LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Viết tiếp bài báo “Lời giải thích không thuyết phục”: TRÊN BẢO DƯỚI KHÔNG NGHE!

Kỳ trước đã đăng tải bài viết “Lời giải thích không thuyết phục” phản ánh những sự bất hợp lý trong việc thu hồi đất nông nghiệp của người dân để xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án xây dựng cầu Bến Thủy II tại thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân – Hà Tĩnh). Tiếp tục điều tra sự việc, chúng tôi còn phát hiện nhiều khuất tất xung quanh vấn đề này.

Khu tái định cư Đê hữu sông Lam trở thành “bãi rác”
nhưng UBND huyện Nghi Xuân vẫn tiếp tục thu hồi đất
ruộng để lập khu tái định cư mới.
 (ảnh: ông Trần Đình Nguyên,Khối trưởng khối phố 4 thị trấn Xuân An)
Huyện Nghi Xuân đã phớt lờ chỉ đạo của tỉnh
          Ngày 22/3/2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND (do Phó chủ tịch Võ Kim Cự ký) về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu tái định cư phục vụ dự án xây dựng cầu Bến Thủy II tại thị trấn Xuân An. Tại khoản 1 điểm 5 của quyết định này đã ghi rõ: vị trí của khu tái định cư thuộc khối phố 2 thị trấn Xuân An, với tổng diện tích 70.500m2. Thế nhưng, trong khi tiến hành thu hồi đất, UBND huyện và Hội đồng giải phóng mặt bằng (Hội đồng GPMB) huyện Nghi Xuân đã tự ý “di chuyển” vị trí của khu tái định cư sang cả khối phố 3 và 4 của thị trấn. Theo Quyết định thu hồi đất số 902/QĐ-UBND của UBND huyện Nghi Xuân (do chủ tịch Nguyễn Hiền Lương ký ngày 11/8/2010) thì vị trí của khu tái định cư không phải chỉ thuộc khối phố 2 mà phần lớn nằm trong phần đất của khối phố 3 và 4 thị trấn Xuân An. Cụ thể là: đất nông nghiệp của các hộ dân khối phố 2 chỉ bị thu hồi 11.193,7 m2 trong khi đó khối 3 bị thu hồi 14.842 m2 và diện tích bị thu hồi ở khối 4 là 25.169,3 m2. Như vậy, vị trí của khu tái định cư theo Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Nghi Xuân đã bị xê dịch, phần lớn nằm trong phần đất của các khối phố 3 và 4 chứ không phải chỉ thuộc khối phố 2 như chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại Quyết định số 769/QĐ-UBND.
          Bất bình trước việc đất ruộng của mình vốn đã hạn hẹp nay lại bị thu hồi một cách bất hợp lý, trong thời gian từ tháng 8/2010 đến nay, người dân các khối phố 2, 3, 4 thị trấn Xuân An đã nhiều lần viết đơn kiến nghị lên UBND huyện Nghi Xuân nhưng vẫn không nhận được ý kiến trả lời. Họ tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 10/12/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 4326/UBND-GT1 giao cho UBND huyện Nghi Xuân chủ trì phối hợp với các sở: Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Kế hoạch và đầu tư, Thanh tra tỉnh và Ban quản lý dự án 85 để tổ chức đối thoại giải quyết các kiến nghị của công dân thị trấn Xuân An về những vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB thuộc dự án cầu Bến Thủy II và phải báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 16/12/2010. Chỉ đạo của tỉnh là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Nghi Xuân lại “quên” không tổ chức đối thoại với công dân để tháo gỡ vướng mắc mà vẫn tiếp tục tiến hành thu hồi đất, mặc cho người dân ra sức phản đối. Và mãi đến ngày 22/4/2011, tức là sau hơn 4 tháng so với thời điểm chỉ đạo của UBND tỉnh thì những người lãnh đạo cao nhất của UBND huyện Nghi Xuân mới chịu “lộ diện” để đối thoại với công dân. Nhưng trong buổi đối thoại đó, thay vì mời các sở, ban ngành liên quan và đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 tham gia như chỉ đạo của UBND tỉnh thì lại chỉ là cuộc “đấu tay đôi” giữa chính quyền huyện Nghi Xuân và những người dân bị thu hồi đất. Ông Nguyễn Thế Khang (người dân khối 4 thị trấn Xuân An) bức xúc nói: “Chúng tôi muốn trực tiếp đối thoại với đại diện chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc nhưng huyện lại không mời chủ đầu tư tham gia mà vẽ địa chỉ cho chúng tôi đến gặp trực tiếp. Đó là một việc làm thể hiện thái độ vô trách nhiệm với người dân và trái với chỉ đạo của tỉnh”.
Những sự “nhầm” đến khó tin
Khu tái định cư Đê hữu sông Lam vẫn còn hàng trăm lô
 bị bỏ hoang nhưng UBND huyện Nghi Xuân vẫn tiếp tục thu hồi
 đất ruộng để lập khu tái định cư mới.
( ảnh: ông Nguyễn Thế Khang, người dân Khối phố 4 thị trấn Xuân An)
          Trở lại buổi làm việc vào ngày 19/4 giữa phóng viên với ông Phan Duy Khương – Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, thành viên Hội đồng GPMB khu tái định cư dự án cầu Bến Thủy II. Khi được hỏi rằng tại sao trong thành phần Hội đồng GPMB không có đại diện các hộ dân bị thu hồi đất như quy định mà lại cử một người dân không có liên quan gì đến phần đất bị thu hồi làm đại diện thì ông Phan Duy Khương lại trả lời một cách rất… ngẫu hứng: “Đó là một sự nhầm lẫn của Hội đồng và do sơ suất của bên tham mưu”.
          Không hiểu “bên tham mưu” mà ông Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An muốn nói là những ai, nhưng chẳng lẽ chính quyền huyện Nghi Xuân lại quan liêu đến mức chỉ định một người dân không có đất bị thu hồi làm thành viên Hội đồng GPMB dự án khu tái định cư cầu Bến Thủy II mà vẫn không hay biết? Điều 32 khoản 2 điểm e Quyết định số 07/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quy định: thành phần Hội đồng bồi thường GPMB cấp huyện phải có “đại diện của những hộ gia đình bị thu hồi đất (từ một đến hai người)”. Điều 25 khoản 2 điểm e Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ cũng quy định rõ vấn đề này. Như vậy là ngay từ khi thành lập Hội đồng GPMB khu tái định cư cầu Bến Thủy II, chính quyền huyện Nghi Xuân đã cố tình vi phạm những quy định của cấp trên.
          Trong quá trình tiến hành thu hồi và bồi thường đất cho các hộ dân, chính quyền và Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân lại tiếp tục “nhầm”, đó là trường hợp xác nhận và chi trả tiền bồi thường đất cho hộ gia đình ông Nguyễn Đình Cúc ở khối phố 4 thị trấn Xuân An. Trên thực tế thì diện tích đất 142 m2 của gia đình ông Nguyễn Đình Cúc là đất mới khai hoang nhưng UBND thị trấn Xuân An vẫn xác nhận rằng đây là diện tích đất đã sử dụng ổn định, lâu dài và Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân vẫn tiến hành bồi thường số tiền 18.161.374 đồng cho diện tích đất nói trên. Và khi sự việc bị người dân phát hiện, khiếu nại thì UBND huyện lại “sửa sai” bằng cách thu hồi của gia đình ông Cúc số tiền 14.484.000 đồng và chỉ để lại cho gia đình ông Cúc 3.677.374 đồng gọi là tiền hỗ trợ đất khai hoang. Trong buổi đối thoại ngày 22/4/2011, ông Lê Duy Việt – Phó chủ tịch huyện, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân đã lý giải việc làm này là “để đảm bảo sự công bằng chung tại thị trấn đối với các hộ tương tự sử dụng sản xuất trên đất khai phá”!?