LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Nhật ký của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng: Kỳ I: LẼ SỐNG TUỔI 20

"Lẽ sống của tôi là phải lao vào những nơi khó khăn nhất, lao vào mũi nhọn của cuộc sống lao động và chiến đấu chống Mỹ. Tôi muốn trở thành một thỏi gang trong lò luyện kim chứ không muốn làm tấm lụa mỏng trong quầy hàng, cánh hồng nhung trong phòng ấm". Những dòng chữ đó nằm ở trang đầu cuốn nhật ký được Đỗ Lương Bằng viết ra với lòng nhiệt huyết và bản lĩnh của tuổi hai mươi, là lẽ sống còn mãi với thời gian để nhiều bạn trẻ hôm nay tự ngẫm lại mình.

Trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc, thế hệ thanh niên tuổi 20 lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Những khát khao, ước mơ và tình yêu cháy bỏng của họ vẫn gửi lại thế hệ sau qua từng trang nhật ký viết cách đây ngót nửa thế kỷ. Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc và không thể kể hết nhiều liệt sĩ khác cùng lứa tuổi này, liệt sĩ Đỗ Lương Bằng là một trong những người như thế. Tháng 4/1963 Đỗ Lương Bằng gia nhập quân đội và tháng 2/1965 anh lên vào Quân khu 4 chiến đấu. Đúng 12 giờ ngày 18/2/1965, anh cùng đoàn xe pháo chuyển bánh tạm biệt đất Sơn Tây và 5giờ 30 phút ngày 23/2/1965 thì đến thị xã Đồng Hới (Quảng Bình). Suốt gần 4 tháng chiến đấu trên đất Quảng Bình, ngày 31/5/1965, anh cùng đồng đội hành quân bộ về nhận nhiệm vụ mới ở Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh). Tháng 7/1965, anh được điều về chiến đấu trên đất Nghệ An mà chủ yếu là ở vùng Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) khói lửa. Những ngày tháng chiến đấu tại vùng đất này, anh đều được mọi người kính phục và mến mộ, tình yêu giữa anh với cô thôn nữ Lệ Cầu (xóm Quý, xã Quỳnh Vinh) ngày càng da diết và đối với anh, "Hoàng Mai có lẽ là quê hương thứ hai yêu dấu của chúng mình"... Ga Hoàng Mai và Cầu Hoàng Mai, đoạn quốc lộ 1A bắc qua sông Mai nối địa phận xã Mai Hùng với xã Quỳnh Thiện của huyện Quỳnh Lưu ngày nay là hai điểm đánh phá rất ác liệt của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Cầu Hoàng Mai, có những ngày Mỹ đã 5 lần huy động tới 22 máy bay chiến đấu với hàng trăm quả bom, rốc-két đánh phá.
Nửa thế kỷ, chiếc cầu đã nhuốm màu năm tháng, lớp người Hoàng Mai cùng chiến với Đỗ Lương Bằng nếu ai còn sống nay cũng đã ở cái tuổi cổ lai hy. Nhưng, mỗi lần kể lại những ngày chống máy bay Mỹ những năm 1965 - 1966, người dân địa phương vẫn không thể quên tên anh - một người lính cao xạ, với sự kính nể và khâm phục. Bà Lê Thị Lý (Mai Hùng) kể: "Năm 1966 bọn tôi khoảng 14 - 15 tuổi, đều biết Bằng. Trong các buổi sinh hoạt thanh thiếu niên, mọi người thường nêu gương anh Bằng để phấn đấu. Khoảng 7/1966, 10 máy bay đến bắn phá cầu Hoàng Mai, anh Bằng lúc đó là Trung đội phó đã cùng đồng đội bắn phá trả quyết liệt. Trận này, anh bị một mảnh bom làm nát chân trái, máu ra nhiều không đứng được, anh dựa vào công sự mắt vẫn hướng lên máy bay địch để bắn. Khi y tá đến băng bó, anh đã nói: "nhờ đồng chí cắt cái chân này cho tôi để chiến đấu đỡ vướng"”. Sau đó, anh bị thương nặng và hy sinh ở tuổi 22. Mọi người chôn cất anh ở chân rú Sui (xóm 13, xã Mai Hùng), sau ngày giải phóng hài cốt của anh được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Còn những người ở xóm Yên Lộc thì kể: “sau khi anh Bằng hy sinh đã có những khẩu hiệu như "dòng máu Đỗ Lương Bằng bất diệt", khẩu đội của anh thuộc Trung đoàn 32 đoàn Sông Thao mang tên "khẩu đội Đỗ Lương Bằng", toàn đơn vị lấy gương chiến đấu của anh để học tập. Khi đó, thanh thiếu niên của các xóm Yên Lộc, Yên Trạch, ai ai cũng tự hứa sẽ phấn đấu theo tấm gương liệt sĩ Đỗ Lương Bằng”.

3 năm quân ngũ, Đỗ Lương Bằng đã tham gia chiến đấu hơn 500 ngày đêm trên mâm pháo với 300 trận địa ác liệt, cùng với đồng đội bắn rơi 50 máy bay Mỹ. Trong lời nhận xét về thành tích chiến đấu của anh, Đảng uỷ đoàn sông Thao ghi: “tấm gương sống và học tập của Đỗ Lương Bằng là một điển hình trong hàng vạn điển hình của thanh niên thời đại chống Mỹ cứu nước. ở đâu, anh cũng là ngọn cờ đầu phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước và lý tưởng cách mạng…” Điều đặc biệt là trong bom đạn chiến tranh ác liệt đó, anh vẫn lưu lại những dòng nhật ký đầy xúc động. Những trang viết này (từ 18/2/1965 đến 2/7/1966) trong cuốn nhật ký của anh như là bức thông điệp về lý tưởng thanh niên gửi đến các thế hệ mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!