LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Viết tiếp vụ cán bộ y tế phòng khám đa khoa Thạch Khê (Thạch Hà) bỏ trực và những sai phạm của ngành y tế Hà Tĩnh: NHIỀU CHUYỆN BẤT THƯỜNG...!

Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết trên Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô số ra ngày 9-9-2011, về cái chết oan ức của anh Nguyễn Công Thành - xóm 5 xã Thạch Bàn. Thái độ làm việc vô trách nhiệm của các nhân viên y tế Phòng khám Thạch Khê. Sự bàng quang, vòng vo thiếu trung thực, xuất hiện nhiều dấu hiệu bao che sai phạm cho cấp dưới đối với ông Hoàng Thanh Lực – Giám đốc bệnh viện Đa khoa Thạch Hà, khi làm việc với các PV báo chí.

Cháu Nguyễn Công Quốc đang cần sự 
giúp đỡ từ các nhà hảo tâm để mổ não
Xung quanh vụ việc này, chiều cuối ngày 9- 9 -2011,  PV Văn phòng Đại diện Bắc miền Trung, đã trực tiếp liên hệ với ông Lực và được ông này cho biết: “Đã có báo cáo cụ thể về danh sách trực cũng như xác nhận của một số bệnh nhân đang điều trị tại phòng khám”. Ông Lực trả lời chắc chắn như chính ông được tận mắt chứng kiến vụ việc: “Các nhân viên y tế phòng khám không bỏ trực trong buổi chiều 28-8 vừa qua”? Ông Lực còn cung cấp thêm thông tin: "Để sáng tỏ việc này, trong những ngày qua, tôi có cử cán bộ Phòng tổ chức của bệnh viện đến tận nhà nạn nhân để xác minh vụ việc". Ông nói cho hay: “ Rất khó có cơ sở để xử lý kỷ luật họ”?

Ông Hoàng Thanh Lực 
 Giám đốc bệnh viện Đa khoa Thạch Hà
Tuy nhiên, hoàn toàn trái ngược với những gì mà ông Lực vừa trả lời trước các PV báo chí: đã cử cán bộ đến gặp gia đình và xác minh thực hư vụ sai phạm nghiêm trọng này. Theo tường trình của người nhà nạn nhân, từ lúc báo chí vào cuộc, ông Nhẫn –phụ trách phòng khám có đến thắp hương và dò hỏi chuyện chúng tôi đã làm đơn kiện gửi ai hay chưa và cho đến  trưa ngày 10-9-2011, vẫn  không hề có bất kì một nhân viên y tế hay cán bộ phòng tổ chức nào của bệnh viện đến hỏi thăm hay làm việc với gia đình!  Chỉ có buổi chiều ngày 10-9-2011, sau khi thấy nhà báo nhắc, mới thấy ông Nhẫn- Trưởng Phòng khám Thạch Khê đi cùng vợ đến nhà tôi - người duy nhất đến lần thứ 2, xin được xác nhận vụ việc sai phạm của các nhân viên y tế thuộc quyền. “Tôi đã yêu cầu ông Nhẫn phải viết đúng sự thật về hành vi bỏ trực của các nhân viên y tế tại phòng khám, lúc đó tôi mới chịu kí” chị Thúy khẳng định khi trao đổi với PV, sáng ngày 11-9-2011.
Chiều ngày 12-9, chúng tôi lại cử PV đến bệnh viện Thạch Hà để lấy biên bản kiểm tra nhưng ông Lực cho biết mọi thứ đã chuyển lên Sở. 16h30 cùng ngày chúng tôi đã có cuộc làm việc với Sở Y tế, hỏi về vấn đề này sở khẳng định chưa nhận được báo cáo từ bệnh viện Thạch Hà. Một sự vòng vo đến mức thô thiển khiến một đứa trẻ cũng cảm thấy sự không bình thường. 
 Lần theo sự vụ này, trước đó PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Báo Thanh tra, Lao Động và cùng đại diện một số cơ quan báo chí khác đóng trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 2 cuộc làm việc trực tiếp với gia đình nạn nhân cùng những người đã tham gia đưa anh Thành đi cấp cứu, chứng kiến hành vi bỏ trực của các nhân viên y tế tại phòng khám Thạch Khê. Các nhân chứng này bày tỏ sự phẫn nộ, họ khẳng định: không hề có bóng dáng của bất kì một y bác sỹ nào vào thời điểm 16h 20 ngày 28-9. Họ xin được đối chứng và kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan, sớm vào cuộc để làm sáng tỏ thái độ bàng quan, bao che, trốn tránh trách nhiệm, vô cảm của lãnh đạo và số nhân viên y tế bỏ trực nói trên!

Chị Nguyễn Thị Vượng
 Nạn nhân của cái gọi là chuyện bình thường gầy gộc và yếu ớt.
 Trở lại với vấn đề liên quan đến sự sa sút y đức, yếu kém năng lực chuyên môn, sự tắc trách vô cảm của không ít cán bộ y bác sỹ, nạn bao che sai phạm của một số lãnh đạo tại ngành Y tế Hà Tĩnh, chúng tôi xin được đưa ra một số vụ việc điển hình đau lòng mà chúng tôi đã thu thập được trong thời gian qua. Trước cái chết của anh Thành, trong thời gian từ giữa tháng 6-2011 đến đầu tháng 8-2011, đã có đến 4 nạn nhân tử vong tại bệnh viện Cẩm Xuyên, trong đó có tới 3 trẻ sơ sinh. Cụ thể ngày 16-6, gia đình ông Nguyễn Hữu Phương (trú xóm Hoàng Quý, xã Cẩm Nhượng) đưa con dâu là chị Nguyễn Thị Thuận (SN 1981) đến giờ sinh nở, tới Bệnh viện huyện Cẩm Xuyên. Sau khi thực hiện thăm khám, các y bác sỹ  nhận định, thai nhi nặng khoảng 4kg, sản phụ có thể sinh thường, không có điều gì trở ngại. Tuy nhiên, đến 0 giờ ngày 17-6, thì chị Thuận và cháu bé đã tử vong. qua xác minh, Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định: “do kíp trực không tiên lượng được tình trạng bệnh nhân, mẹ con thai phụ tử vong bởi trình độ bác sĩ hạn chế”. Điều đáng ngạc nhiên là sau những dòng kết luận nghe có vẻ nghiêm trọng của đoàn thanh tra sở này, bác sỹ Nguyễn Đình Dương - Trưởng khoa Sản chỉ chịu hình thức xử lý cảnh cáo và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Liên bị khiển trách?
Sau cái chết đầy dấu hỏi chưa hết bàng hoàng của mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Thuận,  cũng tại khoa sản do bác sỹ Nguyễn Đình Dương làm Trưởng khoa, chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, từ ngày 5 đến ngày 9/8/2011, liên tiếp có những việc làm tắc trách vô cảm trong nghề nghiệp dẫn đến hậu quả làm tử vong hai trẻ sơ sinh. Cụ thể, đêm 8-8, chị Phan Thị Thúy Xoan, trú tại xã Cẩm Hưng trở dạ, được chồng đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên. Tại đây, ông Nguyễn Đình Dương Trưởng khoa sản làm thủ tục cho lên bàn mổ. Sau gần 4 giờ, một cháu gái nặng 3kg ra đời. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cháu có biểu hiện khó thở, phải hỗ trợ thở bằng bình ô xy đến 8 giờ sáng ngày 9-8-2011. Mặc dù cháu trong thời gian này cháu có nhiều triệu chứng bất thường như tím tái nhưng không hiểu vì lý do gì lại được các y tá bồng đến cho chị Xoan chăm sóc. “Nghi ngờ điều không hay xảy ra, chồng tôi (anh Nam) chạy vội gọi bác sỹ Dương lên khám. Nhưng khi khám xong, ông Dương không nói gì mà lẳng lặng bỏ ra ngoài. Đến khoảng 6 giờ sáng ngày 10-8, khi thấy con tôi lịm dần, bấy giờ, các bác sỹ mới chịu đến cấp cứu nhưng cháu đã tắt thở". “Con tôi chết oan ức quá, nhiều lần vợ chồng tôi tới kêu các y tá, bác sỹ nhưng họ xem như không có chuyện gì”- anh Nam rưng rưng nước mắt cho hay. Lý giải cho cái chết oan ức này là mảnh giấy kết luận do bệnh viện đưa đến mà  theo lời anh Nam nói: “Tôi đã đọc di đọc lại không sót một dấu phẩy: Suy hô hấp cấp nghi do dị tật đường thở”?
Cũng là sự coi thường xem nhẹ tính mạng của bệnh nhân, thói bàng quan vô cảm, trước đó, tối 4-8, anh Nguyễn Trọng Hưng (SN 1987 trú tại xã Cẩm Hưng) đưa vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986),  nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Các bác sỹ tại khoa sản này chẩn đoán, tử cung đang mở, nên để chị Hà đẻ thường. Mãi tới gần 3 giờ sáng, ngày 5-8, họ vẫn bắt chị Hà phải đẻ thường. “Đau quá, em hét lên là không ra được, lúc đó họ mới cho tiêm thuốc thối thai, gần 4 giờ, em sinh hạ cháu bé nặng hơn 3kg… vừa được sinh ra thì cháu trong tình trạng không cử động, người tím đen, đến khoảng 10 giờ cùng ngày thì cháu mất”!
Cũng trong buổi làm việc chiều 12-9, hỏi về vấn đề tại sao chất lượng y, bác sĩ yếu và thiếu như vậy nhưng trong thời gian khoảng hai năm trở lại đây từ khi bà Phan Thị Ninh lên giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh lại để “thất thoát” một tỷ lệ chất xám nghiêm trọng: Hơn 20 y, bác sỹ trong số này có trình độ Đại học và sau Đại học chính quy, buộc phải ra đi với các nguyên nhân, lý do hết sức bất thường, trong đó có liên quan đến sự bất thường trong công tác tổ chức. Ông Trần Quang Trung- trưởng phòng tổ chức Sở khẳng định: "Số lượng người ra đi so với số chúng tôi nhận về và đào tạo được chỉ bằng khoảng 10%". Vậy nhưng, khi làm việc với bệnh viện Cẩm Xuyên, ông trưởng khoa sản bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Xuyên khẳng định với PV:“Tôi ở đây đã 21 năm nhưng chỉ thấy có 3 bác sỹ chính quy về làm việc tại bệnh viện này… Bác sỹ chính quy ở đây rất hiếm, chủ yếu là bác sỹ được đào tạo từ y sỹ lên”. Mặc dù đã hẹn nhiều lần nhưng khi chúng tôi nhắc đến danh sách cụ thể những người đã phải ra đi trong 2 năm qua, các lãnh đạo Sở này vẫn tảng lờ, trả lời qua quýt rồi quên luôn.
Theo thông tin phản ánh từ phía người nhà bệnh nhân ở huyện Hương Khê  sáng 12-9 cho biết: “ngày 20-10-2009 chị Nguyễn Thị Vượng – xóm 3 xã Hương Vĩnh mổ sinh tại bệnh viện đa khoa huyện Hương Khê, mọi việc diễn ra bình thường cho đên ngày 14- 8- 2011 chị phát hiện ở vết mổ bị hoại tử một ít vải màn (gạc y tế) dùng tay kéo ra được một đoạn gạc dài khoảng 50cm, đau quá không kéo ra nữa lấy kéo cắt ra và tới bệnh viện điều trị”. Trưởng kíp mổ ngày 20-10-2009 cho chị Vượng là Phan Tường Sang trưởng khoa sản nay là phó Giám đốc  bệnh viện, kiêm trưởng khoa sản. tại buổi làm việc với PV ông Lê Anh Hùng Chủ tịch công đoàn bv cho biết: “thông tin hoàn toàn có sự thật, trong quá trình làm có sơ suất đặt dẫn lưu (mét) dẫn đến tồn dư trong ổ nhiểm trùng. Đó là rủi ro nghề nghiệp, bây giờ đang tập trung cao độ để phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân”. Đưa vấn đề này ra chất vấn tại cuộc làm việc với lãnh đạo Sở, ông Võ Viết Quang- Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết: "vấn đề này chúng tôi chưa biết (mặc dù sự việc xảy ra đã tròn một tháng), nhưng chuyện quên như vậy là bình thường...”.
Yếu kém chuyên môn, vô cảm, bao che sai phạm, trốn tránh trách nhiệm, lợi dụng nghề nghiệp kê đơn bắt bệnh nhân mua thuốc quá thẩm quyền quy định để ăn tiền hoa hồng từ nhà thuốc, mua thuốc ngoài danh mục thầu, tham nhũng… đang là vấn nạn tại ngành Y tế Hà Tĩnh. Chúng tôi sẽ công bố hàng loạt sai phạm của một số cá nhân là lãnh đạo cốt cán, người đứng đầu cơ quan Sở này trên các số tiếp theo.

(Các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm muốn giúp đỡ cháu Nguyễn Công Quốc xin liên hệ chị Thúy mẹ cháu Quốc tại xóm 5 xã Thạch Bàn- Thạch Hà- Hà Tĩnh. Hoặc thông qua VP Đại diện Bắc Trung bộ báo Tuổi Trẻ Thủ Đô- 26 Phan Đình Phùng- Nam Hà- TP.Hà Tĩnh; Số điện thoại nóng: 0913.294.581. Xin trân trọng cảm ơn!)

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Ngôi làng hơn 10 năm không có đám cưới

     Cách thành phố Vinh (Nghệ An) chưa đầy 1 cây số về hướng Đông -  Nam có một ngôi làng mà rất ít người biết đến sự hiện diện của nó. Làng nằm lạc lõng giữa dòng Lam giang, chơ vơ giữa bốn bề sóng nước và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là làng Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
 Giáo viên trường Tiểu học Xuân Giang 2 
hàng ngày phải đến trường bằng đò
Nếu có một cuốn sách viết về những ngôi làng kỳ lạ nhất Việt Nam thì làng Hồng Lam xứng đáng được có tên vì mặc dù nằm ở vị trí trung tâm của “tam giác đô thị”: Thành phố Vinh - thị trấn Nghi Xuân - thị trấn Xuân An nhưng ngôi làng này lại đang có xu hướng đi ngược lại với guồng quay đô thị hóa. Dân số giảm với mức độ chóng mặt, hơn 10 năm trong làng không có một đám cưới và trường học thì chỉ có vỏn vẹn 31 học sinh... đó là những sự độc đáo đáng lo ngại ở ngôi làng vốn đã tồn tại hàng trăm năm này.
Nguy cơ xóa sổ
          Nhìn từ cầu Bến Thủy, làng Hồng Lam chẳng khác gì một hoang đảo. Không thấy bóng nhà cửa, chỉ ngút một màu xanh của cây cối, chòng chành theo từng nhịp sóng của dòng sông Lam. Thoạt trông thì gần, ước chừng chỉ cần một cú “khinh công” là có thể “đáp” ngay xuống ngôi làng ốc đảo này, nhưng để đến được Hồng Lam thì chỉ có một cách duy nhất là qua đò. Mà đò ngang ở đây thì mỗi ngày chỉ có 4 chuyến nên phải mất mấy tiếng đồng hồ chờ đợi chúng tôi mới có thể cập bến vào làng. “Qua sông nên phải lụy đò” - người xưa nói quả chí lí!
          Bến Giang Đình - “cửa khẩu” của làng Hồng Lam - gọi là bến nhưng thực ra chỉ là một lạch nước nhỏ, hoang sơ và nhếch nhác. Trông vào nó, dẫu là người giỏi tưởng tượng đến mấy cũng không thể tin nổi rằng chính nơi này, mấy chục năm về trước từng được xem là thương cảng sầm uất bậc nhất nhì vùng Nghệ - Tĩnh, từng đi vào thơ ca như một niềm tự hào của người dân xứ Nghệ: “Ai về bến nước Giang Đình/  Nhớ mua vỏ quýt cho mình muối rươi”.
          Theo như lời kể của những người cao tuổi thì “làng nổi” Hồng Lam có cách đây khoảng hơn 300 năm. Hồi đó, có hai anh em họ Hồ vì nhà nghèo, không có chỗ nương thân trong “đất liền” nên đã đưa nhau ra đây lập nghiệp. Thấy có người ở, cây cối, hoa màu quanh năm tươi tốt nên nhiều người đã kéo nhau ra lập làng và làng bắt đầu sinh sôi nảy nở, trở nên đông đúc từ đó. Trước kia làng được chia làm hai vùng rõ rệt, một bên làm ngư nghiệp với tên gọi Yên Ngọc, một bên làm nông nghiệp với tên Phong Thái, đều thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, làng được cắt về xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và tên gọi Hồng Lam cũng xuất hiện từ đó...
 Đây được xem là “trung tâm thương mại” 
của làng Hồng Lam.
          Trên chuyến đò vào làng Hồng Lam, chúng tôi may mắn được bắt chuyện với ông Nguyễn Văn Lập, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Giang và là người đã có gần 60 năm gắn bó với “ốc đảo”. Theo lời ông Lập thì vào những năm 1980, dân số của làng có thời điểm lên tới con số 2000 nhân khẩu. Thế nhưng từ sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988 và đặc biệt là thời điểm cầu Bến Thủy được hoàn thành đưa vào hoạt động, việc đi lại bằng tàu thuyền không còn được sôi động như xưa, dân bắt đầu ồ ạt kéo nhau di cư lên “đất liền”, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Chỉ trong vòng 3 năm (1988 đến 1991), dân số làng này đã giảm từ hơn 2000 xuống chỉ còn khoảng 1500 người. Người làng cứ lũ lượt kéo nhau đi, đến nay làng chỉ còn 224 hộ với 667 nhân khẩu, so với năm 2010 thì giảm đi 14 hộ và nếu xa hơn so với 10 năm trước thì con số chênh lệch là hơn 300 hộ.    
“Thanh niên lớn lên là chúng thi nhau bỏ làng đi làm ăn xa rồi lấy vợ lấy chồng và lập nghiệp nơi khác. Nhiều gia đình cũng theo con cái chuyển vào Nam sinh sống... Phải đến hơn 10 năm nay, chính xác là kể từ năm 2000 làng chúng tôi không có một đám cưới nào. Cứ đà này thì không lâu nữa làng Hồng Lam sẽ bị xóa sổ mất thôi” - ông Lập nói, giọng buồn rầu và đôi mắt nhìn xa xăm.
Lớp đông nhất cũng chỉ có... 8 học sinh
Là ngôi làng có truyền thống lâu đời và trong lịch sử cách mạng, Hồng Lam cũng được biết đến như một vùng đất anh hùng. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, Hồng Lam là một trong những địa phương đầu tiên đứng lên giành được chính quyền về tay người dân. Truyền thống kiên cường,  bất khuất của ngôi làng này càng được hun đúc khi nhiều người con của làng đã anh dũng hi sinh trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê của Ban chỉ huy quân sự xã Xuân Giang thì làng Hồng Lam có trên 40 liệt sĩ và 26 thương.
Giáo viên trường Tiểu học Xuân Giang 2 
hàng ngày phải đến trường bằng đò
Để tri ân truyền thống kiên cường của người dân Hồng Lam và cũng nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh nơi đây, năm 2002, Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát động quyên góp, xây dựng lại trường Tiểu học Xuân Giang 2 trong làng thành một tòa nhà hai tầng với 8 phòng học kiên cố. Đây vừa là trường học vừa là nơi trú ngụ của người dân trong những mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, do hầu hết thanh niên đua nhau rời làng lập nghiệp nơi khác, nhiều năm không có đám cưới cũng đồng nghĩa với số trẻ được sinh ra ở làng ngày càng giảm, dẫn đến lượng học sinh của trường Tiểu học Xuân Giang 2 ngày càng thưa. Hiện nay, tổng số học sinh của trường chỉ có 31 em (chỉ bằng 1/10 so với năm 1996).
Đến thăm trường Tiểu học Xuân Giang 2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lớp đông nhất cũng chỉ có... 8 học sinh. Lớp ít thì chỉ vỏn vẹn có 3 em. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ngậm ngùi: “Lúc mới ra đây nhận công tác, nhìn lớp học thưa vắng mà không cầm được nước mắt. Thật nghịch lý khi cách nơi đây chưa đầy 1 km người ta phải chen lấn, thậm chí là chạy chọt để con em mình được vào học lớp 1”.
Càng ngạc nhiên và xót xa hơn, khi tôi mang máy ảnh ra chụp thì tất cả học sinh trong lớp đều đứng cả dậy, những cặp mắt ngây thơ nhìn một cách say sưa và lạ lẫm vào chiếc máy chụp ảnh, giống như những đứa trẻ thành phố lần đầu tiên nhìn thấy con trâu! “Chú thông cảm. Khổ quá, chỉ cách một chuyến đò là có thể đến thành phố, thị trấn nhưng đã có mấy em ở đây được ra khỏi làng đâu. Vậy nên thấy chiếc máy hay vật gì lạ là các em lại tò mò...” - Cô Loan giải thích.
Ước mơ về một cây cầu
Là người có thâm niên công tác lâu nhất trường, cô giáo Nguyễn Thị Lan Minh đã có hơn 29 năm gắn bó với trường Tiểu học Xuân Giang 2. Vì nhà ở “đất liền” nên mỗi ngày cô phải 4 lần “gánh chữ vượt sông” để đến trường. Cô Minh chia sẻ: “Nhà chỉ cách trường chưa tới 2 km nhưng để đến lớp đúng giờ, hàng ngày tôi phải dậy lúc 5 giờ sáng, ra bến đợi đò. Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa to gió lớn thì vất vả hết chỗ nói, nguy cơ chìm đò lại thường xuyên rình rập. Nếu không vì yêu nghề, thương học sinh thì có lẽ tôi đã bỏ nghề từ lâu rồi... Mong muốn của tôi là có được một cây cầu để cho người dân và những giáo viên như chúng tôi đỡ cơ cực”.
Mỗi ngày phải 4 lượt qua đò để sang sông dạy học, nếu tính tổng cộng trong 29 năm thì số chuyến đò mà cô Minh đã “đáp” xuống làng Hồng Lam phải lên tới con số hàng vạn! Thế mới biết sự vất vả, thiệt thòi của những giáo viên nơi đây là rất lớn và một cây cầu nối “làng nổi” Hồng Lam với thế giới bên ngoài là yêu cầu hết sức cấp thiết.
Lớp học chỉ vỏn vẹn... 3 học sinh
Nghề chính của người dân Hồng Lam là trồng lạc và trồng đay. Và nhờ đất đai màu mỡ, lại được phù sa bồi đắp thường xuyên nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. Tuy nhiên, do giao thông cách trở nên sản phẩm làm ra không vận chuyển vào “đất liền” bán được. Ông Nguyễn Thế Linh, một người dân cho biết: “Lạc ở bên kia sông người ta bán 2,4 triệu đồng 1 tạ. Còn chúng tôi thì 2 triệu 1 tạ thương lái cũng không chịu mua. Chở sang bên kia thì tiền đò lại quá lớn nên không thể. Nếu không có cầu thì vài năm nữa chúng tôi là những người cuối cùng rồi cũng phải bỏ làng đi nơi khác sống thôi”. Vừa nói, ông Linh vừa chỉ tay vào mấy bao tải lạc vẫn nằm chỏng chơ nơi góc nhà với vẻ mặt ngán ngẩm.
Được biết, chính quyền và người dân xã Xuân Giang đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về việc đầu tư xây dựng cây cầu bắc sang làng Hồng Lam nhưng cho nên nay ước nguyện của họ vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Điều đó cũng có nghĩa là những người giáo viên trường Tiểu học Xuân Giang 2 hàng ngày vẫn phải tự “phá kỷ lục vượt sông” trong gian truân và nguy hiểm. Và những đứa trẻ nơi đây thì không biết đến bao giờ mới hết ngơ ngác mỗi khi nhìn thấy máy chụp ảnh?
                                                                                      

Phòng khám Đa khoa (Thạch Khê - Thạch Hà- Hà Tĩnh) bỏ trực: GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG VẪN VÔ TRÁCH NHIỆM


Liên tiếp trong những ngày qua, tại Hà Tĩnh, dư luận và nhân dân đang hết sức phẫn nộ đối với thái độ vô trách nhiệm của các nhân viên y tế  tại phòng khám Thạch Khê (Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà), đã ngang nhiên bỏ trực dẫn đến cái chết đau lòng cho một bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt thương tâm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, PV TTTD đã liên lạc thông báo với ông Hoàng Thanh Lực - GĐBV Đa khoa huyện Thạch Hà về nội dung trên, yêu cầu làm rõ sự việc…nhưng đáp lại là thái độ vòng vo, vô trách nhiệm…

Theo tường trình của người nhà nạn nhân, khoảng 16h20 ngày 28/8/2011, chị Nguyễn Thị Thúy (SN1982) đưa chồng là anh Nguyễn Công Thành (SN 1979 – trú tại xóm 5 xã Thạch Bàn- Thạch Hà – Hà Tĩnh) trong tình trạng khó thở vào cấp cứu tại Phòng khám Thạch Khê. Tại đây chị Thúy chờ mãi nhưng không hề thấy bóng dáng một cán bộ nhân viên nào trực ở đó. Chịu trận cùng lúc là một phụ nữ sắp sinh đang lên cơn đau, xung quanh người nhà thì nháo nhác đi tìm bác sỹ hộ sinh nhưng vẫn bặt vô âm tín. Trước tình cảnh này, để cứu chồng chị Thúy buộc lòng phải gọi xe taxi đưa anh Thành lên bệnh viện Thạch Hà, tuy nhiên khi xe đến cầu Thạch Đồng thì anh Thành đã chết trên đường đi cấp cứu.
Đại diện báo Tuổi Trẻ Thủ Đô, báo Thanh Tra và 
UBND xã Thạch Bàn tới thăm và trao 
quà động viên gia đình
Sau hai lần đăng ký đề nghị được làm việc với cán bộ quản lý bị hủy bỏ, sáng ngày 5/9/2011, nhóm PV chúng tôi mới tiếp xúc được với ông Hoàng Thanh Lực - GĐBV Đa khoa huyện Thạch Hà để xác minh thực hư sự việc đau lòng trên. Tại buổi làm việc này, trước máy ghi âm, ông Lực, khẳng định chắc chắn: Phòng khám Thạch Khê là chi nhánh của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà. Phòng khám được phân công 1 bác sỹ, 1 điều dưỡng và các cán bộ, nhân viên y tế khác, đồng thời được kiểm tra giám sát chặt chẽ, nhân viên túc trực 24/24h và luôn tuân thủ quy tắc làm việc, ít xảy ra sai sót. “Tôi sẽ kiểm tra và xem xét lại, nếu thực sự có trường hợp nhân viên bỏ trực ngày 28-8, sẽ xử lý theo đúng quy định” – ông Lực cho biết.
Tuy nhiên, trở lại vấn đề các cứ liệu và thông tin cho bài viết này, như chúng tôi đã đề cập ở trên. Mặc dù trước đó vào chiều ngày 29-8, một ngày ngay sau khi xảy ra sự việc đau lòng, tiếp nhận và thẩm định thông tin qua người nhà của nạn nhân, PV đã dùng điện thoại liên hệ trực tiếp với ông Lực, thông báo toàn bộ nội dung của sự việc này, đồng thời đề nghị ông Lực nhanh chóng rà soát kiểm tra và sớm có câu trả lời xác đáng. Điều đáng nói là cũng tại cuộc nói chuyện này, ông Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà cũng lại hứa chắc chắn rằng: “tôi sẽ kiểm tra xem xét trả lời sau”. Thế nhưng, sau 7 ngày trôi qua, khi PV  đến làm việc thì câu trả lời của ông lại hết sức bất ngờ là: “sự việc này tôi có nghe đâu đó và mong các nhà báo phối hợp giúp đỡ, hẹn các PV vào buổi làm việc sáng hôm sau?  Đúng là “trả lời sau” thật, vì cho đến sáng ngày 5-9-2011, danh sách y, bác sỹ trực tại Phòng khám Thạch Khê ngày 28/8 ông vẫn chưa nắm rõ nói gì đến việc xử lý sai phạm?
8h 10 ngày 6-9-2011, chúng tôi lại có mặt tại bệnh viện Đa khoa Thạch Hà. Khi được hỏi về qui định xử lý hiện hành nếu đúng nhân viên bệnh viện có hành vi bỏ trực, ông Lực vẫn thái độ hết sức bình thường như không hề có việc gì nghiêm trọng đã từng xảy ra: “tuỳ vào mức độ sai phạm mà xử lý, nhẹ thì khiển trách, nặng thì xử lý theo pháp luật”. Đồng thời không quên câu hứa “chúng tôi sẽ tìm hiểu cụ thể và trả lời bằng văn bản đến các anh”…. Ông Giám đốc lại tiếp tục hẹn chúng tôi vào buổi làm việc khác để sáng tỏ sự việc này!
Hành vi bỏ trực của cán bộ phòng khám Thạch Khê, dẫn đến cái chết oan ức cho anh Thành - một nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt thương tâm, sự thờ ơ vòng vo, lấp liếm của lãnh đạo bệnh viện Đa Khoa Thạch Hà, tình trạng làm việc tắc trách, thái độ vô trách nhiệm, sa sút y đức, ăn chặn tiền người nhà bệnh nhân… đã trở thành “thói quen” của không ít cán bộ y, bác sỹ tại một số bệnh viện trên địa bàn sở tại mà PV báo TTTĐ đã thu thập và xác minh được trong thời gian dài qua.
Khẳng định với PV báo TTTĐ, sáng ngày 7-9-2011, chị Thúy cho biết: Không chỉ tôi mà người nhà của người phụ nữ sắp sinh đã cố tìm cách liên lạc với nhân viên y tế ở đây, nhưng tất cả đều vô vọng. Nếu lúc đó Phòng khám  Thạch Khê có bác sỹ để cấp cứu thì anh Thành chưa đến mức này. “Sau khi anh Thành mất, một người đàn ông xưng là phụ trách phòng khám Thạch Khê có đến thắp hương và hỏi: gia đình đã viết đơn kiện đâu chưa? chị Thúy trả lời không làm đơn! và ông ta ra về mà không nói gì thêm". "Chồng tôi bị bệnh lâu năm thì đã đành, nhưng cứ thế này những người bị bệnh đột phát trong ngày mà chờ cho được bác sỹ trực sẽ còn nhiều người chết oan".
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề sự sa sút về y đức và hàng loạt sai phạm nghiêm trọng liên quan đến đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Ngành y tế tại Hà Tĩnh trong các số báo tiếp theo.



Nam Đàn (Nghệ An): Đua nhau lập barie thu phí trái phép

Thấy xã bên cạnh dựng lên một cái barie cho hộ gia đình thầu thu phí mỗi khi xe ô tô chạy qua, tạo nên một nguồn thu thì các xã bên cạnh cũng làm theo. Cứ thế, chỉ trong một đoạn đường vài km giao giữa các xã đã có mấy cái barie được dựng lên.
Ra ngõ gặp barie
Ôtô qua đây đều phải nộp phí cho  ông Nguyễn Xuân Hoàng (Nam Anh- Nam Đàn)
Đường Lê Hồng Sơn là con đường liên xã nối từ Quốc lộ 46 đi qua xã Xuân Hòa và Nam Anh. Đường được làm cách đây đã khá lâu và năm 2007, 2008 được nâng cấp sửa chữa lại bằng nguồn vốn của nhân dân và xã, đến nay đoạn đường này đã xuống cấp trầm trọng khiến cho giao thông đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày hàng trăm chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng, chở hàng tiêu dùng, nhiều xe có trọng tải quá quá quy định vẫn lưu thông trên tuyến đường này. Theo lệ của xã thì mỗi khi qua đây họ phải nộp lệ phí, khoản phí mà theo các xã thì là để dùng vào sửa chữa lại đường khi cần thiết.
Ngay đầu con đường Lê Hồng Sơn, trên địa phận xã Xuân Hòa chúng ta đã bắt gặp ngay cái sào dựng chéo qua đường. Nhìn qua ta cứ nghĩ là nó dùng để cấm các phương tiện chạy qua nhưng thực chất là để cho lái xe ô tô biết để dừng lại và nộp lệ phí. Không biết từ bao giờ, một xã rồi hai xã và cứ thế chỉ một đoạn đường mà mỗi khi chạy qua mấy xã như Xuân Hòa, Nam Xuân, Nam Anh của huyện Nam Đàn các tài xế ô tô đều phải làm mỗi việc mà đối với họ đã trở thành “thông lệ” là dừng lại nộp phí. Xuân Hòa là xã nằm đầu của tuyến đường Lê Hồng Sơn đã tự ý dựng lên một chốt ba ri e để thu phí của các ô tô khi bắt đầu vào con đường này, thấy xã Xuân Hòa dựng nên ba ri e mà không gặp một sự cản trở nào từ các cấp có thẩm quyền, từ đó Nam Xuân và Nam Anh đua nhau dựng nên các ba ri e để bắt các xe ra vào hai xã này phải “cống nộp” những khoản phí mà đáng ra họ không phải trả. Cách “chốt” của Xuân Hòa khoảng 2km là chốt của Nam Anh. Mọc lên ngay trước cổng chợ Chùa, cái “trạm” thu phí ô tô của xã Nam Anh không chỉ sai quy định mà còn gây cản trở giao thông mỗi khi có ô tô dừng lại nộp phí. Cách “trạm” của xã Nam Anh không xa là trạm của xã Nam Xuân nằm trên con đường nhánh từ đường Lê Hồng Sơn chạy vào xã. Con đường nhựa rộng chừng 3m chạy từ đường Lê Hồng Sơn vào Nam Xuân cũng được dựng lên liên tiếp 2 cái ba ri e.
Dường như đã quen rồi nên mỗi khi qua đây, dù không có người đứng gác thì các tài xế xe tải vẫn tự động dừng lại dù chiếc ba ri e không hề đóng.
Barie của xã Nam Anh ngay trước chợ Chùa
Tại Xuân Hòa, ngoài chốt trên đường Lê Hồng Sơn, xã còn có một chốt trên đường Phan Bội Châu. Được biết, tại hai chốt này xã đã cho hai gia đình thầu và đứng ra thu phí với hợp đồng 2.880.000 đồng/2 năm. Theo đó, mỗi hộ phải nộp cho xã 1.440.000 đồng/năm. Còn tại xã Nam Xuân mức thầu mà hộ gia đình phải nộp lại cho xã hàng năm là 2 triệu đồng/năm. Cũng nằm trên một tuyến đường, các xe tải chở hàng, vật liệu xây dựng mỗi khi vào xã Nam Anh đương nhiên phải chạy qua Xuân Hòa, trong khi có những xe qua Xuân Hòa lại không qua Nam Anh. Như vậy lượng xe chạy qua chốt Xuân Hòa trên đường Lê Hồng Sơn là cao hơn chốt của Nam Anh nhưng mức đóng thầu hàng năm của hộ gia đình trúng thầu chốt ở Nam Anh cao gấp nhiều lần so với ở Xuân Hòa?! Tại Nam Anh, ông Nguyễn Xuân Hoàng là người trúng thầu và phải nộp cho xã mỗi năm 12 triệu đồng (gần gấp 7 lần so với Xuân Hòa và 5 lần so với Nam Xuân). Cũng theo quy định của xã thì các xe mỗi lần qua sẽ phải đóng lệ phí từ 5 đến 10 ngàn, hoặc hơn tùy vào trọng tải. Các hộ gia đình thầu lại được thu tiền trực tiếp mà không cần một loại vé nào cả.
Xã biết sai vẫn làm, huyện chịu thua?
Sau khi phát hiện những sai phạm của các xã trên, tháng 10 năm 2010, đại diện Đội Thanh tra giao thông vận tải khu vực 2 (Thanh tra Sở GTVT Nghệ An) đã tiến hành làm việc, lập biên bản đối với các xã đó. Đồng thời làm việc với đại diện phòng công thương huyện Nam Đàn. Nhưng đâu lại vào đó, xã không tháo mà huyện thì cũng không thấy có biện pháp gì với các ba ri e này.
Khi được hỏi về hai cái ba ri e đóng ở xã thì ông Trần Hồng Khuông, chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Việc thu phí của xã là sai quy định nhưng đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua, lại hợp lòng dân, vả lại nó cùng đã có từ lâu. Cũng theo ông Khuông thì xã chưa có cách giải quyết nào khác, chưa có ý định dỡ bỏ. Theo vị Chủ tịch này thì các ba ri e cấm xe có trọng tải trên 8 tấn, nhưng thực chất việc xác định trọng tải xe là không thể. Mặt khác trong thông báo của UBND xã về việc thu phí cũng chỉ phân biệt xe dưới và trên 5 tấn để đặt ra mức thu.
Barie của xã Nam Xuân
Mặc dù biết là sai nhưng khi thấy xã bên cạnh làm được thì mình cũng làm theo. Đó là suy nghĩ của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nam Anh, ông Trần Xuân Sinh. Ông Sinh cho biết: “Không riêng gì xã này mà trên địa bàn huyện Nam Đàn có rất nhiều xã có chốt thu phí này. Biết thu phí là sai nhưng đường là do nhân dân đóng góp làm nên thì cũng phải có thu phí để có khi sửa chữa”. Có mặt trong buổi tiếp chúng tôi ông Hồ Viết Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Sau khi có đoàn Thanh tra GTVT về làm việc thì chúng tôi cũng đã có ý định dỡ bỏ”. Không biết ý định đó khi nào được thực hiện nhưng cho đến nay đã gần 1 năm sau khi có yêu cầu dỡ bỏ của đoàn Thanh tra thì các xe qua lại trên cac tuyến đường này vẫn phải nộp phí.
Đưa vấn đề này trao đổi với lãnh đạo phòng Công thương huyện Nam Đàn thì chúng tôi được trưởng phòng Nguyễn Hồ Bá cho biết, UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ các chốt thu phí ở các xã nhưng các xã không tháo. Huyện biết đó là sai nhưng đây là lệ làng. Đường do dân đóng góp làm nên giờ xã thu thì cũng phải chấp nhận.
Về vấn đề này ông Trần Trọng Thắng, Chánh thanh tra GTVT (Sở GTVT Nghệ An) khẳng định, việc các xã trên của Nam Đàn thu phí là sai. Chỉ có Hội đồng nhân dân tỉnh trở lên mới có quyền cho phép. Đối với Thanh tra GTVT thì chỉ biết kiểm tra và khi phát hiện sai thì lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ. Còn việc chấp hành của địa phương hay cần phải cưỡng chế thì phải có các cơ quan khác tham gia, Thanh tra GTVT không đủ chế tài. Ông Thắng cũng cho biết, trước đây nhiều xã của các huyện Yên Thành, Nghi Lộc cũng đã từng có trường hợp này xảy ra nhưng nhờ huyện quyết liệt nên đã giải quyết được.
Dẫu biết hiện nay nhiều con đường là do dân đóng góp xây dựng nên nhưng cũng không thể dựa vào đó để làm trái quy định của nhà nước. Ngăn các xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường là đúng nhưng đối với các ba ri e ở Nam Đàn này liệu “lợi bất cập hại” hay không. Không nói đến việc trái quy định thì hàng năm xã thu về được 1 đến 2 triệu đồng, trong khi xe trọng tải lớn vào cũng không kiểm soát được để rồi số tiền thu phí đó 10 năm có vá được một ổ voi?

SÔNG LAM KÊU CỨU!

Trong khi tại thượng nguồn sông Lam cũng như các nhánh sông nhỏ chảy vào sông Lam đang bị nạn khai thác khoáng sản bừa bãi làm tan hoang bờ sông và gây ô nhiễm nguồn nước, thì tại hạ nguồn con sông đoạn chảy qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An), dòng sông cũng đang ngày đêm bị “cày xới” bởi nạn “cát tặc” và sự “tra tấn” của những đống rác ngay trên bờ.
Mất cát, sông Lam “ăn” đất của dân
Chạy xe dọc sông Lam, đọan qua địa phận các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An), mới thấy sông Lam mất cát nhiều đến thế nào. Nghề khai thác cát bỏ “một vốn thu bốn lời” nên không ai bảo ai, mọi người đổ xô đi khai thác cát. Mỗi ngày, hàng trăm chiếc thuyền ngang nhiên khai thác cát, hàng trăm xe vận tải hối hả nối đuôi nhau ra vào các bãi chở cát đi tiêu thụ.
Những chiếc thuyền ngang nhiên ngày đêm hút cát
Chỉ tính riêng đoạn sông Lam chạy qua địa phận huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã có đến 12 bãi tập kết cát, trung bình cứ 1,5 km có 1 bãi. Những bãi này có từ rất lâu và hoạt động ngang nhiên. Còn trên dòng sông là hàng trăm chiếc tàu thuyền ngày đêm thả vòi hút cát. Nhiều bãi cát tại xã Hưng Khánh, Hưng Xuân của huyện Hưng Nguyên hàng ngày nhộn nhịp như công trường.
Đứng trên sông Lam nhìn xuống dòng sông, những chiếc thuyền quây trên sông, vô tư  hút cát. Anh Phạm Hoài Đức, một người dân sống gần sông Lam cho biết: “Mới tinh mơ sáng đã nghe tiếng máy hút cát chạy phành phạch ngoài sông rồi. Có nhiều hôm, đến khuya rồi nhưng có nhiều thuyền vẫn chưa nghỉ”.
Tại bại tập kết cát ở Thị trấn Nam Đàn, những đống cát cao ngút không lúc nào vơi dù mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ô tô vào chở cát về các công trình.
Cát khai thác từ các bến bãi được vận chuyển bằng hai luồng khác nhau. Tại các bến cát nhỏ thì được các xe vận tải đến lấy trực tiếp và vận chuyển đi cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu trong địa bàn gần. Còn những bãi tập kết lớn cát thường tập trung với số lượng lớn và được vận chuyển bằng thuyền đi đến các vùng xa hơn. Đoạn sông Lam chạy qua huyện Hưng Nguyên có 3 bãi tập kết cát lớn như bãi tập kết tại xã Hưng Lợi, Hưng Khánh và Hưng Xuân. Riêng bãi tập kết tại xã Hưng Xuân thì nằm ngay sát chân cầu Yên Xuân dù ở đó có đặt một tấm biển về nội quy bảo cầu là các bãi tập kết cát phải nằm cách chân cầu từ 50 mét trở lên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hà- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: Nạn khai thác cát bừa bãi đã và đang diễn ra trên sông Lam ở Hưng Nguyên và các huyện khác nhưng việc quản lý là rất khó khăn. Việc cho thuê bến bãi là do các chủ bãi hợp đồng với xã, huyện không ngăn họ mua bán được vì có hóa đơn đầy đủ. Việc bắt giữ các thuyền khai thác trái phép rất khó vì huyện thiếu phương tiện. Chúng tôi rất mong có sự phối hợp của cảnh sát đường sông và các ngành chức năng khác.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, đến giữa năm 2011 cả tỉnh chỉ có duy nhất một công ty được cấp phép khai thác cát trên sông Lam. Thế nhưng, những ngày này, đi dọc bờ sông từ cầu Bến Thủy (TP Vinh), lên các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương có thể thấy được vài chục điểm tập kết cát và hàng trăm chiếc thuyền ngày đêm hút cát và vẩn chuyển cát đi tiêu thụ.
Việc khai thác cát bừa bãi từ nhiều năm nay và ngày càng bùng phát dữ dội đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm cạnh sông Lam đã không cánh mà bay chỉ sau vài năm. Tại xã Hưng Khánh, diện tích đất nông nghiệp mỗi năm “hiến” cho sông khoảng vài chục ha. Nguyên nhân chính là việc khai thác cát tùy tiện đã gây sạt lỡ nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND xã Hưng Khánh thì mỗi năm xã mất hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp vì sạt lở đất. Nhiều đoạn bờ sông sạt từ 30 đến 50 mét.
Riêng đọan sông qua xã Hưng Long, hàng trăm mét đất đã trôi xuống sông, có nơi vào sâu đến vài chục mét, bờ dốc đứng cao trên 3 mét.
Không chỉ làm “biến mất” hàng trăm ha đất sản xuất, hệ quả của việc khai thác cát còn làm hư hỏng, sụt đổ hàng chục mét bờ kè. Tại xã Hưng Lĩnh, Hưng Phú nhiều đoạn bờ kè đã bị sụt lở, đá nằm chỏng chơ. Đặc biệt, nhiều tàu thuyền thường hút cát ngay giữa lòng sông tạo nên các vùng xoáy ngầm rất lớn làm thay đổi dòng chảy, gây nguy hiểm cho các thuyền bè qua lại trên sông.
Tình trạng sạt lở đất khiến hàng nghìn hộ dân sống bên bờ sông Lam ngày đêm thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ một ngày sông “nuốt” làng. Nhiều nơi như xã Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Lam, Hưng Long sông tiến gần sát nhà dân và sẵn sàng “ăn” nhà dân bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống sinh hoạt của người dân. Mùa mưa lũ năm nay được dự báo là nguy hiểm và khó luờng hơn nên nỗi lo của những người dân sống cạnh miệng hà bá là có cơ sở.
Rác làm ô nhiễm sông
Dọc bờ sông Lam đoạn qua xã Hưng Long (Hưng Nguyên), một bãi rác dài gần cả trăm mét nằm chình ình như thách thức. Dưới lòng sông là những túi rác nổi lềnh phềnh. Được biết bãi rác này có từ năm 2008, người dân xã Hưng Long thu gom rác sinh hoạt cũng như các loại rác khác rồi đưa ra đổ ở đây… Bên bờ sông, từng đống rác được đốt, lấp nham nhở. Rất nhiều rác khi được đổ tại đây đã được nước sông Lam cuốn đi.
Bãi rác của xã Hưng Long nằm ngay bên bờ sông La
 Trong khi hàng ngày nước sông Lam vẫn mang theo những túi rác hòa vào dòng nước thì những người dân chài quanh năm sống trên sông nước vẫn lấy nguồn nước đó để sinh hoạt. Ngay bên dưới bãi rác là hàng chục hộ dân chài xóm 16 của Hưng Long vẫn sinh sống với nỗi lo dịch bệnh luôn thường trực. Chị Nguyễn Thị Hương (xóm 16, Hưng Long), nhà ngay cạnh bại rác cho biết: “Vào mùa mưa gia đình tôi còn có nước mưa để sinh hoạt, còn những tháng ít mưa chúng tôi phải lấy nước sông Lam để dùng, kể cả nấu nướng. Gia đình tôi còn có nhà chứ những hộ phải sống trên thuyền thì quanh năm phải dùng nước sông. Các chú đến giờ này họ đang đi làm hết, cứ chiều tối về là các nhà thuyền lại cùng nhau tắm rửa bằng nước sông, múc nước sông lên nấu nướng”.
Dù biết là nước sông đang bị ô nhiễm nhưng những người dân nơi đây không còn cách nào khác. Chị Hương cũng cho biết, mấy hôm nay trời nắng nên mùi hôi thối có đỡ, những hôm trời mưa xong mà nắng thì mùi bốc lên nồng nặc không chịu nổi. Từ bãi rác, ruồi muội “tấn công” vào nhà của các hộ dân ven sông nơi đây.
Không chỉ có ở Hưng Long, theo sự chỉ dẫn của người dân chúng tôi đi dọc bờ sông vài trăm mét là đã bắt gặp bãi rác nham nhở của xã Hưng Xá. Theo như người dân cho biết thì trước đây cũng như Hưng Long, bãi rác Hưng Xá cũng có một lượng rác rất lớn nhưng thời gian gần đây bờ sông tại xã Hưng Xá liên tục bị sạt lở và cũng cuốn theo những đống rác ra sông.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: “Sau khi phát hiện những bãi rác ở Hưng Long, Hưng Xá nằm sát ngay bờ sông thì huyện đã chỉ đạo các xã không được tiếp tục đổ rác tại đây nữa, đồng thời có đề án thu gom và xử lý rác cho toàn huyện. Tuy nhiên bên cạnh quy định thị cũng cần phải nói đến ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường”.
Theo ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết, năm 2008 khi xã quy hoạch bãi rác thì nó còn nằm cách bờ sông 200m nhưng qua thời gian do sạt lở mà bãi rác nay đã nằm ngay cạnh bờ sông. Tuy nhiên khi được hỏi tải sao khi sông đã ăn vào đến bãi rác mà chính quyền địa phương vẫn chỉ đạo dân đổ thì ông Sơn cho biết rằng chưa tìm ra điểm đổ khác.
Được biết, tháng 4 vừa qua, sau khi UBND tỉnh Nghệ An có lệnh cấm đổ rác ra bờ sông, UBND huyện Hưng Nguyên đã có đề án thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, một số xã như Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Mỹ, Hưng Đạo sẽ được triển khai thí điểm đề án này. Các xã sẽ phải hoàn thành việc xây dựng Ga trung chuyển, thành lập hệ thống thu gom và hợp đồng với công ty Môi trường đô thị Nghệ An để xử lý rác trước ngày 15/7/2011. Thế nhưng cho đến nay mới chỉ có xã Hưng Xá xây xong Ga trung chuyển, còn các xã vẫn đổ rác tại các bãi rác cũ. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi Ga trung chuyển tại Hưng Xá cũng rất bất cập. Ga trung chuyển được đặt ngay bên cạnh con kênh nhỏ đổ nước ra sông Lam. Mỗi khi nước lũ dâng sẽ mang theo toàn bộ lượng rác ở Ga ra sông Lam. Mặc dù là Ga trung chuyển nhưng sau khi thu gom rác tại đây chính quyền địa phương vẫn đang tiến hành đốt mà chưa di chuyển ra bãi rác theo quy định.
Tại xã Hưng Long, sau khi có đoàn kiểm tra của huyện về đã yêu cầu ngừng ngay việc đổ rác ra bờ sông, thế nhưng lâu nay các xóm vẫn mang rác ra đây. Về vấn đề này theo ông Võ Hồng Sơn cho biết thì xã đã cấm đổ rác bên bờ sông nhiều tháng nay và nếu có đổ là do người dân đổ trộm. Đồng thời xã đã hợp đồng với công ty Môi trường đô thị Nghệ An và bắt đầu từ 1/9 này rác sẽ được thu gom và do công ty này mang ra bãi rác chung ở Nghi Yên (Nghi Lộc). Mặc dù UBND tỉnh, UBND huyện đã có các văn bản về các xã cấm đổ rác ở bờ sông từ cách đây 5 tháng, thế nhưng những ngày cuối tháng 8 vừa qua chúng tôi vẫn thấy những chiếc xe bò lốp chở rác ra bờ sông.