LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Khuất tất trong việc GPMB xây dựng khu tái định cư dự án cầu Bến Thuỷ II tại Nghi Xuân - Hà Tĩnh: THU HỒI ĐẤT KIỂU “BÍ MẬT, BẤT NGỜ”

Trong khi hàng trăm lô đất phục vụ việc di dời dân tái định cư vẫn bị bỏ hoang và quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng hạn hẹp thì UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại tiếp tục thu hồi 51.205 m2 đất nông nghiệp (trong đó có 33.000 m2 đất chuyên trồng lúa nước 2 vụ) của người dân thị trấn Xuân An để lập khu tái định cư mới phục vụ dự án xây dựng cầu Bến Thuỷ II. Điều đáng nói hơn nữa là cho đến khi được gọi đến nhận tiền bồi thường thì người dân vẫn chưa biết rằng đất ruộng của mình đã bị thu hồi...
 Sự việc bắt đầu từ tháng 8/2010, khi UBND huyện Nghi Xuân ra Quyết định số 902/QĐ-UBND (do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hiền Lương ký ngày 11/8/2010) về việc thu hồi đất đợt 1, để xây dựng khu tái định cư dự án Cầu Bến Thuỷ II tại thị trấn Xuân An. Hơn 40 hộ dân thuộc các tổ dân phố 2, 3, 4 thị trấn Xuân An đã ký đơn gửi tới Báo Tuổi trẻ Thủ đô bày tỏ sự bức xúc vì đất sản xuất của họ vốn đã ít nay lại bị thu hồi một cách bất hợp lý. Cùng với thái độ bất bình đó là sự lo lắng về kế sinh nhai của người dân nơi đây khi tư liệu sản xuất nông nghiệp chính của họ đã bị thu hồi mà mức giá bồi thường lại không thoả đáng.
Ông Nguyễn Văn Dinh đang chỉ về đồng
 lúa 5,1 ha đã bị thu hồi một cách vô lý
Ông Nguyễn Văn Dinh (Tổ 4 - thị trấn Xuân An) cho biết: “Nhà tôi có tới 7 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 sào ruộng. Nay bị thu hồi thì chỉ còn lại hơn 1 sào trong khi chúng tôi không có nghề gì khác thì không thể sống được. Tại sao UBND huyện lại cứ nhất quyết phải thu hồi ruộng của chúng tôi để làm khu tái định cư trong khi nhiều khu tái định cư trên địa bàn này vẫn còn bỏ trống?”
Đại diện cho những hộ dân có đất bị thu hồi, ông Trần Đình Nguyên - Tổ trưởng tổ dân phố 4 cũng không giấu được sự bức xúc trước những hành vi của Hội đồng GPMB (Hội đồng GPMB) huyện: “Trước khi thu hồi đất, đáng lẽ người dân có đất bị thu hồi phải được thông báo trước nhưng đằng này Hội đồng GPMB và UBND thị trấn Xuân An không hề có thông báo nào đến chúng tôi. Nhiều hộ dân khi được gọi đến ký nhận tiền đền bù, nghe nói được nhận tiền thì cứ đến nhận chứ cũng chẳng biết là nhận tiền gì. Vô lý hơn nữa là trong thành phần của Hội đồng GPMB đáng ra phải có đại diện của các hộ dân có đất bị thu hồi thì UBND huyện lại cử một người dân không có liên quan gì đến việc thu hồi đất của chúng tôi làm đại diện...”
Mang theo những thắc mắc của ông Trần Đình Nguyên, chúng tôi đã tìm gặp ông Phan Duy Khương - Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An, thành viên Hội đồng GPMB khu tái định cư. Giải thích về việc chưa thông báo quyết định thu hồi đất mà đã chi trả tiền đền bù, ông Phan Duy Khương khẳng định: “Ngày 11/8/2010 UBND thị trấn nhận được Quyết định thu hồi đất của UBND huyện và đã dán thông báo ở hội quán của các tổ dân phố 2, 3, 4 đồng thời thông báo trên hệ thống truyền thanh của thị trấn. Bắt đầu từ ngày 12/8 thì chúng tôi tiến hành chi trả tiền đền bù”. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu cho xem lại bản lưu của tờ thông báo đó thì ông Khương lại biện bạch “Tôi nhầm. Có thể UBND thị chưa phát tờ thông báo xuống các tổ dân phố, nhưng việc thông báo trên hệ thống truyền thanh thì chắc chắn là có” (!?)
Theo tìm hiểu của phóng viên TTTĐ thì để phục vụ cho việc xây dựng cầu Bến Thuỷ II, có 44 hộ dân thuộc tổ dân phố 1 của thị trấn Xuân An phải di dời nhà cửa đến nơi ở mới. Đã di dời dân phục vụ dự án quốc gia thì đương nhiên phải bố trí nơi ở mới cho họ. Nhưng một điều khó hiểu là tại sao chỉ để phục vụ tái định cư cho 44 hộ dân mà chính quyền huyện Nghi Xuân lại thu hồi tới 51.205 m2 đất nông nghiệp của người dân và chia thành 141 lô đất trong khi  vẫn còn hàng trăm lô đất phục vụ tái định cư trên địa bàn thị trấn Xuân An đang bị bỏ trống? Để làm rõ vấn đề này, ngày 20/4/2011, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Duy Việt - Phó chủ tịch UBND huyện, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân. Trong buổi làm việc, ông Lê Duy Việt đã giải thích điều này bằng việc viện dẫn Khoản 2 Điều 35 Nghị định 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ: “Khu tái định cư phải được sử dụng chung cho nhiều dự án”, ông Việt cho rằng sở dĩ huyện quyết định thu hồi tới 51.205 m2 đất là vì ngoài việc phục vụ tái định cư dự án cầu Bến Thuỷ II thì nó còn phục vụ cho nhiều dự án khác trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Dinh (người ngồi bên trái)
đang trình bày sự việc với phóng viên Báo TTTĐ
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng trên địa bàn thị trấn Xuân An đã có một khu tái định cư dự án Đê hữu sông Lam hiện vẫn còn 128 lô đất bỏ trống và một khu dân cư rộng 5000 m2 đã quy hoạch nhiều năm nhưng nay vẫn bỏ hoang. Và giả sử như lời giải thích của ông Lê Duy Việt là hợp lý thì tại sao huyện lại không thực hiện việc di dời 44 hộ dân thuộc diện giải toả dự án cầu Bến Thuỷ II đến những khu tái định cư và khu dân cư vẫn bị bỏ hoang trên địa bàn thị trấn Xuân An mà lại xây dựng khu tái định cư mới? Phải chăng chỉ có khu tái định cư dự án cầu Bến Thuỷ II mới phục vụ cho nhiều dự án, còn các khu tái định cư khác thì chỉ phục vụ cho một dự án duy nhất và để ... “trồng cỏ”? Rõ ràng, những lời giải thích của ông Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân là hết sức mâu thuẫn và đầy tính nguỵ biện!
Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 18/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải “Hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp” nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Trong khi Chính phủ đang tìm mọi giải pháp nhằm bảo vệ diện tích đất nông nghiệp thì UBND huyện và Hội đồng GPMB huyện Nghi Xuân lại “thẳng tay” thu hồi 51.205 m2 đất nông nghiệp của người dân thị trấn Xuân An để lập khu tái định cư mà không quan tâm tới các giải pháp khả thi khác. Đây là một hành vi trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước và xâm phạm quyền lợi chính đáng của người nông dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề báo đã nhận được nhận xét của bạn, xin trân trọng cảm ơn!