LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

NƠI ẤY BÌNH YÊN


Nằm cách bãi biển Cửa Lò khoảng 8 km về hướng Đông Nam, với diện tích chỉ hơn 2km2, Hòn Ngư là một trong 2 đảo tiền tiêu của tỉnh Nghệ An, án ngữ Cửa Hội. Đây là nơi đóng quân của Đại đội hỗn hợp đảo Ngư. Không chỉ có giá trị to lớn về quốc phòng, Hòn Ngư còn như một khu du lịch có giá trị nếu biết vận dụng đem vào khai thác.

Non nước hữu tình...
Chiếc canô của đội bảo vệ bờ biển Cửa Lò chở đoàn chúng tôi rẻ sóng hướng thẳng về phía đảo khi mặt trời vừa đứng bóng. Nhìn từ xa, Hòn Ngư như một chú cá khổng lồ đang quay đầu về phía biển. Mất gần 15 phút với tốc độ tối đa, chiếc canô nhỏ mới cập bến. Không ai bảo ai, mọi người cố chạy nhanh vào phía trong đảo vì ở đó cây cối um ùm giúp tránh cái nắng oi bức đang như thiêu như đốt. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, mọi người lại quay trở lại bến, rủ nhau chụp ít tấm hình làm kỷ niệm.
Vừa vào đến đảo, chúng tôi đã được chiêm ngắm vẻ đẹp uy nghiêm của chùa Song Ngư nằm ngay dưới chân đảo. Hai cây Lộc Vừng có niên đại hàng trăm năm tuổi đứng sừng sững, rủ hoa, tán lá rợp cả sân chùa như tô thêm vẻ bí ẩn và uy nghi. Ngôi chùa này được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV, trên khuôn viên 11.000m2, thờ phật Thích Ca và Sát hải đại vương Hoàng Tá Thôn - người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Ngôi chùa này nổi tiếng linh thiêng nên ngư dân vùng Cửa Lò và Cửa Hội thường vào đây dâng hương để cầu mong mưa thuận gió hòa. Những ngày mưa bão, chùa cùng với đảo là nơi tránh bão an toàn của ngư dân đánh bắt trên vùng biển này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa đã từng bị bom đạn đánh phá hầu như hoàn toàn nhưng hai cây Lộc Vừng và cây Giuối thì vẫn còn cho đến tận bây giờ. Đến đầu năm 2003, chùa được khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Khi biết được lịch sử của ngôi chùa, mọi người thay nhau vào chùa thành kình thắp hương. Sau những giây phút tuy ngắn ngủi nhưng quý giá đó, ai cũng thấy lòng mình như nhẹ nhõm, mọi âu lo, toan tính bụi trần dường như tan biến. Mọi mệt mỏi chợt như không còn mà thay vào đó là cảm giác mong muốn nhanh được khám phá những điều thú vị còn ở phía trước.
Rời chùa Song Ngư, chúng tôi tiếp tục đi vòng xung quanh đảo để tìm hiểu về trạm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và trạm khí tượng thủy văn. Đâu đâu trên đảo cây cối cung um tùm, xanh mướt. Do không bị chặt phá nên rừng ở đây hầu như là cây nguyên sinh, thi thoảng là những hàng cây ăn quả trĩu trái được các chiến sĩ ở đây trồng và chăm sóc. Mặc dầu tiết trời oi bức, ngột ngạt, lại phải leo hàng trăm bậc đá để lên được đến đỉnh của đảo nhưng không ai trong đoàn cảm thấy mệt mỏi. Có lẽ cuộc sống ở chốn thị thành phồn hoa không đủ che lấp những góc linh thiêng, một chút nhẹ nhàng yên tĩnh.

...Và những người lính đảo vui tính
Ở Hòn Ngư không có người dân cư trú mà chỉ có Đại đội hỗn hợp đảo Ngư đóng quân. Đại đội này gồm trung đội súng máy PK137mm, pháo 12, cối, ĐK và AK bộ binh, gồm cán bộ sĩ quan và chiến sĩ chuyên nghiệp đóng dàn trải xung quanh đảo. Nhiệm vụ của đại đội là huấn luyện chiến đấu, tăng gia sản xuất - kể cả đi xây dựng công trình trong đất liền. Trong mùa mưa bão, cán bộ và chiến sĩ ở đây còn tham gia cứu hộ, cứu nạn và cơ động chống ném mìn kích điện của ngư dân.
Tiếp xúc với các chiến sĩ ở đây, chúng tôi mới thấy được vô vàn những khó khăn mà đại đội đang đối mặt. Trên đảo không có điện lưới nên phải tải bằng máy phát. Tuy được Bộ chỉ huy cung cấp một phần nguồn kinh phí mua dầu để chạy máy nhưng anh em chỉ phát điện từ 19h đến 22h. Nguồn nước ngọt được khắc phụ bằng cách xây bể chứa lấy nước mưa vào mùa hè nước ngọt như một tài sản quý giá, nước mưa chỉ đủ dùng cho ăn uống nên việc tắm giặt anh em phải dùng nước... biển.
Nhờ tăng gia sản xuất nên đại đội hầu như tự túc được lương thực. Chỉ vào mùa khô này, các chiến sĩ ở đây mới cần hỗ trợ một ít lương khô và gạo do ở đảo không thể sản xuất được.
Tuy khó khăn là thế nhưng cán bộ và chiến sĩ ở đây luôn vui vẻ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trung đội trưởng Nguyễn Đình Trung thuộc trung đội súng máy PK137, người đã có bốn năm ở đảo này tươi cười cho chúng tôi biết: “Ngoài những giờ huấn luyện, sản xuất mệt nhọc, anh em luôn tăng cường hoạt động thể thao giải trí để rèn luyện sức khỏe và sống lạc quan hơn. Đặc biệt trong mùa hè, thường có nhiều đoàn khách ghé thăm đảo nên anh em luôn tranh thủ giao lưu văn nghệ, tìm hiểu về đất liền, gởi thư về cho người nhà và cả người yêu nữa”. Hỏi ra mới biết, các chiến sĩ ở đây hầu hết chưa lập gia đình, trong khi đó một tháng mới được vào bờ một lần nhưng chỉ giới hạn trong một vài giờ để mua đồ dùng và dầu chạy máy nổ. Mỗi năm các chiến sĩ ở đây mới được về quê một lần nên dù chỉ cách đất liền chưa đầy 8km nhưng nỗi nhớ nhà và người thân vẫn cứ đeo đẳng khôn nguôi. Mỗi lần có người từ đất liền ra là anh em luôn nhiệt tình, niềm nở vì họ xem khách như chính người nhà của mình. Trung tá Vương Kiến Cường - đảo trưởng phấn khởi cho chúng tôi biết: “Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng anh em chiến sĩ ở đây luôn cố gắng khắc phục, động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là hòn đảo tiền tiêu vững chắc của tỉnh”.
Chia tay hòn đảo nhỏ với những chiến sĩ ở đây, lòng chúng tôi không khỏi luyến lưu. Các chiến sĩ gửi gắm cho chúng tôi về quê nhà họ những nỗi niềm mong nhớ. Ai ai cũng muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để ngày về không hổ thẹn là chiến sĩ của Hòn Ngư.
                                                                                                                        Tuấn Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!