LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Con người với cội nguồn và giòng họ

Ban đầu họ tộc chỉ có ý nghĩa huyết thống, mà bây giờ người ta gọi là gene di truyền. Nhưng thật ra gia đình và họ tộc có một ý nghĩa khác lớn hơn từ những người xa xưa, đó là tình nghĩa trách nhiệm đối với nhau. Tình nghĩa trách nhiệm của họ tộc bắt đầu trong gia đình bằng sự thương yêu nuôi nấng, dạy dỗ con cái. Tình yêu thương của cha mẹ, con cái tự nhiên phát triển thành tình yêu thương giữa các anh chị em với nhau. Thế hệ tiếp theo thì tình nghĩa trách nhiệm đó phát triển thành tình họ tộc, cô dì chú bác, phát triển thành cháu chắt nội ngoại. Quan hệ họ tộc chính là quan hệ của tình nghĩa và trách nhiệm đối với nhau. Và cũng chính vì lệ thuộc vào tình nghĩa trách nhiệm đối với nhau nên quan hệ họ tộc sẽ phai nhạt dần khi họ tộc bị phân nhánh xã dần xa dần.
Ta đã công nhận quan hệ họ tộc là quan hệ huyết thống và quan hệ tình nghĩa trách nhiệm, nhưng thật ra họ tộc còn có mối quan hệ thiêng liêng khác nữa đó là quan hệ tâm linh.
Các nhà phong thủy tin rằng nếu hài cốt của ông bà, cha mẹ được táng vào nơi linh khí đắc địa thì con cháu sẽ phát triển thịnh vượng. Hoặc kinh nghiệm của tổ tiên ta cũng cảnh báo rằng đời cha ăn mặn đời con khát nước. Con cháu và tổ tiên không hề độc lập vì còn có mối quan hệ tâm linh đặc biệt này.
Đạo Phật với luật nhân quả cũng xác nhận có sự ràng buộc về phúc đức của ông bà đối với con cháu. Chỉ những bậc cha mẹ có đức độ mới sinh được người con có phúc phần. Tâm hồn của cha mẹ sẽ lập trình nên cuộc sống của con cháu mai sau. Ta sinh ra giữa đời này, muốn hay không muốn, ta đã chịu ảnh hưởng từ nguồn tâm linh của tổ tiên như thế, và bổn phận của ta là làm sao để lại một nguồn mạch tâm linh tốt đẹp nối tiếp cho con cháu của mình về sau nữa.
Vinh quang của họ tộc, giá trị của họ tộc, chính là những gì mà họ tộc đã đóng góp được cho cuộc đời, chứ không phải những gì họ tộc lấy đi của cuộc đời. Ta thừa hưởng vinh quang của họ tộc cũng có nghĩa là ta phải có bổn phận tiếp tục bồi đắp những vinh quang đó cho con cháu ta có niềm vui mà cất bước trên đường đời vạn nẻo. Bồi đắp vinh quang của họ tộc có nghĩa là ta phải ra sức làm nhiều điều tốt cho đời, cống hiến nhiều hơn nữa trái tim yêu thương và khối óc minh mẫn để xây dựng cuộc đời này ngày càng hạnh phúc hơn. Hạnh phúc của họ tộc ta có được khi ta quây quần bên nhau kể chuyện tổ tiên, tâm sự chuyện gia đình, bày tỏ những khát vọng sắp tới. Nhưng niềm vinh quang của họ tộc lại nằm ở bên ngoài họ tộc, nghĩa là ta phải làm nhiều điều tốt cho đời, cho tất cả con người trên đất nước này, trên thế giới này, cho những người không cùng họ tộc với ta. Ta càng bày tỏ tình yêu thương rộng lớn với mọi người chừng nào thì vinh quang của họ tộc càng sang chói. Đây chính là ta thực hiện lời dạy tha thiết “Vạn đại vị dân”.
Như ta đã nói với nhau, tình họ tộc xuất hiện khi ta có nghĩa tình và trách nhiệm với nhau, từ trong gia đình cho đến họ hàng mấy lớp. Tình họ tộc lớn lao mà ta đang kết nối trong cả nước cũng phải được xây dựng trên nguyên tắc đó, Nghĩa tình và Trách nhiệm đối với nhau. Nhưng tình họ tộc khác với vinh quang họ tộc. Tình họ tộc là chuyện nội bộ khi ta sống có nghĩa tình và trách nhiệm với nhau; còn vinh quang của họ tộc chỉ có được khi ta mở rộng lòng mình để yêu thương và đóng góp được cho cộng đồng nhân loại chung quanh ta.
Có thể chúng ta không có nhiều cơ hội để chăm sóc nhau, lo lắng cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau như trong một gia đình nhỏ bé; có thể chúng ta cũng ít cơ hội để chuyện vãn tâm sự mọi niềm vui, nỗi buồn riêng tư với nhau; nhưng sự kết nối họ tộc cả nước này đã khiến chúng ta lớn lên hẳn, để chúng ta biết mở lòng yêu thương nhiều hơn, nhận thức trách nhiệm nặng hơn, và sống xứng đáng hơn.
Nghĩ đến cả họ tộc thiêng liêng, chúng ta chẳng còn dám làm điều gì xằng bậy để mang tiếng cho họ tộc mình, đắc tội với tổ tiên mình. Nghĩ đến cả họ tộc thiêng liêng, chúng ta chỉ nguyện lòng cố gắng sống nghĩa tình với gia đình, họ hàng và đóng góp cho cộng đồng chung quanh nhiều điều tốt đẹp hòng lấy về chút vinh quang cho dòng họ.
Về phương diện tín ngưỡng thì ta cũng có rất nhiều điều tế nhị. Trên bình diện quốc gia thì ta hiểu rằng ai theo đạo nào thì theo, nhưng phải biết yêu nước. Đạo nào thì ta cũng là người Việt Nam, nên phải yêu nước Việt Nam cái đã. Và ta cũng chỉ chấp nhận tôn giáo nào đề cao được lòng yêu nước, tôn cao lòng yêu nước mà thôi. Trong họ tộc cũng vậy, ai theo đạo nào thì theo nhưng phải thờ kính tổ tiên họ tộc mình cái đã. Và ta cũng chỉ chấp nhận tôn giáo nào không làm mất tình đoàn kết họ tộc của ta mà thôi. Khi đến đây với nhau, ta chỉ còn một cái chung, đó là họ tộc, nên tạm gác lại những khác biệt ở bên ngoài. Có thể bước ra ngoài ta lập tức mang vác trở lại những vai trò khác như là cán bộ, giám đốc, tu sĩ, giáo sư….., Nhưng trước mặt họ tộc của mình, ta mãi mãi là con là cháu hiền ngoan nhu thuận. Cái tình họ tộc mênh mông đầm ấm khiến cho ta như đứa trẻ được tắm mát trong dòng sông tình thân của cả họ tộc này.
Đến với họ tộc là ta đến với tình thương yêu là chính, còn mọi chuyện hơn thua danh lợi tạm thời không nói đến. Người trong họ tộc như đã hình thành một quy ước ngầm, mặc nhiên với nhau, đó là họ tộc là đoàn kết, là yêu thương, là chung vui, là đầm ấm. Ta tuyệt đối tránh sự xung đột trong họ tộc của mình, dù là một lời nói đùa nho nhỏ cũng hết sức cẩn thận. Dĩ nhiên trên đời chằng ai hoàn toàn không có lỗi, nhưng người trong họ tộc với nhau không được bới móc lỗi lầm của nhau một cách cay nghiệt, mà chỉ được góp ý với nhau bằng tình thương chân thành. Còn lại hầu hết đều cố gắng giúp đỡ nhau trong cuộc sống đầy sống gió đầy thăng trầm này.
Hiện nay trào lưu lối sống mới đang phá dần những truyền thống tốt đẹp của Á Đông, lớp trẻ tiêm nhiễm văn hóa độc hại trên các phương tiện truyền thông hiện đại, khiến cho xã hội càng trở nên xáo trộn. Đạo đức hiếu nghĩa đang bị đe dọa làm tan vỡ tình gia đình. Vì thế, sự kết nối họ tộc, giáo dục họ tộc, mang ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ sự bình yên cho xã hội. Con người phải biết quý kính tổ tiên, họ tộc của mình để tránh sự lạc long, mất gốc, cũng có nghĩa là tránh đi sự mất mát những đạo đức tinh thần vô giá của một con người. Vì thế, hãy sống sao cho xứng đáng với cả dòng họ lớn lao của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!