LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

UBND TP.VINH TIẾP TAY CƯỚP ĐẤT ?

Nhà thờ họ thành di tích lịch sử!
Năm 1999 Bộ Văn hóa thông tin có quyết định số 05/1999-QD-BVHTT công nhận mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Điều này rất bất ngờ đối với nhiều người vì thực chất của đền thờ Trần Quý Khoáng ở đây là cái nhà thờ họ Trần được xây dựng trong khuôn viên của một gia đình thuộc dòng tộc. Cũng từ đây các mâu thuận nảy sinh, gia đình bị tố cáo lấn chiếm đất di tích, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mảnh vườn bị hủy bỏ. Và khi cái di tích cấp sai đó trở về với tên đúng nghĩa là nhà thờ họ Trần thì anh em trong dòng tộc vẫn tìm mọi cách lấy đất của hộ gia đinh đình để mở rộng khuôn viên nhà thờ theo ý họ. Còn UBND TP Vinh thì vẫn chưa trả lại mảnh đất đúng chủ.

Nhà thờ họ Trần ở xã Hưng Lộc

Những năm 1929- 1930, ông Trần Quảng Vân (xóm Đức Thịnh- xã Hưng Lộc- TP Vinh- Nghệ An) xây dựng ngôi nhà thờ họ Trần trong khuôn viên vườn nhà để thờ tổ tiên. Ngôi nhà thờ bằng gỗ 3 gian diện tích 32m2 xưa nay là nơi con cháu họ Trần cúng giỗ. Sau năm 1962, khi đền Trung (cách nhà thờ vài trăm mét, được xây dựng từ lâu để thờ một vị tướng nhà Trần) bị phá hủy, các vị cao niên trong xóm đã mang bài vị của vị tướng cùng một số đồ tế khí gửi vào nhà thờ họ Trần để thờ cùng tổ tiên họ Trần. Khu vườn có ngôi nhà thờ họ Trần sau khi được thừa kế từ cha là Trần Quảng Vân thì đến năm 1991 ông Trần Quảng Sinh đã bán lại với giá 200 ngàn cho vợ chồng ông Trần Quảng Tuận và bà Nguyễn Thị Minh, là chú trong họ. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh ở và trông coi nhà thờ. Năm 2004, UBND TP Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Minh với diện tích 2482,10m2. Sau khi bà Minh mất, mảnh vườn được để lại cho vợ chồng con trai là Trần Trung Phước ở và tiếp tục trông coi nhà thờ.
Bất ngờ năm 2008, ông Trần Trung Phước nhận được thông tin quy kết gia đình mình lấn chiếm 648m2 đất của đền thờ. Gia đình hoang mang gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi nhưng chưa được giải quyết thì tháng 3/2009 ông Lê Quốc Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP Vinh đã có quyết định số 1097/QĐ-UBND hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh (vợ chồng ông Trần Trung Phước thừa kế) với lý do đất ở chồng lên đất di tích (không có thỏa thuận đền bù), đây là một sự lạm quyền sai quy định của pháp luật. Quá đau lòng trước việc này ông Phước đã lâm bệnh qua đời để lại một mình vợ là bà Nguyễn Thị Lý cầm đơn đi kêu cứu khắp nơi.
Trở lại với việc cấp bằng di tích lịch sử đối với mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng. Năm 1995 một số người trong dòng tộc họ Trần cho rằng phát hiện ra dấu tích của vua Trần Quý Khoáng tại xóm Đức Thịnh. Cũng theo họ vua Trần Quý Khoáng đã lên ngôi tại đây và sau khi ông vua này nhảy xuống biển tự tử đã được người dân vớt xác và chôn cất tại đây. Và theo họ thì ngôi mộ cổ không có bia bên cạnh đền Trung (đã bị phá hủy) là mộ vị vua Trần này. Năm 1999, sau khi xét duyệt hồ sơ di tích và văn bản đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa thông tin đã công nhận mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng là di tích lịch sử.
Sau khi phát hiện sự việc này, nhiều người đã viết đơn khiếu nại việc công nhận di tích này. Để làm sáng tỏ vấn đề, tháng 10 năm 2009 Đoàn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UB VHGD TNTN&NĐ) của Quốc hội khóa XII do ông Nguyễn Minh Thuyết làm trưởng đoàn đã về giám sát việc khiếu nại tố cáo về di tích lịch sử “mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” tại Nghệ An. Sau khi giám sát, đoàn UB VHGD TNTN&NĐ đã có kiến nghị thu hồi bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với di tích “mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” tại xã Hưng Lộc. Đồng thời Đoàn cũng kiến nghị thu hồi quyết định số 1097/QD-UBND của UBND TP Vinh về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh.

Sai vẫn không muốn sửa!
Qua giám sát của đoàn UB VHGD TNTN&NĐ của Quốc hội khóa XII xác định nội dung lý lịch di tích không phù hợp với thực tế và có những sai phạm nghiêm trọng nhằm biến nhà thờ của một dòng họ thành đền thờ vua Trần Quý Khoáng để được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau khi xem xét kiến nghị của UB VHGD TNTN&NĐ, ngày 14/6/2010 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định 2068/QĐ- BVHTTDL thu hồi Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích “mộ và đền thờ Trần Quý Khoáng” ở Hưng Lộc (TP Vinh). Tưởng như mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa sau Quyết định này nhưng mâu thuận giữa nhiều người trong dòng họ Trần với gia đình chị Nguyễn Thị Lý tiếp tục căng thẳng. Mọi chuyện có thể đã được giải quyết nếu như UBND TP Vinh thực hiện kiến nghị hợp lý của UB VHGD TNTN&NĐ về việc thu hồi quyết định 1097 (quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Minh). Trong khi các vị trong dòng họ Trần ở đây đòi 648m2 vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Lý và hai bên chưa hòa giải xong thì UBND TP Vinh và các ban ngành liên quan đã cử người về yêu cầu đo đạc trong vườn của bà Lý (thậm chí còn đòi cưỡng chế đo không theo một nguyên tắc nào). Bà Lý cho biết: “Tôi sẵn sàng cắt cho nhà thờ họ 300m2 đất hoặc hơn nữa để anh em trong họ xây dựng khuôn viên nhà thờ, nhưng việc cắt đất phải phù hợp với khuôn viên vườn nhà. Thế nhưng họ vẫn nhất quyết đòi cho được 648m2 đất dọc trước cửa nhà gia đình tôi giống như trong quy hoạch của di tích đền thờ Trần Quý Khoáng (nay không còn được công nhận nữa - PV)”. Một điều rất rõ ràng nữa, sau UBND tỉnh giao phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết đơn thư của công dân về vấn đề này, ngày 2/4/2009 Sở Tài nguyên và môi trường đã có kết luân nhà thờ họ Trần được xây từ những năm 1930 trong khuôn viên thửa đất 149 rộng 2567,6m2..., cũng theo kết luận này thì hồ sơ địa chính lập các năm 1993, 2001 đều có tên chủ sử dụng là ông Trần Trung Phước và nhà thờ họ Trần không được thể hiện trên hồ sơ địa chính. Vậy tại sao các vị trong dòng họ Trần vẫn nhất quyết đòi cho được 648m2 mà không chịu nhận theo hiến tặng của gia đình. Và điều đáng nói là, UBND TP Vinh không những không hủy bỏ quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ của gia đình mà còn liên tục cho người về đo đạc diện tích đất nhà thờ trong khuôn viên vườn ở của gia đình này. Việc này đang làm cho những người đi đòi đất vô lý này được cớ, không ngừng quấy rối gia đình bà Nguyễn Thị Lý, khiến mấy mẹ con bà sống trong thấp thỏm lo âu. “Cứ thế này thì chết mất thôi các chú ạ. Chồng tôi đã chết vì uất ức, còn mình tôi giờ nuôi 3 đứa con ăn học tận Hà Nội, mà suốt ngày cứ bị o ép thế này. Họ liên tục cho người đến quấy rối, đập phá trong vườn nhà khiến cho mẹ con tôi luôn nơm nớp lo sợ”- Chị Lý tâm sự. Và điều đáng lo sợ nhất của chị Lý lúc này là nguy cơ mất đất của chính gia đình mình. Thiết nghĩ, tại sao UBND TP Vinh vẫn không làm theo kiến nghị của UB VHGD TNTN&NĐ của Quốc hội trong việc hủy quyết định 1097 về việc quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ của bà Nguyễn Thị Minh. Như đã nói ở trên, căn cứ duy nhất để hủy giấy CNQSDĐ trên là việc đền thờ Trần Quý Khoáng là di tích lịch sử quốc gia nằm trong vườn. Thế nhưng bằng di tích lịch sử đã được thu hồi và thực chất của đền thờ vị vua nhà Trần này chỉ là nhà thờ của một họ Trần nơi đây. Đã gần 2 năm kể từ khi UB VHGD TNTN&NĐ có kiến nghị về những vấn đề trên, UBND TP Vinh vẫn chưa có quyết định hủy bỏ quyết định 1097 nói trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc việc ai đã tiếp tay cho người nhà họ Trần lập hồ sơ giả để biến nhà thờ họ thành di tích quốc gia ở những số báo tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!