LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Tình trạng mất an toàn tại các mỏ đá: DOANH NGHIỆP CÒN THỜ Ơ VỚI TÍNH MẠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

 Hà Tĩnh được coi là địa phương có tiềm năng về khoảng sản vật liệu xây dựng. Nguồn nguyên liệu từ 100 mỏ đá (được cấp phép) có thể đáp ứng được nhu cầu cho các công trình lớn đang triển khai trên địa bàn. Tuy nhiên bên cạnh những lợi thế, vấn đề ATLĐ đang đứng trước nhiều thách thức khi các đơn vị khai thác lại tỏ ra thờ ơ với tính mạng người lao động. Chính việc mất an toàn đã dẫn đến những vụ tai nạn gây chết người thảm khốc
Mỏ đá Hồng Lĩnh
Tình trạng an toàn cho người lao động báo động đến mức, mới đây Sở LĐTBXH, Công thương, Tài nguyên & Môi trường đã ra quyết định tạm đình chỉ khai thác đối với các mỏ có nhiều vi phạm ATVSLĐ - PCCN đối với các đơn vị đầu tư khai thác như HTX Hồng Minh, HTX Tân Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), DNTN Cảnh Bằng... Ngoài ra, các ngành chức năng còn quyết định thu hồi giấy phép khai thác đá đối với Cty Sông Đà 27 vì chậm đầu tư khai thác. Đây được coi biện pháp cứng rắn đối với các tổ chức vi phạm khi trước đó đã nhiều lần nhắc nhỏ và xử phạt hành chính nhưng không hiệu quả của ngành chức năng.
Một góc của mỏ đá Trà Dương
Cùng với đó, một số DN khác như Cty CP Hoàng Anh Sơn, Hồng Thủy, Cty TNHH MTV Sơn Dương… cũng bị xử lý hành chính với số tiền từ 2 đến 7 triệu đồng. Không biết sau lần xử phạt này các DN có kịp tỉnh ngộ để kịp thời khắc phục những thiếu sót hay không?
100 mỏ đá đã được cấp phép của ngành chức năng là điều kiện lý tưởng để tỉnh Hà Tĩnh có thể triển khai xây dựng các công trình trọng điểm; đồng thời tăng thu ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho hàng vạn người lao động. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó vẫn còn khá nhiều bất cập mà ngành chức năng ghé “thăm” “đụng” đâu cũng ra vi phạm. Chỉ có điều nhiều hay ít mà thôi! Những vi phạm của các DN chủ yếu là vấn đề ATLĐ mà nguyên nhân chủ yếu bắt đầu từ việc khai thác nhỏ lẻ, manh mún; sử dụng trang thiết bị máy móc lạc hậu; sử dụng người lao động chưa qua đào tạo.
Một mỏ đá tại Hồng Lĩnh trong giờ sản xuất
Có mặt tại các cơ sở kinh doanh khai thác đá tại thị xã Hồng Lĩnh và các  huyện Hương Sơn, Kỳ Anh điều chúng tôi nhận thấy có rất ít đơn vị tuân thủ theo quy trình khép kín từ khâu bóc đất phong hóa đến cắt gương tạo vỉa, khai thác không đúng thiết kế được thẩm định phê duyệt. Điều tệ hại nhất là để tận dụng tối đa lợi nhuận, các mỏ đá ở đây đều khai thác đá từ dưới chân ngược lên sai quy trình, tạo thành bức vách thẳng đứng vô cùng nguy hiểm và có thể làm núi đá đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Lao động ở đây chủ yếu làm theo thời vụ, thích thì làm, không thích thì nghỉ.
Mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền của các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ-PCCN đã được chú trọng, thế nhưng các DN lại tỏ ra thờ ơ. Cty CP Công nghiệp Việt Nam và Xí nghiệp khai thác đá và xây dựng Hồng Lam là số ít tuân thủ quy trình nghiêm ngặt này.
Đến nay đã có 38/55 đơn vị tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động tuy nhiên nhiều đơn vị  chỉ mang tính chiếu lê, không có giáo án huấn luyện, không có bài kiểm tra sát hạch kết quả của các học viên. 100% DN đã mua sắm phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như: quần áo, mũ, dây đai an toàn, tuy nhiên trong quá trình làm việc nhiều người không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động. Chưa hết, một trong những yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ là bình nén khí dùng cho khoan nổ mìn, nhưng các thiết bị này đều là thiết bị cũ của Trung Quốc, đồng hồ báo áp suất, van an toàn không hoạt động nên nếu có sự cố, hậu quả chết người là cầm chắc.
Công nhân thời vụ chủ yếu là phụ nữ
Còn nữa, công tác quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, PCCN có vai trò đặc biệt quan trọng trong khai thác đá. Ý thức được điều này, nhiều DN đã chú trọng xây dựng hệ thống kho bảo quản VLNCN đảm bảo đúng quy định; các DN đều bố trí lực lượng bảo vệ kho 24/24 giờ, tuy nhiên có những DN chưa bố trí đủ lực lượng bảo vệ; chưa xây dựng nội quy an toàn; chỉ huy nổ mìn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ ( kỹ sư chuyên ngành) theo quy định của Bộ Công thương như: Cty CP Lạc An, DNTN Cảnh Bằng. Bên cạnh đó, quyền lợi của người lao động chưa được chú trọng nên người lao động làm việc “được chăng hay chớ” thấy lợi thì làm bất chấp các quy định khắt khe về ATVSLĐ
Chờ việc
Nguyên nhấn chính dẫn đến tình trạng trên chính là việc quản lý lỏng lẻo của các ngành Tài nguyên & Môi trường, Công thương, LĐTBXH và chính quyền địa phương. Chính quyền một số địa phương đã thực hiện không nghiêm pháp luật về quản lý khoáng sản, thậm chí còn tiếp tay cho việc khai thác khoáng sản trái phép. Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến lợi ích lâu dài của người lao động, chấp hành Luật Lao động không nghiêm.
Theo điều tra, có không ít các mỏ đá đoàn kiểm tra tạm đình chỉ trong đợt vừa rồi đã bắt đầu ngang nhiên hoạt động trở lại khi chưa đủ điều kiện. Điều đó cho thấy, các biện pháp tức thời của các ngành chức năng chưa mang lại hiệu quả cao. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có có biện pháp mạnh và sự vào cuộc thực sự của các ngành chức năng nhằm tạo ra một môi trường làm việc đảm bảo một cách tối đa ATVSLĐ-PCCN trong các mỏ đá. 

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

TP Hà Tĩnh: Khuôn viên công sở bị hàng quán “bủa vây”

          Vì mục đích thu lợi mà nhiều hộ dân tại TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã ngang nhiên lấn chiếm mặt tiền các công sở để làm địa điểm kinh doanh. Cũng có không ít các cơ quan Nhà nước tại địa phương này đã tự ý “tăng nguồn thu” bằng cách xây ki-ốt cho thuê ngay trong khuôn viên công sở.
Khuôn viên Sở NN&PTNT Hà Tĩnh bị “bao vây” bởi hàng chục ki ốt
   Hàng chục năm nay, mặt tiền của nhiều cơ quan Nhà nước các cấp đóng trên địa bàn TP. Hà Tĩnh đang bị “trưng dụng” làm địa điểm kinh doanh buôn bán. Thực trạng này diễn ra một cách phổ biến và hết sức ngang nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mĩ quan đô thị và tính uy nghiêm của các cơ quan Nhà nước.
       Dọc theo những con đường ở trung tâm thành phố như đường Phan Đình Phùng, đường Trần Phú, đường Hà Huy Tập..., những nơi tập trung các cơ quan hành chính các cấp cũng là nơi “hội tụ” của rất nhiều những quán hàng lấn chiếm, tự phát. Người ta ngang nhiên bày bán đủ các mặt hàng từ nước giải khát, quán cơm bình dân đến hiệu photocopy hay cửa hiệu cắt tóc... ngay trước cổng, thậm chí là cả trong khuôn viên của không ít công sở. Hoạt động của những quán hàng này diễn ra một cách công khai và liên tục từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Tiếng ồn, rác thải cũng từ đó mà “len lỏi” vào tới tận nơi làm việc của các cơ quan, công sở.
       Án ngữ nơi mặt tiền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh (trên đường Phan Đình Phùng) là hàng chục ki-ốt, bày bán đủ “thượng vàng hạ cám” từ nước chè, mía đá đến hàng hoa tươi, hiệu photocopy... Người đi đường phải thật tinh mắt và cố công quan sát thì mới phát hiện ra đằng sau những hàng quán này là trụ sở làm việc của một cơ quan cấp tỉnh. Hay trước cổng trụ sở Bảo Việt Hà Tĩnh, nhiều quán nước cũng tự ý mọc lên. Bàn ghế bày la liệt, tiếng cười nói, cãi vã ồn ào chẳng khác gì... hội chợ. Không chỉ mĩ quan và tính uy nghiêm của công sở bị ảnh hưởng mà người dân khi đến giao dịch cũng gặp không ít phiền toái trước thực trạng này.
Cửa hàng photocopy, in thiệp cưới được xây
trong khuôn viên Tòa án TP. Hà Tĩnh
     Anh Võ Phong - một người dân ở thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) đến giao dịch tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ hỏi đường và tìm kiếm, anh mới tới được cơ quan này. Mệt mỏi và bất bình, anh Phong cho biết: “Tôi hỏi địa chỉ, người ta hướng dẫn là ở số 61 đường Phan Đình Phùng. Nhưng đến nơi chỉ thấy toàn quán hàng, nghĩ rằng nhầm nên tiếp tục lòng vòng tìm kiếm. Mãi đến gần trưa, phải thuê xe ôm dẫn đường thì tôi mới đến được, hóa ra Sở Nông nghiệp đang ẩn nấp đằng sau những dãy ki-ốt này...”
      Không chỉ các hộ buôn bán tự ý lấn chiếm mặt tiền công sở, mà có nhiều cơ quan đóng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh cũng đã “cải thiện thu nhập” bằng cách “xẻo” đất trong khuôn viên, xây ki-ốt cho tư nhân thuê để kinh doanh, buôn bán. Nằm “thù lù” bên cổng vào, ngay trong khuôn viên Tòa án nhân dân TP. Hà Tĩnh là một cửa hiệu photocopy, in thiệp cưới. Những người đi vào cổng Tòa án, khó có thể phân biệt được người nào vào để tham gia tranh tụng, người nào để đặt thiệp cưới, in giấy mời...
      Nguyên nhân dẫn đến thực trạng hàng loạt trụ sở cơ quan Nhà nước bị xâm phạm này, theo tìm hiểu của phóng viên TTTĐ thì một phần do sự thiếu ý thức của các hộ kinh doanh, nhưng chủ yếu là do sự vào cuộc thiếu kiên quyết của các ngành chức năng trên địa bàn. Chị Tình (một người bán quán giải khát ngay trước cổng Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh), cho biết: “Vẫn biết bán hàng thế này là vi phạm, nhưng không bán thì cũng không có nghề gì khác để kiếm sống. Với lại bên trật tự đô thị người ta thỉnh thoảng mới đi kiểm tra nên cũng dễ làm ăn....”
      Các hộ kinh doanh thì vì hám lợi mà bất chấp vi phạm trong khi nhiều cơ quan cũng muốn “cải thiện thu nhập” bằng cách xây ki-ốt cho thuê nên dẫn đến thực trạng là hàng loạt các cơ quan, công sở trên địa bàn Hà Tĩnh đang bị “bủa vây” bởi hàng quán tự phát. Đề nghị các ngành chức năng và chính quyền các cấp tại Hà Tĩnh sớm vào cuộc để chấm dứt thực trạng đáng buồn này.

Lấy tiền trợ cấp của người nghèo chia cho người giàu

Theo công văn hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về hướng dẫn tạm thời về việc chi trả kinh phí hổ trợ tiền điện cho hộ nghèo năm 2011 với định mức hổ trợ là 30000đ/tháng. Song ở xã Sơn Lễ - Hương Sơn – Hà Tĩnh tiền hổ trợ đó lại bị cắt xén để chia cho những hộ không thuộc diện nghèo.
Ảnh minh họa (internet)
Khi có Công văn hướng dẫn về việc hỗ trợ tiền điên cho hộ nghèo thì người nào cũng phấn khởi vì có thêm một phần kinh phí để giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho mỗi hộ gia đình. Nhưng sự phấn khởi đó đã thành sự bức xúc của người dân, sau khi đi nhận tiền hổ trợ tiền điện cho hộ nghèo ở xã về thì đồng loạt Ban cán sự của các xóm lại bắt buộc người dân nộp lại số tiền đó cho Ban cán sự xóm để chia đều cho tất cả các hộ khác. Đây là một việc làm trái ngược với chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện sự thiếu trách nhiệm của địa phương đối với người nghèo. Qua tìm hiểu được biết việc giải quyết chế độ, chính sách cho người nghèo mấy lâu nay đều theo kiểu “sáng tạo” của địa phương như: chia đều, bốc thăm….với cách làm như vậy đã gây rất nhiều phẫn nộ, bất bình cho người dân địa phương.
Ảnh minh họa (internet)
Bên cạnh những hộ nghèo chưa được cấp đủ, cấp đúng tiền hổ trợ tiền điện thì họ còn lại phải chi trả giá điện thắp sáng 2100đ/kw cao hơn nhiều so với giá quy định của nhà nước. Nhiều lần ông Nguyễn Văn Minh ở xóm 8 đại diện cho người dân ở đây đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã Sơn Lễ và UBND huyện Hương Sơn nhưng những sự việc đó vẫn chưa được trả lời một cách thoả đáng cho người dân.
Cách giải quyết chế chế độ chính sách “sáng tạo” của Ban cán sự xóm không dừng lại ở đó, ngày 30/09/2011 sau khi người nghèo đi nhận tiền trợ cấp đột xuất 250.000đ của Chính phủ ở xã về thì Ban cán sự xóm tiếp tục bắt nộp về Ban cán sự xóm để chia đều cho các hộ gia đình. Sự khát khao trông chờ ánh sáng chân lý không biết đến bao giờ mới đến được với người dân nơi đây? Rất mong các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh có câu trả lời thỏa đáng cho bà con.

UBND TP.VINH TIẾP TAY CƯỚP ĐẤT ?

Nhà thờ họ thành di tích lịch sử!
Năm 1999 Bộ Văn hóa thông tin có quyết định số 05/1999-QD-BVHTT công nhận mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Điều này rất bất ngờ đối với nhiều người vì thực chất của đền thờ Trần Quý Khoáng ở đây là cái nhà thờ họ Trần được xây dựng trong khuôn viên của một gia đình thuộc dòng tộc. Cũng từ đây các mâu thuận nảy sinh, gia đình bị tố cáo lấn chiếm đất di tích, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh vườn bị hủy bỏ. Và khi cái di tích cấp sai đó trở về với tên đúng nghĩa là nhà thờ họ Trần thì anh em trong dòng tộc vẫn tìm mọi cách lấy đất của hộ gia đinh đình để mở rộng khuôn viên nhà thờ theo ý họ. Còn UBND TP Vinh thì vẫn chưa trả lại mảnh đất đúng chủ.

Nhà thờ họ Trần ở xã Hưng Lộc

Những năm 1929- 1930, ông Trần Quảng Vân (xóm Đức Thịnh- xã Hưng Lộc- TP Vinh- Nghệ An) xây dựng ngôi nhà thờ họ Trần trong khuôn viên vườn nhà để thờ tổ tiên. Ngôi nhà thờ bằng gỗ 3 gian diện tích 32m2 xưa nay là nơi con cháu họ Trần cúng giỗ. Sau năm 1962, khi đền Trung (cách nhà thờ vài trăm mét, được xây dựng từ lâu để thờ một vị tướng nhà Trần) bị phá hủy, các vị cao niên trong xóm đã mang bài vị của vị tướng cùng một số đồ tế khí gửi vào nhà thờ họ Trần để thờ cùng tổ tiên họ Trần. Khu vườn có ngôi nhà thờ họ Trần sau khi được thừa kế từ cha là Trần Quảng Vân thì đến năm 1991 ông Trần Quảng Sinh đã bán lại với giá 200 ngàn cho vợ chồng ông Trần Quảng Tuận và bà Nguyễn Thị Minh, là chú trong họ. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh ở và trông coi nhà thờ. Năm 2004, UBND TP Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Minh với diện tích 2482,10m2. Sau khi bà Minh mất, mảnh vườn được để lại cho vợ chồng con trai là Trần Trung Phước ở và tiếp tục trông coi nhà thờ.
Bất ngờ năm 2008, ông Trần Trung Phước nhận được thông tin quy kết gia đình mình lấn chiếm 648m2 đất của đền thờ. Gia đình hoang mang gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi nhưng chưa được giải quyết thì tháng 3/2009 ông Lê Quốc Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP Vinh đã có quyết định số 1097/QĐ-UBND hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh (vợ chồng ông Trần Trung Phước thừa kế) với lý do đất ở chồng lên đất di tích (không có thỏa thuận đền bù), đây là một sự lạm quyền sai quy định của pháp luật. Quá đau lòng trước việc này ông Phước đã lâm bệnh qua đời để lại một mình vợ là bà Nguyễn Thị Lý cầm đơn đi kêu cứu khắp nơi.
Trở lại với việc cấp bằng di tích lịch sử đối với mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng. Năm 1995 một số người trong dòng tộc họ Trần cho rằng phát hiện ra dấu tích của vua Trần Quý Khoáng tại xóm Đức Thịnh. Cũng theo họ vua Trần Quý Khoáng đã lên ngôi tại đây và sau khi ông vua này nhảy xuống biển tự tử đã được người dân vớt xác và chôn cất tại đây. Và theo họ thì ngôi mộ cổ không có bia bên cạnh đền Trung (đã bị phá hủy) là mộ vị vua Trần này. Năm 1999, sau khi xét duyệt hồ sơ di tích và văn bản đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa thông tin đã công nhận mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng là di tích lịch sử.
Sau khi phát hiện sự việc này, nhiều người đã viết đơn khiếu nại việc công nhận di tích này. Để làm sáng tỏ vấn đề, tháng 10 năm 2009 Đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UB VHGD TNTN&NĐ) của Quốc hội khóa XII do ông Nguyễn Minh Thuyết làm trưởng đoàn đã về giám sát việc khiếu nại tố cáo về di tích lịch sử “mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” tại Nghệ An. Sau khi giám sát, đoàn UB VHGD TNTN&NĐ đã có kiến nghị thu hồi bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với di tích “mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” tại xã Hưng Lộc. Đồng thời Đoàn cũng kiến nghị thu hồi quyết định số 1097/QD-UBND của UBND TP Vinh về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh.

Sai vẫn không muốn sửa!
Qua giám sát của đoàn UB VHGD TNTN&NĐ của Quốc hội khóa XII xác định nội dung lý lịch di tích không phù hợp với thực tế và có những sai phạm nghiêm trọng nhằm biến nhà thờ của một dòng họ thành đền thờ vua Trần Quý Khoáng để được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau khi xem xét kiến nghị của UB VHGD TNTN&NĐ, ngày 14/6/2010 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định 2068/QĐ- BVHTTDL thu hồi Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích “mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” ở Hưng Lộc (TP Vinh). Tưởng như mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa sau Quyết định này nhưng mâu thuận giữa nhiều người trong dòng họ Trần với gia đình chị Nguyễn Thị Lý tiếp tục căng thẳng. Mọi chuyện có thể đã được giải quyết nếu như UBND TP Vinh thực hiện kiến nghị hợp lý của UB VHGD TNTN&NĐ về việc thu hồi quyết định 1097 (quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh). Trong khi các vị trong dòng họ Trần ở đây đòi 648m2 vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Lý và hai bên chưa hòa giải xong thì UBND TP Vinh và các ban ngành liên quan đã cử người về yêu cầu đo đạc trong vườn của bà Lý (thậm chí còn đòi cưỡng chế đo không theo một nguyên tắc nào). Bà Lý cho biết: “Tôi sẵn sàng cắt cho nhà thờ họ 300m2 đất hoặc hơn nữa để anh em trong họ xây dựng khuôn viên nhà thờ, nhưng việc cắt đất phải phù hợp với khuôn viên vườn nhà. Thế nhưng họ vẫn nhất quyết đòi cho được 648m2 đất dọc trước cửa nhà gia đình tôi giống như trong quy hoạch của di tích đền thờ Trần Quý Khoáng (nay không còn được công nhận nữa - PV)”. Một điều rất rõ ràng nữa, sau UBND tỉnh giao phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết đơn thư của công dân về vấn đề này, ngày 2/4/2009 Sở Tài nguyên và môi trường đã có kết luân nhà thờ họ Trần được xây từ những năm 1930 trong khuôn viên thửa đất 149 rộng 2567,6m2..., cũng theo kết luận này thì hồ sơ địa chính lập các năm 1993, 2001 đều có tên chủ sử dụng là ông Trần Trung Phước và nhà thờ họ Trần không được thể hiện trên hồ sơ địa chính. Vậy tại sao các vị trong dòng họ Trần vẫn nhất quyết đòi cho được 648m2 mà không chịu nhận theo hiến tặng của gia đình. Và điều đáng nói là, UBND TP Vinh không những không hủy bỏ quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ của gia đình mà còn liên tục cho người về đo đạc diện tích đất nhà thờ trong khuôn viên vườn ở của gia đình này. Việc này đang làm cho những người đi đòi đất vô lý này được cớ, không ngừng quấy rối gia đình bà Nguyễn Thị Lý, khiến mấy mẹ con bà sống trong thấp thỏm lo âu. “Cứ thế này thì chết mất thôi các chú ạ. Chồng tôi đã chết vì uất ức, còn mình tôi giờ nuôi 3 đứa con ăn học tận Hà Nội, mà suốt ngày cứ bị o ép thế này. Họ liên tục cho người đến quấy rối, đập phá trong vườn nhà khiến cho mẹ con tôi luôn nơm nớp lo sợ”- Chị Lý tâm sự. Và điều đáng lo sợ nhất của chị Lý lúc này là nguy cơ mất đất của chính gia đình mình. Thiết nghĩ, tại sao UBND TP Vinh vẫn không làm theo kiến nghị của UB VHGD TNTN&NĐ của Quốc hội trong việc hủy quyết định 1097 về việc quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ của bà Nguyễn Thị Minh. Như đã nói ở trên, căn cứ duy nhất để hủy giấy CNQSDĐ trên là việc đền thờ Trần Quý Khoáng là di tích lịch sử quốc gia nằm trong vườn. Thế nhưng bằng di tích lịch sử đã được thu hồi và thực chất của đền thờ vị vua nhà Trần này chỉ là nhà thờ của một họ Trần nơi đây. Đã gần 2 năm kể từ khi UB VHGD TNTN&NĐ có kiến nghị về những vấn đề trên, UBND TP Vinh vẫn chưa có quyết định hủy bỏ quyết định 1097 nói trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc việc ai đã tiếp tay cho người nhà họ Trần lập hồ sơ giả để biến nhà thờ họ thành di tích quốc gia ở những số báo tiếp theo.

Con người với cội nguồn và giòng họ

Ban đầu họ tộc chỉ có ý nghĩa huyết thống, mà bây giờ người ta gọi là gene di truyền. Nhưng thật ra gia đình và họ tộc có một ý nghĩa khác lớn hơn từ những người xa xưa, đó là tình nghĩa trách nhiệm đối với nhau. Tình nghĩa trách nhiệm của họ tộc bắt đầu trong gia đình bằng sự thương yêu nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Tình yêu thương của cha mẹ, con cái tự nhiên phát triển thành tình yêu thương giữa các anh chị em với nhau. Thế hệ tiếp theo thì tình nghĩa trách nhiệm đó phát triển thành tình họ tộc, cô dì chú bác, phát triển thành cháu chắt nội ngoại. Quan hệ họ tộc chính là quan hệ của tình nghĩa và trách nhiệm đối với nhau. Và cũng chính vì lệ thuộc vào tình nghĩa trách nhiệm đối với nhau nên quan hệ họ tộc sẽ phai nhạt dần khi họ tộc bị phân nhánh xã dần xa dần.
Ta đã công nhận quan hệ họ tộc là quan hệ huyết thống và quan hệ tình nghĩa trách nhiệm, nhưng thật ra họ tộc còn có mối quan hệ thiêng liêng khác nữa đó là quan hệ tâm linh.
Các nhà phong thủy tin rằng nếu hài cốt của ông bà, cha mẹ được táng vào nơi linh khí đắc địa thì con cháu sẽ phát triển thịnh vượng. Hoặc kinh nghiệm của tổ tiên ta cũng cảnh báo rằng đời cha ăn mặn đời con khát nước. Con cháu và tổ tiên không hề độc lập vì còn có mối quan hệ tâm linh đặc biệt này.
Đạo Phật với luật nhân quả cũng xác nhận có sự ràng buộc về phúc đức của ông bà đối với con cháu. Chỉ những bậc cha mẹ có đức độ mới sinh được người con có phúc phần. Tâm hồn của cha mẹ sẽ lập trình nên cuộc sống của con cháu mai sau. Ta sinh ra giữa đời này, muốn hay không muốn, ta đã chịu ảnh hưởng từ nguồn tâm linh của tổ tiên như thế, và bổn phận của ta là làm sao để lại một nguồn mạch tâm linh tốt đẹp nối tiếp cho con cháu của mình về sau nữa.
Vinh quang của họ tộc, giá trị của họ tộc, chính là những gì mà họ tộc đã đóng góp được cho cuộc đời, chứ không phải những gì họ tộc lấy đi của cuộc đời. Ta thừa hưởng vinh quang của họ tộc cũng có nghĩa là ta phải có bổn phận tiếp tục bồi đắp những vinh quang đó cho con cháu ta có niềm vui mà cất bước trên đường đời vạn nẻo. Bồi đắp vinh quang của họ tộc có nghĩa là ta phải ra sức làm nhiều điều tốt cho đời, cống hiến nhiều hơn nữa trái tim yêu thương và khối óc minh mẫn để xây dựng cuộc đời này ngày càng hạnh phúc hơn. Hạnh phúc của họ tộc ta có được khi ta quây quần bên nhau kể chuyện tổ tiên, tâm sự chuyện gia đình, bày tỏ những khát vọng sắp tới. Nhưng niềm vinh quang của họ tộc lại nằm ở bên ngoài họ tộc, nghĩa là ta phải làm nhiều điều tốt cho đời, cho tất cả con người trên đất nước này, trên thế giới này, cho những người không cùng họ tộc với ta. Ta càng bày tỏ tình yêu thương rộng lớn với mọi người chừng nào thì vinh quang của họ tộc càng sang chói. Đây chính là ta thực hiện lời dạy tha thiết “Vạn đại vị dân”.
Như ta đã nói với nhau, tình họ tộc xuất hiện khi ta có nghĩa tình và trách nhiệm với nhau, từ trong gia đình cho đến họ hàng mấy lớp. Tình họ tộc lớn lao mà ta đang kết nối trong cả nước cũng phải được xây dựng trên nguyên tắc đó, Nghĩa tình và Trách nhiệm đối với nhau. Nhưng tình họ tộc khác với vinh quang họ tộc. Tình họ tộc là chuyện nội bộ khi ta sống có nghĩa tình và trách nhiệm với nhau; còn vinh quang của họ tộc chỉ có được khi ta mở rộng lòng mình để yêu thương và đóng góp được cho cộng đồng nhân loại chung quanh ta.
Có thể chúng ta không có nhiều cơ hội để chăm sóc nhau, lo lắng cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau như trong một gia đình nhỏ bé; có thể chúng ta cũng ít cơ hội để chuyện vãn tâm sự mọi niềm vui, nỗi buồn riêng tư với nhau; nhưng sự kết nối họ tộc cả nước này đã khiến chúng ta lớn lên hẳn, để chúng ta biết mở lòng yêu thương nhiều hơn, nhận thức trách nhiệm nặng hơn, và sống xứng đáng hơn.
Nghĩ đến cả họ tộc thiêng liêng, chúng ta chẳng còn dám làm điều gì xằng bậy để mang tiếng cho họ tộc mình, đắc tội với tổ tiên mình. Nghĩ đến cả họ tộc thiêng liêng, chúng ta chỉ nguyện lòng cố gắng sống nghĩa tình với gia đình, họ hàng và đóng góp cho cộng đồng chung quanh nhiều điều tốt đẹp hòng lấy về chút vinh quang cho dòng họ.
Về phương diện tín ngưỡng thì ta cũng có rất nhiều điều tế nhị. Trên bình diện quốc gia thì ta hiểu rằng ai theo đạo nào thì theo, nhưng phải biết yêu nước. Đạo nào thì ta cũng là người Việt Nam, nên phải yêu nước Việt Nam cái đã. Và ta cũng chỉ chấp nhận tôn giáo nào đề cao được lòng yêu nước, tôn cao lòng yêu nước mà thôi. Trong họ tộc cũng vậy, ai theo đạo nào thì theo nhưng phải thờ kính tổ tiên họ tộc mình cái đã. Và ta cũng chỉ chấp nhận tôn giáo nào không làm mất tình đoàn kết họ tộc của ta mà thôi. Khi đến đây với nhau, ta chỉ còn một cái chung, đó là họ tộc, nên tạm gác lại những khác biệt ở bên ngoài. Có thể bước ra ngoài ta lập tức mang vác trở lại những vai trò khác như là cán bộ, giám đốc, tu sĩ, giáo sư….., Nhưng trước mặt họ tộc của mình, ta mãi mãi là con là cháu hiền ngoan nhu thuận. Cái tình họ tộc mênh mông đầm ấm khiến cho ta như đứa trẻ được tắm mát trong dòng sông tình thân của cả họ tộc này.
Đến với họ tộc là ta đến với tình thương yêu là chính, còn mọi chuyện hơn thua danh lợi tạm thời không nói đến. Người trong họ tộc như đã hình thành một quy ước ngầm, mặc nhiên với nhau, đó là họ tộc là đoàn kết, là yêu thương, là chung vui, là đầm ấm. Ta tuyệt đối tránh sự xung đột trong họ tộc của mình, dù là một lời nói đùa nho nhỏ cũng hết sức cẩn thận. Dĩ nhiên trên đời chằng ai hoàn toàn không có lỗi, nhưng người trong họ tộc với nhau không được bới móc lỗi lầm của nhau một cách cay nghiệt, mà chỉ được góp ý với nhau bằng tình thương chân thành. Còn lại hầu hết đều cố gắng giúp đỡ nhau trong cuộc sống đầy sống gió đầy thăng trầm này.
Hiện nay trào lưu lối sống mới đang phá dần những truyền thống tốt đẹp của Á Đông, lớp trẻ tiêm nhiễm văn hóa độc hại trên các phương tiện truyền thông hiện đại, khiến cho xã hội càng trở nên xáo trộn. Đạo đức hiếu nghĩa đang bị đe dọa làm tan vỡ tình gia đình. Vì thế, sự kết nối họ tộc, giáo dục họ tộc, mang ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ sự bình yên cho xã hội. Con người phải biết quý kính tổ tiên, họ tộc của mình để tránh sự lạc long, mất gốc, cũng có nghĩa là tránh đi sự mất mát những đạo đức tinh thần vô giá của một con người. Vì thế, hãy sống sao cho xứng đáng với cả dòng họ lớn lao của mình.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Xã 135 Sơn Lễ ( Hương Sơn – Hà Tĩnh): Thêm nhiều dấu hiệu sai phạm

Báo TTTĐ số 963 ra ngày 10/10/2011 có đăng bài : “xã 135 Sơn Lễ ( Hương Sơn – Hà Tĩnh) : Chia chỉ tiêu và bốc thăm hộ nghèo” phản ánh về những sai phạm của chính quyền xã Sơn Lễ. Nhưng cho đến nay, tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để, sai phạm vẫn nối tiếp sai phạm. Theo nhiều phản ánh của người dân PV TTTĐ lại về Sơn Lễ điều tra và phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm mới mang tính hệ thống của chính quyền nơi đây.

Dân Sơn Lễ vẫn còn tiếp tục kêu cứu
Về Sơn Lễ lần này PV TTTĐ không khỏi ngạc nhiên khi được biết sau khi Báo TTTĐ viết về việc giá điện ở nơi đây cao hơn các nơi khác thì người dân xóm 8 Sơn Lễ ngay lập tức bị cắt điện trong vòng 5 ngày từ ngày 28/10 – 3/11. Giải quyết vấn đề bán điện với giá cao cho người dân, ngày 03/11 chính quyền Sơn Lễ giải quyết cho gia đình ông Nguyễn Văn Minh tính giá 1.100đ KWh từ ngày 01/03/2011 đến nay bằng cách trừ vào hai tháng tiền điện mà ông Minh sử dụng mà chưa trả. Theo lời ông Minh thì : “ Họ bảo bà con không được nạnh ông Minh, nếu bà con mà nạnh ông Minh thì sẽ cắt điện tiếp”. Phải chăng vì ông Minh là người có công vạch ra những sai phạm của chính quyền xã Sơn Lễ nên mới được giải quyết như vậy còn những người dân khác lại không được giải quyết? Với cách giải quyết này nhiều người cho rằng làm như vậy để ông Minh không phải kiện nữa, để rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Ngoài bức xúc trong việc thu tiền điện với giá cao, cắt điện để thị uy ra còn có rất nhiều bức xúc của nhân dân trong việc cấp phát sổ đỏ, chế độ chính sách cho người già, lấn chiếm đất đai… Trường hợp của bà Nguyễn Thị Phượng ( 68 tuổi) ở xóm 8 là một trường hợp hi hữu có sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế bà Phượng không hề biết một số diện tích trong đó nằm ở đâu. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phượng được làm từ năm 1998 nhưng cán bộ địa chính thu giữ không đưa cho bà Phượng, chỉ đến khi bà Phượng khiếu nại lên UBND huyện Hương Sơn, năm 2005 địa chính xã mới gọi bà lên lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số M 309928  vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  số 748 QSDĐ/116 cấp cho bà Phượng có nhiều thửa, nhưng theo bà Phượng phản ánh thì có 03 thửa đến tại thời điểm này bà không hề biết diện tích này nằm ở đâu. Đó là các thửa 5267 có diện tích 133m2; thửa 3582 có diện tích 239m2; thửa 2430 có diện tích 245m2. Nhận thấy nghịch lý này, bức xúc bà Phượng đã khiếu nại nhiều lần nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo xã Sơn Lễ giải thích cho việc này là bà Phượng đã cho người khác làm một số diện tích, nhưng bà Phượng khẳng định lại hoàn toàn ngược lại với ý kiến của xã: “ Tôi có cho làm một số diện tích nhưng không phải ba thửa đó, ba thửa đó tôi chưa hề biết nó nằm ở đâu thì làm sao mà cho người khác làm được chứ?”. Phải chăng số diện tích nằm trong sổ đỏ của bà Phượng đã bị cán bộ địa chính xã Sơn Lễ phù phép làm biến mất?. Không chỉ bà Phượng có liên quan đến đất đai, trường hợp của bà Đoàn Thị Liên ( 83 tuổi)  ở xóm 8 còn oái ăm hơn khi đã sống hơn 40 năm tại đây mà chưa hề có sổ đỏ. Bà Liên bức xúc: “Tôi sống tới tuổi này cũng gần đất xã trời rồi, nhưng tới giờ chưa hề có sổ đỏ, không biết lúc tôi mất đi con cháu sẽ về đâu mà nhang khói cho tôi đây?”. Bà Liên cũng chính là người chịu nhiều thiệt thòi từ cách làm việc tách trắc của cán bộ văn hóa xã Sơn Lễ. Ngày 14/01/2011, Chính phủ đã ban hành nghị định số 06/2011/NĐ- CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi, tại điều 06 về chính sách bảo trợ xã hội có quy định hỗ trợ đối với người già trên 80 tuổi. Nhưng bà Liên đã 83 tuổi vẫn không hề nhận được một khoản tiền hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương. Trao đổi với PV TTTĐ ông Lê Xuân Tùng – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lễ thừa nhận trường hợp trên là có thật: “xã đã trao đổi với bà Liên là do làm chậm chính sách. Anh Toàn cán bộ văn hóa xã đã làm hồ sơ gửi lại xóm, hiện giờ đã làm văn bản bổ sung”?? Thiết nghĩ những trường hợp như bà Liên được trả lời là đang bổ sung nhưng không biết bao giờ bà Liên mới được hưởng hổ trợ trong khi tuổi già khó đợi “bổ sung”.
Ngoài ra tại Sơn Lễ còn rất nhiều bức xúc của người dân khi cán bộ trong UBND xã lại là người có liên quan trực tiếp tới việc san lấn đất tại cầu ngã ba. Sau khi cho xe đổ đất để lấn ra bờ sông, khi có dư luận phản đối và báo chí phản ánh, ngay trong đêm vị này đã cho xe tới múc, chở đất đổ đi nơi khác. Trong nội bộ chính quyền nơi đây cũng mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ khi tại cuộc họp Chi bộ xóm 8 ngày 03/10/2011 ông Dương Hữu Tùng Bí thư chi bộ đã vu khống và xúc phạm danh dự của anh Lê Đình Sáng là cấp ủy trong xóm. Theo lời bà Nguyễn Thị Nữ - mẹ anh Sáng thì: Ông Tùng nói “ những lời nặng nề: rải truyền đơn, gia đình hận thù từ đời này qua đời khác, trong bầu cử quay phim tuyên truyền… làm chúng tôi rất bức xúc”. Sự việc này đã làm cho cán bộ mất đoàn kết, mất niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo, gây nghi kị lẫn nhau, xôn xao dư luận…
Trao đổi với PV TTTĐ ông Phan Xuân Bang – Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ về những vấn đề Báo TTTĐ nêu, ông trả lời thoái thác: “Đến thời điểm này xã đã đi xác minh một số nội dung, nhưng chưa đủ điều kiện để trả lời vì phải đi xác minh một số đối tượng khác”?. Những sự việc này diễn ra từ lâu, đã có rất nhiều phản ánh của nhân dân nhưng cho đến nay UBND xã Sơn Lễ vẫn chưa giải quyết được phải chăng UBND xã bất lực? hay đang cố che đậy những điều sai trái?
Trao đổi vấn đề này với ông Nguyễn Quang Thọ - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, ông cho biết : “ Hiện nay đã giao cho phòng công thương kiểm tra về vấn đề điện, chỉ đạo các phòng chuyên môn xác minh một số nội dung mà báo nêu. Thực tế sau bầu cử đến nay công việc rất nhiều nên chưa giải quyết được”. Một lần nữa đề nghị UBND huyện Hương Sơn vào cuộc giải quyết dứt điểm những bức xúc của người dân xã Sơn Lễ nhằm mang lại niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

LẠI CÓ MỘT EMAIL NẶC DANH GỬI NỘI DUNG NÀY, NHƯNG NẾU CÓ THẬT THẾ NÀY THÌ ĐAU BUỒN THẬT

MỘT THƯ KÝ TÒA SOẠN GẠ TÌNH?

 Đã từ lâu dư luận trong làng báo Nghệ An râm ran về ông “thư ký” một tờ báo nọ có những hành vi gạ tình đối với các phóng viên, cộng tác viên nữ trong tòa soạn. Ông ta đã lợi dụng chức vụ của mình để gạ gẫm, thậm chí ép buộc tình, nếu các nữ phóng viên này phản kháng và từ chối thì bài viết sẽ bị gây khó dễ, không được đăng. Chúng tôi tiến hành điều tra và chân dung ông thư ký chuyên gạ tình đã hiện rõ.
Ảnh trang trí
Theo lời người tố cáo, sau nhiều lần rủ rê và gạ gẫm, sáng ngày 22-08-2011 cô N đành chấp nhận đi Cửa Lò với ông ta, sau khi gửi xe máy tại bệnh viện đa khoa Nghệ An, theo yêu cầu của ông ta là để người khác không biết . 
 Chúng tôi bám theo chiếc xe bốn chỗ màu bạc biển số 37...08 chạy hướng vinh Cửa hội. Tới thị xã Cửa Lò, chiếc xe rẽ vào UBND xã Nghi Hương. Hơn 11h ông “thư ký” và cô gái cùng một số quan chức thị xã Cửa Lò đưa nhau đến quán “Thúy Hiếu” trên bãi biển tổ chức ăn uống. Chúng tôi giữ khoảng cách và theo dõi sát sao. Đến khoảng 13h30 bữa tiệc tan, cô gái lên xe cùng với ông “thư ký”, chúng tôi lập tức bám theo. Chạy lòng vòng qua mấy con đường như tìm kiếm gì đó thì chiếc xe 37...08 đột nhiên rẽ vào khách sạn Hương Sen trên đường Bình Minh, gã “thư ký” vào thuê phòng và cùng cô gái bước vào thang máy, tới cửa phòng 209 như sực nhớ ra điều gì, gã “thư ký” quay trở lại xe ô tô. Cô gái nhân cơ hội đó chạy theo cầu thang bộ và xuống ngồi ở khu vực lễ tân. Sau khi quay trở lại phòng 209, không thấy cô gái đâu lão ta gọi điện thoại cho cô gái yêu cầu cô lên phòng với ông ta, mặc cho ông ta gọi nhưng cô gái nhất quyết không lên. Sau khi thuyết phục cô gái không được, gã “thư ký” tức giận lên xe đưa cô gái trở về thành phố.
Chúng ta hãy nghe lời đối thoại của gã ‘thư ký” và cô gái:
...........
Gã thư ký: Vào khách sạn nghỉ trưa tý hè.
Cô gái : Không được đâu. Thôi về nhà rồi nghỉ cũng được mà chú..... cháu không vào đây đâu
 Thư ký: không nghỉ không được đâu đấy.( gằn giọng)
......
Thư ký: Lên đây mồ, lên nghỉ tý rồi về.
Cô gái: Thôi chú cứ nằm nghỉ đi. Cháu ngồi dưới này (dưới quầy lễ tân) cũng được mà
........
Thư ký: Thôi không nghỉ thì về.
.........
Thư ký: Sợ chú ah. Cứ vô ngủ đi rồi biết.?
Cô gái: không được đâu a,cháu ngại lắm. ai lại làm thế!!!!
...............
Còn những lời nói khác nhưng chúng tôi không tiện nêu ra tại đây.
          Sau khi chiếc xe rời khỏi khách sạn, chúng tôi đã nói chuyện với hai người trực lễ tân tại khách sạn Hương Sen. Với giọng điệu hơi pha lẫn sự hài hước, người trực lễ tân khách sạn bình luận “Đúng là trâu già thích gặm cỏ non”....
Tiếp tục tìm gặp thêm một số nạn nhân cũa gã “thư ký” gạ tình này. Đó là cô P.T.G, cô này đã có thời gian làm phóng viên hợp đồng tại tờ báo này. Cho chúng tôi xem những tin nhắn của ông “thư ký” mà cô còn lưu giữ, kèm theo lời kể xen lẫn sự uất ức, cô gái này cho biết trong suốt thời gian làm việc tại đây, cô đã phải chịu  sức ép từ những hành vi gạ gẫm của ông ta và chấp nhận nghỉ việc, chuyển đi nơi khác. Một cộng tác viên nữ có tên T.T, sau một thời gian có bài được đăng trên tờ báo này thì gã “thư ký” đã gửi tin nhắn “à ơi” cho cô gái, hiện những tin nhắn này vẫn được cô lưu, và chúng tôi đang nắm giữ!  
 Chúng tôi không thể tưởng tượng ông thư ký có tuổi cha chú, giữ chức vụ quan trọng tại một tờ báo ngành, đòi hỏi cần phải có đạo đức và sự công tâm trong công việc lại có thể bỉ ổi đến vậy. Không hiểu lãnh đạo ngành khi lựa chọn thư ký, để tờ báo làm tốt nhiệm vụ có nghĩ rằng: Chính người kiểm soát bài vở phục vụ việc tuyên truyền và giáo dục của tờ báo lại có vấn đề về đạo đức, lối sống chưa thực sự xứng đáng với công việc hiện nay không! Và uy tín, hậu quả của tờ báo sẽ ra sao khi những vụ việc này bị phơi bày hay bị chính các nạn nhân này tố cáo trước công luận! Câu trả lời này xin dành cho ông “thư ký” và cơ quan chủ quản

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An): “Xà xẻo” tiền ủng hộ bão lũ của dân


Trong tháng 10/2010, Nghệ An nói chung, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng đã hứng chịu nhiều “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên. Bão lũ, nước ngập, nhà tan, cửa nát, hoa màu, của cải… trôi theo mưa lũ. Đứng trước nỗi đau to lớn ấy, nhân dân cả nước, cùng kiều bao xa tổ quốc đã quyên góp tiền của để ủng hộ khúc ruột Miền trung. Nhưng số tiền tình nghĩa này, khi về đến xã Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã bị bớt xén, “ém” một cách phi lý.

Danh sách nhận tiền khống của UBND xã Quỳnh Tân

Ngày 31/10/2011, UBND huyện Quỳnh Lưu có kết luận số 1820/KL.TTr do ông Hồ Phúc Hợp, Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ký nêu rõ: Ngày 6/9/2010, xã Quỳnh Tân thống kê thiệt hại lúa, lạc, rau màu do bão lũ số 3 gây ra mất 575 ha.
Nhưng ngày 15/12/2010, đoàn kiểm tra của huyện thẩm định thì Quỳnh Tân chỉ thiệt hại... 287 ha. Tháng 6/2011, Theo quyết định 2407 của UBND huyện, Quỳnh Tân được nhận 479.750.000 đồng tiền cứu trợ. Các quan xã đã “xẻo” ra 62.000.000 đồng gửi các trưởng thôn 6, 8, 9, 10, 11 nhờ... giữ hộ, 417.000.000 đồng còn lại được chia về 16 xóm nhưng lại phải nạp ngược trở lên cho uỷ ban: Thuế giá trị gia tăng, phí ngoại giao chè nước. Số còn lại bị thôn trưởng 4 thôn “xẻo” tiếp nâng tổng số tiền bị chiếm giữ lên đến 99.740.000 đồng. Tiền nhận về từ cuối tháng 6 nhưng các thôn: 1, 2, 3, 4, 9, 11,16 lại “chưa kịp thời công khai, trả tiền cho nhân dân”.
Trong kết luận thanh tra của Thanh tra huyện Quỳnh Lưu, cũng nêu rõ: Việc UBND xã Quỳnh Tân không chi trả số tiền 90.790.000 đồng, để lại ngân sách, chi hoạt động, nạp thuế GTGT và 4 trưởng thôn còn chiếm giữ là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Lập hồ sơ khống 1,28 ha lạc nhận 11.510.000 đồng là sai. Trách nhiệm sai phạm thuộc Đ/c chủ tịch UBND xã. Phó chủ tịch phụ trách kinh tế, kế toán ngân sách. Cán bộ khuyến nông và thôn trưởng 7 thôn: 4, 6, 8, 9, 10, 11, 14.
Chủ tịch UBND huyện giao cho UBND xã: Lập hồ sơ chi trả 77.135.000 đồng cho dân theo quy định. Thu hồi số tiền 22.605.000 đồng gồm: Tại thủ quỹ UBND xã: 10.960.000 đồng. Trưởng thôn 6: 8.960.000 đồng. Trưởng thôn 4: 1.325.000 đồng. Trưởng thôn 10: 800.000 đồng. Trưởng thôn 14: 570.000 đồng.
Tuy nhiên, điều quan ngại của nhiều người, khi bản kết luận này lại giao UBND xã Quỳnh Tân: “Tổ chức kiểm điểm xử lý kỷ luật đối với cán bộ sai phạm”. Nghĩa là giao cho những người để xảy ra sai phạm tự nhận hình thức kỉ luật. “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” liệu các cán bộ của xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có dám can đảm nhận lỗi, hay là chỉ nhận hình thức cho qua chuyện, để rồi sự vụ chìm xuồng, đâu vào đấy?