LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Đại học Huế: CÓ BẤT THƯỜNG TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH NĂM 2012?


Những ngày vừa qua, dư luận tại Huế đang “râm ran” nhiều chuyện bất thường trong công tác tuyển sinh tại Khoa Kiến Trúc (Đại học Khoa Học Huế trực thuộc Đại học Huế). PV báo Bảo Vệ Pháp Luật đã có những tìm hiểu tại Đại học Huế hằm làm sáng tỏ những thắc mắc khiếu nại này.

PGS.TS.Lê Văn Anh - Phó giám đốc Đại học Huế trả lời làm việc với PV báo BVPL

Điểm đầu vào thấp
Tuyển sinh năm 2012, Trường ĐH Huế công bố điểm chuẩn ngành kiến trúc là 14,5 điểm, trong đó môn vẽ đã nhân hệ số 2. Tuy nhiên, điều làm cho rất nhiều người phải suy nghĩ là tỉ lệ học sinh có điểm môn Toán và môn Vật lí dưới 3 điểm rất cao, đặc biệt là đối với những thí sinh (TS) trúng tuyển. Thậm chí, có những thí sinh có điểm đầu vào của khoa này nằm ở top cao thì 2 môn văn hóa điểm cũng rất thấp. Cụ thể, có 79/149 TS trúng tuyển điểm toán từ 3 trở xuống chiếm tới 53%; 53 TS trúng tuyển điểm toán từ 2 trở xuống chiếm tỷ lệ 35,57%. Đặc biệt, có tới 26 TS trúng tuyển (chiếm tỷ lệ khoảng 17,22%) chỉ 1 điểm môn toán. Không chỉ vậy, đến hơn 17,22% TS trúng tuyển có điểm môn Toán và Vật lý cùng dưới 3 điểm, trong đó nhiều TS chỉ được 1 điểm Toán, 1 điểm Vật lý. Từ kết quả này, thiết nghĩ chúng ta cần suy nghĩ lại cách đào tạo và chất lượng đào tạo từ cơ sở.
Theo nhiều chuyên gia về ngành kiến trúc, cách nhận điểm đầu vào thấp như vậy sẽ không thể đào tạo được những kiến trúc sư đảm bảo chất lượng. Ngành kiến trúc không chỉ đòi hỏi tư duy về nghệ thuật mà thí sinh cần phải có tư duy khoa học mới đủ tố chất để theo học. Người làm kiến trúc, ngoài tư duy về nghệ thuật như tạo hình, bố cục thì cần phải biết tổ chức, tính toán không gian, kết cấu… Vì vậy, khi tuyển sinh ngành này, môn toán phải là môn được chú trọng.

Một bảng danh sách những thí sinh trúng
 tuyển nhưng 2 môn văn hóa rất thấp
 Theo tìm hiểu của PV Báo Bảo vệ pháp luật, trước đây Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng nhân hệ số 2 môn vẽ nhưng những năm gần đây đã điều chỉnh hệ số môn vẽ chỉ còn 1,5. Bên cạnh đó, môn Toán cũng được đặt cao hơn khi có cách nhân hệ số cũng là 1,5. Nhiều người đồng tình với cách tính này, khi tin tưởng chất lượng sinh viên có môn cơ bản cao. Bên cạnh đó một số cơ sở đào tạo đầu ngành khác cũng có cách tính tôn trọng môn cơ bản như Đại học xây dựng Hà Nội môn toán được nhân hệ số 1,5. Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM còn không nhân hệ số môn vẽ, ĐH Bách khoa TP.HCM chỉ nhân hệ số 2 môn toán.
Việc Khoa Kiến Trúc (Đại học Khoa học Huế) quá bảo thủ không chịu thay đổi theo cách tính mới ưu việt hơn, đang làm nhiều phụ huynh đặt nghi vấn. Có hay không cách tính này có lợi cho một nhóm thí sinh nào đó? Điều đáng lưu tâm hơn, là nếu cứ để đầu vào theo tình trạng này Đại học Khoa học Huế sẽ đào tạo ra một lò toàn “thợ vẽ” cho tương lai không biết gì về các bộ môn cơ bản là yếu tố quyết định của các công trình kiến trúc.

Cần kỷ luật nghiêm người chấm điểm môn vẽ!
Trong lá đơn phản ánh của 21 thí sinh dự thi vào trường này mà chúng tôi nhận được, đa phần đều tỏ ra không hài lòng với điểm “liệt” môn vẽ là dưới 5 điểm. Trong số 497 thí sinh dự tuyển vào Khoa Kiến Trúc, có đến 345 thí sinh bị điểm liệt môn vẽ. Trong đó, số điểm 1 và 2 rất lớn. Đây là một kết quả u ám so với những năm trước, và quá chênh lệch so với các Trường Đại học có khoa Kiến trúc khác trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, theo quy chế tuyển sinh môn thi năng khiếu lại không được phúc khảo. Vì vậy, trường hợp thí sinh thấy điểm môn vẽ không phản ánh đúng bài thi cũng không có cơ hội kiểm chứng. Việc điểm môn vẽ thấp, theo ông Huỳnh Thường, phụ huynh của thí sinh Huỳnh Diễm Hằng có số điểm môn Toán 5 điểm, nói: “Việc các thí sinh có điểm môn văn hóa cao, nhưng điểm môn Vẽ dưới 5 thì hoàn toàn không còn một cơ hội nào để vào học nguyện vọng 2 ở các trường khác. Cho dù, tổng thi 3 môn có đến trên 20 điểm”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc độc quyền trong khi chấm môn năng khiếu có rất nhiều khả năng nảy sinh tiêu cực. Đặc biệt, khi năng khiếu là môn quyết định việc trúng tuyển của thí sinh như ở ĐH Khoa học Huế.

Đơn của một phụ huynh thí sinh khiếu nại sau
khi có kết quả thi
 Trước sức ép dư luận và những khiếu nại của phụ huynh thí sinh (tuy nhiên môn năng khiếu không được phúc khảo), nên ngày 10/8/2012 Đại học Huế cho thành lập tổ kiểm tra do Tiến sỹ Hoàng Hữu Hòa – Trưởng Ban khảo thí, thường trực hội đồng tuyển sinh Đại học Huế làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra một loạt bài thi môn năng khiếu.
Theo PGS.TS. Lê Văn Anh - Phó giám đốc Đại học Huế cho biết: "tất cả các bài thi môn năng khiếu đều chấm đúng, tuy nhiên có phát hiện một trường hợp bài thi chấm 5 điểm nhưng thấy kém quá nên chúng tôi cho chấm lại thì hội đồng kiểm tra đã đồng ý hạ xuống còn 1,5 điểm".
Việc một bài thi môn vẽ bị hạ điểm là điều không thể xảy ra nếu quá trình chấm ban đầu không có tiêu cực, vì hội đồng chấm thi của môn vẽ được lựa chọn kĩ càng, chọn ra 5 người đáp ứng chuyên môn, và cả 5 người này đều tham gia chấm từng bài thi một. Liệu có điều gì khuất tất khi cả 5 giám khảo tham gia chấm bài lại không đủ “năng lực” để nhận biết một bài thi không đạt yêu cầu. Tại buối làm việc với lãnh đạo trường, PGS.TS Lê Văn Anh cho biết thêm: “Việc sai sót đối với thí sinh Trần Bá Hoàng Lĩnh là có thật, chúng tôi đang xem xét mức độ vi phạm đối với 5 giáo viên chấm thi, nếu có tiêu cực sẽ đề nghị cơ quan chức năng khởi tố, còn nếu vi phạm điều 40 của quy chế tuyển sinh sẽ cho kỷ luật nghiêm khắc”.
Như vậy, việc không cho phúc khảo môn vẽ liệu có chính xác không, khi vẫn phát hiện sai phạm trong khâu chấm thi môn này tại Khoa Kiến trúc – Đại học Khoa học Huế?
Theo nhiều người, dù là môn năng khiếu nhưng bài thi môn vẽ vẫn còn được lưu trữ và nó không mang tính chất thời điểm như hát, múa hay thể thao… Hơn nữa, với khoa Kiến Trúc ĐH Khoa học Huế, môn vẽ lại trở thành môn quyết định việc trúng tuyển. Vì vậy, đây là vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần phải xem xét để đưa ra quy định sao cho việc tuyển sinh ngành năng khiếu nói chung, được công bằng và khách quan.