LỜI NGỎ

TÔI MUỐN SỐNG TỐT TRÊN QUAN ĐIỂM: XÂY DỰNG LÀ ĐẬP BỎ ĐI NHỮNG CÁI LỖI THỜI VÀ XẤU XÍ ĐỂ LÀM LẠI CÁI MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ VÀ NHU CẦU CỦA THỜI ĐẠI CHỨ KHÔNG PHẢI BÔI VÔI, TRÁT VE LÊN NHỮNG CÁI TỤT HẬU KIA! ..."NẾN CÓ THỂ CONG, NHƯNG LỬA THÌ PHẢI THẲNG"...

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Nghi Xuân (Hà Tĩnh): QUAN LIÊU ĐẾN THẾ LÀ CÙNG

Năm 2009, huyện Nghi Xuân tiến hành đền bù GPMB những hộ dân nằm trên tuyến để xây dựng tuyến đê hữu sông Lam. Ông ông Lê Dương Liễu (thương binh hạng 1/4, khối 11 - Thị trấn Xuân An, Nghi Xuân - Hà Tĩnh) thuộc diện phải thu hồi gần hàng chục nghìn m2 đất sản xuất. Tuy nhiên, UBND thị trấn Xuân An và ông Trưởng ban đền bù GPMB huyện Nghi Xuân đã cố tình làm sai sự thật, thiếu trách nhiệm khiến ông Liễu mất trắng toàn bộ số diện tích đất nói trên.

Đơn phương phá bỏ hợp đồng
Theo đơn thư của ông Lê Dương Liễu gửi Báo TTTĐ, ngày 29 tháng 1 năm 1994 giữa ông và UBND xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An) đã ký kết hợp đồng cho thuê đất với thời hạn 25 năm. Hợp đồng này cho phép ông Liễu sử dụng diện tích đất 10.500m2 đất hoang ở khu vực Sào Cao (thuộc xã Xuân An, nay là thị trấn Xuân An) để sản xuất gạch trong thời gian 25 năm. Nhưng đến ngày 08/6/2009, UBND thị trấn Xuân An lại ra Thông báo số 32/TB-UBND về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đất sản xuất gạch với ông Liễu khi hợp đồng này còn 11 năm hiệu lực. Lý do mà UBND thị trấn đưa ra là ông Liễu không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính được thoả thuận trong hợp đồng. Mặc dù cho đên nay ông Liễu vẫn không hề nhận được thông báo nào dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng thuê đất nói trên. Theo đó, UBND thị trấn Nghi Xuân thu hồi toàn bộ phần đất này mà không đền bù đất và thiệt hại kinh tế cho ông Liễu.
Xin được nói rõ mục đích, tình tiết trong việc thu hồi đất ông Liễu của thị trấn Xuân An. Khu đất sản xuất gạch của ông Liễu đang thuộc diện giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đê hữu Sông Lam. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã trả tiền đền bù thiệt hại về hoa lợi có trên đất cho ông Liễu với số tiền 329.067.478 đồng. Nhưng theo ông Liễu thì ông phải được bồi thường về diện tích đất mà ông đã hợp đồng với xã Xuân An (nay là thị trấn Xuân An). Yêu cầu này của ông Liễu không được Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng chấp nhận, để rồi hàng ngày người thương binh này vẫn phải mang đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy lý do chấm dứt hợp đồng sản xuất gạch với ông Liễu mà UBND thị trấn Xuân An nêu ra trong Thông báo số 32/TB-UBND là không thuyết phục và không có cơ sở. Từ năm 1994 đến nay, trừ những năm được miễn giảm do thiên tai, tai nạn lao động, ngoài ra mỗi năm ông Liễu còn được miễn giảm 3 tháng không đóng nộp thì ông Liễu luôn thực hiện đầy đủ việc đóng nộp theo điều khoản của hợp đồng đã ký ngày 29/1/1994 (có chứng từ nộp thuế đầy đủ). Vì vậy, việc UBND thị trấn Xuân An cho rằng: “ông Lê Dương Liễu không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo nội dung điều khoản trong hợp đồng sản xuất gạch” và đơn phương phá vỡ hợp đồng trước thời hạn là hoàn toàn không có cơ sở. Và việc UBND thị trấn Xuân An tự ý phá vỡ hợp đồng và buộc ông Lê Dương Liễu phải ngừng sản xuất gạch, thu dọn tài sản đã đẩy người thương binh vốn đã mất tới 85% sức lực trong chiến tranh lại càng thêm điêu đứng vì nợ nần.

Cố tình làm giả hồ sơ, thiếu trách nhiệm
Trong đơn gửi Báo TTTĐ và các cơ quan chức năng Hà Tĩnh ông Liễu còn tố cáo chính quyền thị trấn Xuân An đã cố tình làm giả hồ sơ, biên bản giao đất để không tiến hành đền bù hơn 30 nghìn m2 đất cho ông. Trong đơn ghi rõ, ngày 19/7/1996 ông làm tờ trình xin mua thêm đất hoang hóa để sản xuất gạch. Ngày 09/ 5/ 1997 tại trụ sở UBND Thị trấn Xuân An, UBND thị trấn đã tổ chức cuộc họp để giải quyết vấn đề trên. Tại cuộc họp này, UBND thị trấn Xuân An mà cụ thể là ông Đậu Hữu Thân - Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An đã đồng ý các khoản như sau: Bán cho ông Liễu 1.650m2 (11m x 150m) đất với giá 8.250.000đ và diện tích 22.500m2 (150m x 150m) với giá 12.000.000đ (cả 2 diện tích này đều nằm tiếp giáp với diện tích 10.500m2 ông đã thuê) . Tuy nhiên, khi tiến hành đền bù, ông Phan Duy Khương – Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An lại đưa ra một biên bản không rõ nguồn gốc, khác với biên bản mà ông Liễu cung cấp. Biên bản này chỉ thể hiện việc ông Liễu thuê diện tích đất này chứ chưa hề mua như ông Liễu nói. Trả lời PV về vấn đề này, ông Khương cho rằng vì không có biên bản cũ nên đành dùng tạm biên bản này. Điều lạ là, những người có chức quyền tại huyện Nghi Xuân cho rằng chưa hề thấy biên bản gốc trong khi đó ông Liễu đã nhiều lần cung cấp.
Ông Liễu cho rằng, trong sự việc này, chính ông Lê Duy Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban giải phóng đền bù huyện Nghi Xuân đã thiếu trách nhiệm trong xử lý hồ sơ gây hậu quả nghiêm trọng cho ông. Cụ thể, đã rất nhiều lần hồ sơ khiếu nại của ông được chuyển lên ông Việt nhưng ông này không ngó ngàng đến. Khi PV hỏi về vấn đề này, thậm chí ông này còn hết sức mù mờ về hồ sơ của ông Liễu. Ông Việt cho rằng: “Trường hợp gia đình ông Liễu thuộc diện không được đền bù và không có cơ sở pháp lý để đền bù. Với việc đền bù tài sản trên đất huyện đã làm tròn trách nhiệm, mọi thắc mắc ông Liễu có thể kiện ra tòa...”. Nói như vậy, để thấy rằng UBND huyện Nghi Xuân chỉ quan tâm đến công trình của mình có hoàn thành tiến độ hay không, chuyện của ông Liễu nếu không giải quyết được với xã thì đưa nhau ra tòa chứ huyện không có trách nhiệm trong vấn đề này. Điều đáng bàn là, mới đây nhất, nhằm xúc tiến quá trình khiếu nại của ông Liễu, UBND huyện Nghi Xuân lại tiếp tục giao cho ông Việt đứng ra giải quyết vấn đề này. Dư luận và ông Liễu đặt câu hỏi là, liệu ông Việt có đủ năng lực, sự khách quan trong việc xử lý vụ việc này !?
Công trình Đê hữu sông Lam là một dự án quan trọng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt. Thiết nghĩ, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cần thực hiện một cách nghiêm túc, hợp tình hợp lí để không làm thiệt thòi quyền lợi của người dân và để cho công trình được xây dựng đúng tiến độ. Việc khiếu nại kéo dài của ông Lê Dương Liễu sẽ không xảy ra nếu như chính quyền thị trấn Xuân An thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các thủ tục, văn bản liên quan đến hợp đồng sản xuất gạch với ông Liễu.

Bá Thanh



BÍ THƯ HUYỆN ỦY KỲ ANH (HÀ TĨNH): KHAI MAN LÝ LỊCH HAY LÀ…DỐT

Vị Bí thư huyện ủy Kỳ Anh đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng tại tỉnh Hà Tĩnh, đến nay đã 56 tuổi vẫn chưa có nổi một tấm bằng Đại học hay Cao đẳng. Thế nhưng, trong hồ sơ cán bộ, Đảng viên ông lại khai rằng trình độ học vấn cao nhất của mình là “Đại học kinh tế quốc dân”. Vị Bí thư này đã “mập mờ đánh lận con đen” để lừa lãnh đạo tỉnh.

Có hay không việc gian lận hồ sơ?
Ông Phan Bình Minh-Bí thư
 huyện ủy Kỳ Anh 
Ông Phan Bình Minh qua quá trình công tác đã lần lượt trải qua nhiều chức vụ quan trọng tại huyện Kỳ Anh cũng như tỉnh Hà Tĩnh: Bí thư thị trấn Kỳ Anh, trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, trưởng ban tổ chức huyện ủy, phó chủ tịch huyện, trưởng ban tôn giao dân tộc tỉnh, phó bí thư huyện ủy và sau đó là bí thư huyện ủy cho đến nay. Ngày 30/6/2010, Văn phòng đại diện Bắc Trung bộ- Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô nhận được đơn tố cáo từ người dân Kỳ Anh về việc ông Minh- một bí thư huyện ủy mà cho đến nay vẫn không có bằng đại học. Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV TTTĐ đã có buổi làm việc với vị bí thư huyện này, tại cơ quan huyện ủy, ông Minh đã cung cấp cho PV toàn bộ hồ sơ giấy tờ mà ông có và ông khẳng định rằng mình không sai.
Trong bản sơ yếu lý lịch ông khai tháng 11/ 2001, lúc đó ông đang là Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện: Trình độ học vấn 10/10, học hàm học vị cao nhất: Đại học kinh tế quốc dân. Và đã được ông Thiều Đình Duy, lúc đó là bí thư huyện ủy xác nhận. Tuy nhiên, khi được yêu cầu xem các loại văn bằng, chứng chỉ gốc để xác thực việc ông khai là đúng, và những thứ chúng tôi được xem chỉ toàn là chứng chỉ và giấy chứng nhận. Khi được hỏi tại sao ông chỉ mới có giấy chứng nhận đã học xong lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế bằng hình thức tại chức nhưng lại khai trong hồ sơ là Đại học kinh tế quốc dân? Ông cho rằng vì thấy trong giấy đó có ghi “Trường đại học kinh tế quốc dân” nên tôi ghi thế. Nói như ông, tất cả mọi loại giấy chứng nhận các lớp bồi dưỡng kiến thức của các trường đại học đều có thể thay thế được bằng cử nhân hay sao.
Ngày 02/7/2010, chúng tôi đã có cuộc làm việc với TS.Lê Anh Tuấn- Trưởng phòng công tác chính trị và quản lý sinh viên trường Đại học kinh tế quốc dân, ông khẳng định: “Rõ ràng nếu ông ta khai như thế là khai man, nếu ông không có bằng cử nhân của Đh kinh tế quốc dân thì ông không thể có trình độ Đh kinh tế quốc dân được. Với giấy chứng nhận này, ông ta mới chỉ được gọi là đã qua lớp bồi dưỡng kiên quản lý kinh tế của trường ĐH KTQD mà thôi”.
Đây là thứ ông Phan Bình Minh sử dụng để nói rằng mình
có trình độ Đại học KTQD
 Theo những gì ông Phan Bình Minh cung cấp, giấy tờ của ông chỉ có 02 thứ được gọi là bằng đó là bằng Trung cấp và Cao cấp lý luận chính trị còn lại đều là chứng chỉ và giấy chứng nhận. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi chứng thực được rằng một vị Bí thư huyện ủy lại không có nổi một tấm bằng đại học. Và không hiểu vì sao, suốt một thời gian dài qua nhiều chức vụ quan trọng như thế mà lãnh đạo tỉnh không hề hay biết.
Đặt vấn đề trình độ của cán bộ, ông Trần Nam Hồng- Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hà Tĩnh nói: “Việc tuyển chọn cán bộ của Hà Tĩnh dựa trên trình độ và nhiều điều kiện khác, không có văn bản nào quy định về bằng cấp nhưng nếu một Chủ tịch hay Bí thư huyện ủy mà không có bằng đại học thì không được xét là có trình độ. Và nếu như không có bằng cử nhân mà khai trong hồ sơ là trình độ đại học có nghĩa là giả mạo hồ sơ. Những người như thế phải bị kỷ luật thích đáng”.

Từ việc không có trình độ đã dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý
Hồ sơ Đảng viên khai trình độ ĐH KTQD
Trong số báo ngày 07/6/2010, báo Tuổi Trẻ Thủ Đô có đang tải bài viết: “Bí thư huyện ủy Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho lập quỹ đen?” nêu vấn đề ông Bí thư này đã cho thuê nhà công vụ huyện ủy, nhưng số tiền thu được không nộp vào ngân sách mà để cho công đoàn “tiêu vặt”. Về vấn đề này ông Lê Văn Chất- Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trả lời: “đây là việc làm hoàn toàn vi phạm pháp luật, sai nguyên tắc tài chính. Tất cả các nguồn thu như trên đều phải nộp vào ngân sách và được chi bằng quyết định của chủ tịch”. Thế nhưng khi trao đổi lại vấn đề này với ông Minh, ông vẫn bảo thủ cho rằng mình không sai và nói: “Ông Chất nói thế là không được, huyện cũng phải có cái quyền của huyện chứ…”. Nói như vậy thể hiện một nhận thức rất mù mờ về pháp luật của vị bí thư này. Thậm chí ông đã tự cho mình một cái quyền trùm lên trên pháp luật nhà nước.
Cũng trong bài viết ngày 07/6/2010, có đề cập đến việc huyện ủy Kỳ Anh mua xe công sai nguyên tắc, huyện này đã mua một chiếc xe có giá trị hơn 01 tỷ đồng (vượt gấp đôi giá trị cho phép theo quy định của Thủ tướng Chính phủ). Được hỏi vì sao khi các anh mua xe vượt quá 500 triệu mà không tổ chức đấu thầu theo quy định của Bộ Tài chính, ông Minh đã tỏ vẻ ngạc nhiên khi PV nói về Thông tư 63/2007/TT-BTC ban hành ngày 15/6/2007 và lảng tránh câu trả lời. Đây mới chỉ là những sai phạm bị phát hiện, ai có thể giám chắc rằng trong suốt thời gian làm quản lý của ông không còn việc làm nào không đúng?
Không hiểu vị Bí thư này có “bản lĩnh” như thế nào mà có thể “chui sâu, leo cao” đến thế, nhưng qua những gì ông ta làm thể hiện việc cần thiết phải rà soát lại trình độ cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở và chặt chẽ hơn trong việc bổ nhiệm.

Bá Thanh