LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Khuất tất trong việc GPMB xây dựng khu tái định cư dự án cầu Bến Thuỷ II tại Nghi Xuân - Hà Tĩnh: THU HỒI ĐẤT KIỂU “BÍ MẬT, BẤT NGỜ”

Trong khi hàng trăm lô đất phục vụ việc di dời dân tái định cư vẫn bị bỏ hoang và quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng hạn hẹp thì UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại tiếp tục thu hồi 51.205 m2 đất nông nghiệp (trong đó có 33.000 m2 đất chuyên trồng lúa nước 2 vụ) của người dân thị trấn Xuân An để lập khu tái định cư mới phục vụ dự án xây dựng cầu Bến Thuỷ II. Điều đáng nói hơn nữa là cho đến khi được gọi đến nhận tiền bồi thường thì người dân vẫn chưa biết rằng đất ruộng của mình đã bị thu hồi...
 Sự việc bắt đầu từ tháng 8/2010, khi UBND huyện Nghi Xuân ra Quyết định số 902/QĐ-UBND (do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hiền Lương ký ngày 11/8/2010) về việc thu hồi đất đợt 1, để xây dựng khu tái định cư dự án Cầu Bến Thuỷ II tại thị trấn Xuân An. Hơn 40 hộ dân thuộc các tổ dân phố 2, 3, 4 thị trấn Xuân An đã ký đơn gửi tới Báo Tuổi trẻ Thủ đô bày tỏ sự bức xúc vì đất sản xuất của họ vốn đã ít nay lại bị thu hồi một cách bất hợp lý. Cùng với thái độ bất bình đó là sự lo lắng về kế sinh nhai của người dân nơi đây khi tư liệu sản xuất nông nghiệp chính của họ đã bị thu hồi mà mức giá bồi thường lại không thoả đáng.
Ông Nguyễn Văn Dinh đang chỉ về đồng
 lúa 5,1 ha đã bị thu hồi một cách vô lý
Ông Nguyễn Văn Dinh (Tổ 4 - thị trấn Xuân An) cho biết: “Nhà tôi có tới 7 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Nay bị thu hồi thì chỉ còn lại hơn 1 sào trong khi chúng tôi không có nghề gì khác thì không thể sống được. Tại sao UBND huyện lại cứ nhất quyết phải thu hồi ruộng của chúng tôi để làm khu tái định cư trong khi nhiều khu tái định cư trên địa bàn này vẫn còn bỏ trống?”
Đại diện cho những hộ dân có đất bị thu hồi, ông Trần Đình Nguyên - Tổ trưởng tổ dân phố 4 cũng không giấu được sự bức xúc trước những hành vi của Hội đồng GPMB (Hội đồng GPMB) huyện: “Trước khi thu hồi đất, đáng lẽ người dân có đất bị thu hồi phải được thông báo trước nhưng đằng này Hội đồng GPMB và UBND thị trấn Xuân An không hề có thông báo nào đến chúng tôi. Nhiều hộ dân khi được gọi đến ký nhận tiền đền bù, nghe nói được nhận tiền thì cứ đến nhận chứ cũng chẳng biết là nhận tiền gì. Vô lý hơn nữa là trong thành phần của Hội đồng GPMB đáng ra phải có đại diện của các hộ dân có đất bị thu hồi thì UBND huyện lại cử một người dân không có liên quan gì đến việc thu hồi đất của chúng tôi làm đại diện...”
Mang theo những thắc mắc của ông Trần Đình Nguyên, chúng tôi đã tìm gặp ông Phan Duy Khương - Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, thành viên Hội đồng GPMB khu tái định cư. Giải thích về việc chưa thông báo quyết định thu hồi đất mà đã chi trả tiền đền bù, ông Phan Duy Khương khẳng định: “Ngày 11/8/2010 UBND thị trấn nhận được Quyết định thu hồi đất của UBND huyện và đã dán thông báo ở hội quán của các tổ dân phố 2, 3, 4 đồng thời thông báo trên hệ thống truyền thanh của thị trấn. Bắt đầu từ ngày 12/8 thì chúng tôi tiến hành chi trả tiền đền bù”. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cho xem lại bản lưu của tờ thông báo đó thì ông Khương lại biện bạch “Tôi nhầm. Có thể UBND thị chưa phát tờ thông báo xuống các tổ dân phố, nhưng việc thông báo trên hệ thống truyền thanh thì chắc chắn là có” (!?)
Theo tìm hiểu của phóng viên TTTĐ thì để phục vụ cho việc xây dựng cầu Bến Thuỷ II, có 44 hộ dân thuộc tổ dân phố 1 của thị trấn Xuân An phải di dời nhà cửa đến nơi ở mới. Đã di dời dân phục vụ dự án quốc gia thì đương nhiên phải bố trí nơi ở mới cho họ. Nhưng một điều khó hiểu là tại sao chỉ để phục vụ tái định cư cho 44 hộ dân mà chính quyền huyện Nghi Xuân lại thu hồi tới 51.205 m2 đất nông nghiệp của người dân và chia thành 141 lô đất trong khi  vẫn còn hàng trăm lô đất phục vụ tái định cư trên địa bàn thị trấn Xuân An đang bị bỏ trống? Để làm rõ vấn đề này, ngày 20/4/2011, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Duy Việt - Phó chủ tịch UBND huyện, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân. Trong buổi làm việc, ông Lê Duy Việt đã giải thích điều này bằng việc viện dẫn Khoản 2 Điều 35 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ: “Khu tái định cư phải được sử dụng chung cho nhiều dự án”, ông Việt cho rằng sở dĩ huyện quyết định thu hồi tới 51.205 m2 đất là vì ngoài việc phục vụ tái định cư dự án cầu Bến Thuỷ II thì nó còn phục vụ cho nhiều dự án khác trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Dinh (người ngồi bên trái)
đang trình bày sự việc với phóng viên Báo TTTĐ
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng trên địa bàn thị trấn Xuân An đã có một khu tái định cư dự án Đê hữu sông Lam hiện vẫn còn 128 lô đất bỏ trống và một khu dân cư rộng 5000 m2 đã quy hoạch nhiều năm nhưng nay vẫn bỏ hoang. Và giả sử như lời giải thích của ông Lê Duy Việt là hợp lý thì tại sao huyện lại không thực hiện việc di dời 44 hộ dân thuộc diện giải toả dự án cầu Bến Thuỷ II đến những khu tái định cư và khu dân cư vẫn bị bỏ hoang trên địa bàn thị trấn Xuân An mà lại xây dựng khu tái định cư mới? Phải chăng chỉ có khu tái định cư dự án cầu Bến Thuỷ II mới phục vụ cho nhiều dự án, còn các khu tái định cư khác thì chỉ phục vụ cho một dự án duy nhất và để ... “trồng cỏ”? Rõ ràng, những lời giải thích của ông Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân là hết sức mâu thuẫn và đầy tính nguỵ biện!
Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải “Hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp” nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Trong khi Chính phủ đang tìm mọi giải pháp nhằm bảo vệ diện tích đất nông nghiệp thì UBND huyện và Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân lại “thẳng tay” thu hồi 51.205 m2 đất nông nghiệp của người dân thị trấn Xuân An để lập khu tái định cư mà không quan tâm tới các giải pháp khả thi khác. Đây là một hành vi trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước và xâm phạm quyền lợi chính đáng của người nông dân.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

BỆNH VIỆN ĐA KHOA HUYỆN KỲ ANH (HÀ TĨNH): CHƯA XÂY XONG ĐÃ HỎNG!

Rấm nước trần nhà toàn diện, nứt tường, dây điện hỏng, ống nước vỡ, nhà vệ sinh không dùng được vì vỡ nát… là tình trạng chung của toàn bộ hệ thống nhà Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Mặc dù toàn bộ hệ thống này mới được xây dựng và đưa vào sử dụng, có những hạng mục vẫn đang được thi công nhưng đã xuống cấp, bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác giám sát,  thi công của các nhà thầu và các bên liên quan, ảnh hưởng rất lớn đến việc khám và chữa bệnh của bệnh nhân và y, bác sỹ tại bệnh viện.
Bệnh viện mới xây xong đã .. hỏng
Từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu được xây mới, nâng cấp nhiều hạng mục quan trọng như  các khu nhà Khoa Lây, Khoa Dược, Khoa triệt khuẩn, Khoa Nội, khoa xét nghiệm, Trung tâm y tế dự phòng .. với tổng số vốn lên đến hơn 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù chỉ mới đưa vào sử dụng được hơn 1 năm nhưng cho đến nay, tất cả các khu nhà đã xuống cấp và hư hại nghiêm trọng.
Hầu hết, công trình vệ sinh sử dụng loại kém chất lượng
 nên chỉ được một thời gian đã hư hỏng, vô dụng.
 (Ảnh chụp tại Khoa Sản)
  Theo quan sát, tại tất cả các tầng của các khu nhà nói trên, hệ thống trần nhà xảy ra tình trạng rấm nước, nhiều phòng bệnh lớp mốc meo đã bám đầy trần nhà, mỗi khi mưa nước nhỉ xuống giường gây ra rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Tại Khoa lây, Khoa triệt khuẩn, nhìn bề ngoài khu nhà trông khang trang nhưng khi bước vào bên trong mới thấy được nỗi cực nhọc mà những bệnh nhân phải nằm điều trị nơi đây gặp phải. Hầu hết, hệ thống nhà vệ sinh của các phòng bệnh đã rơi vào tình trạng “tật nguyền”, các nắp sứ bồn cầu đã bật tung, vụn vỡ, vòi nước thì không thể sử dụng. Không những thế, hệ thống xử thí nước thải được thiết kế chạy thẳng ra phía bên ngoài, tất cả rác thải y tế được tuồn thẳng ra khu đất phía đằng sau, ruồi nhặng, mùi hôi thối bay xộc thẳng lên mũi bệnh nhân khiến không khí càng ngột ngạt.
Chị Trần Thị Thủy, quê xã Kỳ Phú (Kỳ Anh) có con mắc bệnh sưởi đang điều trị tại Khoa lây, Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh được hơn 3 ngày nhưng luôn đứng ngồi không yên. Chị Thủy luôn ở trong trạng thái “mất ăn mất ngủ” từ hệ thống cơ sở vật chất của bệnh viện mang lại. “Sợ nhất là những lúc mưa xuống và con đòi đi vệ sinh. Nhiều lúc đang ngủ với con mà nước trên trần nhỏ xuống ướt hết chăn. Đã thế, mỗi lần đi vệ sinh là phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi “giải quyết” vì nhà vệ sinh trong phòng đã hỏng từ lâu. Đi bệnh viện như thế này thì khổ quá chú à”, bác Thủy chia sẻ.
Toàn bộ hệ thống điện chạy ngầm đã hỏng
Không chỉ riêng khu nhà Khoa lây, tại các khu nhà Khoa Dược, Khoa xét nghiệm, Trung tâm y tế dự phòng .. hiện tượng trần nhà rấm nước cũng được “tái diễn” với tần suất dày đặc hơn. Đặc biệt, tất cả hệ thống điện được mắc ngầm trong tường nay đã vô dụng mà thay vào đó là những công tắc điện được nối chằng chịt phía bên ngoài, tiềm ẩn nguy hiểm cho người sử dụng. Trên các bức tường đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, có nhiều vết rạn nứt sâu, dài hơn 3 mét. Hầu hết, độ an toàn của các khu nhà đang nằm trong mức báo động nguy hiểm.
Gặp chúng tôi tại Bệnh viện, Bác sĩ Lê Thanh Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh còn cho biết rằng không chỉ hệ thống trần nhà được xây dựng kém chất lượng, nhiều hạng mục khác của công trình vừa xây dựng xong đã xuống cấp. Tương tự, như tại nhiều khoa, hệ thống đèn điện mất chức năng, tường bị bong tróc, ống dẫn nước thải bị hư hỏng, hoen rỉ, thấm nước chảy lênh láng ra bên ngoài, vừa nguy hiểm, vừa rất mất vệ sinh, mỹ quan...
Cần làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm
Toàn bộ bệnh viện mới xây trần đều bị rấm nước
Được biết, các hạng mục công trình của Bệnh viên Đa khoa huyện Kỳ Anh được xây dựng bởi nhiều nhà thầu xây dựng khác nhau. Trong đó có nhiều nhà thầu tên tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Khi chúng tôi vào chụp ảnh, lấy hình, nhiều bệnh nhân đã bộc lộ bức xúc trước tình trạng hư hại của Bệnh viện và thái độ coi thường sức khỏe cũng như tính mạng người dân của nhà thầu. Hầu hết, các bệnh nhân cho biết rằng dù muốn hay không, họ vẫn phải vào đây khám bệnh và điều trị tại bệnh viện. Ngoài những cơn đau vật vã của bệnh tật, họ còn phải chịu đựng những cực nhọc, phiền hà từ các công trình sinh hoạt mang lại, rồi cả tính mạng luôn phải “treo dưới” hàng ngàn khối bê tông có thể sập bất cứ lúc nào.
Hơn nữa, do công trình mới được xây dựng trên nền bệnh viện cũ, nên cảnh vừa đập phá, vừa xây dựng đã gây tiếng ồn và mất an toàn thường xuyên kéo dài nhiều năm trong bệnh viện. Một không gian thoáng đãng, yên bình của bệnh viện đã bị đánh mất, tạo ra cảnh "nham nhở" hết sức bề bộn, ngổn ngang, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám, điều trị người bệnh...
Hệ thống nước thải được thiết kế chạy thẳng ra phía 
bên ngoài,mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
(Ảnh chụp tại Khoa Lây)
       Việc đầu tư xây mới cơ sở vật chất của bệnh viện đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân là điều cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, do kiểu làm ăn qua loa, không coi trọng chất lượng xây dựng, không có trách nhiệm đối với công trình được giao, sự gian dối của các nhà thầu đã làm cho toàn bộ hệ thống nhà mới xây của bệnh viện đa khoa Kỳ Anh nằm chung tình trạng hư hỏng khó khắc phục. Dư luận đang đặt câu hỏi vì sao tình trạng hư hỏng, xuống cấp tại Bệnh viện Kỳ Anh xảy ra có tính hệ thống như vậy nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào phát hiện và có biện pháp xử lý ?.
Có thể thấy, trong quá trình thi công xây dựng các hạng mục công trình của Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, các đơn vị tư vấn, giám sát thi công đã tiến hành kiểm tra, giám sát không sát sao và mang hình thức chiếu lệ nên mới để nhà thầu xây dựng nhiều hạng mục kém chất lượng đến như vậy ? Tiếp đến, trong quá trình nghiệm thu công trình, đơn vị kiểm tra, thẩm định chất lượng lại quá dễ dãi bỏ qua nhiều sai phạm trước một công trình tồn tại nhiều bất cập và cho đưa vào sử dụng. Việc các nhà thầu xây dựng và các đơn vị tư vấn, giám sát, nghiệm thu công trình không thực hiện đúng chức năng của mình là coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân, hầu hết là những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Tường nứt khắp nơi

Theo Bác sỹ Thái Phong Vũ, Phó giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Kỳ Anh cho biết: “Hiện tượng hư hỏng và xuống cấp tại các hạng mục công trình trong bệnh viện đã được lãnh đạo Bệnh viện báo cáo lên UBND huyện. Nhưng do chi phí sửa chữa quá cao nên nằm ngoài khả năng và phải tiếp tục .. chờ”. Trong khi chờ đủ kinh phí thì bệnh nhân và các y, bác sỹ tại bệnh viện  phải gồng mình chịu đựng “cực hình” từ hệ quả mà các nhà thầu xây dựng để lại. Đề nghị các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan trong việc xây dựng các công trình tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, nhằm có biện pháp xử lý nghiêm minh, củng cố lòng tin và đảm bảo tính mạng của bệnh nhân, người thân khi đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện.