LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Nam Đàn (Nghệ An): Đua nhau lập barie thu phí trái phép

Thấy xã bên cạnh dựng lên một cái barie cho hộ gia đình thầu thu phí mỗi khi xe ô tô chạy qua, tạo nên một nguồn thu thì các xã bên cạnh cũng làm theo. Cứ thế, chỉ trong một đoạn đường vài km giao giữa các xã đã có mấy cái barie được dựng lên.
Ra ngõ gặp barie
Ôtô qua đây đều phải nộp phí cho  ông Nguyễn Xuân Hoàng (Nam Anh- Nam Đàn)
Đường Lê Hồng Sơn là con đường liên xã nối từ Quốc lộ 46 đi qua xã Xuân Hòa và Nam Anh. Đường được làm cách đây đã khá lâu và năm 2007, 2008 được nâng cấp sửa chữa lại bằng nguồn vốn của nhân dân và xã, đến nay đoạn đường này đã xuống cấp trầm trọng khiến cho giao thông đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày hàng trăm chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng, chở hàng tiêu dùng, nhiều xe có trọng tải quá quá quy định vẫn lưu thông trên tuyến đường này. Theo lệ của xã thì mỗi khi qua đây họ phải nộp lệ phí, khoản phí mà theo các xã thì là để dùng vào sửa chữa lại đường khi cần thiết.
Ngay đầu con đường Lê Hồng Sơn, trên địa phận xã Xuân Hòa chúng ta đã bắt gặp ngay cái sào dựng chéo qua đường. Nhìn qua ta cứ nghĩ là nó dùng để cấm các phương tiện chạy qua nhưng thực chất là để cho lái xe ô tô biết để dừng lại và nộp lệ phí. Không biết từ bao giờ, một xã rồi hai xã và cứ thế chỉ một đoạn đường mà mỗi khi chạy qua mấy xã như Xuân Hòa, Nam Xuân, Nam Anh của huyện Nam Đàn các tài xế ô tô đều phải làm mỗi việc mà đối với họ đã trở thành “thông lệ” là dừng lại nộp phí. Xuân Hòa là xã nằm đầu của tuyến đường Lê Hồng Sơn đã tự ý dựng lên một chốt ba ri e để thu phí của các ô tô khi bắt đầu vào con đường này, thấy xã Xuân Hòa dựng nên ba ri e mà không gặp một sự cản trở nào từ các cấp có thẩm quyền, từ đó Nam Xuân và Nam Anh đua nhau dựng nên các ba ri e để bắt các xe ra vào hai xã này phải “cống nộp” những khoản phí mà đáng ra họ không phải trả. Cách “chốt” của Xuân Hòa khoảng 2km là chốt của Nam Anh. Mọc lên ngay trước cổng chợ Chùa, cái “trạm” thu phí ô tô của xã Nam Anh không chỉ sai quy định mà còn gây cản trở giao thông mỗi khi có ô tô dừng lại nộp phí. Cách “trạm” của xã Nam Anh không xa là trạm của xã Nam Xuân nằm trên con đường nhánh từ đường Lê Hồng Sơn chạy vào xã. Con đường nhựa rộng chừng 3m chạy từ đường Lê Hồng Sơn vào Nam Xuân cũng được dựng lên liên tiếp 2 cái ba ri e.
Dường như đã quen rồi nên mỗi khi qua đây, dù không có người đứng gác thì các tài xế xe tải vẫn tự động dừng lại dù chiếc ba ri e không hề đóng.
Barie của xã Nam Anh ngay trước chợ Chùa
Tại Xuân Hòa, ngoài chốt trên đường Lê Hồng Sơn, xã còn có một chốt trên đường Phan Bội Châu. Được biết, tại hai chốt này xã đã cho hai gia đình thầu và đứng ra thu phí với hợp đồng 2.880.000 đồng/2 năm. Theo đó, mỗi hộ phải nộp cho xã 1.440.000 đồng/năm. Còn tại xã Nam Xuân mức thầu mà hộ gia đình phải nộp lại cho xã hàng năm là 2 triệu đồng/năm. Cũng nằm trên một tuyến đường, các xe tải chở hàng, vật liệu xây dựng mỗi khi vào xã Nam Anh đương nhiên phải chạy qua Xuân Hòa, trong khi có những xe qua Xuân Hòa lại không qua Nam Anh. Như vậy lượng xe chạy qua chốt Xuân Hòa trên đường Lê Hồng Sơn là cao hơn chốt của Nam Anh nhưng mức đóng thầu hàng năm của hộ gia đình trúng thầu chốt ở Nam Anh cao gấp nhiều lần so với ở Xuân Hòa?! Tại Nam Anh, ông Nguyễn Xuân Hoàng là người trúng thầu và phải nộp cho xã mỗi năm 12 triệu đồng (gần gấp 7 lần so với Xuân Hòa và 5 lần so với Nam Xuân). Cũng theo quy định của xã thì các xe mỗi lần qua sẽ phải đóng lệ phí từ 5 đến 10 ngàn, hoặc hơn tùy vào trọng tải. Các hộ gia đình thầu lại được thu tiền trực tiếp mà không cần một loại vé nào cả.
Xã biết sai vẫn làm, huyện chịu thua?
Sau khi phát hiện những sai phạm của các xã trên, tháng 10 năm 2010, đại diện Đội Thanh tra giao thông vận tải khu vực 2 (Thanh tra Sở GTVT Nghệ An) đã tiến hành làm việc, lập biên bản đối với các xã đó. Đồng thời làm việc với đại diện phòng công thương huyện Nam Đàn. Nhưng đâu lại vào đó, xã không tháo mà huyện thì cũng không thấy có biện pháp gì với các ba ri e này.
Khi được hỏi về hai cái ba ri e đóng ở xã thì ông Trần Hồng Khuông, chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Việc thu phí của xã là sai quy định nhưng đã được Hội đồng nhân dân xã thông qua, lại hợp lòng dân, vả lại nó cùng đã có từ lâu. Cũng theo ông Khuông thì xã chưa có cách giải quyết nào khác, chưa có ý định dỡ bỏ. Theo vị Chủ tịch này thì các ba ri e cấm xe có trọng tải trên 8 tấn, nhưng thực chất việc xác định trọng tải xe là không thể. Mặt khác trong thông báo của UBND xã về việc thu phí cũng chỉ phân biệt xe dưới và trên 5 tấn để đặt ra mức thu.
Barie của xã Nam Xuân
Mặc dù biết là sai nhưng khi thấy xã bên cạnh làm được thì mình cũng làm theo. Đó là suy nghĩ của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nam Anh, ông Trần Xuân Sinh. Ông Sinh cho biết: “Không riêng gì xã này mà trên địa bàn huyện Nam Đàn có rất nhiều xã có chốt thu phí này. Biết thu phí là sai nhưng đường là do nhân dân đóng góp làm nên thì cũng phải có thu phí để có khi sửa chữa”. Có mặt trong buổi tiếp chúng tôi ông Hồ Viết Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết: “Sau khi có đoàn Thanh tra GTVT về làm việc thì chúng tôi cũng đã có ý định dỡ bỏ”. Không biết ý định đó khi nào được thực hiện nhưng cho đến nay đã gần 1 năm sau khi có yêu cầu dỡ bỏ của đoàn Thanh tra thì các xe qua lại trên cac tuyến đường này vẫn phải nộp phí.
Đưa vấn đề này trao đổi với lãnh đạo phòng Công thương huyện Nam Đàn thì chúng tôi được trưởng phòng Nguyễn Hồ Bá cho biết, UBND huyện đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ các chốt thu phí ở các xã nhưng các xã không tháo. Huyện biết đó là sai nhưng đây là lệ làng. Đường do dân đóng góp làm nên giờ xã thu thì cũng phải chấp nhận.
Về vấn đề này ông Trần Trọng Thắng, Chánh thanh tra GTVT (Sở GTVT Nghệ An) khẳng định, việc các xã trên của Nam Đàn thu phí là sai. Chỉ có Hội đồng nhân dân tỉnh trở lên mới có quyền cho phép. Đối với Thanh tra GTVT thì chỉ biết kiểm tra và khi phát hiện sai thì lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ. Còn việc chấp hành của địa phương hay cần phải cưỡng chế thì phải có các cơ quan khác tham gia, Thanh tra GTVT không đủ chế tài. Ông Thắng cũng cho biết, trước đây nhiều xã của các huyện Yên Thành, Nghi Lộc cũng đã từng có trường hợp này xảy ra nhưng nhờ huyện quyết liệt nên đã giải quyết được.
Dẫu biết hiện nay nhiều con đường là do dân đóng góp xây dựng nên nhưng cũng không thể dựa vào đó để làm trái quy định của nhà nước. Ngăn các xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường là đúng nhưng đối với các ba ri e ở Nam Đàn này liệu “lợi bất cập hại” hay không. Không nói đến việc trái quy định thì hàng năm xã thu về được 1 đến 2 triệu đồng, trong khi xe trọng tải lớn vào cũng không kiểm soát được để rồi số tiền thu phí đó 10 năm có vá được một ổ voi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!