LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Nam Đàn (Nghệ An): Nỗi niềm định cư dân chài

Tháng 10 năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt dự án khu định cư cho hơn 100 hộ dân chài thuộc hai xã Nam Tân và Nam Lộc của huyện Nam Đàn. Thế nhưng cho đến nay, sau hơn 3 năm 79 hộ dân chài của xã Nam Lộc vẫn chưa được nhận đất làm nhà, còn 22 hộ dân chài xã Nam Tân dù đã có nhà những hơn một năm nay họ vẫn không có điện, nước để sinh hoạt.
Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nam Đàn (Nghệ An) được phê duyệt với tổng mức dự toán hơn 12 tỷ đồng, nhằm đưa 101 hộ dân chài trong huyện này được lên bờ.

Hàng ngày nhiều người dân chài mới định cư 
vẫn phải lội nước từ nhà để ra thuyền
Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, với trách nhiệm chủ đầu tư, UBND huyện Nam Đàn đã chỉ đạo hai xã Nam Tân và Nam Lộc tiến hành khảo sát, giải phóng mặt bằng. Cũng theo quyết định phê duyệt dự án UBND tỉnh, dự án sẽ được hoàn thành sau một năm kể từ ngày khởi công xây dựng. Thế nhưng, cho đến nay tại Nam Lộc bãi đất trống mấy ha vẫn chưa có đường, điện cũng như nhà văn hóa… và dân thì vẫn mỏi mắt chờ ngày được nhận đất làm nhà.
Theo như UBND huyện Nam Đàn (chủ đầu tư dự án) cho biết, sau một năm kể từ ngày được phê duyệt dự án họ mới nhận được 3,4 tỷ đồng và lại gần cuối năm nên chỉ kịp giải ngân hơn 2,8 tỷ. Với số vốn ban đầu là 3,4 tỷ đồng, chủ đầu tư đã làm được hoàn chỉnh phần đất cho xã Nam Tân. Trong khi đó, không có vốn nên các hạng mục khác ở khu định cư của xã Nam Lộc vẫn còn nằm trên giấy tờ. Sốt ruột đưa dân lên bờ, UBND xã Nam Lộc đã có ý định xin cho dân nhận đất lên làm nhà trước rồi xây dựng hệ thống hạ tầng sau.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hùng- CT UBND xã Nam Lộc cho biết: “Việc giải phóng được mặt bằng đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi có mặt bằng rồi dân vẫn chưa thể nhận đất. Chúng tôi định xin cho dân lên rồi làm đường, điện sau nhưng cũng sợ lại khi dân ở rồi làm cơ sở hạ tầng cũng khó”. Còn ông Đinh Xuân Quế, PCT UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Vẫn biết là mâu thuận nhưng chúng tôi vẫn phải đưa dân lên trước rồi xây dựng điện, đường sau. Nếu cứ chờ xây dựng hoàn thiện xong thì không biết khi nào dân mới lên được”.
Đối với những người dân chài trên sông Lam nói chúng, các hộ dân chài của xã Nam Lộc nói riêng, chiếc thuyền đã gắn bó với họ bao đời nay. Nhưng chưa bao giờ họ hết nguôi mong ước một ngày được lên bờ để có nơi cho con cái được sinh hoạt, học hành thuận lợi và gia đình thì bớt đi nỗi lo sợ khi mỗi mùa mưa bão về. Một người dân chài của xã Nam Lộc tâm sự: “Chúng tôi cũng đã quen với việc kiếm sống trên sông nước nhưng lo nhất là mỗi khi lụt bão về. Cha mẹ khổ quen rồi nhưng cũng muốn cho các con có một mái nhà để chúng nó được học hành đầy đủ, thoát khỏi cái nghề cá ngày càng khó khăn này”.

Trạm biến áp được xây lắp hơn 
một năm này vẫn không hoạt động
Nam Đàn thuộc huyện hạ lưu sông Lam. Năm nay mùa mưa lũ về sớm, những ngày này người dân chài của xã Nam Lộc sống trên sông Lam vẫn đang sống trong sự lo lắng dập dìu theo con nước.
May mắn hơn những người bạn chài xã Nam Lộc 22 hộ dân vạn chài của xã Nam Tân đã có đất và dựng lên được những ngôi nhà mới khang trang. Sau hơn một năm thoát được cái cảnh chỉ biết lênh đênh trên thuyền cả ngày lẫn đêm, hơn 100 con người xóm chài này vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn đủ bề. Trong căn nhà khang trang, là tích góp cả đời của gia đình hoặc phải vay thêm ngân hàng để dựng lên nhiều gia đình vẫn không có nước để dùng, không có điện thắp sáng.
Theo thiết kế của dự án, một cái trạm biến áp treo được xây mới để cũng cấp điện cho 22 hộ dân định cứ. Và sự thực thì cái trạm điện đó đã có. Chỉ có điều hơn một năm nay nó vẫn nằm đấy, mà người dân thì không có điện để dùng. Cũng theo thiết kế ban đầu, trạm biến áp được xây dựng có công suất là 10KV, nhưng sau do yêu cầu của ngành điện lực nên chủ đầu tư đã thay đổi và mua thêm một máy biến áp có công suất 35KV. Như vậy hiện nay tại trạm biến áp này đang có máy biến áp hai cấp. Bên cạnh trạm biến áp, tất cả đường dây cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà đến nay ngành điện vẫn không chịu đóng điện để người dân sử dụng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: “Tôi cũng đã xuống điện lực Nghệ An để làm việc nhưng không biết vì sao họ vẫn chưa chịu đóng điện. Việc kiểm tra điện gặp rất nhiều khó khắn. Máy đã phê duyệt lắp ráp rồi nhưng kiểm tra lại, đổi rồi mà đến nay vẫn chưa giải  quyết xong”. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết xong bài toán này thì những hộ dân này vẫn phải sống với nguồn điện nhờ xóm bên với hôm có hôm không. Nhiều hộ may mắn xin được đấu nối với một gia đình nào đó ở xóm bên cạnh thì cũng được thắp cái bóng, vì nếu dùng nhiều thì họ không cho đấu nối. Chị Nguyễn Thị Cửu, một người dân mới định cư cho biết: “Lâu nay chúng tôi xin thắp chung, như nếu chỉ một vài nhà nhờ thì được chứ đông là họ không cho nữa. Tưởng lên bờ rồi sướng hơn những vẫn còn khổ lắm. Không chỉ điện, nước cũng không có mà dùng”. Đúng như chị Cửu nói, qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số hộ dân đã đào được giếng khơi thì hầu hết các hộ dân phải đi xin nước ở xóm bên về dùng, một số đành phải ra sông Lam lấy nước.
Trong dự kiến ban đầu của dự án, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để làm giếng khoan. Nhưng do thổ nhượng ở đây không phù hợp, đất đá khó khoan mà nguồn nước của giếng khoan bơm lên lại nhiễm phèn không dùng được. Để giải quyết vấn đề này lãnh đạo huyện đã nghĩ đến phương an hỗ trợ dân 2 triệu đó để đào giếng khơi. Tuy nhiên làm như vậy là sai với mục đích ban đầu. Cũng không biết việc khảo sát thiết kế dự án thế nào để giờ đây chủ đầu tư trở nên “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi phương án cũ với vấn đề nước sinh hoạt của dân là không thể thực hiện, chủ đầu tư đang loay hoay tìm phương án thay thế thì người dân vẫn đành phải “chung thủy” với nước sông, hàng ngày người dân phải bì bõm lỗi qua nước để ra được con thuyền của gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!