LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Nghi vấn đằng sau những bản án

Do mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người chồng cũ và vì sự phán xét thiếu khách quan của hai cấp Tòa mà bà Đặng Thị Quyền đang có nguy cơ bị tước đoạt mảnh đất thuộc quyền sử dụng riêng, hợp pháp của mình...

Đất riêng bỗng thành... tài sản chung
Đường dây nóng Báo TTTĐ vừa nhận được đơn kêu cứu của bà Đặng Thị Quyền (61 tuổi, nguyên là giáo viên, trú tại Khối 5 thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh) về việc phân chia tài sản trong vụ án li hôn giữa bà và ông Phạm Văn Nữu đã kéo dài gần 10 năm nay.
Theo như trình bày của bà Đặng Thị Quyền, ngày 25/01/1985, bà được Ban quản lý Hợp tác xã Hồng Giang (xã Xuân An, Nghi Xuân - Hà Tĩnh) cấp cho mảnh vườn diện tích 450m2 tại đồng Cây Mưng theo diện con em xã viên lớn tuổi chưa có chồng. Đến ngày 17/02/1990 mảnh đất đó được UBND huyện Nghi Xuân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên Đặng Thị Quyền tại Bản đồ 299 số tờ 02, số thửa 873b, diện tích là 450m2 (trên thực tế, mảnh đất bà Quyền sử dụng có diện tích 720m2, dôi ra 270m2 so với diện tích ghi trong GCNQSDĐ).
Ngày 22/9/1985, bà Quyền kết hôn với ông Phạm Văn Nữu (SN 1933, đã từng có vợ và 3 con riêng). Điều này chứng tỏ rằng thời điểm bà Quyền đăng kí kết hôn với ông Nữu diễn ra sau khi bà được cấp đất, và trong quá trình sống chung thì giữa hai người chưa có thỏa thuận nào về việc nhập mảnh đất riêng của bà Quyền vào phần tài sản chung của hai vợ chồng.
Năm 2001, khi có chủ trương cấp đổi GCNQSDĐ thì ông Phạm Văn Nữu đã làm đơn đề nghị Khối phố và chính quyền chuyển đổi tên bà Quyền sang tên ông Nữu đối với mảnh đất riêng của bà Quyền, nhưng không được chấp nhận vì bản thân ông Nữu không có giấy chứng nhận gốc và không được sự đồng ý của chủ sử dụng là bà Đặng Thị Quyền (điều này đã được ông Trần Ngọc Hà - nguyên Khối trưởng khối phố 5 thị trấn Xuân An thừa nhận và được ghi tại Bản án số: 15/2010/HNGĐ-ST ngày 07/07/2010 của TAND huyện Nghi Xuân). Năm 2002, ông Phạm Văn Nữu làm đơn li hôn gửi TAND huyện Nghi Xuân.
Tại Bản án số 05/DS/ST ngày 30/12/2003 về việc li hôn giữa ông Phạm Văn Nữu và bà Đặng Thị Quyền, TAND huyện Nghi Xuân đã xác định rằng mảnh đất số thửa 873b, diện tích 450m2 mang tên bà Đặng Thị Quyền “là tài sản chung hợp nhất” và quyết định chia đôi mảnh đất của bà Quyền, mỗi bên được một nửa.

Khiếu kiện Nghi Xuân 1, 2: Bà Đặng Thị Quyền bên 
mảnh vườn đang có nguy cơ bị “cưa đôi” một cách vô lí
Bà Quyền cho rằng việc TAND huyện Nghi Xuân phán quyết chia đôi mảnh đất nói trên là vô lí bởi đó là tài sản riêng của bà được xác lập trước hôn nhân và bà cũng chưa bao giờ có thỏa thuận nhập nó vào tài sản chung của hai vợ chồng. Do vậy bà đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 27/8/2004, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa phúc thẩm vụ án li hôn giữa ông Nữu và bà Quyền. Tại phiên xét xử này, trong Bản án số 09/LHPT, Tòa cũng xác định: “Đất là tài sản riêng của bà Quyền trước khi cưới ông Nữu, lại là phụ nữ độc thân có hoàn cảnh khó khăn...”. Thế nhưng cũng trong bản án này, TAND tỉnh Hà Tĩnh lại quyết định: “Giao cho ông Phạm Văn Nữu được sử dụng 200m2 đất vườn” trong số 450m2 đất vốn là tài sản riêng của bà Đặng Thị Quyền!
Tại Điều 97 khoản 1, Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2000 quy định: “Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi li hôn vẫn thuộc về bên đó”. Trong hồ sơ địa chính và cả lời khai của các nhân chứng thì mảnh đất có số thửa 873b tại thị trấn Xuân An là tài sản riêng của bà Đặng Thị Quyền được xác lập trước khi kết hôn với ông Phạm Văn Nữu.

Tòa án cũng... tráo luật!
          Trở lại quá trình xét xử vụ án li hôn hi hữu này, tại Bản án số 05/DS/ST ghi ngày thụ lí là 30/10/2002. Còn Bản án số 09/LHPT thì TAND tỉnh Hà Tĩnh thụ lí ngày 10/2/2004. Điều đó nói lên rằng cả hai phiên tòa đều thụ lí hồ sơ sau ngày 01/01/2001 (thời điểm mà Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành). Tại mục 4, điểm b Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 đã ghi rõ: “Đối với những vụ, việc mà tòa án thụ lý từ ngày 01/01/2001, thì áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết”.
          Pháp luật hiện hành đã quy định rõ như vậy nhưng trong quá trình xét xử, tại bản án số 09/LHPT, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã không tuân theo quy định trên mà căn cứ vào điều 15 Luật HN&GĐ năm 1959 (đã hết hiệu lực): “Vợ chồng đều có quyền sở hữu hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” để “hô biến” tài sản riêng thành tài sản chung và quyết định chia đôi mảnh đất cho mỗi người một nửa.
          Bà Quyền tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Ngày 13/7/2009, Tòa dân sự - TAND Tối cao đã ban hành Quyết định tái thẩm số 277/2009/DS-TT với nội dung: Hủy phần quyết định về tài sản chung tại bản án số 09/LHPT của TAND tỉnh Hà Tĩnh và hủy phần quyết định về tài sản chung của bản án số 05/DS/ST của TAND huyện Nghi Xuân về vụ án li hôn giữa ông Phạm Văn Nữu và bà Đặng Thị Quyền do chưa có cơ sở vững chắc để xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời giao cho TAND huyện Nghi Xuân xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
          Ngày 07/7/2010, Tòa án huyện Nghi Xuân đã mở phiên xét xử sơ thẩm lại vụ án li hôn giữa ông Phạm Văn Nữu và bà Đặng Thị Quyền. Trong Bản án số 15/2010/HNGĐ-ST của phiên xét xử này, Tòa đã quyết định: Giao 450m2 đất đã có GCNQSDĐ mang tên Đặng Thị Quyền cho bà Quyền sử dụng. Riêng phần diện tích 270m2 dôi ra, chưa có GCNQSDĐ thì giao cho UBND các cấp quản lý, giải quyết theo thẩm quyền. Đây là một phán quyết thấu tình đạt lý.
          Ông Nữu tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh.
          Ngày 06/10/2010, Tòa án tỉnh Hà Tĩnh mở phiên xét xử phúc thẩm theo đơn chống án của ông Phạm Văn Nữu. Tại phiên tòa này, một lần nữa những người “cầm cán cân công lí” lại sử dụng Luật HN&GĐ năm 1959 làm căn cứ xét phân chia tài sản. Không chỉ có thế, những quan tòa này còn viện dẫn điểm a, b mục 3.3 Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng cục Địa chính: “...trong trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản cho việc sử dụng đất đó là không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản, đồng thời xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất cho đương sự để UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ cho đương sự” để qua đó đi đến Quyết định: “... giao cho bà Quyền được chiếm hữu, sử dụng 450m2 đã được cấp giấy chứng nhận và tạm giao bà Quyền được sử dụng 120m2 đất chưa có GCNQSDĐ (trong số diện tích đất dôi ra); Tạm giao cho ông Phạm Văn Nữu được quyền sử dụng 170m2 đất chưa có GCNQSDĐ...”
          Trong khi viện dẫn Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT, HĐXX lại “quên” mất rằng đây là Thông tư hướng dẫn về thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Còn vụ án mà những người cầm cân nảy mực đứng ra xét xử này lại là vụ án li hôn, chứ không phải là vụ án tranh chấp tài sản.
          Mặt khác, phần diện tích dôi ra (270m2), do chưa có giấy tờ theo quy định nên không thể đưa phần đất đó vào việc phân chia tài sản trong vụ án li hôn (việc quản lí, giải quyết đối với diện tích đất đó thuộc UBND cấp có thẩm quyền). Nói cách khác, việc TAND tỉnh Hà Tĩnh giao cho ông Phạm Văn Nữu sử dụng 170m2 chưa có GCNQSDĐ trong bản án số 18/2010/LHPT là không đúng với thẩm quyền và trái với pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!