LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Cố lên, Phú ơi!

Nhân vật trong bài viết này có một lý lịch học tập đáng nể: 12 năm học sinh giỏi; là một trong những gương mặt điển hình của huyện Yên Thành (Nghệ an) tham dự các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh đạt được thành tích cao. Thi đại học đối với nhiều người là một cửa ải không thể vượt qua, thì đối với anh, nó giống như buổi thi học kỳ ở trường huyện. Thảnh thơi vào khoa xây dựng của giảng đường Đại học Kiến trúc Hà Nội, tương lai của cậu sinh viên có lý lịch xuất thân mấy đời là nông dân này ngỡ rằng sán lạn...

Ngã...
Sinh năm 1980 trong một gia đình thuần nông đông con ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ an), Phạm Văn Phú từ nhỏ đã nổi tiếng là thông minh đĩnh ngộ. Cuộc sống người dân đồng chiêm một nắng hai sương, tuổi thơ của Phú gắn với mảnh ruộng, lưng trâu hơn là sách vở. Vậy mà Phú vẫn học rất giỏi. Suốt từ buổi đầu tiên cắp sách đến trường, cho đến lúc gấp sách bước vào...trại cải tạo, Phú đều là học sinh giỏi. Sau này, khi chúng tôi về Yên Thành, còn nghe rất nhiều người kể về tấm gương học tập của cậu học trò nghèo này kèm theo một cái tặc lưỡi: "Tiếc cho em nó quá!". Nhưng quá trình phạm tội của Phú thì không đơn giản như một cú tặc lưỡi. Vào Đại học Kiến trúc, Phú tiếp tục học giỏi nổi tiếng. Những năm tháng đầu tiên, Phú còn có thể nhai mì tôm trệu trạo thay cơm để lên giảng đường ngồi nghe thầy giáo giảng bài. Nhưng rồi trong tâm trí của chàng sinh viên nghèo này luôn trăn trở một câu hỏi: tại sao thằng A, con B học thì dốt đặc cán mai, vậy mà vẫn đủ điểm, vẫn suốt ngày thay xe, thay người yêu như thay áo?
Từ đó, trong cái đầu thông minh đĩnh ngộ của Phạm Văn Phú không chỉ có chữ nghĩa, mà đã hằn sâu ý thức nhục nhằn vì thua kém bạn bè về vật chất. Hết tiền, Phú và mấy người bạn bị chủ nhà trọ đuổi ra khỏi nhà giữa trời mưa như trút. Lang thang. Đói cơm rách áo. Phú ôm mặt khóc tức tưởi giữa ngã ba đường. Đó là thời gian vào khoảng giữa năm 2002.
Đúng thời điểm khó khăn nhất, T, một "đầu nậu" của đường dây thi thuê, thi hộ đã để mắt đến Phú. Sau vài chầu cà phê, đầu nậu T. ngã giá: "Học giỏi như chú mà phải sống vất vưởng như thế này, nhục còn hơn chó...". Nói xong, T. hào phóng dúi cho Phú một xấp tiền. Tiền làm Phú sáng mắt. Tiền cho Phú quần áo đẹp, thuê được phòng trọ khang trang, còn bao thêm được mấy đứa bạn nghèo khó. Công việc T. giao đối với Phú quá đơn giản: Bằng kỷ thuật vi tính, Phú làm giả thẻ dự thi của các trường, làm giả cả chứng minh thư cho các "gà nòi" (tiếng lóng chỉ sinh viên giỏi được thuê thi thay) đánh lận con đen, vào thi thay cho các thí sinh muốn vào đại học bằng con đường "xích lô xe lai". Một trường hợp thành công, Phạm Văn Phú được nhận từ 3 đến 5 triệu đồng. Những lúc không tìm được "gà nòi" thì Phú lập tức đáp ứng. Lần Phú trực tiếp thi thay cho một trường hợp vào Cao Đẳng Bắc Giang thì bị bắt.
Phạm Văn Phú nói: "Mình ngu dốt, tham lam quá, với lại đã trót nhúng chàm, không dừng lại được". Cái giá phải trả cho "sự ngu dốt" như lời của Phú, là án phạt 9 tháng tù giam tại Trại Kế (Bắc Giang). Từ cậu bé đồng chiêm nghèo ham học, một sinh viên giỏi của trường ĐH danh giá, Phạm Văn Phú cúi đầu bước vào trại cải tạo như một thước phim buồn.

Đứng dậy và sống
Phú cười rạng rỡ khi kể về vợ mình: Cô gái xứ Đoài mây trắng (Hà Tây) Nguyễn Thanh Trà.
Trà và Phú gắn bó với nhau từ những ngày cả hai đứa còn ngồi trên giảng đường. Phú bị bắt, Trà đang học năm thứ hai Cao đẳng kinh tế. Cô sinh viên xứ Đoài khóc hết nước mắt. Khóc chán, cũng không thể làm cho Phú trở lại giảng đường ĐH được. Trà lặn lội lên Bắc Giang thăm Phú. Trà nói như đinh đóng cột: Anh phải cải tạo tốt để đứng dậy. Em sẽ chờ anh. Trà về Hà Nội, bạn bè thông cảm ít, phản đối nhiều: Ai đời lại đi yêu một "thằng tù"! Nhưng Trà vẫn cắm cúi học, cắm cúi yêu Phú. 9 tháng sau Phú ra trại, cũng là lúc Trà học xong. Đến lượt bố mẹ, anh chị phản đối kịch liệt. Cái lý lịch "thằng tù" mới ra trại của Phú là lý do chính.
Phú về quê trong sự dị nghị của bà con, lối xóm. Mặc cảm tù tội, thua thiệt khiến Phú chơi vơi. Anh lang thang làm đủ nghề để kiếm sống, và để quên...Trà. Trong sự mặc cảm tột cùng, Phú nghĩ: Mình đã như vậy, không được làm khổ Trà. Vậy là Phú đi làm lơ xe, phụ hồ, cuộc sống nay đây mai đó. Trong những ngày đen tối của đời phú, tình yêu của Trà như một phép màu đã nhóm lên đốm lửa ấm áp. Trà một mặt nhờ anh em bạn bè thuyết phục bố mẹ, một mặt tìm cách liên lạc với Phú...
Cưới được Trà, Phú nhờ anh chị vay mượn được 10 triệu đồng làm vốn với quyết định phải làm giàu từ chính trên quê hương của mình. Nhận thấy quê của Phú sẵn nguồn nguyên liệu là cây tre bạt ngàn, Trà bàn với Phú về Hà Tây học nghề làm tăm hương. Sau một thời gian học nghề ở quê ngoại, cuối năm 2004, vợ chồng Phú Trà trở về quê mở cơ sở sản xuất tăm hương.
Những ngày tháng đầu tiên nhọc nhằn khó khăn vô cùng. Hai vợ chồng ngày đêm chẻ tre, vót tăm quần quật, sản phẩm làm ra vẫn không tìm được nơi tiêu thụ. Không ít lần được nghe người ta bóng gió, đại loại không nên làm ăn với một "thằng tù" mới ra trại. Đêm về hai vợ chồng an ủi: Cái khó nhất là cưới được nhau, hai người đã làm được, thì coi như không còn một khó khăn nào hết! Được sự động viên của vợ, Phú tiếp tục ra tận Hà Tây, mời thợ về tập huấn kỷ thuật. Lấy công làm lãi. Dần dần, cùng với sự cần cù, nhẫn nại và uy tín, sản phẩm tăm hương của vợ chồng Phú Trà đã tìm được chỗ đứng. Hiện tại, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập ổn định mỗi tháng trên một triệu đồng. Đầu năm 2007, vợ chồng anh mở rộng sản xuất, dạy nghề cho bà con trong vùng, thu mua sản phẩm thô, về chế biến, tẩm hương liệu xuất đi các địa bàn lân cận. Đến nay, sản phẩm tăm hương Phú Trà đã có mặt hầu khắp các địa bàn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá...Khi hỏi về thu nhập gia đình, Phú khiêm tốn: "Cũng còn vất vả lắm anh ạ. Nhưng thời gian vừa qua đã cho em nhận ra được nhiều điều. Cuộc sống của mình, mình phải tự chủ, không thể ai sống hộ được..." Phú chỉ vào chiếc xe ô tô tải mới coóng: "Vợ chồng em mới mua, để chủ động vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ". Rồi Phú say sưa nói về...cây tre. Ông chủ trẻ 8X mong muốn phát triển một làng nghề làm tăm hương chính trên quê hương của anh. Phú tâm sự: "Nếu có sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, em tin người dân quê em sống được với nghề tăm hương".
Chia tay vợ chồng Phú Trà, chúng tôi thầm cảm phục cho tình yêu và nghị lực của đôi bạn trẻ. Cuộc sống vốn dĩ khó khăn và đầy cám dỗ, nhưng vấp ngã để biết đứng dậy sống có ý nghĩa bằng chính bàn tay, khối óc của mình như Phạm Văn Phú, không phải ai cũng làm được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!