LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

SÔNG LAM KÊU CỨU!

Trong khi tại thượng nguồn sông Lam cũng như các nhánh sông nhỏ chảy vào sông Lam đang bị nạn khai thác khoáng sản bừa bãi làm tan hoang bờ sông và gây ô nhiễm nguồn nước, thì tại hạ nguồn con sông đoạn chảy qua các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An), dòng sông cũng đang ngày đêm bị “cày xới” bởi nạn “cát tặc” và sự “tra tấn” của những đống rác ngay trên bờ.
Mất cát, sông Lam “ăn” đất của dân
Chạy xe dọc sông Lam, đọan qua địa phận các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An), mới thấy sông Lam mất cát nhiều đến thế nào. Nghề khai thác cát bỏ “một vốn thu bốn lời” nên không ai bảo ai, mọi người đổ xô đi khai thác cát. Mỗi ngày, hàng trăm chiếc thuyền ngang nhiên khai thác cát, hàng trăm xe vận tải hối hả nối đuôi nhau ra vào các bãi chở cát đi tiêu thụ.
Những chiếc thuyền ngang nhiên ngày đêm hút cát
Chỉ tính riêng đoạn sông Lam chạy qua địa phận huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã có đến 12 bãi tập kết cát, trung bình cứ 1,5 km có 1 bãi. Những bãi này có từ rất lâu và hoạt động ngang nhiên. Còn trên dòng sông là hàng trăm chiếc tàu thuyền ngày đêm thả vòi hút cát. Nhiều bãi cát tại xã Hưng Khánh, Hưng Xuân của huyện Hưng Nguyên hàng ngày nhộn nhịp như công trường.
Đứng trên sông Lam nhìn xuống dòng sông, những chiếc thuyền quây trên sông, vô tư  hút cát. Anh Phạm Hoài Đức, một người dân sống gần sông Lam cho biết: “Mới tinh mơ sáng đã nghe tiếng máy hút cát chạy phành phạch ngoài sông rồi. Có nhiều hôm, đến khuya rồi nhưng có nhiều thuyền vẫn chưa nghỉ”.
Tại bại tập kết cát ở Thị trấn Nam Đàn, những đống cát cao ngút không lúc nào vơi dù mỗi ngày có hàng chục chiếc xe ô tô vào chở cát về các công trình.
Cát khai thác từ các bến bãi được vận chuyển bằng hai luồng khác nhau. Tại các bến cát nhỏ thì được các xe vận tải đến lấy trực tiếp và vận chuyển đi cung cấp cho các khách hàng có nhu cầu trong địa bàn gần. Còn những bãi tập kết lớn cát thường tập trung với số lượng lớn và được vận chuyển bằng thuyền đi đến các vùng xa hơn. Đoạn sông Lam chạy qua huyện Hưng Nguyên có 3 bãi tập kết cát lớn như bãi tập kết tại xã Hưng Lợi, Hưng Khánh và Hưng Xuân. Riêng bãi tập kết tại xã Hưng Xuân thì nằm ngay sát chân cầu Yên Xuân dù ở đó có đặt một tấm biển về nội quy bảo cầu là các bãi tập kết cát phải nằm cách chân cầu từ 50 mét trở lên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hà- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: Nạn khai thác cát bừa bãi đã và đang diễn ra trên sông Lam ở Hưng Nguyên và các huyện khác nhưng việc quản lý là rất khó khăn. Việc cho thuê bến bãi là do các chủ bãi hợp đồng với xã, huyện không ngăn họ mua bán được vì có hóa đơn đầy đủ. Việc bắt giữ các thuyền khai thác trái phép rất khó vì huyện thiếu phương tiện. Chúng tôi rất mong có sự phối hợp của cảnh sát đường sông và các ngành chức năng khác.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, đến giữa năm 2011 cả tỉnh chỉ có duy nhất một công ty được cấp phép khai thác cát trên sông Lam. Thế nhưng, những ngày này, đi dọc bờ sông từ cầu Bến Thủy (TP Vinh), lên các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương có thể thấy được vài chục điểm tập kết cát và hàng trăm chiếc thuyền ngày đêm hút cát và vẩn chuyển cát đi tiêu thụ.
Việc khai thác cát bừa bãi từ nhiều năm nay và ngày càng bùng phát dữ dội đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm cạnh sông Lam đã không cánh mà bay chỉ sau vài năm. Tại xã Hưng Khánh, diện tích đất nông nghiệp mỗi năm “hiến” cho sông khoảng vài chục ha. Nguyên nhân chính là việc khai thác cát tùy tiện đã gây sạt lỡ nghiêm trọng. Theo báo cáo của UBND xã Hưng Khánh thì mỗi năm xã mất hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp vì sạt lở đất. Nhiều đoạn bờ sông sạt từ 30 đến 50 mét.
Riêng đọan sông qua xã Hưng Long, hàng trăm mét đất đã trôi xuống sông, có nơi vào sâu đến vài chục mét, bờ dốc đứng cao trên 3 mét.
Không chỉ làm “biến mất” hàng trăm ha đất sản xuất, hệ quả của việc khai thác cát còn làm hư hỏng, sụt đổ hàng chục mét bờ kè. Tại xã Hưng Lĩnh, Hưng Phú nhiều đoạn bờ kè đã bị sụt lở, đá nằm chỏng chơ. Đặc biệt, nhiều tàu thuyền thường hút cát ngay giữa lòng sông tạo nên các vùng xoáy ngầm rất lớn làm thay đổi dòng chảy, gây nguy hiểm cho các thuyền bè qua lại trên sông.
Tình trạng sạt lở đất khiến hàng nghìn hộ dân sống bên bờ sông Lam ngày đêm thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ một ngày sông “nuốt” làng. Nhiều nơi như xã Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Lam, Hưng Long sông tiến gần sát nhà dân và sẵn sàng “ăn” nhà dân bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến tính mạng, cuộc sống sinh hoạt của người dân. Mùa mưa lũ năm nay được dự báo là nguy hiểm và khó luờng hơn nên nỗi lo của những người dân sống cạnh miệng hà bá là có cơ sở.
Rác làm ô nhiễm sông
Dọc bờ sông Lam đoạn qua xã Hưng Long (Hưng Nguyên), một bãi rác dài gần cả trăm mét nằm chình ình như thách thức. Dưới lòng sông là những túi rác nổi lềnh phềnh. Được biết bãi rác này có từ năm 2008, người dân xã Hưng Long thu gom rác sinh hoạt cũng như các loại rác khác rồi đưa ra đổ ở đây… Bên bờ sông, từng đống rác được đốt, lấp nham nhở. Rất nhiều rác khi được đổ tại đây đã được nước sông Lam cuốn đi.
Bãi rác của xã Hưng Long nằm ngay bên bờ sông La
 Trong khi hàng ngày nước sông Lam vẫn mang theo những túi rác hòa vào dòng nước thì những người dân chài quanh năm sống trên sông nước vẫn lấy nguồn nước đó để sinh hoạt. Ngay bên dưới bãi rác là hàng chục hộ dân chài xóm 16 của Hưng Long vẫn sinh sống với nỗi lo dịch bệnh luôn thường trực. Chị Nguyễn Thị Hương (xóm 16, Hưng Long), nhà ngay cạnh bại rác cho biết: “Vào mùa mưa gia đình tôi còn có nước mưa để sinh hoạt, còn những tháng ít mưa chúng tôi phải lấy nước sông Lam để dùng, kể cả nấu nướng. Gia đình tôi còn có nhà chứ những hộ phải sống trên thuyền thì quanh năm phải dùng nước sông. Các chú đến giờ này họ đang đi làm hết, cứ chiều tối về là các nhà thuyền lại cùng nhau tắm rửa bằng nước sông, múc nước sông lên nấu nướng”.
Dù biết là nước sông đang bị ô nhiễm nhưng những người dân nơi đây không còn cách nào khác. Chị Hương cũng cho biết, mấy hôm nay trời nắng nên mùi hôi thối có đỡ, những hôm trời mưa xong mà nắng thì mùi bốc lên nồng nặc không chịu nổi. Từ bãi rác, ruồi muội “tấn công” vào nhà của các hộ dân ven sông nơi đây.
Không chỉ có ở Hưng Long, theo sự chỉ dẫn của người dân chúng tôi đi dọc bờ sông vài trăm mét là đã bắt gặp bãi rác nham nhở của xã Hưng Xá. Theo như người dân cho biết thì trước đây cũng như Hưng Long, bãi rác Hưng Xá cũng có một lượng rác rất lớn nhưng thời gian gần đây bờ sông tại xã Hưng Xá liên tục bị sạt lở và cũng cuốn theo những đống rác ra sông.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: “Sau khi phát hiện những bãi rác ở Hưng Long, Hưng Xá nằm sát ngay bờ sông thì huyện đã chỉ đạo các xã không được tiếp tục đổ rác tại đây nữa, đồng thời có đề án thu gom và xử lý rác cho toàn huyện. Tuy nhiên bên cạnh quy định thị cũng cần phải nói đến ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường”.
Theo ông Võ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết, năm 2008 khi xã quy hoạch bãi rác thì nó còn nằm cách bờ sông 200m nhưng qua thời gian do sạt lở mà bãi rác nay đã nằm ngay cạnh bờ sông. Tuy nhiên khi được hỏi tải sao khi sông đã ăn vào đến bãi rác mà chính quyền địa phương vẫn chỉ đạo dân đổ thì ông Sơn cho biết rằng chưa tìm ra điểm đổ khác.
Được biết, tháng 4 vừa qua, sau khi UBND tỉnh Nghệ An có lệnh cấm đổ rác ra bờ sông, UBND huyện Hưng Nguyên đã có đề án thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2011- 2015. Theo đó, một số xã như Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Mỹ, Hưng Đạo sẽ được triển khai thí điểm đề án này. Các xã sẽ phải hoàn thành việc xây dựng Ga trung chuyển, thành lập hệ thống thu gom và hợp đồng với công ty Môi trường đô thị Nghệ An để xử lý rác trước ngày 15/7/2011. Thế nhưng cho đến nay mới chỉ có xã Hưng Xá xây xong Ga trung chuyển, còn các xã vẫn đổ rác tại các bãi rác cũ. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi Ga trung chuyển tại Hưng Xá cũng rất bất cập. Ga trung chuyển được đặt ngay bên cạnh con kênh nhỏ đổ nước ra sông Lam. Mỗi khi nước lũ dâng sẽ mang theo toàn bộ lượng rác ở Ga ra sông Lam. Mặc dù là Ga trung chuyển nhưng sau khi thu gom rác tại đây chính quyền địa phương vẫn đang tiến hành đốt mà chưa di chuyển ra bãi rác theo quy định.
Tại xã Hưng Long, sau khi có đoàn kiểm tra của huyện về đã yêu cầu ngừng ngay việc đổ rác ra bờ sông, thế nhưng lâu nay các xóm vẫn mang rác ra đây. Về vấn đề này theo ông Võ Hồng Sơn cho biết thì xã đã cấm đổ rác bên bờ sông nhiều tháng nay và nếu có đổ là do người dân đổ trộm. Đồng thời xã đã hợp đồng với công ty Môi trường đô thị Nghệ An và bắt đầu từ 1/9 này rác sẽ được thu gom và do công ty này mang ra bãi rác chung ở Nghi Yên (Nghi Lộc). Mặc dù UBND tỉnh, UBND huyện đã có các văn bản về các xã cấm đổ rác ở bờ sông từ cách đây 5 tháng, thế nhưng những ngày cuối tháng 8 vừa qua chúng tôi vẫn thấy những chiếc xe bò lốp chở rác ra bờ sông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!