LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

BÍ THƯ HUYỆN ỦY KỲ ANH (HÀ TĨNH) CHO LẬP QUỸ ĐEN?

Cơ quan huyện ủy huyện Kỳ Anh thành chỗ làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài, tiền thuê nhà được lãnh đạo huyện ủy bật đèn xanh cho lập quỹ đen tiêu riêng. Trao đổi với PV TTTĐ, ông Bí thư huyện ủy ngụy biện và cung cấp nhiều thông tin không đúng sự thật.

Ngụy biện…!
Năm 2006 huyện Kỳ Anh có chủ trương làm nhà công vụ để bố trí phòng làm việc và phòng ở cho anh em cán bộ huyện công tác xa gia đình. Theo thiết kế khu nhà được xây dựng gồm 6 phòng và nhà vệ sinh liền kề với tổng diện tích 205 m2 với tổng giá trị xây lắp 630,399 triệu đồng trích từ ngân sách nhà nước. Sau khi tiếp nhận, huyện ủy Kỳ Anh đã bố trí cho Ủy ban kiểm tra huyện ủy và Ban dân vận làm phòng làm việc. Trong khi rất nhiều cán bộ huyện công tác xa nhà phải thuê nhà trọ để ở rất khó khăn, thì năm 2008 với lý do thừa phòng không dùng đến, huyện ủy Kỳ Anh cho công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh mượn dùng làm văn phòng làm việc ngay trong khuôn viên huyện ủy.
Ngôi nhà công vụ nằm sâu trong khuôn viên huyện ủy Kỳ Anh
Ngày 03- 5- 2010, khi nhân được lá đơn phản ánh sự việc trên với những vần đề sai phạm, PV TTTĐ đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh tại khu nhà này nhưng gặp khá nhiều khó khăn do làm việc ở đây chủ yếu là người Đài Loan. Không hiểu lãnh đạo huyện ủy Kỳ Anh quan niệm về cơ chế bảo mật của cơ quan Đảng như thế nào, nhưng việc để một công ty nước ngoài hoạt động chung như thế là hoàn toàn trái với quy định và không thể chấp nhận được.
Hỏi về vấn đề này, ông Phan Bình Minh- Bí thư huyện ủy Kỳ Anh nói rằng việc huyện cho Formosa Hà Tĩnh thuê khu nhà nói trên đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý và ngụy biện rằng: “do phía Formosa Hà Tĩnh cần một nơi đảm bảo an ninh để làm việc nên huyện ủy bàn với anh em ghép phòng lại để danh khu vực đó cho họ và đã báo cáo vấn đề này với công an tỉnh, vì đây là một doanh nghiệp mà lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương ưu tiên”. Ông Minh còn khẳng định chắc chắn rằng việc cho Formosa Hà Tĩnh thuê đã có sự đồng ý của Tỉnh Ủy, nhưng khi được hỏi có văn bản nào cho phép về vấn đề này hay không thì ông nói: “Việc này không có văn bản mà tôi đã gọi điện cho anh Thiềm- Chánh văn phòng Tỉnh Ủy và anh Thiềm nói lãnh đạo đã đồng ý, cứ thế mà làm”.
Nhận thức về việc bảo mật tuyệt đối cho các hoạt động của cơ quan Đảng, chắc hẳn không ai hiểu rõ hơn những người có trách nhiệm tại cơ quan này. Chúng tôi không đặt ra vấn đề vì sao Formosa Hà Tĩnh- một doanh nghiệp của Đài Loan lại muốn vào đặt trụ sở ở đây. Nhưng lý do vì bảo đảm an ninh là không thuyết phục, vì trên cả nước ai giám khẳng định không còn doanh nghiệp nào được ưu tiên như thế nữa. Phải chăng tình hình an ninh Kỳ Anh phức tạp đến mức không còn chỗ nào an toàn hơn huyện ủy huyện này. Bên cạnh đó, việc quy hoạch và xây dựng các trụ sở hành chính không có văn bản nào cho phép cho thuê khi không sử dụng đến, dù đó là doanh nghiệp ưu tiên bậc nhất. Còn ở đây, huyện ủy Kỳ Anh thì dồn ghép phòng để cho thuê càng nực cười hơn.
Sau khi “bóc” phai ghi âm cuộc làm việc với những người có trách nhiệm tại huyện ủy Kỳ Anh và nghe lại nhiều lần, chúng tôi quyết định liên hệ làm việc với ông Đinh Văn Thiềm- Chánh văn phòng Tỉnh Ủy Hà Tĩnh để tránh tình trạng hiểu nhầm trong vấn đề này. Sáng ngày 04- 5- 2010, tại văn phòng Tỉnh Ủy, ông Thiềm cho biết: “Về vấn đề này, nếu tỉnh đồng ý sẽ có văn bản đàng hoàng chứ không bao giờ làm việc theo kiểu nói miệng với nhau như thế. Và việc cho thuê thì chúng tôi không hề biết”. Như vậy, để tránh trách nhiệm, ông Bí thư huyện Kỳ Anh đã ngụy biện và cố tình đánh lừa phóng viên trong những vấn đề ông biết là không đúng này.

Có hay không việc Bí thư bật đèn xanh cho lập quỹ đen?
Trong hợp đồng cho thuê nhà số 001, ký ngày 16- 9- 2009 giữa đại diện chính bên cho thuê là ông Hồ Duy Trung – Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và ông Ngô Quốc Hùng - Tổng giám đốc công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có một số thỏa thuận như sau: Thời hạn thuê là 01 năm (từ ngày 16- 9- 2009 đến 16- 9-2010), sau khi hết hạn hợp đồng có thể thỏa thuận gia hạn hoặc chấm dứt; tổng giá trị thuê 01 năm là 180 triệu đồng không bao gồm các chi phí khác, tiền thuê nhà sẽ được thanh toán sau khi ký hợp đồng 60% còn 40% sẽ thanh toán khi hết hạn thuê; những hội nghị quan trọng bên A sẽ xem xét cho bên B mượn phòng họp (Tầng 2 của cơ quan huyện ủy)… Mặc dù hợp đồng được lập làm 04 bản nhưng phòng tài chính huyện chưa một lần nhìn thấy và không hề nắm được chuyện thuê mướn này. Ngoài ra, huyện ủy Kỳ Anh còn cho công ty này sử dụng chung cổng lớn của cơ quan huyện ủy.
Điều đáng nói ở đây là số tiền 180 triệu nói trên được huyện ủy Kỳ Anh sử dụng như thế nào. Để khẳng định rằng mình không hề “chấm mút” đồng nào trong số tiền trên ông Minh nói: “Sau khi đồng ý việc cho thuê khu nhà trên tôi không hề quan tâm đến số tiền thu được mà giao cho công đoàn chi tiêu”. Sáng 03- 5- 2010 PV TTTĐ đã có cuộc làm việc với ông Lê Hồng Dũng- Trưởng ban tài chính huyện Kỳ Anh, sau khi kiểm tra báo cáo quyết toán thu ngân sách năm 2009, ông cho biết số tiền trên không hề được thể hiện trong báo cáo thu. Ông khẳng định ban tài chính huyện không hề biết về việc cho thuê và khoản thu này. Theo nguyên tắc quản lý tài chính, tất cả các nguồn thu kiểu như thế này đều phải nhập vào ngân sách nhà nước, sau đó phải có tờ trình xin rút với lý do chi tiêu cụ thể để được xem xét rút tiền ra. Nguyên tắc là vậy, nhưng có lẽ huyện ủy Kỳ Anh có quy định riêng trong việc thu chi nên số tiền 60% (108 triệu đồng) đã thu không được nhập vào ngân sách mà chuyển cho Công đoàn tự ý chi tiêu. Ông Đặng Xuân Lữ- Chánh văn phòng huyện ủy thú thật: “Số tiền trên đã lỡ tiêu mất 50 triệu rồi”. Để biện minh cho việc chi tiêu đúng, bà Hoàng Thị Khiêm- nguyên Chủ tịch Công đoàn huyện ủy nói: “do ngân sách hạn hẹp nên Công đoàn đã sử dụng chi tiêu những việc lặt vặt như thăm nom, hiếu, hỉ và cho anh em đi tham quan…”. Hỏi về việc số tiền trên được sử dụng như vậy có phải là huyện đã cố tình bật đèn xanh cho việc lập quỹ đen để dễ chi tiêu hay không, Ông Trần Bá Song- Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lãng tránh bằng cách chỉ cười và trả lời bâng quơ “việc này là của huyện ủy, UB không bàn”.
Còn ông Đinh Văn Thiềm cho biết thêm: “Tôi nhớ không rõ nhưng hình như năm 2008, huyện có tờ trình nói rằng do còn thừa phòng không dùng đến, trong lúc Formosa đang có nhu cầu nhưng chưa tìm ra chỗ nên xin phép cho họ mượn tạm, chứ việc hợp đồng cho thuê và chuyện tiền nong thì tỉnh hoàn toàn không hề hay biết”. Như vậy, có thể kết luận rằng huyện ủy Kỳ Anh đã lợi dụng việc ưu tiên nhà đầu tư lớn trên địa bàn để lừa cả lãnh đạo tỉnh lập quỹ đen phục vụ cho những chi tiêu không rõ ràng. Số tiền hơn 100 triệu đồng trên cần phải được truy thu và truy cứu trách nhiệm những người liên đới.

Box: Không những thế huyện ủy Kỳ Anh còn cố tình “qua mặt” tỉnh một số vấn đề liên quan đên tài chính:
Mặc dù là một huyện nghèo của tỉnh, nhưng lợi dụng việc tỉnh Hà Tĩnh cho phép mua xe phục vụ dự án lớn, lãnh đạo Huyện uỷ Kỳ Anh đã “tậu” chiếc xe Toyota Fortuner V2.7L trị giá trên 1 tỷ đồng sai nguyên tắc. Ngày 26/2/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 523/QĐ-UBND “đồng ý cho Huyện uỷ Kỳ Anh mua mới một xe ô tô 2 cầu (7 chỗ). Mức giá xe ô tô: Theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn, kinh phí cấp 500 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, số còn lại sử dụng ngân sách huyện”.
Ngày 23/1/2010, đại diện bên A ông Hồ Duy Trung, Phó Bí thư Huyện uỷ Kỳ Anh ký kết Hợp đồng mua bán với bên B là Cty Cổ phần Toyota Vinh đóng tại 19 đường Quang Trung, TP Vinh (Nghệ An) về việc Huyện uỷ Kỳ Anh mua chiếc xe Toyota Fortuner V2.7L lắp ráp tại Việt Nam.
Ngày 15/3/2010, Văn phòng Huyện uỷ Kỳ Anh có Tờ trình số 96/TT-VP về việc đề nghị cấp kinh phí mua xe ô tô gửi UBND huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Kỳ Anh, nêu rõ: “Văn phòng Huyện uỷ Kỳ Anh kính đề nghị UBND huyện Kỳ Anh và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Kỳ Anh cấp kinh phí mua xe ô tô tổng số tiền là 1.034.515.280 đồng” (Vượt quá xa so với quy định của Chính phủ và UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc mua xe công).
Mặc dù trong hồ sơ đề nghị cấp kinh phí còn thiếu: chưa văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh và hồ sơ thẩm định của sở tài chính, biên bản nghiệm thu mua sắm tài sản, nhưng xe đã được mang về. Phải chăng huyện ủy Kỳ Anh “chơi” theo kiểu “chuyện đã rồi”? Bên cạnh đó, việc thanh lý hợp đồng, phần phụ kiện lắp đặt bổ sung hết gần 39 triệu đồng chưa có văn bản thẩm định giá. Phần kinh phí bổ sung đơn giá 89.900.000 đồng có nhiều vấn đề nghi vấn trong việc hoàn thành hồ sơ mua xe ô tô. Mua một chiếc xe hết trên 1 tỷ đồng ký chung một Hợp đồng và phụ lục Hợp đồng, nhưng lại có 2 hoá đơn đỏ và ngày ký khác nhau là vấn đề không rõ ràng.

Bá Thanh

1 nhận xét:

  1. khong co bang cap lap qui den do moi la viec nho .chu may ong can bo nay con an hang tram ti dong tien den bu cua nhan dan nua ???

    Trả lờiXóa

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!