sôi sục, Bằng không muốn bỏ lỡ thời cơ giết giặc. Mặc dù cán bộ nhắc Bằng lên đường đi dự đại hội. Bằng nài nỉ xin ở lại chiến đấu rồi sẽ đi. Quả nhiên trận đó, Bằng đã lập được sự tích anh hùng”.

Sau khi Đỗ Lương Bằng hy sinh, cuốn nhật ký của anh được các đồng đội chuyền tay nhau viết tiếp những dòng nhiệt huyết, sau đó được trưng bày tại phòng Truyền thống của Trung đoàn 32 Đoàn Sông Thao. Ngày 18/4/1969, theo yêu cầu của Cục Chính trị Quân khu 4, đồng chí Cương Bá Bích giao lại cho đồng chí Mai Nhật- cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 và hiện nay, cuốn nhật ký này cùng Quyết tâm thư bằng máu và một số kỷ vật của anh được trưng bày tại đây như là minh chứng về một thời oanh liệt của quân - dân Quân khu 4. Hoàng Mai đã trở thành nơi lưu giữ nhiều chiến tích về anh. Ở đó, có ga và cầu Hoàng Mai, có Rú Nhã… và Rú Sui - nơi anh nằm lại sau ngày hy sinh... Đặc biệt hơn, Xóm Quý là nơi anh và Lệ Cầu đã từng hò hẹn, để rồi khi tình yêu đứt gánh, người con gái ấy vẫn ôm trọn kỷ niệm về anh. Và đến hôm nay, khi được đọc những dòng nhật ký mà Bằng viết về chị thì chị đã oà khóc và không ngần ngại kể nhiều chi tiết về tình yêu dang dở này…
“Trên mâm pháo dẫu ngàn ngày nắng rát. Trong bữa ăn, trong giấc ngủ sẵn sàng. Mỗi viên đạn giữ khoảng trời miền Bắc. Ta góp phần giết giặc với miền Nam” là 4 câu thơ của Lưu Trùng Dương được Đỗ Lương Bằng viết rất nắn nót ở trang đầu cuốn nhật ký như lời tự hứa thì bài Núi Đôi của Vũ Cao lại được anh cảm nhận như lời nhắc nhở về lòng căm ghét chiến tranh. “Qua bài thơ ta thấy: hình ảnh đẹp đẽ của đôi thanh niên nam nữ trong lao động sản xuất xây dựng quê hương. Họ rất yêu - yêu tha thiết đất nước, yêu từ con đường... đến từng dốc núi, yêu từ cánh đồng bát ngát đến từng túp lều tranh. Chính trong lao động sản xuất và tình yêu quê hương, đất nước đã dẫn đến tình yêu chớm nở giữa hai người. Nhưng một ngày kia, quân giặc kéo đến phá tan hạnh phúc của nhân dân, trong đó có đôi nam nữ ấy. Thật là đau khổ khi chiến tranh kết thúc trở về mà người yêu của mình đã hy sinh. Câu chuyện xẩy ra... trong cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến hôm nay lại được nghe qua bài thơ làm cho mình thêm căm ghét chiến tranh”.

Về xóm Quý tìm hiểu được biết Lệ Cầu đã vào Quảng Bình sinh sống từ mấy năm nay. Trao đổi qua điện thoại, chị cho biết: Bằng và chị quen nhau qua những lần giao lưu đoàn thanh niên. Nhưng lúc đó, cha mẹ chị không đồng ý vì Lệ Cầu là người con duy nhất của gia đình. “Lúc đầu mình chưa thích lắm vì Bằng trông dáng thư sinh nhưng lại để tóc hơi dài và thường đi dép lê. Nhưng rồi chính lòng chiến đấu dũng cảm của Bằng làm cho mình yêu anh khi nào không hay…”. Một mối tình nở hoa giữa lòng chiến tranh và những chiến công anh dũng đã bất tử hoá một con người tưởng như rất bình thường ấy. Những trang nhật ký như góp thêm ngọn lửa trong trái tim mỗi thế hệ thanh niên tiếp nối. Tâm sự với chúng tôi, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4 nói: “Rất nhiều những liệt sỹ đã hy sinh anh dũng, nhưng tôi thấy, Đỗ Lương Bằng và một người nữa cũng như anh mà những kỹ vật còn lại của họ còn lưu giữ tại đây xứng đáng được truy tặng danh hiệu anh hùng vì những gì họ đã cống hiến”.

Nhật ký của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng: Kỳ I: LẼ SỐNG TUỔI 20

"Lẽ sống của tôi là phải lao vào những nơi khó khăn nhất, lao vào mũi nhọn của cuộc sống lao động và chiến đấu chống Mỹ. Tôi muốn trở thành một thỏi gang trong lò luyện kim chứ không muốn làm tấm lụa mỏng trong quầy hàng, cánh hồng nhung trong phòng ấm". Những dòng chữ đó nằm ở trang đầu cuốn nhật ký được Đỗ Lương Bằng viết ra với lòng nhiệt huyết và bản lĩnh của tuổi hai mươi, là lẽ sống còn mãi với thời gian để nhiều bạn trẻ hôm nay tự ngẫm lại mình.

Trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc, thế hệ thanh niên tuổi 20 lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những khát khao, ước mơ và tình yêu cháy bỏng của họ vẫn gửi lại thế hệ sau qua từng trang nhật ký viết cách đây ngót nửa thế kỷ. Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc và không thể kể hết nhiều liệt sĩ khác cùng lứa tuổi này, liệt sĩ Đỗ Lương Bằng là một trong những người như thế. Tháng 4/1963 Đỗ Lương Bằng gia nhập quân đội và tháng 2/1965 anh lên vào Quân khu 4 chiến đấu. Đúng 12 giờ ngày 18/2/1965, anh cùng đoàn xe pháo chuyển bánh tạm biệt đất Sơn Tây và 5giờ 30 phút ngày 23/2/1965 thì đến thị xã Đồng Hới (Quảng Bình). Suốt gần 4 tháng chiến đấu trên đất Quảng Bình, ngày 31/5/1965, anh cùng đồng đội hành quân bộ về nhận nhiệm vụ mới ở Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Tháng 7/1965, anh được điều về chiến đấu trên đất Nghệ An mà chủ yếu là ở vùng Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) khói lửa. Những ngày tháng chiến đấu tại vùng đất này, anh đều được mọi người kính phục và mến mộ, tình yêu giữa anh với cô thôn nữ Lệ Cầu (xóm Quý, xã Quỳnh Vinh) ngày càng da diết và đối với anh, "Hoàng Mai có lẽ là quê hương thứ hai yêu dấu của chúng mình"... Ga Hoàng Mai và Cầu Hoàng Mai, đoạn quốc lộ 1A bắc qua sông Mai nối địa phận xã Mai Hùng với xã Quỳnh Thiện của huyện Quỳnh Lưu ngày nay là hai điểm đánh phá rất ác liệt của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Cầu Hoàng Mai, có những ngày Mỹ đã 5 lần huy động tới 22 máy bay chiến đấu với hàng trăm quả bom, rốc-két đánh phá.
Nửa thế kỷ, chiếc cầu đã nhuốm màu năm tháng, lớp người Hoàng Mai cùng chiến với Đỗ Lương Bằng nếu ai còn sống nay cũng đã ở cái tuổi cổ lai hy. Nhưng, mỗi lần kể lại những ngày chống máy bay Mỹ những năm 1965 - 1966, người dân địa phương vẫn không thể quên tên anh - một người lính cao xạ, với sự kính nể và khâm phục. Bà Lê Thị Lý (Mai Hùng) kể: "Năm 1966 bọn tôi khoảng 14 - 15 tuổi, đều biết Bằng. Trong các buổi sinh hoạt thanh thiếu niên, mọi người thường nêu gương anh Bằng để phấn đấu. Khoảng 7/1966, 10 máy bay đến bắn phá cầu Hoàng Mai, anh Bằng lúc đó là Trung đội phó đã cùng đồng đội bắn phá trả quyết liệt. Trận này, anh bị một mảnh bom làm nát chân trái, máu ra nhiều không đứng được, anh dựa vào công sự mắt vẫn hướng lên máy bay địch để bắn. Khi y tá đến băng bó, anh đã nói: "nhờ đồng chí cắt cái chân này cho tôi để chiến đấu đỡ vướng"”. Sau đó, anh bị thương nặng và hy sinh ở tuổi 22. Mọi người chôn cất anh ở chân rú Sui (xóm 13, xã Mai Hùng), sau ngày giải phóng hài cốt của anh được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Còn những người ở xóm Yên Lộc thì kể: “sau khi anh Bằng hy sinh đã có những khẩu hiệu như "dòng máu Đỗ Lương Bằng bất diệt", khẩu đội của anh thuộc Trung đoàn 32 đoàn Sông Thao mang tên "khẩu đội Đỗ Lương Bằng", toàn đơn vị lấy gương chiến đấu của anh để học tập. Khi đó, thanh thiếu niên của các xóm Yên Lộc, Yên Trạch, ai ai cũng tự hứa sẽ phấn đấu theo tấm gương liệt sĩ Đỗ Lương Bằng”.

3 năm quân ngũ, Đỗ Lương Bằng đã tham gia chiến đấu hơn 500 ngày đêm trên mâm pháo với 300 trận địa ác liệt, cùng với đồng đội bắn rơi 50 máy bay Mỹ. Trong lời nhận xét về thành tích chiến đấu của anh, Đảng uỷ đoàn sông Thao ghi: “tấm gương sống và học tập của Đỗ Lương Bằng là một điển hình trong hàng vạn điển hình của thanh niên thời đại chống Mỹ cứu nước. ở đâu, anh cũng là ngọn cờ đầu phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng…” Điều đặc biệt là trong bom đạn chiến tranh ác liệt đó, anh vẫn lưu lại những dòng nhật ký đầy xúc động. Những trang viết này (từ 18/2/1965 đến 2/7/1966) trong cuốn nhật ký của anh như là bức thông điệp về lý tưởng thanh niên gửi đến các thế hệ mai sau.

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Quảng Trị:
18 năm, một ông đò gàn!

Những người cố tình không hiểu thì gọi ông là gàn, nhưng tất cả họ đều nói về ông với một lòng tri ân. Đưa học sinh đến trường, người ốm đau đi bệnh viện. 18 năm, với con đò nhỏ, ông Nguyễn Tu ở thôn Hạ Đồng, xã Hải Tân, Hải Lăng, Quảng Trị miệt mài tích đức trên dòng Ô Lâu. Ông chỉ tâm niệm một điều: “Vất vả một chút nhưng giúp được nhiều người, đời thế là vui”!

Vào mùa mưa, thôn Hạ Đồng như một ốc đảo, lụt ngập cả tháng trời, hàng trăm nhân khẩu trong làng chỉ biết đưa mắt nhìn biển nước. Lo nhất là người sinh nở hay đau ốm, Trạm y tế ở xa, đường đi khó khăn, đã không ít người chết oan vì không kịp đưa đi cấp cứu. Còn học sinh phải đi học nhờ các trường ở xã Hải Thành, Hải Thiện xa xôi cả chục kilômét, nhiều em bỏ học vì không thể đến trường. Một người đi chợ, cả xóm gửi mua đồ. 14 hộ dân thôn Hạ Đồng sống trong cảnh nghèo nàn, nhếch nhác. Chúng tôi theo chuyến đò của ông sang thôn và được nghe câu chuyện cảm động về ông đò gàn. “Nhìn tụi nhỏ phải bỏ học không đành lòng, vợ chồng tui bàn nhau bán mấy tạ thóc mua chiếc thuyền tôn nhỏ để đi lại, ngày 3 bữa, tui chở chúng nó đi. Có đứa đã vào học cấp 3 trên huyện”. Từ khi có con đò, học sinh trong thôn không còn phải ngâm mình trong nước khi đến trường nữa. Ông đi từng nhà vận động cho các em tiếp tục theo học, “nếu bọn trẻ con không có kiến thức, trình độ thì thôn Hạ Đồng muôn đời không thoát được cái đói, cái nghèo”, ông tâm sự.

Hàng ngày, dậy lúc 5 giờ sáng, ông lọ mọ chống thuyền đi vòng quanh làng để gọi từng đứa trẻ một, trước khi con thuyền nhỏ rẽ sóng sang sông. Những trận lụt nước ngập cả tháng trời, ông phải bỏ việc gia đình để đưa đò. “Có chi mô, mình vất vả một chút nhưng lại được rất nhiều. Rồi mai đây mấy đứa nhỏ nó được học hành tử tế là vui à”. Khắp thôn Hạ Đồng ai cũng nhắc tên ông đầy kính trọng. Mang ơn ông, người dân nghèo ở đây thỉnh thoảng chỉ có nồi khoai, nồi sắn hay mớ cá bắt được từ sông tươi rói. Bác Võ Văn Thế ở thôn Hạ Đồng nói: “Cả thôn này không ai có điện thoại. Có gia đình con đi xa gọi điện về nhà phải nhờ người thôn kế bên đi kêu mất nửa buổi, nhìn con đường cũng đủ ngán rồi. Trước đây trẻ con thất học nhiều lắm, may mà nhờ có chú Tu sớm hôm đưa đò. Chừ thì không ai phải bỏ học, ốm đau cũng có phương tiện rồi. Bà con nơi đây ai cũng chịu ơn chú. Những ngày sóng yên gió lặng thì không sao chứ vào những ngày mưa bão thật hết khổ”. “Có lần, thuyền đi được nửa đường thì gặp gió lớn. Tui trụ không nổi với nước chảy xiết. Thuyền bị trôi dần theo con nước, lúc đó ai cũng hoảng loạn la hét. Tui phải bảo các cháu ngồi yên rồi lựa chiều nước cho thuyền trôi một đoạn rồi tấp vào bờ, khi đó mới hoàn hồn. Nước lớn, gió to mà đi ngược chiều là lật đò liền”. Nhờ có con đò, ông đã cứu bao người ở thôn Hạ Đồng này thoát khỏi cửa tử trong gang tấc. Còn nhớ một đêm giữa năm 2003, ba người ngộ độc thức ăn khá nguy kịch, nước lũ thì ngập đồng, ông huy động bà con chuyển nạn nhân xuống thuyền, đưa lên bệnh viện cấp cứu kịp thời trong đêm và thoát chết. Điều làm ông Tu trăn trở nhất là tuổi già sức yếu không cho phép ông đưa đò mãi được, nếu những chuyến đò từ thiện không còn, thì sự nghiệp học hành của trẻ em thôn Hạ Đồng trôi về đâu. Ông trăn trở: “Cả thôn vẫn chưa có đứa nào được làm sinh viên cả. Tui thì mỗi ngày một già, biết khi nào con em của xóm được đến trường bằng cây cầu chắc chắn, nhỏ thôi cũng được!”. Anh Lê Văn Lục, Chủ tịch xã Hải Tân cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất lên huyện về hiện trạng đời sống của người dân ở Hạ Đồng. Từ năm 1990, xã đã gửi kiến nghị lên cấp trên đề nghị cho xây một cây cầu, nhưng kẹt nỗi kinh phí chưa có nên đành chịu. Mỗi mùa mưa, chúng tôi phải chi 2 triệu đồng dựng tạm cầu treo, được ít bữa thì nước cuốn, lại phải nhờ đến bác Tu”. Mùa mưa lũ đã qua, nhưng nói đến mưa lũ, người ta vẫn phải nhớ đến cảnh chiếc thuyền tôn nhỏ bé của ông đò gàn giữa dòng nước mênh mông! Đã 18 năm nay, ông là người duy nhất chèo đò ở bến sông này.

Cố lên, Phú ơi!

Nhân vật trong bài viết này có một lý lịch học tập đáng nể: 12 năm học sinh giỏi; là một trong những gương mặt điển hình của huyện Yên Thành (Nghệ an) tham dự các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh đạt được thành tích cao. Thi đại học đối với nhiều người là một cửa ải không thể vượt qua, thì đối với anh, nó giống như buổi thi học kỳ ở trường huyện. Thảnh thơi vào khoa xây dựng của giảng đường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tương lai của cậu sinh viên có lý lịch xuất thân mấy đời là nông dân này ngỡ rằng sán lạn...

Ngã...
Sinh năm 1980 trong một gia đình thuần nông đông con ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ an), Phạm Văn Phú từ nhỏ đã nổi tiếng là thông minh đĩnh ngộ. Cuộc sống người dân đồng chiêm một nắng hai sương, tuổi thơ của Phú gắn với mảnh ruộng, lưng trâu hơn là sách vở. Vậy mà Phú vẫn học rất giỏi. Suốt từ buổi đầu tiên cắp sách đến trường, cho đến lúc gấp sách bước vào...trại cải tạo, Phú đều là học sinh giỏi. Sau này, khi chúng tôi về Yên Thành, còn nghe rất nhiều người kể về tấm gương học tập của cậu học trò nghèo này kèm theo một cái tặc lưỡi: "Tiếc cho em nó quá!". Nhưng quá trình phạm tội của Phú thì không đơn giản như một cú tặc lưỡi. Vào Đại học Kiến trúc, Phú tiếp tục học giỏi nổi tiếng. Những năm tháng đầu tiên, Phú còn có thể nhai mì tôm trệu trạo thay cơm để lên giảng đường ngồi nghe thầy giáo giảng bài. Nhưng rồi trong tâm trí của chàng sinh viên nghèo này luôn trăn trở một câu hỏi: tại sao thằng A, con B học thì dốt đặc cán mai, vậy mà vẫn đủ điểm, vẫn suốt ngày thay xe, thay người yêu như thay áo?
Từ đó, trong cái đầu thông minh đĩnh ngộ của Phạm Văn Phú không chỉ có chữ nghĩa, mà đã hằn sâu ý thức nhục nhằn vì thua kém bạn bè về vật chất. Hết tiền, Phú và mấy người bạn bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà giữa trời mưa như trút. Lang thang. Đói cơm rách áo. Phú ôm mặt khóc tức tưởi giữa ngã ba đường. Đó là thời gian vào khoảng giữa năm 2002.
Đúng thời điểm khó khăn nhất, T, một "đầu nậu" của đường dây thi thuê, thi hộ đã để mắt đến Phú. Sau vài chầu cà phê, đầu nậu T. ngã giá: "Học giỏi như chú mà phải sống vất vưởng như thế này, nhục còn hơn chó...". Nói xong, T. hào phóng dúi cho Phú một xấp tiền. Tiền làm Phú sáng mắt. Tiền cho Phú quần áo đẹp, thuê được phòng trọ khang trang, còn bao thêm được mấy đứa bạn nghèo khó. Công việc T. giao đối với Phú quá đơn giản: Bằng kỷ thuật vi tính, Phú làm giả thẻ dự thi của các trường, làm giả cả chứng minh thư cho các "gà nòi" (tiếng lóng chỉ sinh viên giỏi được thuê thi thay) đánh lận con đen, vào thi thay cho các thí sinh muốn vào đại học bằng con đường "xích lô xe lai". Một trường hợp thành công, Phạm Văn Phú được nhận từ 3 đến 5 triệu đồng. Những lúc không tìm được "gà nòi" thì Phú lập tức đáp ứng. Lần Phú trực tiếp thi thay cho một trường hợp vào Cao Đẳng Bắc Giang thì bị bắt.
Phạm Văn Phú nói: "Mình ngu dốt, tham lam quá, với lại đã trót nhúng chàm, không dừng lại được". Cái giá phải trả cho "sự ngu dốt" như lời của Phú, là án phạt 9 tháng tù giam tại Trại Kế (Bắc Giang). Từ cậu bé đồng chiêm nghèo ham học, một sinh viên giỏi của trường ĐH danh giá, Phạm Văn Phú cúi đầu bước vào trại cải tạo như một thước phim buồn.

Đứng dậy và sống
Phú cười rạng rỡ khi kể về vợ mình: Cô gái xứ Đoài mây trắng (Hà Tây) Nguyễn Thanh Trà.
Trà và Phú gắn bó với nhau từ những ngày cả hai đứa còn ngồi trên giảng đường. Phú bị bắt, Trà đang học năm thứ hai Cao đẳng kinh tế. Cô sinh viên xứ Đoài khóc hết nước mắt. Khóc chán, cũng không thể làm cho Phú trở lại giảng đường ĐH được. Trà lặn lội lên Bắc Giang thăm Phú. Trà nói như đinh đóng cột: Anh phải cải tạo tốt để đứng dậy. Em sẽ chờ anh. Trà về Hà Nội, bạn bè thông cảm ít, phản đối nhiều: Ai đời lại đi yêu một "thằng tù"! Nhưng Trà vẫn cắm cúi học, cắm cúi yêu Phú. 9 tháng sau Phú ra trại, cũng là lúc Trà học xong. Đến lượt bố mẹ, anh chị phản đối kịch liệt. Cái lý lịch "thằng tù" mới ra trại của Phú là lý do chính.
Phú về quê trong sự dị nghị của bà con, lối xóm. Mặc cảm tù tội, thua thiệt khiến Phú chơi vơi. Anh lang thang làm đủ nghề để kiếm sống, và để quên...Trà. Trong sự mặc cảm tột cùng, Phú nghĩ: Mình đã như vậy, không được làm khổ Trà. Vậy là Phú đi làm lơ xe, phụ hồ, cuộc sống nay đây mai đó. Trong những ngày đen tối của đời phú, tình yêu của Trà như một phép màu đã nhóm lên đốm lửa ấm áp. Trà một mặt nhờ anh em bạn bè thuyết phục bố mẹ, một mặt tìm cách liên lạc với Phú...
Cưới được Trà, Phú nhờ anh chị vay mượn được 10 triệu đồng làm vốn với quyết định phải làm giàu từ chính trên quê hương của mình. Nhận thấy quê của Phú sẵn nguồn nguyên liệu là cây tre bạt ngàn, Trà bàn với Phú về Hà Tây học nghề làm tăm hương. Sau một thời gian học nghề ở quê ngoại, cuối năm 2004, vợ chồng Phú Trà trở về quê mở cơ sở sản xuất tăm hương.
Những ngày tháng đầu tiên nhọc nhằn khó khăn vô cùng. Hai vợ chồng ngày đêm chẻ tre, vót tăm quần quật, sản phẩm làm ra vẫn không tìm được nơi tiêu thụ. Không ít lần được nghe người ta bóng gió, đại loại không nên làm ăn với một "thằng tù" mới ra trại. Đêm về hai vợ chồng an ủi: Cái khó nhất là cưới được nhau, hai người đã làm được, thì coi như không còn một khó khăn nào hết! Được sự động viên của vợ, Phú tiếp tục ra tận Hà Tây, mời thợ về tập huấn kỷ thuật. Lấy công làm lãi. Dần dần, cùng với sự cần cù, nhẫn nại và uy tín, sản phẩm tăm hương của vợ chồng Phú Trà đã tìm được chỗ đứng. Hiện tại, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định mỗi tháng trên một triệu đồng. Đầu năm 2007, vợ chồng anh mở rộng sản xuất, dạy nghề cho bà con trong vùng, thu mua sản phẩm thô, về chế biến, tẩm hương liệu xuất đi các địa bàn lân cận. Đến nay, sản phẩm tăm hương Phú Trà đã có mặt hầu khắp các địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá...Khi hỏi về thu nhập gia đình, Phú khiêm tốn: "Cũng còn vất vả lắm anh ạ. Nhưng thời gian vừa qua đã cho em nhận ra được nhiều điều. Cuộc sống của mình, mình phải tự chủ, không thể ai sống hộ được..." Phú chỉ vào chiếc xe ô tô tải mới coóng: "Vợ chồng em mới mua, để chủ động vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ". Rồi Phú say sưa nói về...cây tre. Ông chủ trẻ 8X mong muốn phát triển một làng nghề làm tăm hương chính trên quê hương của anh. Phú tâm sự: "Nếu có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, em tin người dân quê em sống được với nghề tăm hương".
Chia tay vợ chồng Phú Trà, chúng tôi thầm cảm phục cho tình yêu và nghị lực của đôi bạn trẻ. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn và đầy cám dỗ, nhưng vấp ngã để biết đứng dậy sống có ý nghĩa bằng chính bàn tay, khối óc của mình như Phạm Văn Phú, không phải ai cũng làm được.

NƠI ẤY BÌNH YÊN


Nằm cách bãi biển Cửa Lò khoảng 8 km về hướng Đông Nam, với diện tích chỉ hơn 2km2, Hòn Ngư là một trong 2 đảo tiền tiêu của tỉnh Nghệ An, án ngữ Cửa Hội. Đây là nơi đóng quân của Đại đội hỗn hợp đảo Ngư. Không chỉ có giá trị to lớn về quốc phòng, Hòn Ngư còn như một khu du lịch có giá trị nếu biết vận dụng đem vào khai thác.

Non nước hữu tình...
Chiếc canô của đội bảo vệ bờ biển Cửa Lò chở đoàn chúng tôi rẻ sóng hướng thẳng về phía đảo khi mặt trời vừa đứng bóng. Nhìn từ xa, Hòn Ngư như một chú cá khổng lồ đang quay đầu về phía biển. Mất gần 15 phút với tốc độ tối đa, chiếc canô nhỏ mới cập bến. Không ai bảo ai, mọi người cố chạy nhanh vào phía trong đảo vì ở đó cây cối um ùm giúp tránh cái nắng oi bức đang như thiêu như đốt. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, mọi người lại quay trở lại bến, rủ nhau chụp ít tấm hình làm kỷ niệm.
Vừa vào đến đảo, chúng tôi đã được chiêm ngắm vẻ đẹp uy nghiêm của chùa Song Ngư nằm ngay dưới chân đảo. Hai cây Lộc Vừng có niên đại hàng trăm năm tuổi đứng sừng sững, rủ hoa, tán lá rợp cả sân chùa như tô thêm vẻ bí ẩn và uy nghi. Ngôi chùa này được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV, trên khuôn viên 11.000m2, thờ phật Thích Ca và Sát hải đại vương Hoàng Tá Thôn - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Ngôi chùa này nổi tiếng linh thiêng nên ngư dân vùng Cửa Lò và Cửa Hội thường vào đây dâng hương để cầu mong mưa thuận gió hòa. Những ngày mưa bão, chùa cùng với đảo là nơi tránh bão an toàn của ngư dân đánh bắt trên vùng biển này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa đã từng bị bom đạn đánh phá hầu như hoàn toàn nhưng hai cây Lộc Vừng và cây Giuối thì vẫn còn cho đến tận bây giờ. Đến đầu năm 2003, chùa được khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Khi biết được lịch sử của ngôi chùa, mọi người thay nhau vào chùa thành kình thắp hương. Sau những giây phút tuy ngắn ngủi nhưng quý giá đó, ai cũng thấy lòng mình như nhẹ nhõm, mọi âu lo, toan tính bụi trần dường như tan biến. Mọi mệt mỏi chợt như không còn mà thay vào đó là cảm giác mong muốn nhanh được khám phá những điều thú vị còn ở phía trước.
Rời chùa Song Ngư, chúng tôi tiếp tục đi vòng xung quanh đảo để tìm hiểu về trạm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và trạm khí tượng thủy văn. Đâu đâu trên đảo cây cối cung um tùm, xanh mướt. Do không bị chặt phá nên rừng ở đây hầu như là cây nguyên sinh, thi thoảng là những hàng cây ăn quả trĩu trái được các chiến sĩ ở đây trồng và chăm sóc. Mặc dầu tiết trời oi bức, ngột ngạt, lại phải leo hàng trăm bậc đá để lên được đến đỉnh của đảo nhưng không ai trong đoàn cảm thấy mệt mỏi. Có lẽ cuộc sống ở chốn thị thành phồn hoa không đủ che lấp những góc linh thiêng, một chút nhẹ nhàng yên tĩnh.

...Và những người lính đảo vui tính
Ở Hòn Ngư không có người dân cư trú mà chỉ có Đại đội hỗn hợp đảo Ngư đóng quân. Đại đội này gồm trung đội súng máy PK137mm, pháo 12, cối, ĐK và AK bộ binh, gồm cán bộ sĩ quan và chiến sĩ chuyên nghiệp đóng dàn trải xung quanh đảo. Nhiệm vụ của đại đội là huấn luyện chiến đấu, tăng gia sản xuất - kể cả đi xây dựng công trình trong đất liền. Trong mùa mưa bão, cán bộ và chiến sĩ ở đây còn tham gia cứu hộ, cứu nạn và cơ động chống ném mìn kích điện của ngư dân.
Tiếp xúc với các chiến sĩ ở đây, chúng tôi mới thấy được vô vàn những khó khăn mà đại đội đang đối mặt. Trên đảo không có điện lưới nên phải tải bằng máy phát. Tuy được Bộ chỉ huy cung cấp một phần nguồn kinh phí mua dầu để chạy máy nhưng anh em chỉ phát điện từ 19h đến 22h. Nguồn nước ngọt được khắc phụ bằng cách xây bể chứa lấy nước mưa vào mùa hè nước ngọt như một tài sản quý giá, nước mưa chỉ đủ dùng cho ăn uống nên việc tắm giặt anh em phải dùng nước... biển.
Nhờ tăng gia sản xuất nên đại đội hầu như tự túc được lương thực. Chỉ vào mùa khô này, các chiến sĩ ở đây mới cần hỗ trợ một ít lương khô và gạo do ở đảo không thể sản xuất được.
Tuy khó khăn là thế nhưng cán bộ và chiến sĩ ở đây luôn vui vẻ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung đội trưởng Nguyễn Đình Trung thuộc trung đội súng máy PK137, người đã có bốn năm ở đảo này tươi cười cho chúng tôi biết: “Ngoài những giờ huấn luyện, sản xuất mệt nhọc, anh em luôn tăng cường hoạt động thể thao giải trí để rèn luyện sức khỏe và sống lạc quan hơn. Đặc biệt trong mùa hè, thường có nhiều đoàn khách ghé thăm đảo nên anh em luôn tranh thủ giao lưu văn nghệ, tìm hiểu về đất liền, gởi thư về cho người nhà và cả người yêu nữa”. Hỏi ra mới biết, các chiến sĩ ở đây hầu hết chưa lập gia đình, trong khi đó một tháng mới được vào bờ một lần nhưng chỉ giới hạn trong một vài giờ để mua đồ dùng và dầu chạy máy nổ. Mỗi năm các chiến sĩ ở đây mới được về quê một lần nên dù chỉ cách đất liền chưa đầy 8km nhưng nỗi nhớ nhà và người thân vẫn cứ đeo đẳng khôn nguôi. Mỗi lần có người từ đất liền ra là anh em luôn nhiệt tình, niềm nở vì họ xem khách như chính người nhà của mình. Trung tá Vương Kiến Cường - đảo trưởng phấn khởi cho chúng tôi biết: “Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng anh em chiến sĩ ở đây luôn cố gắng khắc phục, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là hòn đảo tiền tiêu vững chắc của tỉnh”.
Chia tay hòn đảo nhỏ với những chiến sĩ ở đây, lòng chúng tôi không khỏi luyến lưu. Các chiến sĩ gửi gắm cho chúng tôi về quê nhà họ những nỗi niềm mong nhớ. Ai ai cũng muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để ngày về không hổ thẹn là chiến sĩ của Hòn Ngư.
                                                                                                                        Tuấn Anh

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Thạch Văn - Thạch Hà (Hà Tĩnh):
KHI QUAN XÃ “BÁN TRỜI KHÔNG VĂN TỰ”


Năm 2001, trước nhu cầu của người dân về việc xin mua đất ở tại khu vực Đông Châu, Đông Bạn chính quyền xã Thạch Văn (Thạch Hà- Hà Tĩnh) đã nhanh chóng làm thủ tục bán đất cho người dân. Thế nhưng mọi thủ tục chỉ được thể hiện bằng một phiếu thu ghi số tiền là 2.800.000 đồng hoặc 4.800.000 đồng, diện tích đất thì không có một giấy tờ nào chứng thực. 9 năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn mỏi mòn ngóng chờ sổ đỏ.

Bán đất bằng những cái chỉ tay
Theo đơn thư phản ánh của chị Đặng Thị Hồng (xóm Đông Châu-Thạch Văn-Thạch Hà) gửi tới Báo TTTĐ, năm 2000, gia đình chị làm đơn lên UBND xã Thạch Văn và ban Địa chính xã bán cho gia đình chị một mảnh đất để làm nhà ở. Đến năm 2001, UBND xã đã bán cho gia đình chị một mảnh đất với số tiền là 2.800.000 nghìn đồng.
Chị Hồng cho biết, sau khi gia đình chị mua mảnh đất với số tiền trên, ngoài biên lai thu tiền ra, gia đình chị không nhận được bất cứ một giấy tờ nào ghi diện tích cũng như vị trí của thửa đất. Khi gia đình thắc mắc với ban địa chính xã thì nhận được lời hứa miệng của UBND xã cũng như ban Địa chính là sẽ nhanh chóng làm thủ tục cấp giấy quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho gia đình chị. Cứ nghĩ rằng chính quyền xã sẽ thực hiện lời hứa nên vợ chồng chị yên tâm ra về.
Năm 2002, khi gia đình bắt đầu làm nhà, để biết được chính xác diện tích cũng như vị trí của đất nhà mình, chị Hồng đã yêu cầu ban địa chính và UBND xã xuống làm việc. Không hiểu sao, gia đình chỉ thấy mỗi mình anh Nguyễn Khắc Kỷ, lúc đó là cán bộ địa chính xã xuống chỉ cho một mảnh vườn và bảo đó là đất của gia đình. Gia đình lúc đó còn lưỡng lự nhưng cán bộ địa chính đã đích thân chỉ định nên có phần yên tâm. Theo chị Hồng, vào thời điểm đó, UBND xã cũng làm tương tự khi bán đất cho các hộ ông Lê Khắc Thái và hộ ông Mai Đức Đài cũng bằng những cái chỉ tay, trong 3 mảnh đất nói trên thì mảnh đất của ông Mai Đức Đài ở giữa. Kể từ đó, UBND và ban địa chính xã không hề có biên bản đo đất hay làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những gia đình đã nộp tiền mua đất mặc dù hàng năm các hộ này vẫn nộp thuế đất đầy đủ cho xã.
Vào năm 2003, khi có dự án nuôi tôm của công ty Việt - Mỹ về đóng trên địa bàn xã, đường sá được mở rộng hơn, đặc biệt là đường 19/5 và đường đi biển Đông Châu, mảnh đất của gia đình chị Hồng và hơn 20 hộ gia đình sống gần đó trở nên có giá trị. Cảm thấy có điều gì đó bất ổn nhưng gia đình chị và những hộ khác không có cách gì ngoài chờ đợi. Sau bảy năm mòn mỏi ngóng trong không có kết quả, chị Hồng và một số hộ chạy đôn chạy đáo lên UBND xã để hỏi cho ra lẽ. Khi anh Hồ Phi Dũng (chồng chị Hồng) đến làm việc, chính quyền xã đưa cho anh 1 biên bản cấp đất photo công chứng có chữ ký của anh Dũng. Theo biên bản này, gia đình anh Dũng cũng như các hộ còn lại được ghi diện tích đất sở hữu là 400m2 mà không có địa giới hành chính. Lúc này anh Dũng mới té ngửa thực tế mình không hề ký vào biên bản nào vì vào thời điểm đó anh còn đi làm ở xa. Khi anh xin UB xã xem biên bản gốc thì bị từ chối với lý do bản photo công chứng cũng có giá trị như bản gốc.
Tháng 11/2008, chị Hồng nhận được thông báo của UBND xã với nội dung, gia đình chị đã xây dựng và trồng cây lấn chiếm đất chưa xử lý nên chưa giao biên bản và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thêm vào đó, UBND xã còn cho rằng, gia đình chị xây nhà sai vị trí. Căn cứ vào đó, xã đã phân đất theo lô, hộ của nhà ông Lê Khắc Thái thuộc lô 1, ông Mai Văn Đài thuộc lô số 2, còn gia đình chị thuộc lô 3. Oái ăm thay, trước đó chị Hồng đã xây nhà theo chỉ tay của ông cán bộ địa chính trên lô 4?!


Những khuất tất đằng sau quyết định của cán bộ xã
Theo như thông báo số 10/TB/UBND, ngày 1/7/2009 mà UBND gửi cho chị Hồng thì, tại biên bản giao đất ngày 18/1/2002, mảnh đất gia đình chị thuộc lô số 3 (có ghi rõ phía Đông Nam giáp đường đi biển Đông Châu dài 17m, phía Tây Nam giáp đường quy hoạch dài 24m, phía Tây Bắc giáp đất quy hoạch dài 17m, phía Đông Bắc giáp đất quy hoạch dài 24m). Chị Hồng cho chúng tôi biết, nếu muốn hợp thức hoá ngôi nhà và mảnh đất hiện nay, gia đình chị phải nộp cho xã 25 triệu đồng nữa (?)
Cũng như gia đình chị Hồng, năm 2002, gia đình ông Nguyễn Văn Giá (trú xóm Đông Bạn) mua mảnh vườn nằm ở ngã tư đường 19/5 để làm nhà với số tiền 4.800.000 đồng (tương đương với 400m2). Sau khi nộp tiền xong, UBND xã đã tiến hành lập biên bản đo đất cho gia đình ông. Đầu năm 2003, khi ông Giá đang đắp nền móng nhà thì nhận được 1 thông báo của xã buộc phải đình chỉ. Lý do xã đưa ra là, nền nhà ông nằm trên khu vực thuộc dự án nuôi tôm (vùng đất đã bàn giao cho công ty Việt Mỹ nuôi tôm thuộc dự án 19/5). Theo đơn thư, mảnh đất mà ông Giá mua vào năm 2002, đến tháng 03/2003 mới có thông báo số 02 TB-UB của UBND xã “Về việc thực hiện quy hoạch xây dựng vùng dự án nuôi trồng thủy sản”. Như vậy, đáng lẽ ông Giá phải được UBND xã mời làm việc và thông báo cho gia đình biết trước để ông còn kịp xoay xở. Nếu mảnh đất của ông thuộc dự án nói trên thì tại sao 8 năm qua gia đình ông không hề nhận được sự bồi thường hay hoàn trả mặt bằng của dự án như chính quyền xã đã hứa với ông, mặc dù dự án nuôi tôm đã đi vào hoạt động từ lâu. Mặt khác nếu như gia đình ông Giá không được xây dựng trên mảnh đất đó thì số tiền 4.8000 đồng mà xã đã thu tại sao không được hoàn trả hoặc đền bù theo luật định?
Trường hợp gia đình chị Trần Thị Phúc ở đội 6, xóm Bắc Văn lại càng trớ trêu hơn. Năm 1984, gia đình chị sử dụng mảnh đất được ông cha để lại và đó là đất không có tranh chấp. Năm 2002, khi huyện mở đường tỉnh lộ 27, miếng đất của chị nằm vào giữa trục đường. Nếu tính về giá trị, cả hai bên phần đất bị chia cắt để làm đường ấy đều thuộc đất mặt tiền. Không hiểu vì sự trùng lặp hay ngẫu nhiên mà đúng vào thời gian đó, gia đình chị Phúc nhận được thông báo của chính quyền xã là đất mà chị đang sở hữu là đất “hoang hóa” và xã có quyền thu để “phục vụ” dự án. Không lâu sau khi con đường hoàn thành, một phần đất của gia đình chị đã được xã bán cho 4 hộ (hiện nay 2 hộ đã làm nhà và được cấp sổ đỏ). Trong khi đó, Cũng cần phải nói thêm rằng, theo luật đất đai 1994 về trước, nếu đất do ông cha để lại mà không có tranh chấp sẽ được nhà nước thừa nhận.Không biết vô tình hay hữu ý mà các cán bộ của UBND xã Thạch Văn đã dựng nên những câu chuyện cười ra nước mắt như vậy. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm sáng tỏ những khuất tất đằng sau việc cấp phát đất của các vị quan xã này.
                                                                                                                                             D-P