LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Một cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh dàn cảnh cướp sổ đỏ của dân: COI THƯỜNG PHÁP LUẬT

Lợi dụng bản thân mình là Công an , ông Phạm Đình Kỷ - cán bộ bệnh xá Công an Hà Tĩnh đã  dựng nên kịch bản, “lừa” các bạn cùng ngành để cướp đi toàn bộ giấy tờ đất và bìa đỏ của con trai cô giáo từng dạy mình. Sự việc trên đã làm cho dư luận tại Hà Tĩnh rất bức xúc trước hành động coi thường pháp luật, xem trời bằng vung và vi phạm đạo đức của cán bộ công an này.

Ông Kỷ tự đắc “ thích kiện thì cứ kiện, kể cả 
kiện ra Tổng bí thư” ( ảnh chụp từ Video clip)
Theo trình bày của gia đình bị hại với PV TTTĐ thì vào ngày 22/09/2011 anh Nguyễn Minh Thắng trú tại tổ 11 phường Bắc Hà – TP Hà Tĩnh có mua của chị Lê Thị Tương trú tại khối phố 3, phường Nguyễn Du – TP Hà Tĩnh một mảnh đất có diện tích là 119,1 m2 tại phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh với giá là 500.triệu đồng. Hai bên đã thống nhất bán đất và đã trả tiền đầy đủ cùng với các giấy tờ đất và bìa đỏ. Nhưng sau đó chị Tương bán đất không nhận được sự đồng ý của chồng nên chị Tương xin được trả lại tiền và lấy lại đất. Ngày 06/10/2011 ông Nguyễn Hữu Liên là cậu của anh Nguyễn Minh Thắng được anh Thắng ủy nhiệm đi với chị Tương cùng bà cô của chị Tương ra Vinh lấy lại tiền. Trong đơn kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Liên gửi Công an Hà Tĩnh trình bày như sau: vào khoảng 14h30 ngày 06/10/2011 khi ông Liên cùng chị Tương và bà cô của chị Tương trên đường ra Vinh lấy lại tiền cho anh Thắng, mọi người đã dừng lại ăn cơm tại quán Bà Bốn ở thị trấn Thạch Hà. Sau khi ăn cơm gần xong thì thấy ông Kỷ  vào bàn ăn của ông Liên, lúc này ông Kỷ to tiếng và mắng chị Tương là đồ lừa đảo. Ông Kỷ đã đề nghị ông Liên cho xem bìa đỏ và giấy tờ đất, lúc này bên bàn ăn bên cạnh có một đồng chí công an (sau này biết tên là Tính công an Thạch Hà) thấy ồn ào và sang đề nghị giữ trật tự, thấy có công an  ông Liên đã đưa cho ông Kỷ xem vì đã được đồng chí công an đứng ra làm chứng cho sự việc này. Sau khi xem xong giấy tờ đất và bìa đỏ ông Kỷ đã bỏ vào túi và gọi cho 3 đồng chí  công an Thạch Hà đến quán ăn, tại đây công an Thạch Hà đã đề nghị tất cả mọi người về trụ sở công an Thạch Hà để giải quyết sự việc. Tại trụ sở công an Thạch Hà thông báo sẽ gọi điện cho công an TP Hà Tĩnh giải quyết vì đây là người của Thành phố?(mặc dù sự việc xảy ra tại địa bàn huyện Thạch Hà).Sau đó ông Kỷ đã lên xe máy bỏ về và không trả lại bất kỳ một giấy tờ đất hay bìa đỏ cho ông Liên. Vấn đề đáng nói ở đây là việc làm thiếu trách nhiệm của công an Thạch Hà khi đưa người dân về trụ sở làm việc mà không giải quyết thấu đáo và sự việc này không hề có bất kỳ một biên bản làm việc nào được lập ra. Phải chăng công an Thạch Hà thiếu trách nhiệm hay là kém nghiệp vụ? Ai là người phải chịu trách nhiệm trong sự việc này?
Trong báo cáo gửi lãnh đạo công an huyện Thạch Hà, ông Lê Văn Chính, cán bộ công an Huyện Thạch Hà ( người công an đi cùng ông Kỷ tới bàn ăn của ông Liên) đã thừa nhận trong lúc ăn cơm tại quán Bà Bốn với một người bạn thì ông Kỷ nhờ một nhân viên gọi ông Chính ra và nhờ “giúp đỡ” lấy lại tiền vì bị lừa nhưng ông Chính không đồng ý và trở vào quán ăn. Sau đó ông Kỷ vào bàn ăn của ông Liên và to tiếng quát mắng chị Tương là “ đồ lừa đảo”, thấy ồn ào ông Chính đến bàn ăn và đề nghị giữ trật tự nơi quán xá và có việc gì thì về công an huyện giải quyết. Ông Chính cũng thừa nhận thấy hành vi của ông Kỷ mượn xem và “lấy” không trả giấy tờ cùng bìa đỏ từ tay ông Liên. Ông Chính cho người bị hại biết, buổi tối hôm 06/11/2011 ông Chính có nhận được một cú điện thoại của ông Kỷ, khi đó ông Kỷ có nhờ ai hỏi thì nhờ chú nói cho mình là mình lấy bìa đất đó từ tay cô ấy ( tức chị Tương – PV) chứ không phải từ ông kia ( tức ông Liên) và tắt máy luôn. Ông Chính cho biết thêm, ông Kỷ đã dàn dựng từ đầu, lừa cả ông Chính và công an Thạch Hà. Hôm đó ông Kỷ điện cho công an 113 báo là ở quán Bà Bốn tại Thạch Hà có đánh nhau, công an 113 đã điện cho công an Thạch Hà đến xem cụ thể để giải quyết. Có thể thấy rằng ông Kỷ đã lợi dụng “mác” công an của mình “lừa” dân và cả đồng đội của mình. Hành động cướp bìa đỏ và giấy tờ của ông Kỷ là không thể chấp nhận được, hoàn toàn trái với pháp luật, đặc biệt ông Kỷ lại là một cán bộ trong ngành công an. Ông Kỷ đã cướp bìa đỏ một cách trắng trợn, nếu như thật sự có tranh chấp ở đây thì ông Kỷ cũng phải chờ đến sự phán xét của cơ quan có thẩm quyền rồi mới có thể lấy giấy tờ, trong khi bìa đỏ này lại hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của người khác.

Giấy  bán nhà của chị Lê Thị Tương bán 
cho anh Nguyễn Minh Thắng
Tại buổi làm việc với PV TTTĐ ông Kỷ vỗ ngực cho rằng mình quen công an từ Kỳ Anh ra đến Vinh nên việc nhờ người bao vây tìm bà Tương là chuyện đơn giản. Ông nói rằng ông đã gọi cho 113 và công an huyện Thạch Hà tới xử lý, nhưng sau một lúc trao đổi, PV hỏi công an Thạch Hà gồm những ai có mặt lúc đưa người về trụ sở để xử lý thì ông Kỷ nói là không biết và đó là việc của công an. Ông Kỷ cho rằng không trả lại bìa đỏ và giấy tờ đất là vì tên trong bìa đỏ không phải tên của anh Thắng, thể hiện sự kém hiểu biết về pháp luật của một cán bộ công an. Ông Kỷ còn tự đắc với PV TTTĐ và gia đình anh Thắng là: “tôi không trả bìa đỏ, thích kiện thì cứ kiện, kể cả kiện ra Tổng bí thư”!!!  Theo phản ánh của anh Nguyễn Minh Thắng, lúc công an Thạch Hà gọi ra giải quyết sự việc: “ông Nguyễn Mậu Thăng – đội trưởng đội hình sự công an Thạch Hà đề nghị gia đình chúng tôi rút đơn kiện và viết cam kết thì công an Thạch Hà sẽ ép để lấy lại tiền cho”, chứ không hề đề cập gì đến chuyện bìa đỏ và các giấy tờ đất??? Trong khi đó, tại buổi làm việc giữa PV TTTĐ với lãnh đạo công an Thạch Hà, ông Đặng Hoài Sơn – Trưởng công an huyện Thạch Hà khẳng định rằng việc làm của ông Kỷ là vi phạm pháp luật và công nhận việc làm thiếu sót của công an Thạch Hà trong xử lý ban đầu sự việc.
Việc ông Kỷ lấy bìa đỏ và giấy tờ đất từ tay ông Liên cho thấy ông Kỷ là một cán bộ công an nhưng không hề nắm rõ các quy định của pháp luật, việc làm này diễn ra nơi công cộng làm cho người dân mất đi thiện cảm và niềm tin đối với lực lượng công an. Hành động của ông Kỷ có thể bị xếp vào  tội “lợi dụng chức vụ cưỡng đoạt tài sản bất hợp pháp”. Một vấn đề đặt ra trong vụ việc này là, chính những người cùng nghành với ông Kỷ cũng bị ông lừa và trở thành những “ nhân vật” không thể thiếu trong kịch bản của mình. Dư luận đặt ra câu hỏi rằng đến ngay cả những đồng đội của mình ông Kỷ cũng còn lừa được thì huống gì đối với người dân thấp cổ bé họng?. Không biết lãnh đạo công an Thạch Hà sẽ có động thái như thế nào đối với ông Kỷ? hay vì là người trong nghành nên đành nhắm mắt bỏ qua?
Theo thông tin riêng của PV, bà Tương là đối tượng đã tham gia lừa đảo nhiều vụ và công an Hà Tĩnh đang xem xét việc truy tố bà trước pháp luật. Về phía ông Kỷ, là một cán bộ ngành công an, trong khi toàn ngành đang tập trung cao độ thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nếp sống công an nhân dân trong sạch văn minh, thì một “con sâu” đã làm rầu cả nồi canh. Ông Kỷ đã vi phạm cả đạo đức nghề nghiệp lẫn đạo đức cá nhân, vi phạm pháp luật một cách trắng trợn mà vẫn nhỡn nhơ, thách thức.
Gia đình người bị hại đang mong chờ lãnh đạo công an Hà Tĩnh làm rõ sự việc, yêu cầu ông Kỷ giao trả lại toàn bộ hồ sơ đất đã cướp và có lời xin lỗi đối với gia đình. Đề nghị lãnh đạo công an Hà Tĩnh sớm điều tra làm rõ, trả lại công bằng cho người dân và xử lý nghiêm cán bộ công an kém năng lực, phẩm chất và đạo đức như ông Kỷ.                                                        

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Nghi vấn đằng sau những bản án

Do mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người chồng cũ và vì sự phán xét thiếu khách quan của hai cấp Tòa mà bà Đặng Thị Quyền đang có nguy cơ bị tước đoạt mảnh đất thuộc quyền sử dụng riêng, hợp pháp của mình...

Đất riêng bỗng thành... tài sản chung
Đường dây nóng Báo TTTĐ vừa nhận được đơn kêu cứu của bà Đặng Thị Quyền (61 tuổi, nguyên là giáo viên, trú tại Khối 5 thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh) về việc phân chia tài sản trong vụ án li hôn giữa bà và ông Phạm Văn Nữu đã kéo dài gần 10 năm nay.
Theo như trình bày của bà Đặng Thị Quyền, ngày 25/01/1985, bà được Ban quản lý Hợp tác xã Hồng Giang (xã Xuân An, Nghi Xuân - Hà Tĩnh) cấp cho mảnh vườn diện tích 450m2 tại đồng Cây Mưng theo diện con em xã viên lớn tuổi chưa có chồng. Đến ngày 17/02/1990 mảnh đất đó được UBND huyện Nghi Xuân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên Đặng Thị Quyền tại Bản đồ 299 số tờ 02, số thửa 873b, diện tích là 450m2 (trên thực tế, mảnh đất bà Quyền sử dụng có diện tích 720m2, dôi ra 270m2 so với diện tích ghi trong GCNQSDĐ).
Ngày 22/9/1985, bà Quyền kết hôn với ông Phạm Văn Nữu (SN 1933, đã từng có vợ và 3 con riêng). Điều này chứng tỏ rằng thời điểm bà Quyền đăng kí kết hôn với ông Nữu diễn ra sau khi bà được cấp đất, và trong quá trình sống chung thì giữa hai người chưa có thỏa thuận nào về việc nhập mảnh đất riêng của bà Quyền vào phần tài sản chung của hai vợ chồng.
Năm 2001, khi có chủ trương cấp đổi GCNQSDĐ thì ông Phạm Văn Nữu đã làm đơn đề nghị Khối phố và chính quyền chuyển đổi tên bà Quyền sang tên ông Nữu đối với mảnh đất riêng của bà Quyền, nhưng không được chấp nhận vì bản thân ông Nữu không có giấy chứng nhận gốc và không được sự đồng ý của chủ sử dụng là bà Đặng Thị Quyền (điều này đã được ông Trần Ngọc Hà - nguyên Khối trưởng khối phố 5 thị trấn Xuân An thừa nhận và được ghi tại Bản án số: 15/2010/HNGĐ-ST ngày 07/07/2010 của TAND huyện Nghi Xuân). Năm 2002, ông Phạm Văn Nữu làm đơn li hôn gửi TAND huyện Nghi Xuân.
Tại Bản án số 05/DS/ST ngày 30/12/2003 về việc li hôn giữa ông Phạm Văn Nữu và bà Đặng Thị Quyền, TAND huyện Nghi Xuân đã xác định rằng mảnh đất số thửa 873b, diện tích 450m2 mang tên bà Đặng Thị Quyền “là tài sản chung hợp nhất” và quyết định chia đôi mảnh đất của bà Quyền, mỗi bên được một nửa.

Khiếu kiện Nghi Xuân 1, 2: Bà Đặng Thị Quyền bên 
mảnh vườn đang có nguy cơ bị “cưa đôi” một cách vô lí
Bà Quyền cho rằng việc TAND huyện Nghi Xuân phán quyết chia đôi mảnh đất nói trên là vô lí bởi đó là tài sản riêng của bà được xác lập trước hôn nhân và bà cũng chưa bao giờ có thỏa thuận nhập nó vào tài sản chung của hai vợ chồng. Do vậy bà đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 27/8/2004, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa phúc thẩm vụ án li hôn giữa ông Nữu và bà Quyền. Tại phiên xét xử này, trong Bản án số 09/LHPT, Tòa cũng xác định: “Đất là tài sản riêng của bà Quyền trước khi cưới ông Nữu, lại là phụ nữ độc thân có hoàn cảnh khó khăn...”. Thế nhưng cũng trong bản án này, TAND tỉnh Hà Tĩnh lại quyết định: “Giao cho ông Phạm Văn Nữu được sử dụng 200m2 đất vườn” trong số 450m2 đất vốn là tài sản riêng của bà Đặng Thị Quyền!
Tại Điều 97 khoản 1, Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2000 quy định: “Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi li hôn vẫn thuộc về bên đó”. Trong hồ sơ địa chính và cả lời khai của các nhân chứng thì mảnh đất có số thửa 873b tại thị trấn Xuân An là tài sản riêng của bà Đặng Thị Quyền được xác lập trước khi kết hôn với ông Phạm Văn Nữu.

Tòa án cũng... tráo luật!
          Trở lại quá trình xét xử vụ án li hôn hi hữu này, tại Bản án số 05/DS/ST ghi ngày thụ lí là 30/10/2002. Còn Bản án số 09/LHPT thì TAND tỉnh Hà Tĩnh thụ lí ngày 10/2/2004. Điều đó nói lên rằng cả hai phiên tòa đều thụ lí hồ sơ sau ngày 01/01/2001 (thời điểm mà Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực thi hành). Tại mục 4, điểm b Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 đã ghi rõ: “Đối với những vụ, việc mà tòa án thụ lý từ ngày 01/01/2001, thì áp dụng Luật HN&GĐ năm 2000 để giải quyết”.
          Pháp luật hiện hành đã quy định rõ như vậy nhưng trong quá trình xét xử, tại bản án số 09/LHPT, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã không tuân theo quy định trên mà căn cứ vào điều 15 Luật HN&GĐ năm 1959 (đã hết hiệu lực): “Vợ chồng đều có quyền sở hữu hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” để “hô biến” tài sản riêng thành tài sản chung và quyết định chia đôi mảnh đất cho mỗi người một nửa.
          Bà Quyền tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Ngày 13/7/2009, Tòa dân sự - TAND Tối cao đã ban hành Quyết định tái thẩm số 277/2009/DS-TT với nội dung: Hủy phần quyết định về tài sản chung tại bản án số 09/LHPT của TAND tỉnh Hà Tĩnh và hủy phần quyết định về tài sản chung của bản án số 05/DS/ST của TAND huyện Nghi Xuân về vụ án li hôn giữa ông Phạm Văn Nữu và bà Đặng Thị Quyền do chưa có cơ sở vững chắc để xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời giao cho TAND huyện Nghi Xuân xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
          Ngày 07/7/2010, Tòa án huyện Nghi Xuân đã mở phiên xét xử sơ thẩm lại vụ án li hôn giữa ông Phạm Văn Nữu và bà Đặng Thị Quyền. Trong Bản án số 15/2010/HNGĐ-ST của phiên xét xử này, Tòa đã quyết định: Giao 450m2 đất đã có GCNQSDĐ mang tên Đặng Thị Quyền cho bà Quyền sử dụng. Riêng phần diện tích 270m2 dôi ra, chưa có GCNQSDĐ thì giao cho UBND các cấp quản lý, giải quyết theo thẩm quyền. Đây là một phán quyết thấu tình đạt lý.
          Ông Nữu tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh.
          Ngày 06/10/2010, Tòa án tỉnh Hà Tĩnh mở phiên xét xử phúc thẩm theo đơn chống án của ông Phạm Văn Nữu. Tại phiên tòa này, một lần nữa những người “cầm cán cân công lí” lại sử dụng Luật HN&GĐ năm 1959 làm căn cứ xét phân chia tài sản. Không chỉ có thế, những quan tòa này còn viện dẫn điểm a, b mục 3.3 Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-TCĐC ngày 03/01/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng cục Địa chính: “...trong trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản cho việc sử dụng đất đó là không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Tòa án giải quyết tranh chấp về tài sản, đồng thời xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất cho đương sự để UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp GCNQSDĐ cho đương sự” để qua đó đi đến Quyết định: “... giao cho bà Quyền được chiếm hữu, sử dụng 450m2 đã được cấp giấy chứng nhận và tạm giao bà Quyền được sử dụng 120m2 đất chưa có GCNQSDĐ (trong số diện tích đất dôi ra); Tạm giao cho ông Phạm Văn Nữu được quyền sử dụng 170m2 đất chưa có GCNQSDĐ...”
          Trong khi viện dẫn Thông tư liên tịch số 01/2002/TTLT, HĐXX lại “quên” mất rằng đây là Thông tư hướng dẫn về thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất. Còn vụ án mà những người cầm cân nảy mực đứng ra xét xử này lại là vụ án li hôn, chứ không phải là vụ án tranh chấp tài sản.
          Mặt khác, phần diện tích dôi ra (270m2), do chưa có giấy tờ theo quy định nên không thể đưa phần đất đó vào việc phân chia tài sản trong vụ án li hôn (việc quản lí, giải quyết đối với diện tích đất đó thuộc UBND cấp có thẩm quyền). Nói cách khác, việc TAND tỉnh Hà Tĩnh giao cho ông Phạm Văn Nữu sử dụng 170m2 chưa có GCNQSDĐ trong bản án số 18/2010/LHPT là không đúng với thẩm quyền và trái với pháp luật.

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Xã 135 Sơn Lễ ( Hương Sơn - Hà Tĩnh) : CHIA CHỈ TIÊU VÀ BỐC THĂM HỘ NGHÈO!

          Chính sách hộ nghèo là một chủ trương thiết thực nhằm cải thiện đời sống dân sinh tại những địa phương khó khăn trên cả nước. Hà Tĩnh có rất nhiều huyện người dân được thủ hưởng chính sách này đã phần nào đưa lại đời sống ổn định trong đại đa số nhân dân. Tuy nhiên, tại một số địa phương, lợi dụng chính sách này, cán bộ chính quyền đã cố tình tạo ra những bất cập nhằm trục lợi cần sớm được chấn chỉnh.
Gia đình chị Đỗ Thị Cúc rất khó khăn và 
đáng thương tâm nhưng vẫn không được xét là hộ nghèo
Ban ơn
Theo đơn thư phản ánh của một số người dân xã Sơn Lễ về những việc làm không minh bạch cửa chính quyền nơi đây PV báo Tuổi Trẻ Thủ Đô đã lần về địa chỉ này để "mục sở thị" những gì dân đang kêu. Tại đây chúng tôi được chứng kiến những cảnh "trái tai gai mắt" do chính quyền và một số ban ngành ở đây đang đày đọa những hộ dân miền rẻo cao này. Chứng kiến hoàn cảnh như gia đình chị Đỗ Thị Cúc thật đáng thương tâm: nhà có 4 khẩu, chồng chị bị bệnh tâm thần đang điều trị tại Hà Nội một mình chị phải chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho chồng và nuôi hai đứa con nhỏ nhưng không được công nhận là hộ nghèo. Chị cho biết: "xã giải thích gia đình chị không được công nhận hộ nghèo là do chậm". Nhưng trên thực tế danh sách hộ nghèo, gia đình chị Cúc nằm giữa danh sách bình xét của xã. Cùng nỗi băn khoăn như gia đình chị Cúc và nhiều hộ khác trong xã là chị Nguyễn Thị Hạnh sống một mình, không cha mẹ, không chồng con lại đau ốm thường xuyên muốn được hộ nghèo để có thẻ bảo hiểm để khám bệnh cũng không được công nhận. Chị Hạnh bức xúc : "bình xét hộ nghèo không công bằng, xã muốn cho ai thì cho". Tại xóm 8- Sơn Lệ năm 2011 theo ông Nguyễn Văn Minh – một người dân ở đây : "ban đầu xã cho chỉ tiêu là 54 hộ đạt hộ nghèo, nhưng sau đó xin bổ sung thêm được 18 hộ. Theo kết quả bình xét thì 16 hộ đạt tiêu chuẩn, còn dư 02 suất mà có 05 hộ muốn xin nên đã tổ chức bốc thăm ai may thì được". Không những vậy theo như phản ánh, khi làm hồ sơ xét hộ nghèo mỗi hộ dân phải nộp 10.000đ, hồ sơ hộ cận nghèo nộp 5000đ (càng nghèo nộp càng cao), dư luận đặt ra câu hỏi không hiểu chính quyền thu khoản tiền đó nhằm mục đích gì?. Việc bình xét hộ nghèo đã có nhiều điều bất minh, nhưng khi đã được công nhận thì không hề có bất kì một chính sách ưu tiên và chế độ nào khác. Gia đình anh Nguyễn Hữu Thể có 5 khẩu, nuôi 3 đứa con ăn học chỉ có 2 sào ruộng, năm 2010 được công nhận hộ nghèo nhưng ngoài thẻ bảo hiểm ra gia đình không có một chế độ gì và chính sách ưu tiên nào khác. Ngoài hộ anh Thể ra rất nhiều hộ khác cũng chịu cảnh tương tự, xóm 8 xã Sơn Lệ năm 2010 có 23 hộ nghèo nhưng 11 hộ được hưởng chính sách, những hộ còn lại không hề có một chính sách gì. Một điều bất cập nữa đó chính là số hộ nghèo ở Sơn Lễ có xu hướng ngày càng tăng lên, theo chỉ tiêu xin được hàng năm. Đơn cử số hộ nghèo trong năm 2010 ở xóm 8 xã Sơn Lễ là 23 hộ, sang năm 2011 số hộ nghèo lại tăng lên 74 hộ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh nói bình xét 
hộ nghèo muốn cho ai thì cho
Theo báo cáo  tổng kết thực hiện Chương trình 135 giai đạn II ( 2006 – 2010) của UBND huyện Hương Sơn. Trong báo cáo nêu rõ số hộ nghèo năm 2006 tại các xã thuộc Chương trình 135 và các xã có thôn đặc biệt khó khăn: 10.313 hộ chiếm tỷ lệ: 50,97%. Đến đầu năm 2010 chỉ còn 2.840 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 13,14%;  Giảm 7.773 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm 37,83% so với năm 2006. Phải chăng UBND huyện Hương Sơn đang chạy theo thành tích hay là các xã như Sơn Lễ đã “dối trên, lừa dưới” gây khó dễ cho người dân và có mục đích riêng? Cũng trong báo cáo của UBND huyện Hương Sơn chương trình 135 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo có điều kiện tiếp cận với các chương trình, mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Việc lựa chọn bình xét xác định đối tượng thụ hưởng của chương trình tại cộng đồng dân cư được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo yêu cầu, đúng đối tượng của chương trình. Những kết quả này trái ngược hoàn toàn với thực tế đã và đang diễn ra một cách trắng trợn ở xã Sơn Lễ.
Thêm nhiều sai phạm…!
PV TTTĐ tiếp tục điều tra và phát hiện thêm hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của chính quyền địa phương này. Bán điện cho người dân với giá cao; là xã được thụ hưởng chương trình 135 nhưng khi xây dựng cơ sở hạ tầng đều bắt dân đóng góp… Những sai phạm này đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây.
Tại xã Sơn Lễ đã nhiều năm nay Hợp tác xã dịch vụ điện lâm thời xã Sơn Lễ bán điện cho nhân dân trong xã với nhiều giá khác nhau 1600đ/kWh; 1800đ/kWh; 2000đ/kWh; 2300đ/kWh…Như xóm 1 bán với giá 2000đ/kWh nhưng xóm 5 lại bán với giá 2300đ/kWh. Điều đáng nói ở đây là HTX lại bán điện, thu tiền tại công tơ tổng nhưng vẫn áp đặt giá và tính tiền hao phí do truyền tải. Không những vậy, 50 công tơ điện ở đây được HTX thu tiền theo ngày "ngẫu nhiên", xóm thu trước, xóm thu sau để tính tiền hao hụt?  Do điều kiện nên người dân ở xóm 8, xã Sơn Lễ phải dùng điện theo cách thầu cả xóm và dùng chung một công tơ tổng, công tơ này đặt ngay ở trạm điện nhưng người dân vẫn phải chịu tiền hao phí đường dây; bất cập còn thể hiện ở chổ trong cùng một công tơ tổng đó HTX lại tính tiền điện của mỗi người dân với giá khác nhau. Người dân càng bức xúc hơn khi HTX bán điện không có ưu đãi với hộ nghèo. Theo quy định của Bộ Công Thương, giá bán điện năm 2011 cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, thường xuyên sử dụng không quá 50kWh mỗi tháng sẽ được mua với giá ưu đãi 993 đồng mỗi kwh thì HTX này vẫn bán cho các hộ nghèo với giá cao hơn nhiều. Hộ anh Phạm Gia Phùng ở xóm 7 là hộ nghèo nhưng trong tháng 3 và tháng 4 khi trả tiền điện đều được ghi hai chữ là tạm thu với giá 2000đ/kWh trong sổ điện mà không hề có một lời giải thích nào từ phía HTX. Nhiều hộ dân trong xã Sơn Lễ khi nộp tiền điện đều “được” ghi hai chữ tạm thu, trong khi các hộ này đã có số công tơ điện và nộp tiền trực tiếp. Đây chính là cách ăn cướp tiền người dân một cách trắng trợn của HTX dịch vụ điện lâm thời Sơn Lễ. Khi xây dựng đường điện cách đây 15 năm HTX có vay của mỗi hộ dân 271.000đ (Tại thời điểm đó một chỉ vàng chưa đến 400.000đ) và hứa sau khi chuyển đổi quyền sử dụng điện sẽ trả cho người dân, nhưng cho đến nay số tiền đó người dân chưa hề nhận được đồng nào. Với người nông dân thì đây là một khoản tiền rất lớn mà họ bị cướp một cách trắng trợn. Thu tiền điện giá cao nhưng dịch vụ điện còn "oái ăm" hơn khi HTX tự ý cắt điện liên tục, có những đợt cắt điện đến 7 ngày. Ông Cao Đình Vịnh - một người dân không dấu nỗi lo lắng: "sợ nhất là ngày mùa, vì mất điện xảy ra thường xuyên nên việc thu hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn". Điều đáng nói là, một  HTX được dựng lên cách đây 15 năm đến nay vẫn "lâm thời" và hoạt động theo kiểu thích sao làm vậy.
Người dân xóm 8 xã Sơn Lệ trình bày bức xúc với PV TTTĐ
Ngoài việc bán điện với giá cao, theo một số người dân thì chính quyền xã Sơn Lễ còn có nhiều việc làm thiếu minh bạch gây hoang mang trong nhân dân. Là xã được hưởng chương trình 135 của Chính phủ từ năm 2001 nhưng khi xây cơ sở hạ tầng, hầu hết chính quyền đều bắt nhân dân đóng góp. Cụ thể là trường hợp khi xây trường THCS hai tầng vào năm 2002 thì nguồn vốn cũng do nhân dân đóng góp với lời hứa trả sau, nhưng theo phản ánh thì số nợ này vẫn chưa hoàn trả đủ. Còn đập Nồi Nậy nằm ở đầu nguồn, UBND xã đem bán dùng vào chăn nuôi, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, trường học nằm gần đó cũng phải gánh nỗi khổ vì mùi hôi thối này.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ mua máy cày còn có chuyện cười ra nước mắt, không ít người phải điêu đứng. Năm 2009 anh Nguyễn Viết Công có mua một máy cày được sự hỗ trợ của nhà nước là 07 triệu đồng nhưng UBND xã chỉ đưa cho anh 05 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Thanh vợ anh Nguyễn Viết Công bức xúc: "Khi lên UBND xã lấy tiền, chị Hạnh kế toán của xã giữ lại 2 triệu và bảo 2 triệu này giữ cho công của xã chạy vạy". Không hiểu huyện Hương Sơn có chính sách hỗ trợ người nghèo như thế nào mà để vay được cho dân 07 triệu đồng xã phải "chạy" hết 02 triệu. Quả thật nếu điều phản ánh này là đúng thì chắc chắn ở huyện Hương Sơn rất nhiều người muốn làm cán bộ lắm. Ngoài những việc làm dở khóc dở cười của chính quyền nơi đây, ông Nguyễn Văn Minh - một người dân xã Sơn Lễ còn cho biết: "Mặc dù đã có kinh phí thành lập HTX thủy lợi với nguồn vốn 180 triệu đồng để thực hiện một số dự án, công trình thủy lợi nhưng cho đến nay UBND xã Sơn Lễ vẫn chưa cho thành lập, không biết nguồn tiền ấy đi đâu?".
Những việc làm theo kiểu "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" của chính quyền và các ban ngành tại địa phương này diễn ra lâu nay nhưng không ai quan tâm. Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thừa nhận: "thực chất cán bộ xã Sơn Lễ rất yếu, huyện đã tăng cường hỗ trợ cán bộ về nhưng tình hình chưa khả quan, sau khi bầu cử xong sẽ chấn chỉnh lại và kiện toàn lại bộ máy", nhưng đến thời điểm hiện nay chuyện đâu vẫn để đó. Như vậy phải chăng UBND huyện Hương Sơn cũng bất lực trước hàng loạt sai phạm của UBND xã Sơn Lễ, và chỉ biết đổ tại thiếu trình độ? Người dân nơi xã miền núi đặc biệt khó khăn này đang ngày đêm trông chờ cái gọi là ánh sáng chân lý để được yên tâm sản xuất và sinh sống.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Nam Đàn (Nghệ An): Nỗi niềm định cư dân chài

Tháng 10 năm 2008, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định phê duyệt dự án khu định cư cho hơn 100 hộ dân chài thuộc hai xã Nam Tân và Nam Lộc của huyện Nam Đàn. Thế nhưng cho đến nay, sau hơn 3 năm 79 hộ dân chài của xã Nam Lộc vẫn chưa được nhận đất làm nhà, còn 22 hộ dân chài xã Nam Tân dù đã có nhà những hơn một năm nay họ vẫn không có điện, nước để sinh hoạt.
Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nam Đàn (Nghệ An) được phê duyệt với tổng mức dự toán hơn 12 tỷ đồng, nhằm đưa 101 hộ dân chài trong huyện này được lên bờ.

Hàng ngày nhiều người dân chài mới định cư 
vẫn phải lội nước từ nhà để ra thuyền
Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, với trách nhiệm chủ đầu tư, UBND huyện Nam Đàn đã chỉ đạo hai xã Nam Tân và Nam Lộc tiến hành khảo sát, giải phóng mặt bằng. Cũng theo quyết định phê duyệt dự án UBND tỉnh, dự án sẽ được hoàn thành sau một năm kể từ ngày khởi công xây dựng. Thế nhưng, cho đến nay tại Nam Lộc bãi đất trống mấy ha vẫn chưa có đường, điện cũng như nhà văn hóa… và dân thì vẫn mỏi mắt chờ ngày được nhận đất làm nhà.
Theo như UBND huyện Nam Đàn (chủ đầu tư dự án) cho biết, sau một năm kể từ ngày được phê duyệt dự án họ mới nhận được 3,4 tỷ đồng và lại gần cuối năm nên chỉ kịp giải ngân hơn 2,8 tỷ. Với số vốn ban đầu là 3,4 tỷ đồng, chủ đầu tư đã làm được hoàn chỉnh phần đất cho xã Nam Tân. Trong khi đó, không có vốn nên các hạng mục khác ở khu định cư của xã Nam Lộc vẫn còn nằm trên giấy tờ. Sốt ruột đưa dân lên bờ, UBND xã Nam Lộc đã có ý định xin cho dân nhận đất lên làm nhà trước rồi xây dựng hệ thống hạ tầng sau.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hùng- CT UBND xã Nam Lộc cho biết: “Việc giải phóng được mặt bằng đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sau khi có mặt bằng rồi dân vẫn chưa thể nhận đất. Chúng tôi định xin cho dân lên rồi làm đường, điện sau nhưng cũng sợ lại khi dân ở rồi làm cơ sở hạ tầng cũng khó”. Còn ông Đinh Xuân Quế, PCT UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Vẫn biết là mâu thuận nhưng chúng tôi vẫn phải đưa dân lên trước rồi xây dựng điện, đường sau. Nếu cứ chờ xây dựng hoàn thiện xong thì không biết khi nào dân mới lên được”.
Đối với những người dân chài trên sông Lam nói chúng, các hộ dân chài của xã Nam Lộc nói riêng, chiếc thuyền đã gắn bó với họ bao đời nay. Nhưng chưa bao giờ họ hết nguôi mong ước một ngày được lên bờ để có nơi cho con cái được sinh hoạt, học hành thuận lợi và gia đình thì bớt đi nỗi lo sợ khi mỗi mùa mưa bão về. Một người dân chài của xã Nam Lộc tâm sự: “Chúng tôi cũng đã quen với việc kiếm sống trên sông nước nhưng lo nhất là mỗi khi lụt bão về. Cha mẹ khổ quen rồi nhưng cũng muốn cho các con có một mái nhà để chúng nó được học hành đầy đủ, thoát khỏi cái nghề cá ngày càng khó khăn này”.

Trạm biến áp được xây lắp hơn 
một năm này vẫn không hoạt động
Nam Đàn thuộc huyện hạ lưu sông Lam. Năm nay mùa mưa lũ về sớm, những ngày này người dân chài của xã Nam Lộc sống trên sông Lam vẫn đang sống trong sự lo lắng dập dìu theo con nước.
May mắn hơn những người bạn chài xã Nam Lộc 22 hộ dân vạn chài của xã Nam Tân đã có đất và dựng lên được những ngôi nhà mới khang trang. Sau hơn một năm thoát được cái cảnh chỉ biết lênh đênh trên thuyền cả ngày lẫn đêm, hơn 100 con người xóm chài này vẫn phải chịu cảnh thiếu thốn đủ bề. Trong căn nhà khang trang, là tích góp cả đời của gia đình hoặc phải vay thêm ngân hàng để dựng lên nhiều gia đình vẫn không có nước để dùng, không có điện thắp sáng.
Theo thiết kế của dự án, một cái trạm biến áp treo được xây mới để cũng cấp điện cho 22 hộ dân định cứ. Và sự thực thì cái trạm điện đó đã có. Chỉ có điều hơn một năm nay nó vẫn nằm đấy, mà người dân thì không có điện để dùng. Cũng theo thiết kế ban đầu, trạm biến áp được xây dựng có công suất là 10KV, nhưng sau do yêu cầu của ngành điện lực nên chủ đầu tư đã thay đổi và mua thêm một máy biến áp có công suất 35KV. Như vậy hiện nay tại trạm biến áp này đang có máy biến áp hai cấp. Bên cạnh trạm biến áp, tất cả đường dây cũng đã hoàn thành. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà đến nay ngành điện vẫn không chịu đóng điện để người dân sử dụng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nhuần, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: “Tôi cũng đã xuống điện lực Nghệ An để làm việc nhưng không biết vì sao họ vẫn chưa chịu đóng điện. Việc kiểm tra điện gặp rất nhiều khó khắn. Máy đã phê duyệt lắp ráp rồi nhưng kiểm tra lại, đổi rồi mà đến nay vẫn chưa giải  quyết xong”. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết xong bài toán này thì những hộ dân này vẫn phải sống với nguồn điện nhờ xóm bên với hôm có hôm không. Nhiều hộ may mắn xin được đấu nối với một gia đình nào đó ở xóm bên cạnh thì cũng được thắp cái bóng, vì nếu dùng nhiều thì họ không cho đấu nối. Chị Nguyễn Thị Cửu, một người dân mới định cư cho biết: “Lâu nay chúng tôi xin thắp chung, như nếu chỉ một vài nhà nhờ thì được chứ đông là họ không cho nữa. Tưởng lên bờ rồi sướng hơn những vẫn còn khổ lắm. Không chỉ điện, nước cũng không có mà dùng”. Đúng như chị Cửu nói, qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài một số hộ dân đã đào được giếng khơi thì hầu hết các hộ dân phải đi xin nước ở xóm bên về dùng, một số đành phải ra sông Lam lấy nước.
Trong dự kiến ban đầu của dự án, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng để làm giếng khoan. Nhưng do thổ nhượng ở đây không phù hợp, đất đá khó khoan mà nguồn nước của giếng khoan bơm lên lại nhiễm phèn không dùng được. Để giải quyết vấn đề này lãnh đạo huyện đã nghĩ đến phương an hỗ trợ dân 2 triệu đó để đào giếng khơi. Tuy nhiên làm như vậy là sai với mục đích ban đầu. Cũng không biết việc khảo sát thiết kế dự án thế nào để giờ đây chủ đầu tư trở nên “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi phương án cũ với vấn đề nước sinh hoạt của dân là không thể thực hiện, chủ đầu tư đang loay hoay tìm phương án thay thế thì người dân vẫn đành phải “chung thủy” với nước sông, hàng ngày người dân phải bì bõm lỗi qua nước để ra được con thuyền của gia đình.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Trở lại vụ Phó bí thư đoàn bị Công an xã đánh đập, còng tay ở Hà Tĩnh: Phó công an xã từng đã có tiền án, tiền sự

Sự việc chưa được công luận biết đến nếu như tối ngày 3/7, Công an xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà(Hà Tĩnh) không để xảy ra việc còng tay, đánh đập trọng thương một Phó bí thư Đoàn xã. Liên quan đến vụ việc, người dân địa phương đã phát giác và bày tỏ bức xúc việc ông Nguyễn Như Hiểu, người từng có tiền án, tiền sự vẫn được chỉ định làm Phó công an xã cần phải xem xét lại.
Từng đã bị kết án vì tội “ném mìn…”
Phó bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngọc thừa
nhận ông Hiểu có tiền án, tiền sự 
Dư luận tại Hà Tĩnh đang hết sức quan tâm vụ việc anh Nguyễn Văn Phương- Phó bí thư Đoàn xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà bị hành hung tại một đám cưới ở xã Thạch Ngọc vào tối ngày 3/7 (theo lời khai của nạn nhân là do lực lượng Công an xã đánh đập, còng tay vô cớ) đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Không chỉ có vậy, người dân địa phương tiếp tục tố giác ông Nguyễn Như Hiểu, Phó công an xã Thạch Ngọc là người từng đã có tiền án, tiền sự.
Khi chúng tôi ghé quán nước ở đầu xã, để hỏi đường đến UBND xã Thạch Ngọc, chưa kịp dứt câu hỏi, chị chủ quán đã nhanh nhảu “lại về vì cái chuyện ông Công an à, nhà báo hả?”. Rồi chị kể vanh vách câu chuyện tối hôm đó, dù chỉ nghe kể lại. Trước khi chỉ đường cho chúng tôi, chị không quên buông một câu hững hờ: “Cái ông Hiểu công an xã từng đi tù về đó”.
Tìm hiểu sự việc chúng tôi được Đảng ủy xã Thạch Ngọc cho biết: “Ông Nguyễn Như Hiểu trú tại xóm Minh Châu, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà( Hà Tĩnh) từng có tiền án, tiền sự. Năm 1988, ông Hiểu bị TAND huyện Thạch Hà kết án 2 năm tù giam với tội danh sử dụng chất nổ trái phép. Cụ thể, ông Hiểu từng ném mìn ở chợ Cát thuộc xã Việt Xuyên. Sau khi chấp hành xong bản án, ông Hiểu trở về địa phương sinh sống và đến năm 1995 thì làm công an viên xóm Mỹ Châu. Hiện nay, ông Nguyễn Như Hiểu đang đảm nhiệm chức Phó công an xã Thạch Ngọc. Trước khi được gọi là Phó công an xã Thạch Ngọc, ông Hiểu từng làm công an viên xóm Mỹ Châu từ năm 1995. Đến tháng 8/2009, ông Hiểu lên làm phó công an xã và sau đó được kết nạp Đảng vào năm 2010.
Dùng “uy” ngườì đã từng tù tội
Báo Tuổi trẻ Thủ đô số 926, ra ngày 15/7 có đăng bài phản ánh: “Phó bí thư Đoàn bị Công an xã đánh đập, còng tay ở Hà Tĩnh: Người trong cuộc lên tiếng”. Để có câu trả lời trước công luận, Phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô liên hệ và gặp trực tiếp ông Bùi Xuân Thập- Bí thư huyện ủy huyện Thạch Hà trình bày nội dung và xin được xác minh hồ sơ lý lịch Đảng viên của ông Hiểu. Sau khi nghe toàn bộ sự việc, ông Thập đã cử cán bộ đi cùng Phóng viên về tại UBND xã Thạch Ngọc cùng làm rõ. Tuy nhiên, khi đến UBND xã Thạch Ngọc khoảng 3h chiều thì ông Lê Đình Tương- Bí thư Đảng ủy xã không có mặt tại cơ quan, và cũng không ai biết ông đi đâu…?. Chị cán bộ huyện cùng đi đã liên lạc qua điện thoại nhưng vị này trả lời đang bận không về được !. Sau đó chúng tôi trao đổi nội dung, ông Tương hẹn ngày làm việc.
Tại buổi làm việc ngày hôm sau, mặc dù đã trao đổi trước nội dung và có ý kiến chỉ đạo của Bí thư huyện ủy nhưng khi yêu cầu xem hồ sơ lý lịch Đảng viên của ông Hiểu, ông Tương từ chối cung cấp. Lý do đưa ra của ông Tương là phải đích thân ông Thập gọi điện hoặc viết giấy giới thiệu cho ông. Vị này còn lớn tiếng: “các anh đã đảng viên chưa mà đòi kiểm tra hồ sơ đảng viên người khác ”. Sau vài phút, ông Tương đã chịu cung cấp thông tin.
Theo thông tin cung cấp của Đảng ủy xã Thạch Ngọc, thì việc ông Nguyễn Như Hiểu- Phó công an xã, người từng có tiền án, tiền sự là có thật. Tuy nhiên ông Tương giải thích: ông Hiểu mới được chỉ định tạm thời đảm nhiệm, vì ông Cao Hữu Oánh(Phó công an xã) đang tạm thời nghĩ công tác để tham gia học lớp nghiệp vụ, việc bổ nhiệm công an xã là do Đảng ủy chỉ định.
Vấn đề cần phải xem xét là khi chỉ định ông Hiểu đảm nhiệm làm Phó công an xã thì Đảng ủy xã Thạch Ngọc có xem xét lí lịch của ông Hiểu hay không? liệu hồ sơ Đảng viên của ông Hiểu có bỏ qua lí lịch phạm tội trước đó để được kết nạp Đảng và sau đó đưa lên làm Phó công an xã…?. Ông Tương còn cho biết việc chỉ định Phó công an xã là chúng tôi muồn dùng “uy” của ông Hiểu”…?!
Trở lại vụ việc tối ngày 3/7: “Anh Nguyễn Văn Phương- Phó bí thư Đoàn xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà bị hành hung tại một đám cưới ở xã Thạch Ngọc mà theo lời khai của nạn nhân là do lực lượng Công an xã đánh đập ngất xỉu, còng tay vô cớ. Về việc này ông Tương cũng thừa nhận là công an xã Thạch Ngọc có sai.
Theo tố cáo của anh Phương,người tham gia trực tiếp đánh anh trọng thương vào tối hôm đó còn còn có ông Cao Hữu Oánh. Ở thời điểm đó ông Nguyễn Hữu Oánh-Phó công an xã Thạch Ngọc đang tạm thời nghỉ công tác để tham gia học lớp nghiệp vụ 2 năm nên không nằm trong con số biên chế của xã. Vậy, ai cho ông Oánh làm việc đó ?. Mới đây, ông Oánh được Đảng ủy tín nhiệm chỉ định vào vị trí Trưởng công an xã.
Đề nghị cơ quan chức năng Hà Tĩnh sớm làm rõ vụ việc và trả lời trước công luận